Nhầm gói thuốc diệt muỗi là gói gia vị mỳ tôm, anh N.T.B đã cho cả gói thuốc diệt muỗi vào nồi canh, khiến cả gia đình gồm 4 người (2 người lớn và 2 trẻ nhỏ) phải nhập viện trong tình trạng nôn nhiều, mệt mỏi, đau bụng dữ dội.
Cả nhà nôn dữ dội sau bữa cơm tối
1 tiếng sau bữa cơm tối ngày hôm qua (11/6), vợ chồng anh N.T.B cùng 2 con nhỏ (bé gái 3 tuổi và bé trai 2 tuổi) ở Hoài Đức, Hà Nội bỗng đều bị đau bụng dữ dội, nôn nhiều. Nghi ngờ có thể bị ngộ độc thức ăn vợ chồng anh kiểm tra lại đồ ăn và đã tá hỏa khi phát hiện ra anh B đã cho cả gói thuốc diệt muỗi (cypermethrin) vào nồi canh vì tưởng nhầm là gói gia vị mì tôm.
Vợ chồng anh B ăn khoảng 1-2 bát canh có thuốc diệt muỗi, người con lớn là bé gái 3 tuổi được bố mẹ cho ăn ½ bát con canh còn người con út là bé trai 2 tuổi ăn khoảng 10 thìa cơm canh.
Ngay sau khi phát hiện có sự nhầm lẫn đó, người thân đã vội vã đưa cả 4 người trong gia đình anh B vào cấp cứu tại BV Đa khoa Hà Đông (Hà Nội).
Bác sĩ Đỗ Hữu Nghị, Khoa Cấp cứu, BV Đa khoa Hà Đông cho biết, cả 4 người trong gia đình nhập viện trong tình trạng kích thích, đau bụng vùng thượng vị, nôn nhiều, mệt mỏi, tinh thần hốt hoảng …
“Nghe gia đình kể lại và kết quả thăm khám xác định 4 người trong gia đình anh B đều bị ngộ độc thuốc diệt muỗi. Ngay khi tiếp nhận các bác sĩ đã tiến hành rửa dạ dày cho cả 4 bệnh nhân, cho thuốc uống than hoạt tính, truyền dịch và giải độc. Rất may, do đến viện kịp thời nên sau khi cấp cứu, sáng ngày hôm nay (12/6), sức khỏe của cả 4 bệnh nhân đã khá hơn nhiều, hết nôn, không còn đau bụng, tinh thần tỉnh táo. Các bệnh nhân không có biến chứng suy đa tạng do ngộ độc”, BV Nghị nói.
Tuyệt đối không để thuốc, hóa chất gần khu thức ăn
Bác sĩ Nghị cảnh báo, trường hợp người dân nhầm các loại thuốc, hóa chất với gia vị thực phẩm được phép ăn dẫn tới ngộ độc như trường hợp nhà anh B không hề hiếm gặp. Khoa Cấp cứu, BV Đa khoa Hà Đông đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc do nhầm lẫn này bên cạnh các trường hợp bị ngộ độc hóa chất do chủ động uống để tự tử (nhiều nhất là các trường hợp ngộ độc hóa chất thuốc diệt cỏ).
Bé T.U, 13 tháng tuổi cấp cứu tại BV Nhi Trung ương do uống nhầm dầu luyn
Mới đây, Khoa Điều trị tích cực, BV Nhi Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhi bị ngộ độc dầu luyn dẫn đến viêm phổi nặng. Nguyên nhân do người lớn chứa dầu trong vỏ chai nước ngọt, khiến trẻ uống nhầm.
Bệnh nhi là bé Triệu T.U (13 tháng tuổi, ở Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, suy hô hấp, da tái, nhiễm trùng nặng… Theo người nhà, trước khi vào viện 5 ngày, trong khi chơi một mình, bố mẹ không để ý, trẻ đã lấy chai nước ngọt trong đó có chứa dầu luyn để uống. Trẻ bị sặc, ho, tím tái, khó thở. Người nhà lập tức đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) cấp cứu. Tuy nhiên, tình trạng bệnh ngày càng nặng, ngày 28/5, trẻ được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai là một trong những nơi tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc hóa chất, thuốc nhiều nhất đến cấp cứu. Mỗi tháng Trung tâm tiếp nhận khoảng 40-45 trường hợp ngộ độc hóa chất. Các bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh thành phía Bắc. Trong đó, đáng sợ nhất là ngộ độc hóa chất Paraquat. Người dân thường gọi Paraquat là thuốc “cỏ cháy” vì khả năng diệt cỏ rất mạnh. Người ngộ độc hóa chất này hầu hết đều tử vong, bệnh nhân dù được lọc máu liên tục với chi phí tốn kém 12 triệu đồng cho một lần lọc nhưng khả năng cứu sống vẫn vô cùng thấp. Đối với thuốc diệt cỏ Paraquat, nếu uống hóa chất nguyên bản, không pha loãng chỉ cần 1 ngụm nhỏ (khoảng 12-15 ml) với người có cân nặng 50 kg là đã tử vong. |
Tại khoa, các bác sĩ lập tức hỗ trợ hô hấp bằng thở máy áp lực cao cho trẻ, dùng kháng sinh phổ rộng… Hiện bệnh nhi vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, cần theo dõi.
ThS Đào Hữu Nam, Khoa Điều trị tích cực, BV Nhi Trung ương cho biết, ngộ độc do uống nhầm hóa chất rất dễ xảy ra ở trẻ em. Ngộ độc thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Thuốc, hóa chất gia dụng là các yếu tố hay gây ngộ độc cho trẻ.Các trường hợp uống xăng, dầu hỏa có thể gây viêm phổi bởi bệnh nhân dễ dàng hít phải hơi độc của hóa chất. Với dầu luyn thì còn nguy hiểm hơn rất nhiều vì chất này đặc sánh, khi vào phổi đọng lại, tan trong mỡ, ngấm vào các nhánh phế quản và nhu mô phổi, khiến việc điều trị càng khó khăn.
Do đó, để tránh nhầm lẫn đáng tiếc gây hậu quả nghiêm trọng, bác sĩ khuyến cáo người dân cần phải cất giữ các loại thuốc, hóa chất ở nơi riêng biệt, cách xa nguồn thức ăn và ngoài tầm tay trẻ em. Có trường hợp người lớn để hóa chất, thuốc ở nơi riêng nhưng lại trong tầm với của trẻ nhỏ đã khiến nhiều trẻ bị ngộ độc vì tưởng nhầm đó là kẹo, đồ ăn được. Người dân cũng không nên đực thuốc, hóa chất vào các loại chai lọ không nhãn mác hoặc các loại giống với chai nước ngọt, đồ đựng thức ăn … Với các hóa chất, thuốc cần ghi tên bên ngoài rõ từng loại ví dụ như thuốc trừ sâu, thuốc diệt muỗi, diệt chuột… để tránh dùng nhầm lẫn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đặc biệt, các em nhỏ ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo cần có người lớn hoặc các anh chị lớn theo dõi và chăm sóc trong quá trình vui chơi. Không để trẻ tự chơi một mình, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.