Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư đánh giá Trần Phế Đế là vị vua u mê, nhu nhược, không làm nổi việc gì, uy quyền ngày càng về tay kẻ dưới, đến thân mình cũng không giữ được.
Vị vua nhà Trần u mê, nhu nhược và tham lam
Trần Phế Đế (1361 - 1388) còn gọi là Xương Phù Đế hay Trần Giản Hoàng là vị hoàng đế thứ 10 của Vương triều nhà Trần nước Đại Việt. Ông trị vì đất nước Đại Việt hơn 10 năm, đó cũng là giai đoạn lịch sử gặp nhiều biến động, nhà Trần đi vào con đường suy thái
Trần Phế Đế là con thứ của vua Trần Duệ Tông và cháu gọi Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông bằng bác. Năm 1377, Duệ Tông thân đi đánh Chiêm Thành, bị thua chết. Nghệ Tông lập Phế Đế lên làm vua.
Trong thời gian trị vì của Trần Phế Đế, thế lực nhà Trần tụt dốc thảm hại, tạo điều kiện cho giặc Chiêm Thành tràn vào cướp phá, chiếm được cả thành Thăng Long trong một thời gian. Nhưng vua không mấy quan tâm đến chuyện chống giặc mà chỉ lo đem của cải đi cất giấu. Trong triều đình, Trần Nghệ Tông tin yêu người em họ bên ngoại là Lê Quý Ly nên giao cho quyền lực ngày càng lớn.
Tượng vua Trần Phế Đế.
Năm 1381, Phế Đế mở khoa thi thái học sinh nhưng lại lựa chọn những người khỏe mạnh để gia nhập quân đội. Việc làm kì lạ này đã làm mất lòng dân, nản lòng binh sĩ. Triều đình còn tiếp tục cho tăng sưu thuế để cứu kho tàng trống rỗng vì chiến tranh, bắt mỗi suất đinh đóng 3 quan tiền thuế khiến cho nhân dân ngày càng cực khổ.
Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư đánh giá Trần Phế Đế như sau: Vua u mê, nhu nhược, không làm nổi việc gì, uy quyền ngày càng về tay kẻ dưới, xã tắc lung lay, đến thân mình cũng không giữ được.
Bị bác ruột sát hại
Cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành liên tục xảy ra. Các năm 1377, 1378, 1383 người Chiêm Thành liên tục xâm lấn và quấy rối Đại Việt. Trần Phế Đế ngoài việc tổ chức phòng bị đất nước, còn cho sơ tán của cải về các nơi hiểm yếu như: Đem tiền đồng về chôn giấu ở núi Thiên Kiện (Kim Bảng - Hà Nam ngày nay), đưa tượng các tiên đế nhà Trần từ Long Hưng (Thái Bình) về Yên Sinh (Chí Linh, Hải Dương) để tránh giặc Chiêm Thành.
Ở phía Bắc Giang, Nguyễn Bổ nổi loạn, viện quân tới tấp mà kho tàng trống rỗng. Nghe theo lời Đỗ Tử Bình, vua bắt “đinh nam” không phân biệt có ruộng hay không, phải nộp 3 quan tiền một năm, rồi ra lệnh cho các quân sỹ rèn đúc vũ khí, đóng chiến thuyền… Tháng 11/1382, vua xuống chiếu cho quân dân Nghệ An và Diễn Châu đào các kênh ở Hải Tây…
Đây cũng là giai đoạn Hồ Quý Ly bắt đầu đưa vây cánh vào triều chính. Các chức vụ quan trọng của Vương triều nhà Trần lúc bấy giờ không hoàn toàn còn là của người hoàng tộc, thay vào đó là sự hiện của nhiều người trong trăm họ: Đào Sự Tích, Hồ Qúy Ly, Nguyễn Đa Phượng…
Khu Di tích đền Trần Thái Bình. Ảnh: Minh Trị
Năm 1384, nhà Minh bắt đầu đánh Vân Nam và có ý đồ thôn tính Đại Việt. Trong nước lúc này lúng túng, ngoại thích tham gia triều chính và lộng quyền, nhiều tướng lĩnh quý tộc Trần bắt đầu tìm đường ở ẩn. Vua Trần Phế Đế lúc này đã thấy rõ bối cảnh triều chính, Thái thượng hoàng yêu quý người họ ngoại là Hồ Quý Ly, cho tự ý làm gì thì làm, nên vua bàn mưu với Thái úy muốn hại Hồ Quý Ly… Tuy nhiên âm mưu bị bại lộ, Hồ Quý Ly mật tâu với Thượng hoàng.
Sáng sớm ngày 6/12/1388,Thượng hoàng giả cách đi ra Yên Sinh, sai quần thần theo hầu và cử Chi hậu nội nhân gọi vua đến bàn việc nước. Vua chưa kịp ăn sáng, đi ngay, chỉ mang theo hai người hầu. Khi đến nơi, Thượng hoàng nói: “Đại Vương lại đây” rồi sai người đem vua ra giam ở chùa Tư Phúc và xuống chiếu cho toàn dân biết rằng: “Trước kia Duệ Tông đi tuần phương nam không trở về, dùng con đích để nối ngôi là theo đạo thời xưa. Song quan gia từ khi lên ngôi đến giờ vẫn còn trẻ con lắm, giữ đức không thường, thân mật với bọn tiểu nhân, nghe bọn Lê Á Phu, Lê Dữ Nghị gièm pha vu hãm người công thần làm dao động xã tắc nên giáng xuống là Linh Đức Đại vương.
Nhưng nhà nước không thể không có người đứng chủ, ngôi báu không thể bỏ không nên đón Chiêu Định vương vào nối đại thống”. Sau đó Thượng hoàng sai đem vua xuống phủ Thái Dương thắt cổ giết chết.