Tại TP. HCM thời tiết nắng nóng, chỉ số tia cực tím ngoài trời rất cao nên đi ngoài trời người dân cần biết bảo vệ mình để tránh bị bỏng da, đặc biệt là ung thư da.
Tại TP.HCM, từ đầu tháng 4 đến nay, trời nắng nóng, nhiệt độ trung bình 36- 37 độ C, có khi cao đỉnh điểm đến 40 độ C khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.
Đặc biệt, nhiều người dân tại TP.HCM mở ứng dụng kiểm tra thời tiết thì phát hiện chỉ số tia cực tím UV luôn ở mức cao nhất trên 10, trong khi mức từ 0 – 3 được khuyến cáo là cao so với bình thường. Vì vậy, người dân phải mặc quần áo dài tay, mũ chống nắng khi ra ngoài.
Chỉ số tia cực tím ở TP. HCM đang ở mức cao, chỉ cần mở ứng dụng kiểm tra thời tiết nhiều người có thể xem được.
Để có thông tin về tác hại của tia cực tím và lời khuyên chuẩn xác bảo vệ sức khỏe khi ra ngoài trời nắng, PV đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Liên – Chuyên khoa da liễu của một Phòng khám da liễu trên địa bàn quận 1.
Theo bác sĩ Liên, nhiệt độ ngoài trời ở TP. HCM thời gian qua luôn ở mức cao. Nếu đi ngoài trời ai cũng cảm thấy nắng rất nóng khiến khó chịu, mệt mỏi và khát nước.
Chúng ta đều biết rằng, ánh nắng mặt trời giúp duy trì sự sống, giúp hấp thu vitamin D, E, nguyên tố vi lượng… cần thiết cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong ánh nắng mặt trời có tia cực tím UV làm tổn thương da, khiến da bị bỏng, lão hóa, suy giảm miễn dịch và nguy hiểm nhất là ung thư da.
Tác hại của tia cực tím phụ thuộc vào cường độ ánh nắng, thời gian tiếp xúc với ánh nắng và da có được bảo vệ hay không khi ra ngoài trời, đặc biệt trong thời tiết hiện nay ở TP. HCM nắng gay gắt.
Nhiệt độ ngoài trời ở TP. HCM từ đầu tháng 4 đến nay rất cao, luôn trên 35 độ C nên chỉ số tia cực tím cao
Lượng tia cực tím hoạt động mạnh từ 10h sáng đến 2h chiều. Lượng tia cực tím trong giai đoạn này mạnh tới mức gây bỏng da, lão hóa da trước tuổi, ung thư da, gây nám, đốm tàn nhang, gây đỏ da và bệnh về mắt. Có hai loại tia cực tím là UVA và UVB. Tia UVA là tia có bước sóng lớn nhất trong các tia của hệ mặt trời từ 400 - 315nm.
Tia UVB có bước sóng 315 – 280nm, thời gian hoạt động cũng từ 10h sáng đến 2h chiều nhưng lượng tia ít hơn và nhẹ nhàng hơn.
Tia cực tím làm bỏng da, cháy da. Ảnh minh họa
Hiện nay, TP.HCM đang thời điểm bước vào hè nên nắng nóng chứa tia cực tím ảnh hưởng mạnh đến da càng cao. Vì vậy, để bảo vệ da và sức khỏe của mình mọi người cần chú ý những điều sau:
Cần hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là vào khoảng thời gian từ 10h sáng đến 2h chiều. Nếu đi ra ngoài hãy tránh đi vào thời gian đó nếu không thật sự cần thiết.
Nếu đi ra ngoài thì bảo vệ da trước tia cực tím bằng cách mặc quần áo dài, mang giày, đeo khẩu trang, khăn chống nắng, mũ rộng vành, đeo kính râm chắn được tia UV.
Sử dụng kem chống nắng có SPF (Sun Protection Factor) chỉ số từ 15 trở lên. Chỉ số SPF càng cao thì thời gian chống nắng càng lâu.
Chỉ số tia cực tím và khuyến nghị. Ảnh: Wikipedia
Đối với trẻ em, bác sĩ Phạm Văn Hoàng – Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện Nhi đồng 1 đưa ra lời khuyên như sau: "Giữ trẻ ăn chơi, học tập ở nơi có bóng mát trong nhà hoặc cây xanh, tránh ánh nắng chiếu vào. Cho trẻ uống nhiều nước để bù vào lượng nước mất đi khi vui chơi trong thời tiết nóng. Hãy cho trẻ ăn trái cây như dưa hấu, thơm, cà chua, chuối… tươi ngon để bổ sung chất dinh dưỡng. Thời tiết nắng nóng, nếu đưa trẻ ra ngoài thì cũng tránh đi vào khung giờ từ 10 giờ trưa đến 2 giờ chiều bởi nắng rất mạnh dễ bị bệnh. Nếu đi thì mặc áo dài tay, đeo mũ rộng vành, đeo kính râm cho trẻ để chống nắng. Đặc biệt, sau khi cho trẻ ra nắng về nhà thì đừng vội cho vào ngồi máy lạnh ngay, bởi do thay đổi đột ngột về nhiệt độ dễ khiến trẻ bị bệnh cảm cúm. Máy lạnh cũng nên mở từ 28 đến 30 độ C". |