Từng đạt giải nhất môn tiếng Anh toàn quốc nhưng bố mẹ muốn con giỏi toàn diện nên đã ép con học không ngừng nghỉ khiến cháu bé mắc bệnh tâm thần với nhiều biểu hiện kỳ lạ.
Nguyễn Anh Huy (sinh năm 2003, tại Hà Nội), đang phải điều trị tại Viện sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) do bị trầm cảm và mắc hội chứng “sợ bẩn”.
TS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Điều trị Rối loạn liên quan stress - Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết cháu Huy đã điều trị tại viện suốt 2 năm qua và mới được gia đình xin ra ngoại trú.
Theo TS Tâm, nguyên nhân khiến Huy mắc bệnh là do bố mẹ ép học quá nhiều, không có thời gian vui chơi, hoạt động cộng đồng.
Huy trước từng đạt giải nhất tiếng Anh toàn quốc bậc THCS (cấp 2) nhưng điều đó chưa làm hài lòng bố mẹ. Vì muốn con học giỏi tất cả các môn nên bố mẹ ép cháu phải đi học thêm các môn như Toán, Lý, Hóa, Sinh theo những tiêu chuẩn rất cao.
“Khi tiếp xúc với tôi, cháu bé đã khóc lên vì không biết mục đích học để làm gì. Dù vẫn làm theo mệnh lệnh của bố mẹ, nhưng trong suy nghĩ và tâm trí của cháu thì không hề thích. Cứ như vậy lâu ngày cháu rơi vào trạng thái rối loạn lo âu và phải nhập viện điều trị”, TS Tâm chia sẻ.
TS Dương Minh Tâm chia sẻ về trường hợp mắc bệnh vì bố mẹ ép học.
Không chỉ mắc bệnh tâm thần, cháu Huy còn mắc thêm một căn bệnh khác đó là hội chứng “sợ bẩn”. BS Tâm cho biết, hàng ngày bệnh nhi tắm và rửa tay hàng chục lần một ngày mà vẫn chưa thấy sạch. Thậm chí, vừa rửa tay xong, nhưng vẫn nói là bẩn và luôn muốn tắm rửa.
Được biết, đây là một hội chứng do rối loạn ám ảnh cưỡng chế gây nên. Dấu hiệu phổ biến của bệnh là ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lý do chính đáng và phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng. Đây là một dạng trong nhóm bệnh liên quan trực tiếp đến stress.
Theo đó, người bị ảnh hưởng của bệnh có những ý nghĩ và hành vi lặp lại một cách vô nghĩa mà không kiểm soát được chẳng hạn rửa tay hàng chục lần mặc dù tay đã sạch hay dành quá nhiều thời gian để sắp xếp đồ vật trong nhà quá mức gọn gàng cần thiết...
Những người mắc bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ làm thoái hóa khả năng làm việc, học tập Thậm chí làm người bệnh không thoải mái trong chính căn nhà của mình.
Khi được chẩn đoán mắc căn bệnh này, người bệnh không thể điều trị khỏi ngay lập tức được, mà cần một khoảng thời gian nhất định với sự giúp đỡ của bác sĩ trị liệu và cố gắng của bản thân, gia đình.
Nói về tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhi Huy, TS Dương Minh Tâm cho biết: “Hiện sau hơn 2 năm điều trị, bệnh của bệnh nhân Huy vẫn không hề thuyên giảm. Gia đình hàng ngày vẫn phải đưa con vào viện điều trị”.
Được biết, nguyên nhân dẫn đến việc điều trị lâu dài nhưng bệnh tình không thay đổi là do bố mẹ vẫn giữ quan điểm cho con học nhiều là tốt và đang mang lại những gì tốt đẹp nhất cho con.
“Đồng thời với việc đưa con đi chữa bệnh, gia đình vẫn ép con học những thứ con không thích. Họ không lắng nghe những điều con mình nói và đây là rào cản lớn khiến bệnh của cháu không tiến triển theo chiều hướng tích cực”, TS Tâm cho hay.
Ép con học quá nhiều cũng khiến trẻ mắc bệnh. (Ảnh minh họa)
Theo TS Tâm, trường hợp của Huy chỉ là một ví dụ điển hình trong xã hội hiện đại. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tình trạng trẻ nhỏ mắc bệnh tâm thần đang ngày càng gia tăng.
“Trẻ nhỏ ngày nay đang phải đối mặt với qua nhiều thứ, từ trường lớp, bạn bè, mạng xã hội, những đòi hỏi cá nhân và áp lực ngay cả việc đối mặt với chính bố mẹ mình. Điều đó là nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh tâm thần ngày càng gia tăng”, TS Tâm cho hay.
Để giải quyết vấn đề trên TS Tâm khuyên, phụ huynh hãy là người hướng dẫn và luôn lắng nghe những ý kiến của trẻ để cho trẻ tự chủ trên khả năng sáng tạo của mình. Không nên ép buộc trẻ phải thực hiện như một con rô bốt bởi càng ép buộc thì càng làm thui chột những khả năng của trẻ, đồng thời làm cho trẻ chán nản sinh ra bệnh tật.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi