Bị rắn lục cắn, bé trai 8 tuổi không được người nhà đưa đến cơ sở y tế điều trị mà lại sang nhà thầy lang ở địa phương cắt lễ, bó thuốc nam khiến em rơi vào tình trạng nguy kịch.
Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết vừa tiếp nhận cháu V.T.C, 8 tuổi ở Châu Thành, Trà Vinh trong tình trạng rối loạn đông máu nặng, sức khỏe nguy kịch vì bị rắn lục cắn.
Theo lời kể của người nhà, trước đó bé C đang trèo cây hái mận trong vườn thì bị con rắn lục đuôi đỏ núp trong cành cây đầy lá cắn ở gót chân trái. Ngay lập tức bé C bị đau nhức đã la khóc, người nhà chạy ra vườn bắt được con rắn lục đuôi đỏ.
Thay vì đưa con đến cơ sở y tế gần nhất, người nhà cháu C đã sơ cứu bằng cột ga rô chỗ vết cắn rồi đưa bé đến nhà một thầy lang ở địa phương cắt lễ, bó thuốc nam.
Sauk hi chữa bệnh ở nhà thầy lang, ngày hôm sau bé C than mệt, đau nhức chân. Đặc biệt, chỗ vết rắn cắn sưng bầm lan lên cẳng chân, đùi chân trái. Lúc này, gia đình mới vội vã đưa bé đi cấp cứu tại BV Nhi đồng 1 cùng với thủ phạm là con rắn lục đuôi đỏ.
Bé C với vết thương tím bầm lan gần hết chân trái và thủ phạm con rắn lục (Ảnh BS chụp)
Tại đây, sau khi thăm khám bác sĩ phát hiện bé C đã bị rối loạn đông máu nặng, sưng bầm chảy máu vết thương rắn cắn, lan rộng xung quanh bàn chân trái lên trên cẳng chân, đùi trái nên được truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu. Tình trạng trẻ vẫn không cải thiện sau 6 giờ truyền huyết thanh kháng nọc rắn, vết thương sưng bầm tiếp tục lan lên đến đùi hông trái, xét nghiệm máu trẻ bị rối loạn đông máu nặng nên được truyền tiếp liều thứ 2 huyết thanh kháng nọc rắn lục tre đặc hiệu.
Kết quả sau hơn 3 ngày điều trị tình trạng trẻ đã ổn định, bớt sưng, đau, hết chảy máu. Trẻ được điều trị oxy cao áp đến giảm thiểu tổn thương sưng bầm hoại tử.
Các bác sĩ cảnh báo, việc ga rô vết thương và chữa rắn độc cắn bằng thuốc nam đã khiến tình trạng bệnh của bé C thêm trầm trọng. Nếu trẻ được đưa đến cơ sở y tế sớm hơn việc điều trị hơn nhiều.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo mạnh mẽ, đối với trường hợp bị rắn cắn, người dân cần tuyệt đối không thực hiện các biện pháp sau:
- Không nên garô phía trên vết thương vì có thể gây hoại tử chi
- Không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra do hiện nay không thấy hiệu quả mà gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc
- Không đắp lá cây không rõ loại lên vết thương vì có thể gây hoại tử nhiễm trùng nặng thêm vết cắn.
Thay vào đó, người dân cần thực hiện ngay các biện pháp sơ cấp cứu cho người bị rắn cắn như sau:
Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành đều cần theo dõi sát như là một trường hợp rắn độc cắn, ít nhất là trong 6 giờ đầu. Đặc biệt khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu ngay và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế.
- Cho nạn nhân nằm yên, trấn an họ
- Bất động và đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc
- Rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước
- Phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng
- Băng thun hoặc vải sạch lên vết thương và phía trên vết thương.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để nơi đây xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp.
Được biết, hiện nay Khoa cấp cứu, BV Nhi đồng 1 được trang bị các huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu đối với rắn hỗ đất, rắn lục, rắn chàm quạp, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân bị rắn cắn biến chứng nặng.