Khi chọn nghề làm mẹ của những đứa con trong Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng, những người phụ nữ ở đây đều xác định sẽ hy sinh tuổi thanh xuân và cả những niềm hạnh phúc riêng tư của mình.
Nơi đong đầy yêu thương
Vào Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng (đường Ngô Gia Tự, quận Hải An, Hải Phòng) đúng lúc các mẹ vừa đi chợ mua đồ về lo bữa trưa cho bọn trẻ. Không khí ở đây khá yên ắng, bọn trẻ hầu hết đã đi học, chỉ còn lại vài đứa đang làm bài ở nhà để chuẩn bị cho tiết học chiều trên lớp. Một số bé chưa đến tuổi đi học thì quanh quẩn bên chân các mẹ líu lo trò chuyện.
Thấy những người khách được mẹ Lương Thị Hảo – Giám đốc Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng (sau đây gọi là làng) dẫn tới, một vài bé liền khoanh tay chào rất to. Mẹ nuôi Vũ Thị Bốn đang nhặt rau vội dừng tay, đáp chào chúng tôi. Biết chúng tôi tới tìm hiểu về cuộc sống trong làng, mẹ Bốn vui vẻ tâm sự: “Tính đến thời điểm này, tôi đã gắn bó với làng gần 20 năm. Khi tôi bước vào đây, khoảng 30 tuổi. Trải qua từng ấy năm, biết bao lớp lớp các con từ tay mình chăm bẵm giờ đã trưởng thành khôn lớn. Hiện, gia đình nhỏ của tôi ở đây có 6 con, đứa nào cũng ngoan ngoãn, nghe lời mẹ”.
Dì Nguyễn Thị Hòa đang cho các cháu bị khuyết tật ăn trưa. Ảnh: Lý-Vân
Bà Lương Thị Hảo cho biết, trong số những đứa trẻ ở đây có bé Đỗ Ngọc Anh (hiện đang học lớp 1) sức khỏe yếu, rất hay đau ốm. “Trước khi nhận Ngọc Anh vào làng, con đã bị thủy đậu để lại di chứng sẹo toàn thân. Mới đây, con còn bị viêm não phải nằm điều trị 15 ngày ở Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng và gần 45 ngày ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Suốt thời gian đó, chỉ có hai mẹ con chăm nhau ở bệnh viện. Mọi thủ tục ăn uống, phục vụ đều tự hai mẹ con xoay sở vì không ai có thể làm thay được lúc này. Các con ở với mình, giờ ốm đau nó chỉ biết bấu víu vào mình thôi. Ở viện mà ruột gan lúc nào cũng nóng như lửa đốt vì phải lo cho lũ trẻ ở nhà. Chẳng biết chúng nó có ngoan ngoãn, nghe lời các mẹ không”, bà Hảo chia sẻ.
Cũng như mẹ Bốn, mẹ Bùi Thị Lán cũng gắn bó với nơi này hơn 10 năm, chia sẻ: “Ngày mới về làng, tôi thực sự bỡ ngỡ vì chưa một lần sinh con nên không biết phải dạy dỗ, chăm sóc mấy đứa trẻ ra sao. Lâu dần được các mẹ đi trước trong làng động viên, giúp đỡ…, tôi cũng quen dần. Các con của tôi đang độ tuổi dậy thì, mỗi đứa một tính một nết, ham chơi, cảm tính, thích thể hiện nên để dìu dắt, định hướng cho chúng là một quá trình gian nan. Nghiên cứu, tìm hiểu tâm sinh lý của bọn trẻ, tôi hiểu mình cần phải sâu sát, quan tâm hỏi han các con, giáo dục các con bằng tình yêu thương như những người bạn với nhau. Quản lý bọn trẻ độ tuổi này áp lực vô cùng, con trai lớn thì hay theo chúng bạn đi chơi game, con gái thì tính tình đỏng đảnh… nên mình phải cùng các lãnh đạo làng và các thầy cô trong trường kịp thời uốn nắn các con. Nhiều khi con làm sai, mình giận lắm muốn quật cho nó vài cái nhưng sợ nó tủi thân, nên mình lại mềm lòng. May mà nhà của mình có con gái lớn Đậu Thị Thanh Nguyệt đang học lớp 12 nên cũng giúp mẹ bảo ban, chăm sóc các em học bài, tắm rửa…”.
Hết lòng vì những đứa trẻ mồ côi
Hầu hết những đứa trẻ vào làng đều là trẻ bị bỏ rơi sau sinh, hoặc cha mẹ mất sớm, cha mẹ đi tù, trẻ khuyết tật hoặc trẻ lang thang cơ nhỡ, độ tuổi của trẻ trong làng khá đa dạng, từ sơ sinh cho tới hết 18 tuổi. Vì vậy, việc giáo dục, chăm sóc các cháu cũng có những khác biệt.
Cả làng hiện có 29 cán bộ công nhân viên, trong đó có 8 mẹ nuôi, 4 dì. Khác với các mẹ nuôi là không lập gia đình, các dì trong làng đều lấy chồng, sáng đi làm, tối về. Nhiệm vụ của các dì là hỗ trợ các mẹ nuôi khi mẹ nuôi nhiều việc hay phải chăm sóc con ở bệnh viện…; còn lại chủ yếu là cán bộ hỗ trợ giáo dục và các bộ phận khác.
Bà Lương Thị Hảo cho biết thêm: Việc tuyển các mẹ nuôi vào trường là vô cùng khó khăn vì yêu cầu của việc tuyển chọn bắt buộc phải là: Phụ nữ chưa có gia đình riêng, chưa lấy chồng, chưa sinh con... Theo đó, các mẹ mới toàn tâm toàn ý lo cho các con trong làng như một người mẹ đẻ. Đa số các mẹ, các dì ở đây có độ tuổi từ 40 đến 50. Nhiều mẹ đã có tuổi nhưng luôn phải chăm sóc trẻ sơ sinh, con ốm, con đau nhiều lúc rất vất vả. Nếu không có tình thương thực sự với các con thì chắc chắn các mẹ khó có thể làm được như thế.
Chị Nguyễn Thị Thanh Phương - cán bộ giáo dục ở làng tâm sự: “Em về với làng được 15 năm, công việc hàng ngày là cùng với các mẹ dạy dỗ, kèm cặp bài vở cho các con. Các con nào học buổi sáng thì buổi chiều được nghỉ, sẽ đến phòng học tập thể của làng để cô kiểm tra bài vở, hướng dẫn các con làm hết bài tập và chuẩn bị bài mới. Ở đây có con học rất chăm, có con lại lười học, hay nói dối mất sách vở, rồi trốn đi chơi điện tử, hay lại có con có tính “tắt mắt” (lấy trộm đồ của người khác). Những lúc như thế, không chỉ các mẹ, các dì vất vả mà cả làng cũng khổ sở, lo lắng”.
Hơn 20 năm thành lập làng, đến nay đã có hơn 200 lượt trẻ em trưởng thành, hòa nhập với cộng đồng từ nơi đây. Các trẻ được nuôi đến hết năm 18 tuổi, nếu thi đỗ đại học, cao đẳng sẽ được lãnh đạo làng trẻ cho một số tiền nhất định để đủ kinh phí nhập học đầu năm. Còn lại những kỳ sau gia đình (họ hàng các cháu) sẽ lo hoặc các cháu phải tự bươn trải. Và thực tế đến nay, làng đã nuôi dạy được nhiều con em trưởng thành, học hành đỗ đạt. Có con làm giảng viên trường đại học, làm cô giáo, làm công an... Còn những cháu không thi đỗ, làng trẻ sẽ tìm kiếm công ăn việc làm cho các cháu, rồi mới bàn giao cháu về với địa phương...
Làng Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng (làng Hoa Phượng) được thành lập từ năm 1992, trực thuộc Sở LÐ,TB&XH TP Hải Phòng. Làng có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi không nơi nương tựa. Cả làng hiện có 58 trẻ, chia làm 8 gia đình. Trong đó có 2 gia đình là nuôi dưỡng và chăm sóc toàn các cháu khuyết tật. Mỗi gia đình nhận nuôi từ 6 – 8 cháu. Làng trẻ hoạt động dựa vào nguồn ngân sách của thành phố và các hoạt động quyên góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm. |