Ngoài 1001 nghi lễ và thủ tục cần phải trải qua, trước đêm tân hôn với hoàng đế, hoàng hậu thời xưa còn phải ăn một thứ với mục đích sớm sinh con nối dõi tông đường.
Một người phụ nữ được chọn làm vợ của vua tức là sẽ trở thành hoàng hậu, bậc mẫu nghi thiên hạ, người đứng đầu hậu cung, do đó ngay từ khâu chuẩn bị đám cưới đã vô cùng cầu kỳ, phức tạp. Thông thường, đám cưới của người Trung Hoa thời xưa sẽ phải trải qua đủ "lục lễ" (6 lễ) bao gồm: nạp thái (đưa lễ vật ăn hỏi), vấn danh (hỏi tên), bói tử vi (đưa lá số tử vi của cô dâu chú rể tới miếu tổ tiên để bói xem có hợp nhau hay không), nạp chính (nộp tiền), cáo kỳ (chọn ngày) và cuối cùng là thân nghênh (đón dâu).
Tuy nhiên, trên đây là thông lệ của người thường, còn với đám cưới của hoàng đế và hoàng hậu thì được tiến hành cầu kỳ và long trọng hơn rất nhiều. Đám cưới sẽ được bố cáo toàn thiên hạ, lễ vật xin cưới cũng vô cùng đắt đỏ, hiếm có, ngoài ra sẽ không có chuyện hoàng đế đích thân tới đón dâu.
Ở bước đầu tiên là lễ nạp thái, nhà vua sẽ ban tặng cho gia đình người phụ nữ được chọn làm hoàng hậu rất nhiều lễ vật hậu hĩnh như vàng bạc, châu báu, lụa là gấm vóc. Theo tài liệu lịch sử vào thời Đông Hán, Hán Hằng đế Lưu Chí đã ban tặng cho con gái của Lương Ký 20.000 lượng vàng, hàng chục xấp lụa là gấm vóc hiếm có để thể hiện tầm quan trọng của một vị hoàng hậu.
Trong nghi lễ cuối là lễ thân nghinh, chú rể thường tới tận nhà đón dâu nhưng trong hoàng cung thì ngược lại, hoàng hậu sẽ được một người thân trong gia đình rước dâu vào cung. Vào thời nhà Thanh, nghi lễ rước dâu diễn ra vô cùng long trọng vào rắc rối. Kiệu hoa của hoàng hậu phải được rước từ Đại Thanh Môn qua Thiên An Môn, Ngọ Môn tới tận hậu cung. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất hoàng hậu được nhận vinh dự này trong khi các phi tần khác phải đi qua cửa sau của Tử Cấm Thành là Thần Vũ Môn để vào hậu cung.
Phòng hoa chúc của hoàng đế vào hoàng hậu cũng giống như nhiều đám cưới Trung Hoa khác có dán chữ song hỷ, câu đối chúc mừng và trang trí mọi thứ bằng màu đỏ để biểu tượng cho sự may mắn, hạnh phúc. Một vật rất quan trọng là trên giường của đôi phu thê luôn có bộ chăn đệm “bách tử” thêu hình 100 đứa trẻ xinh xắn ở đủ mọi tư thế với mong muốn “đông con nhiều phúc”.
Vào thời Tùy Đường, phòng hoa chúc của hoàng đế và hoàng hậu còn được trang trí thêm rất nhiều bình phong để tăng tính riêng tư cho cô dâu chú rể. Vào thời nhà Thanh, ngoài những đồ vật trang trí màu đỏ thì phòng hoa chúc còn được sơn màu hồng, chữ song hỷ được dán khắp nơi nhằm đem lại may mắn cho đôi phu thê.
Tuy nhiên trước khi bước chân vào phòng tân hôn để động phòng hoa chúc, hoàng hậu luôn phải ăn một thứ. Đây là món ăn vô cùng quen thuộc mà có lẽ nhiều người đã từng ăn, đó là sủi cảo. Nhân của những chiếc sủi cảo này thường là đậu đỏ, đậu phộng hoặc chà là đỏ, hầu hết đều là những thứ màu đỏ, gói vào rồi hấp lên. Ý nghĩa của những chiếc sủi cảo này cũng là mong hoàng hậu sớm hạ sinh thái tử đế kế nghiệp vua cha, do đó đây là một trong những nghi lễ không thể bỏ qua.
Sau khi ăn sủi cảo và vào phòng hoa chúc, hoàng đế và hoàng hậu còn phải uống rượu giao bôi, tuy nhiên không phải tùy tiện làm mà còn phải tuân theo một số quy tắc. Cặp đôi sẽ cùng quỳ hướng về phía bắc và nói “lễ tốt, hưng”, sau đó hoàng đế vào phòng trút bỏ xiêm y trước rồi hoàng hậu mới vào sau. Sau khi trải qua tất cả những nghi lễ này, cặp đôi mới chính thức được động phòng hoa chúc.
Cũng theo phong tục thời xưa, sau đám cưới, hoàng đế và hoàng hậu sẽ phải ở lại trong cung điện Khôn Ninh, nơi đặt phòng hoa chúc một tháng mới được trở về cung của mình. Tuy nhiên vào thời nhà Thanh, chỉ có duy nhất vua Khang Hy tuân thủ theo quy định một tháng này, những người khác chỉ ở lại vài ngày, thậm chí vua Thuận Trị chỉ ở lại đúng 2 ngày là rời đi để lo quốc sự.