Chết khi đang tán sỏi: Do nhồi máu cơ tim?

Ngày 29/03/2014 09:58 AM (GMT+7)

Trong khi tiến hành thủ thuật tán sỏi, bệnh nhân nói “thấy khó chịu” rồi bất ngờ rất nhanh chóng có dấu hiệu khó thở, ngừng tim rồi tử vong.

Bệnh nhân tử vong khi đang tán sỏi

Chiều ngày 28/3, PGS.TS Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc BV E xác nhận có một bệnh nhân nam 66 tuổi tử vong tại bệnh viện hôm 24/3 khi đang phẫu thuật soi tán sỏi.

Ông Nghị cho biết, bệnh nhân đến BV được khám và chẩn đoán bị sỏi san hô thận bên phải rất to, kích thước 4,64 cm (ước tính số sỏi này hình thành trong vòng 10 năm). Bên cạnh đó còn hơn 10 viên sỏi nhỏ. Thận trái phát hiện có hình ảnh sỏi tròn và ức nước độ 3 (nếu ứ nước độ 4 là thận không thể hồi phục).

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt 37,2 độ, bạch cầu tăng gần gấp đôi, dù trước đó có uống thuốc kháng sinh, đường huyết tăng nhẹ, chức năng thận cũng tăng.

ThS Nguyễn Minh Tuấn, Phó trưởng khoa Thận – Tiết niệu, BV E cho biết: “Bệnh nhân vào 1 tuần điều trị kháng sinh mạnh, hạ áp, chống nhiễm trùng, nhiễm độc… Điện tâm đồ phát hiện bất thường, thể hiện bệnh nhân thiếu máu cơ tim tiềm tàng. Ngoài ra bệnh nhân còn có tiền sử cao huyết áp 10 năm, có biến chứng giãn tâm thất trái và rối loạn điện tâm đồ, rối loạn chuyển hóa lipid, đường.

Tuy nhiên, khi tổ chức hội chẩn ở khoa các bác sĩ nhận thấy sỏi thận hai bên ứ nước thận, ghi ngờ có khối mủ thận bên trái. Do đó, chúng tôi vẫn quyết định can thiệp tán sỏi vì nếu không tán, tình trạng bệnh nhân sẽ nguy hiểm. Trên bệnh nhân chức năng thận giảm, bệnh nhân có nhiều bệnh lý kèm theo, nội soi là can thiệp nhẹ nhàng, nên chỉ định lấy sỏi là hoàn toàn bình thường”.

Chết khi đang tán sỏi: Do nhồi máu cơ tim? - 1

Hình ảnh X-Quang phát hiện bệnh nhân bị sỏi thận ( nốt chấm trắng) hai bên

Theo đó, ngày 24/3 các bác sĩ khoa Thận tiết niệu (BV E Hà Nội) tiến hành tán sỏi qua da. Đang trong quá trình thực hiện thủ thuật, bệnh nhân bỗng kêu khó chịu, rồi nhanh chóng co rút toàn thân, hình ảnh trên máy theo dõi chức năng sống tim đã ngừng, điện tiêm không còn… Dù được cấp cứu ngay lập tức tại chỗ và chuyển về khoa Hồi sức tích cực, sốc tim bằng điện nhưng không có dấu hiệu hồi phục, bệnh nhân tử vong.

Tử vong do nhồi máu cơ tim?

ThS Nguyễn Minh Tuấn, người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết, khi bác sĩ đang làm thủ thuật bệnh nhân đột ngột lên cơn nhồi máu cơ tim và tử vong quá nhanh.

PGS.TS Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc BV E kết luận nguyên nhân khiến bệnh tử vong là do nhồi máu cơ tim cấp.

“Sau khi tiến hành thủ thuật xong, bệnh nhân có biểu hiện tim ngừng đập, sau đó tiến hành cấp cứu tại chỗ và chuyển về khoa hồi sức cách đó 10 mét, tiến hành điện tim tuy nhiên không cứu nổi bệnh nhân. Nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân tử vong là nhồi máu cơ tim cấp, ngừng tim, thận niệu quản 2 bên, ứ mủ thận trái, tăng huyết áp và dối loạn chuyển hoá lipit”, ông Nghị nói.

ThS Tuấn, người trực tiếp thực hiện ca mổ giải thích thêm: “Kỹ thuật tán sỏi nội soi là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, không dẫn đến tử vong ngay. Bình thường bệnh nhân phẫu thuật xong khoảng 2-3 ngày là có thể ra viện. Kỹ thuật này đã được thực hiện tại BV E từ hơn 3 năm nay, với khoảng trên 800 bệnh nhân được thực hiện thành công, chỉ duy nhất trường hợp bệnh nhân này có tai biến. Trường hợp này khi đang thực hiện thủ thuật bệnh nhân diễn tiến xấu rất nhanh, nghĩ nhiều về nhồi máu cơ tim. Bởi biến chứng tán sỏi thường lâu, thậm chí sốc thuốc cũng diễn biến không nhanh như thế. Đây chỉ là một tai biến hy hữu, lần đầu tiên các bác sĩ của BV gặp".

Có hay không việc bác sĩ không đủ tay nghề?

Sau khi bệnh nhân tử vong rất nhiều ý kiến của người nhà cho rằng nguyên nhân khiến người thân của họ tử vong là do phương tiện tại phòng tiến hành thủ thuật không được đảm bảo đầy đủ và bác sĩ trực tiếp tham gia ca tán sỏi chưa có chứng chỉ hành nghề.

Cụ thể, người nhà bệnh nhân cho rằng, phòng tiến hành thủ thuật tán sỏi chỉ có 10m2, lại đặt quá xa khoa hồi sức cấp cứu nên không có đủ phương tiện cấp cứu ngay cho bệnh nhân khi sự cố xảy ra. Ngoài ra, một điều dưỡng tham gia khoa tán sỏi chưa có chứng chỉ hành nghề.

Trả lời vấn đề này, BS Nguyễn Vĩnh Hưng, Trưởng khoa Thận - Tiết Niệu, BV E khẳng định: “Phòng tiến hành thủ thật có diện tích không dưới 20m2, hoàn toàn đạt quy chuẩn. Phòng cũng có đầy đủ các phương tiện cấp cứu. ThS Nguyễn Minh Tuấn, người trực tiếp thực hiện ca mổ đã có 15 năm kinh nghiệm hành nghề còn 2 điều dưỡng đều có bằng đại học. Tôi khẳng định kíp mổ hôm đó là những bác sĩ, điều dưỡng chất lượng”.

Ngay sau ca tử vong, BV E cũng đã tạm thời dừng phương pháp tán sỏi qua da để tìm hiểu kỹ nguyên nhân trước khi cho triển khai lại.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan