Mặc dù xuất hiện cơn đau bụng âm ỉ đã lâu nhưng người phụ nữ chủ quan không đi khám, chỉ đến khi bị sút cân nghiêm trọng mới đến bệnh viện nhưng đã quá muộn.
Người phụ nữ đó là bà Hoàng Thị T., 60 tuổi, trú tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Bà chia sẻ, cách đây hơn 1 tháng, có xuất hiện cơn đau bụng âm ỉ vùng hạ vị, đi ngoài phân lỏng. Nghĩ rằng triệu chứng đó nhẹ, không ảnh hưởng đến sức khỏe nên bà không đi khám.
Càng về sau cơn đau xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt bà T bị sút cân rất nhiều. Lúc này, gia đình đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa huyện Yên Sơn khám và được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang điều trị.
Tại bệnh viện tỉnh, qua thăm khám, chụp chiếu Ths.BS Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Ung bướu chẩn đoán bệnh nhân T. bị polyp đại trực tràng, phải phẫu thuật cắt toàn bộ đại trực tràng, nối ruột với ống hậu môn. Hiện tại, sau phẫu thuật, vết mổ khô, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định.
Bệnh nhân T. được các bác sĩ thăm khám tại khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
Theo đánh giá của BS Sơn, đây là 1 ca bệnh hiếm gặp tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang,. Bệnh có tính chất di truyền nên BS Sơn khuyến cáo, những người có cùng huyết thống với người bị bệnh nên đi khám nội soi tiêu hóa để sàng lọc sớm ung thư đại trực tràng.
Liên quan đến vấn đề này, BS Đặng Thế Căn – Nguyên phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, có rất nhiều trường hợp bị đa polyp có thể chuyển thành ung thư, bởi vậy tầm soát ung thư bằng cách cắt đi vẫn là tốt nhất. BS Căn lý giải, khi khối polyp to loét, vỡ ra có thể gây viêm nhiễm sinh ra nhiều tế bào khác trong đó có thể xuất hiện tế bào ác tính.
Các chuyên gia cũng cho biết, khi bị đa polyp bệnh có thể tái phát. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sau 3 năm kể từ ngày cắt polyp đại tràng lần đầu, khả năng tái phát polyp là 25 đến 30%. Do đó sau khi cắt polyp nên nội soi đại tràng kiểm tra sau 3 đến 5 năm.
Về nguyên nhân gây polip hiện chưa được xác định chính xác nhưng có thể kể đến các yếu tố nguy cơ như chế độ ăn nhiều chất béo; ăn nhiều thịt đỏ; ăn ít chất xơ; hút thuốc lá; béo phì, dùng dùng aspirin…