'Chiến tranh 3 mặt' của Trung Quốc trên Biển Đông

Ngày 10/06/2014 16:14 PM (GMT+7)

Một nhà nghiên cứu tại Đài Loan nhận định Bắc Kinh đang triển khai chiến lược “chiến tranh 3 mặt” bao gồm chiến tranh tâm lý, pháp lý và dư luận để thực hiện mưu đồ ở Biển Đông.

Báo Want China Times (Đài Loan) ngày 10/6 dẫn lời ông Richard Hu - Phó giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu an ninh thuộc Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Bắc - cho rằng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) từng áp dụng “chiến tranh 3 mặt” trong các vấn đề giữa hai bờ eo biển với vùng lãnh thổ Đài Loan. Giờ Bắc Kinh tiếp tục áp dụng chiến lược này vào tranh chấp trên Biển Đông, trước mắt để đối phó với Philippines.

Trung Quốc đặt ra khái niệm “chiến tranh 3 mặt” từ năm 2003, bao gồm: chiến tranh dư luận, tâm lý và pháp lý. Theo báo Sydney Morning Herald (Australia), "chiến tranh tâm lý" là chiến thuật phá hoại việc hoạch định chính sách của đối thủ bằng các biện pháp như tạo sự ngờ vực, kích động tư tưởng chống đối chính quyền đối phương, cố gắng dập tắt tư tưởng phản kháng của đối thủ. "Chiến tranh pháp lý" bao gồm việc ban hành các luật trong nước làm cơ sở cho những tuyên bố đối với luật pháp quốc tế, sử dụng những bản đồ không có thật để biện hộ, củng cố cho các hành động của Trung Quốc. "Chiến tranh dư luận" là chìa khóa then chốt tạo nền tảng thực hiện chiến tranh tâm lý và pháp lý.

#039;Chiến tranh 3 mặt#039; của Trung Quốc trên Biển Đông - 1

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam tại vị trí gần nơi đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Theo ông Richard Hu, việc Trung Quốc khẳng định không tham gia vụ kiện liên quan đến tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông cho thấy Trung Quốc đã triển khai “chiến tranh 3 mặt”.

Chuyên gia này nhận định dù Trung Quốc không tham gia vụ kiện nhưng vẫn nắm bắt dư luận quốc tế và tận dụng các nghiên cứu hoặc tài liệu khoa học để âm thầm tạo bằng chứng. Qua đó, Trung Quốc tự củng cố các tuyên bố thông qua những kênh không chính thống, đồng thời tiếp tục đưa ra phát ngôn mạnh mẽ trên trường quốc tế hòng tác động lên dư luận.

Tuy nhiên, ông Richard Hu chỉ ra một bất lợi của Trung Quốc là rất nhiều tài liệu mà Trung Quốc tìm kiếm đều đang do chính quyền vùng lãnh thổ Đài Loan quản lý.

Trong khi đó, báo South China Morning Post ngày 10/6 đưa tin Bắc Kinh đã ngưng tất cả các cuộc đàm phán hợp tác với Đài Loan vì chính quyền vùng lãnh thổ này trì hoãn phê chuẩn những thỏa thuận thương mại và dịch vụ mà hai bên đã ký từ giữa năm ngoái.

Theo Minh Anh (Zing.vn)

Tin liên quan