Mặc dù là Nữ hoàng đế đầu tiên và duy nhất trong lịch sử vương triều phong kiến Việt Nam nhưng Lý Chiêu Hoàng lại có một cuộc đời rất truân chuyên.
Lý Chiêu Hoàng (SN 1218 – 1278) là vị Hoàng đế thứ 9 và cuối cùng của triều đại nhà Lý (1010- 1225), ngự trị từ năm 1224 đến năm 1225. Bà cũng là Nữ hoàng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử vương triều phong kiến Việt Nam. Thực tế sách sử khi viết về bà chỉ đề cập đến dòng sơ lược về quá trình lên ngôi, chuyển giao ngai vàng cho chồng… khiến hậu thế ít biết về cuộc đời lắm nỗi truân chuyên của bà.
Lý Chiêu Hoàng (SN 1218 – 1278) là vị Hoàng đế thứ 9 và cuối cùng của triều đại nhà Lý.
6 tuổi được cha nhường ngôi vua rồi nhanh chóng chuyển giao cho chồng
Lý Chiêu Hoàng là con gái của vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Khi bà chào đời, nhà Lý đã vào thời kỳ suy tàn. Ông nội của bà, tức Lý Cao Tông được biết đến là ông vua chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, để giặc cướp nổi lên như ong, dân tình đói kém nên cơ nghiệp nhà Lý suy từ đây.
Đến đời cha của Lý Chiêu Hoàng, đất nước càng bi đát, dân chúng lầm than hơn. “Bấy giờ thừa hưởng thái bình đã lâu ngày, giường mối dần bỏ, dân không biết việc binh, giặc cướp nổi lên không ngăn cấm được. Vua mới lên ngôi, đem việc nước giao cho Thái úy Đàm Dĩ Mông. Dĩ Mông là người không có học thức, không mưu thuật lại nhu nhược không quyết đoán khiến chính sự ngày một đổ nát”, Sử viết.
Lý Huệ Tông vào cuối đời thường hay rượu chè, lâm bệnh không thể gánh vác nổi chuyện triều chính. Tháng 10/1224, Trần Thủ Độ - anh họ Hoàng hậu Trần Thị Dung, người nắm quyền lực lớn nhất trong triều đình lúc bấy giờ, đã buộc vua xuống chiếu lập cô công chúa 6 tuổi làm Hoàng Thái tử, sau đó nhường ngôi, lấy niêm hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Đây cũng là thời điểm Lý Chiêu Hoàng bắt đầu trải qua bao sóng gió cuộc đời.
Sau khi được vua cha nhường ngôi, sóng gió cuộc đời bắt đầu đến với Lý Chiêu Hoàng.
Năm 1225, Trần Thủ Độ dàn xếp cho cháu của mình là Trần Cảnh vào cung hầu hạ Lý Chiêu Hoàng. Trần Cảnh được Nữ hoàng thân thiết, yêu mến. Nhân cơ hội đó Trần Thủ Độ dựng lên cuộc hôn nhân giữa Chiêu Hoàng và Trần Cảnh rồi chuyển giao triều chính bằng cách để bà nhường ngôi cho chồng nhưng thực chất là ép buộc.
Tháng 11/1225, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Sau đó triều đình mở hội lớn ở điện Thiên An, các quan chức đều tham gia. Lúc này Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế và trở thành vị vua đầu tiên của nhà Trần, còn bà được sắc phong làm hoàng hậu. Năm 1232, khi 14 tuổi, bà hạ sinh Thái tử Trần Trịnh nhưng mất sau khi sinh không lâu.
Lý Chiêu Hoàng đau ốm suốt 5 năm trời. Khi ấy Trần Thủ độ và mẹ ruột của bà lại bàn kế giữ ngai vàng cho dòng họ nhà Trần nên đã ép Trần Cảnh lấy Thuận Thiên công chúa và giáng Lý Chiêu Hoàng xuống làm công chúa. Bà quyết định xuất gia đi tu, lấy đó là niềm an ủi, hạnh phúc sau hơn 20 năm sống cuộc đời cô độc.
Cái chết đầy bí ẩn
Sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ I (1257 -1258), Lý Chiêu Hoàng được chồng cũ gả lấy Lê Trần Phụ - tức tướng Lê Tần lập nhiều chiến công, đặc biệt là công cứu vua Trần Thái Tông trong một trận đánh khốc liệt.
20 năm chung sống với Lê Phụ Trần, Lý Chiêu Hoàng sinh được 2 người con: một trai, một gái. Con gái là Ứng Thụy công chúa Khuê. Còn con trai là Thượng vị hầu Tông (có nghiên cứu cho rằng người này là danh tướng Trần Bình Trọng nổi tiếng với câu nói: Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi).
Đền Rồng thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng ở Bắc Ninh.
Tháng 3/1278, Lý Chiêu Thông qua đời, hưởng thọ 61 tuổi. Tương truyền, bà về thăm quê Cổ Pháp (Bắc Ninh) thì qua đời tại đó, tóc bà vẫn đen nhánh, môi vẫn đỏ như son, má vẫn tươi như hoa đào. Bà được an táng ở bìa rừng Báng, phía tây Thọ Lăng Thiên Đức. Bà được người đời sau lập đền thờ, gọi là Long miếu (đền Rồng).
Sở dĩ Chiêu Hoàng không được thờ chung tại đền Đô cùng 8 vị vua trước (từ Lý Thái Tổ tới Lý Huệ Tông) mà phải thờ riêng vì bà là người bị xem là có tội với dòng họ khi để mất nhà Lý. Còn theo Giáo sư Sử học Vũ Văn Ninh, có thể vì bà làm vua trong 2 năm nhưng do còn nhỏ nên không có công lao gì với đất nước. Hơn nữa, về sau bà đã nhường ngôi vua, rồi lại bị phế ngôi hoàng hậu, trở thành công chúa và cuối cùng "xuất giá tòng phu" không còn là người trong cung thất nhà Lý.
Sách Việt sử tiêu án có chép lại thuyết dân gian rằng bà đã nhảy hồ tự sát. Nguyên văn: "Bà Chiêu Thánh mất. Bà đã bị giáng là Công chúa, rồi gả cho Phụ Trần, khi ấy mất đã 61 tuổi. Hiện nay ở tỉnh Bắc Giang, có đầm Minh Châu, giữa đầm có phiến đá to, người ta truyền lại rằng: Bà Chiêu Thánh cắp hòn đá nhảy xuống đầm mà chết, trên bờ đầm có miếu Chiêu Hoàng. Đó là thổ dân nơi đó bênh vực hồi mộ cho bà Chiêu Hoàng mà đặt ra thuyết ấy".
Đền thờ của bà hiện nay tại Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), còn gọi là đền Rồng. Tháng 1/ 2009, đền được nhà nước Việt Nam công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.