Bị dị tật khoèo tay từ bé, đến 8 tuổi Thuận mới biết đi, nhưng với sự nỗ lực của bản thân, Thuận đã vượt qua mọi khó khăn và tự nuôi sống bản thân bằng chính đôi chân của mình.
"Tôi dị tật nhưng vẫn có quyền được yêu"
Sinh năm 1993, Tạ Vặn Thuận (Đan Phượng, Hà Nội) không may bị dị tật bẩm sinh và phải sống trong cảnh khoèo tay từ khi mới lọt lòng. Tưởng chừng suốt cuộc đời Thuận sẽ phải nằm đâu, nằm đó và nhờ tới sự phục vụ của bản thân, nhưng mọi thứ đã không như vậy.
“Tôi bị khoèo tay, nhưng cơ thể tôi vẫn phát triển bình thường, đầu óc vẫn suy nghĩ được việc gì đúng, việc gì sai. Chỉ có điều tôi biết đi chậm hơn những bạn cùng trang lứa khác”, Thuận nói.
Hàng ngày Thuận vẫn đi bắt cá...
...sau đó về tự mổ, tất cả đều làm bằng đôi chân.
Theo đó, năm 8 tuổi Thuận mới bắt đầu chập chững những bước đi đầu đời. Nhưng cũng kể từ khi có thể tự đứng trên đôi chân của mình, mọi thứ đã thay đổi với cuộc đời Thuận.
“Chỉ cần chân tôi biết đi, đầu tôi biết suy nghĩ thì tôi sẽ không bao giờ sợ mình chết đói. Giờ tôi có thể làm bất kể mọi thứ để phục vụ nhu cầu của bản thân”, Thuận nói.
Theo Thuận, trong số những công việc mà Thuận tập làm bằng đôi chân của mình, có lẽ việc đi tìm bạn gái là khó nhất, nhưng khó không có nghĩa là không làm được.
Trong sinh hoạt hàng ngày Thuận đều hoạt động bằng đôi chân của mình, kể cả việc hút thuốc, ăn cơm, uống nước...
Chia sẻ chuyện tình cảm của mình, Thuận cho biết, các đây khoảng 3 năm về trước, Thuận có lên nhà một người anh em ở tận Lào Cai để trông xe. Trong thời gian làm việc ở đây, Thuận đã đem lòng yêu một cô gái. May mắn cho Thuận là cô gái này cũng đã đáp lại tình cảm của anh một cách trọn vẹn.
“Lúc đầu, tôi cũng nghĩ đó là mối tình đơn phương, nhưng khi thổ lộ tình yêu với cô gái đó, tôi thật sự bất ngờ và hạnh phúc vì cô ấy đã chấp nhận. Đó có lẽ là thời gian đẹp nhất của cuộc đời tôi cho đến lúc này”, Thuận nói.
Dù tôi có bị khiếm khuyết về mặt hình thể, nhưng tôi vẫn có quyền được yêu!
Tạ Văn Thuận - Eva.vn
”Sau một thời gian yêu thương và tìm hiểu, Thuận nghĩ có lẽ nên tiến đến hôn nhân. Thế nhưng từ lúc có suy nghĩ này, cũng là lúc sóng gió ập đến với Thuận.
“Tôi có nguyện vọng muốn lấy vợ, nhưng cả hai bên gia đình phản đối, lý do không phải họ chê tôi, không phải chúng tôi hết yêu nhau mà đó chính là đường xá xa xôi.
Bị phản đối, tôi đấu tranh nhiều lắm, nhưng cuối cùng vẫn không “chống” lại được số đông. Có lẽ duyên số chúng tôi không đến được với nhau. Sau khi chuyện tình yêu thất bại, tôi về hẳn Hà Nội kiếm sống, chứ không ở đất Lào Cai nữa”, Thuận nói.
"Tôi muốn có một nghề nghiệp ổn định rồi sẽ lấy vợ"
Nói về cuộc sống hiện tại Thuận cho biết, công việc hiện tại bây giờ của Thuận là đi tìm gà chọi và những lúc rảnh rỗi thì đi bắt cá ngoài đồng về để cải thiện cuộc sống.
Tạ Văn Thuận tự đi bắt cá, sau đó về tự mổ cá bằng chân.
“Bình thường tôi đi khắp các cánh đồng, dùng chân tát nước bắt cá về cải thiện bữa ăn hàng ngày. Những hôm trời đẹp, tôi lại đi khắp các làng, các xã để tìm gà chọi về bán”, Thuận chia sẻ về công việc của mình.
Thời điểm cuối năm là lúc Thuận làm ăn “vào cầu” nhất, mỗi ngày có thể kiếm đến vài trăm nghìn đồng tiền chênh lệch từ việc bán gà chọi cho các chủ chơi.
Thuận muốn học nghề ổn định, sau đó mới lập gia đình.
Ngoài những công việc trên, Thuận còn đi bán tăm trên các bến xe, bến tàu và cổng trường đại học ở Hà Nội. Phương tiện di chuyển chủ yếu của Thuận chỉ yếu là xe buýt.
Tôi muốn phải có nghề ổn định rồi mới lập gia đình, bởi tôi không muốn vợ, con tôi phải khổ
Tạ Văn Thuận - Eva.vn
”Sau khi kể hàng loạt các công việc mà mình đã trải qua, Thuận nhìn ra xa xăm phía trước nhà, trầm giọng nói: “Tất cả chỉ là công việc tạm thời, cái tôi mong muốn nhất bây giờ đó là được đi học nghề ở các trường nghề dành cho người khuyết tật.
Học nghề gì cũng được, đó có thể là nghề mộc, nghề đan lát, nghề dán giấy thủ công, thậm chí là gia công đồ cũ…Nhưng phải có cái nghề thì tôi mới dám mơ tới chuyện lập gia đình”.
Được biết, hiện Thuận đang theo đuổi một cô gái sinh năm 1996, nhưng mọi sự hẹn ước giữa hai người chỉ là câu chuyện tạm thời, bởi khi lấy nhau thì phía sau đó là cả một gia đình, cả một tương lai.
“Nếu không có nghề nghiệp ổn định, tôi sợ sau này vợ tôi sẽ khổ, nếu có sinh con thì còn khổ nữa, nên thời gian tới tôi quyết tâm sẽ phải tìm trung tâm học nghề bằng được”, Thuận khẳng khái nói.
Tạ Văn Thuận được sinh ra trong một gia đình đông anh em và hiện đang thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Bố mẹ Thuận không có nghề nghiệp ổn định, mà chủ yếu trông vào mấy sào ruộng. Riêng với Thuận, những người dân ở cùng làng đánh giá là người ham học hỏi, hiền lành và rất chịu khó làm ăn, mặc dù cơ thể bị dị tật từ nhỏ. |