Nổi bật trong số 21 lãnh đạo các nền kinh tế tham gia APEC 2017 tại Đà Nẵng là 3 'bóng hồng quyền lực' đến từ New Zealand, Hong Kong và Chile.
Tân Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern
Bà Jacinda Ardern, tân Thủ tướng 37 tuổi của New Zealand lần đầu tham dự APEC và cũng là nhà lãnh đạo trẻ nhất từng tham dự một kỳ APEC.
Bà được đánh giá sẽ tạo ra sự tương phản lớn khi cùng phần đông lãnh đạo nam giới ở độ tuổi trung niên tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Đà Nẵng.
Bà Ardern bắt đầu tham gia Công Đảng năm 17 tuổi và được bầu vào Quốc hội năm 2008, có công lớn vực dậy Đảng này, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua.
Bà Jacinda Ardern là lãnh đạo trẻ nhất tham dự APEC 2017
2017 là một năm thành công vượt bậc của bà Ardern, khởi đầu bằng cuộc biểu tình của phụ nữ New Zealand phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump và tiếp theo là 2 chiến thắng bầu cử.
Trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra, bà Ardern mới chỉ lãnh đạo đảng Lao động khoảng 80 ngày. “Hiện tượng” của bà Jacinda Ardern được ví với sự thay đổi lãnh đạo thế hệ mới, trẻ và táo bạo như ở Canada, Pháp, Áo.
Sau khi đắc cử thủ tướng, bà Jacinda Ardern tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ liên minh lâu dài, vững mạnh để phục vụ mọi người dân New Zealand và chính quyền mới sẽ tận dụng mọi cơ hội để xây dựng đất nước New Zealand có một xã hội công bằng, ngày càng phát triển hơn.
Trong tuần trước, bà được tạp chí Mỹ Forbes bình chọn là người phụ nữ quyền lực thứ 13 trong giới chính trị thế giới.
Tổng thống Chile Michelle Bachelet
Bà Michelle Bachelet (66 tuổi), đương kim Tổng thống Cộng hòa Chile, là một trong 3 nữ lãnh đạo tham dự Tuần lễ cấp cao APEC. Bà có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam vào ngày 8/11 theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
TPP sẽ là một vấn đề được bà Bachelet quan tâm khi tham dự APEC 2017, bởi đây được coi là cơ hội để các thành viên TPP thuyết phục Tổng thống Donald Trump đưa Mỹ trở lại hiệp định.
Hôm qua, Tổng thống Michelle Bachelet Jeria tới sân bay quốc tế Nội Bài (Ảnh: Người lao động)
Nữ Tổng thống Michelle Bachelet là một chính khách nổi tiếng. Bà là con gái của Thiếu tướng Không quân Alberto Bachelet và nhà khảo cổ học Angela Jeria. Trong các năm 2002-2004, bà là nữ bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Chile.
Tháng 12/2005, bà đắc cử Tổng thống Chile, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Cộng hòa Chile. Tháng 3/2006, bà chính thức nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ (3/2006-3/2010). Tháng 8/2010, bà là Chủ tịch Nhóm cố vấn cao cấp về sáng kiến an sinh xã hội của Liên Hợp Quốc.
Từ tháng 9/2010-3/2013, bà là Phó Tổng Thư ký, Giám đốc Chấp hành Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc. Ngày 15/12/2013, bà đắc cử Tổng thống Chile tại bầu cử vòng 2. Tháng 3/2014, bà chính thức nhậm chức Tổng thống Chile nhiệm kỳ 2 (2014-2018).
Bà luôn đi đầu trong việc đảm bảo mang lại lợi ích cho tất cả người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên, người dân tộc thiểu số, nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Bà Bachelet chủ trương tăng thuế để tạo nguồn thu cho việc miễn học phí bậc đại học, cải cách cấu trúc kinh tế và hệ thống chính trị.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) - Đặc khu trưởng Hong Kong
Sáng nay (9-11), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đáp chuyến bay xuống Đà Nẵng để chuẩn bị tham dự APEC CEO Summit (9-11), hội nghị lãnh đạo các nền kinh tế APEC (11-11) và nhiều sự kiện khác trong Tuần lễ cấp cao APEC.
Ảnh: Những hình ảnh đầu tiên của bà Lâm tại Đà Nẵng (Ảnh: Báo Giao thông)
Vừa trở thành Trưởng đặc khu thứ 4 của Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) từ ngày 1/7 vừa qua, đây là lần đầu tiên bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (59 tuổi) tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC.
Bà Lâm được dư luận Hồng Kông đánh giá là chính trị gia có năng lực đoàn kết người dân, đặc biệt là năng lực dung hòa các thế lực chính trị tại hòn đảo này.
Hong Kong gia nhập APEC từ năm 1991. Tỉ trọng thương mại giữa Hồng Kông với các nền kinh tế thành viên APEC chiếm tới 80% giá trị ngoại thương của đặc khu này.
>> Xem thêm: Nữ đặc vụ xinh đẹp của Việt Nam làm "lá chắn sống" tại APEC