Đến thôn Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội hỏi thăm gia đình bà “Tuyết gẩm” thì cả làng ai cũng biết bởi hoàn cảnh éo le của gia đình này.
Mẹ chồng, con dâu đều có biểu hiện của chứng tâm thần phân liệt, cháu nội mắc chứng đái thấp. Một mình người con trai trong nhà phải gồng mình lo miếng cơm, manh áo, tiền thuốc nhưng khó khăn vẫn chồng chất khó khăn.
Bà Tuyết bị bệnh tâm thần đã mấy chục năm nay.
Nỗi buồn chồng chất
Bà Tuyết có biểu hiệu tâm thần từ năm 1989. Không ít lần, bà bỏ đi ra tận quận Hà Đông, con cháu phải mất nhiều ngày đi tìm. Vài năm trở lại đây bà ít đi xa hơn, chỉ đi lại loanh quanh ở thôn. Bất kể ngày mưa hay ngày nắng, cứ sáng sớm, bà tay cầm túi bóng, tay cầm ấm nước đi quanh làng, đến chiều tối mới về. “Mấy hôm trời mưa lạnh mà 11 giờ đêm mẹ tôi vẫn chưa về, đi tìm không thấy. Đến 4 giờ sáng hôm sau bà lại tự về”, anh Vũ Danh Quân, con trai bà Tuyết và cũng là trụ cột duy nhất trong gia đình khốn khó này kể lại.
Bệnh của bà Tuyết đã nhiều lần được gia đình đưa đi chữa trị ở nhiều cơ sở tâm thần. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên anh Quân không cho mẹ dùng thuốc và bệnh tình của bà Tuyết cũng không thuyên giảm.
Buồn vì bệnh tình của mẹ đã đành, anh Quân còn nặng lòng hơn khi cả vợ và con cũng mang bệnh trong người. Năm 2004, anh kết hôn với chị Nguyễn Thị Láng (SN 1981) ở làng bên, rồi lần lượt hai cháu Vũ Danh Tuấn (SN 2005) và Vũ Danh Minh (SN 2009) ra đời. Khi đấy anh làm thợ xây, chị làm công nhân. Những tưởng hạnh phúc sẽ tới với anh sau khi lập gia đình. Nhưng dường như mọi thứ với anh như có bức tường cản. Cháu Tuấn ra đời không lâu thì được chẩn đoán bị đái thấp cần được phẫu thuật. Cả anh và chị đều cố gắng chạy vạy cho cháu, đến nay mặc dù đã được phẫu thuật, nhưng do cháu mắc chứng đái thấp bẩm sinh nên cần được theo dõi, kiểm tra thường xuyên.
Không dừng lại ở đó, nỗi buồn lại chồng lên khi năm 2012, chị Láng sau hai đêm mất ngủ thì có biểu hiện mất trí nhớ. Chị không nhận ra chồng con và người thân. Sau 12 ngày nằm viện theo dõi, bác sĩ kết luận chị có biểu hiện của chứng tâm thần phân liệt và được chuyển về một cơ sở y tế để theo dõi và điều trị.
Vậy là, nhà có 5 người thì hai người phụ nữ quan trọng của cuộc đời anh Quân đều phải điều trị bệnh tâm thần. “Lúc đó tôi cũng sốc! Khi vợ tôi mới có dấu hiệu của bệnh mặc dù đã được đưa đi khám kịp thời nhưng bệnh tật vẫn không thuyên giảm...”, những câu nói nghẹn lại trong cổ, anh Quân không muốn nói thêm về vợ, về căn bệnh mà chị gặp phải.
Nỗi lo cơm áo đè nặng lên vai người chồng
Gánh nặng gia đình đè lên vai anh Vũ Danh Quân. Ảnh: Mai Hương
Chị Láng đã được điều trị tại một cơ sở y tế gần một năm. Đây là khoảng thời gian anh không thể quên trong cuộc đời mình. Anh Quân một mình phải đi làm để trang trải cuộc sống, lo cho các con ăn học, lo thêm tiền mua thuốc cho vợ.
Hiện nay, chị Láng đã đỡ hơn và được về với gia đình, chị đã có thể đi làm may cùng cô em họ. “Nếu không cho vợ đi, cứ ở nhà ngồi rồi nghĩ ngợi còn khổ hơn. Bệnh của cô ấy phải tránh suy nghĩ và xúc động tâm lý, không thì dễ tái phát lắm! Bây giờ, cô ấy không được nhanh nhẹn như trước đây. Tôi cũng chỉ mong vợ đi làm cho khuây khỏa đầu óc chứ đồng lương có được bao nhiêu. Bởi tiền lương của cô ấy còn không đủ lo tiền thuốc cho bản thân. Mà thuốc thì ngày nào cũng phải uống, không có thuốc, chứng tâm thần phân liệt lại dễ phát lại”, anh Quân chia sẻ.
Nhắc đến hai đứa con còn nhỏ, anh Quân ngập ngừng cho biết: “Bác sĩ bảo cháu Tuấn cứ 3 - 6 tháng phải đi kiểm tra lại một lần để theo dõi tình hình sức khỏe. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, cũng không cảm thấy cháu khác thường nên đành trì hoãn. May ra thì cả năm mới cho cháu được một lần đi kiểm tra. Tôi biết cháu nó ngày một lớn hơn, sẽ thấy được sự khác thường của mình với chúng bạn. Nhưng có lẽ, rồi cu cậu sẽ hiểu và thông cảm cho bố mẹ...”.
Là đàn ông, anh Quân hiểu được tương lai, cậu con trai mình sẽ phải đối mặt với những khó khăn khi trưởng thành. Nhưng người cha ấy đã cố gắng hết mình và có lẽ cũng chỉ giúp con được tới đó. Mỗi ngày các cháu mỗi lớn hơn, nhu cầu ăn học nhiều hơn, người cha đó cố gắng lo cho gia đình miếng cơm manh áo đã khó thì làm gì có điều kiện để mà lo, mà chạy chữa cho cậu con trai? Niềm mong mỏi lớn nhất của anh Quân là chỉ mong lo cho các con được ăn học bằng chúng bạn. Khi con lớn lên, cậu bé mắc chứng đái thấp sẽ hiểu và thông cảm cho sự khó khăn của gia đình mà không trách cứ cha mẹ.