Dù người vợ không muốn để công an, pháp luật giải quyết thì cơ quan điều tra vẫn có trách nhiệm khởi tố vụ án, điều tra và xử lý hành vi của người chồng bởi đây không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại.
Trao đổi với PV về vụ việc người chồng ném bình nước nóng vào người vợ gây bỏng nặng, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa – Đoàn LSTP Hà Nội chia sẻ quan điểm: Trong cuộc sống hôn nhân, không ai dám đảm bảo rằng giữa vợ và chồng là không có những bất đồng, tranh cãi từ mức độ nhỏ cho đến nghiêm trọng”.
Luật sư Hoàng Tùng trao đổi với phóng viên về vụ việc.
Về mặt pháp luật, luật sư Hoàng Tùng phân tích: “Việc xảy ra hành vi gây thương tích cũng không phải hiếm, nhưng đây là bạo lực gia đình, là vấn đề mà cả xã hội lên án và phòng, chống. Hành vi bạo lực gia đình được thể hiện dưới 02 dạng chính là bạo lực vật chất và bạo lực tinh thần.
Chúng ta thường thấy và rõ nhất chính là bạo lực vật chất. Là những hành động như đánh, đập, gây thương tích. Hành vi này không chỉ đơn thuần là bạo lực gia đình mà còn là hành vi cố ý gây thương tích cho người khác và có nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS)”.
Bà Ngân bị bỏng nặng sau khi bị ông Chiến ném cả bình nước nóng vào người.
Theo luật sư Hoàng Tùng, đối với hành vi của ông Chiến như trong vụ việc thì đây là hành vi cố ý gây thương tích cho chính người vợ của mình. Ông Chiến biết rõ sự nguy hiểm của nước nóng khi tiếp xúc với cơ thể người, nhưng vì xích mích với vợ mà đã trực tiếp thực hiện hành vi tạt nước sôi này. Không dừng lại ở đó, việc tiếp tục dùng ghế quăng, đập vào người bà Ngân lại càng thể hiện sự cố ý gây thương tích.
Với tình hình hiện tại, có thể thấy rằng bà Ngân có thương tích khá nặng. Cơ quan có thẩm quyền có thể xác định mức độ tổn thương cơ thể là bao nhiêu % để làm căn cứ xử lý vụ việc.
Nhẫn tâm gây thương tích cho người vợ đầu ấp tay gối, người cùng mình trải qua khó khăn thì rõ ràng hành vi này có tính chất côn đồ rõ rệt.
Luật sư nhận định: “Trường hợp thương tích của bà Ngân dưới 11% thì hành vi của ông Chiến có đầy đủ dấu hiệu phạm tội tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành.
Trong trường hợp này, khi bà Ngân không có yêu cầu khởi tố thì ông Chiến không phải chịu TNHS. Tuy nhiên, ông Chiến sẽ phải chịu trách nhiệm về dân sự và vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi bạo lực gia đình.
Trường hợp bà Ngân thương tích trên 11% đến 30% thì ông Chiến sẽ phải chịu TNHS theo khoản 2 Điều 134 BLHS với hình phạt từ 02 đến 06 năm tù. Nếu thương tích từ 31% đến 60% sẽ bị phạt tù từ 05 đến 10 năm tù,
Đối với 02 trường hợp nêu trên, dù bà Ngân không muốn để công an, pháp luật giải quyết thì cơ quan điều tra vẫn có trách nhiệm khởi tố vụ án, điều tra và tiến hành các thủ tục tố tụng để xử lý hành vi của ông Chiến, bởi đây không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại”.
“Vấn đề về hành vi của ông Chiến khiến tôi lại càng trăn trở thêm về tình trạng bạo lực gia đình. Dù có xích mích gì, hay không còn tỉnh cảm hoặc cảm thấy cuộc sống không thể nào cùng nhau bước tiếp thì vẫn còn rất nhiều phương pháp, cách thức để xử lý. Tại sao tình trạng dùng nắm đấm, dùng bạo lực để giải quyết vấn đề vẫn diễn ra thường xuyên? Phải chăng, người dân vẫn chưa hiểu biết đến các quy định của pháp luật hay do tư tưởng trọng nam kinh nữ vẫn tồn tại nặng nề trong cuộc sống.Gia đình là một xã hội thu nhỏ, là cái nôi nuôi dưỡng những tế bào của xã hội. Một gia đình hạnh phúc, sống đạo đức và tuân thủ pháp luật sẽ góp phần phát triển một xã hội văn minh hơn, an toàn hơn. Vì thế, chúng ta cần thắt chặt và tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Trước hết là để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người; sau đó là cũng xây dựng một gia đình hạnh phúc, một xã hội phát triển tốt đẹp”, luật sư Hoàng Tùng chia sẻ.