Câu chuyện về vụ lật gãy tàu E1 chẵn 12 năm trước vẫn còn ẩn hiện trong ký ức nhiều người.
Hói Dừa, Hói Mít - hai xóm nhỏ nằm ven con đường phía Tây đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) thơ mộng đang đổi thay từng ngày với hệ thống điện - đường - trường - trạm khang trang… Nhưng câu chuyện về vụ lật gãy tàu E1 chẵn 12 năm trước vẫn còn ẩn hiện trong ký ức nhiều người.
Tàu gãy đôi, cả xóm vượt đầm cứu nạn
Một ngày giữa tháng 3, bà Mai Thị Toàn (51 tuổi, ở thôn Hói Mít) tranh thủ ghé hai am thờ tại ngạnh Đá Bàn - khúc cua đường ray xe lửa, nơi xảy ra vụ lật gãy tàu 12 năm trước - nằm giữa đường tàu và con đường ven đầm Lập An thắp hương, tưởng niệm 12 nạn nhân xấu số. Mỗi lần có dịp đi qua “chứng tích đau thương” này, bà Toàn cùng nhiều người dân Hói Mít, Hói Dừa lặng lẽ vào thắp hương. “Chẳng ai quên được cái ngày định mệnh 12/3/2005 ấy. Tang thương lắm! Ở đây hơn trăm hộ, nhà nào cũng có người ra đó cứu nạn”, bà Toàn kể.
Khu vực xảy ra tai nạn, người dân lập hai am thờ tưởng nhớ nạn nhân xấu số
Trưa đó, bà Toàn vừa bưng mâm cơm lên thì nghe tiếng động rầm rập. Kế đó là tiếng hô hoán khắp đầu làng, cuối xóm. “Túc (lật) tàu rồi! Túc tàu rồi!”. Bà Toàn quẳng vội mâm cơm, chạy ra đường, hòa vào dòng người đang túa ra, chạy về phía ngạnh đá. “Chỗ đó cách đây hơn cây số mà nghe tiếng động lớn lắm. Mới đầu mình cũng sợ hãi vì khắp nơi là tiếng gào khóc”, bà Toàn nhớ lại. Từ mặt đường ray lên tới ngạnh đá cao đến 3m, nhưng hai toa 6 và 7 của tàu E1 bị hất lên trên mặt đá, đứt lìa sau vụ tai nạn.
Ông Vương Ngọc Thành (xóm Hói Dừa) kể lại chuyện cứu đứa bé trên chuyến tàu E1 định mệnh
Anh Nguyễn Thanh Hiếu (23 tuổi, xóm Hói Mít) vẫn nhớ như in vụ tai nạn thảm khốc đó. Năm ấy, Hiếu mới hơn 10 tuổi, đang cùng đám bạn chơi ở rừng dương chạy dọc đầm Lập An thì nghe tin vụ TNGT. Còn nhỏ, Hiếu dễ dàng len lỏi đến hiện trường vụ tai nạn. Hết chứng kiến ông Viên (trú TP Huế, làm tôm ở đây) dùng búa tạ đập ầm ầm vào cửa kính cứu người, Hiếu lại trực tiếp thấy ông Vương Ngọc Thành (xóm Hói Dừa) bất chấp mạng sống cứu cho được đứa bé cuối cùng ở giữa hai toa tàu nát. “Khi đó, vị trí nặng nhất là toa 6 và 7. Hai toa tàu treo trên mặt đá chơi vơi, nếu sơ suất thì ngay cả người cứu hộ cũng sẽ gặp nguy hiểm”, anh Hiếu kể.
Ông Thành luồn vào giữa đống đổ nát, mà bên trên thân tàu có thể ập xuống người ông bất kì lúc nào. Ký ức ùa về, ông Thành chậm rãi kể: “Lúc đó chỉ lo cứu người, chẳng ai màng khó nguy. Hai toa đó người chết nhiều nhất. Đến giờ tôi vẫn ám ảnh. Người mình cứu được cũng không rõ giờ ra sao?”.
Người dân đầm Lập An vốn nghề tôm cá nên sẵn ghe đò. Trưa đó, 5 chiếc đò gắn máy của xóm Hói Mít hoạt động hết công suất đưa người bị nạn đi cấp cứu. Hơn 45 phút mỗi chuyến đò thực sự là cuộc chiến giành lại sự sống cho các nạn nhân. Bà Dương Thị Lan (43 tuổi, xóm Hói Dừa) nhớ lại: “Tôi đi ghe đỡ người ta. Ghe thô sơ chẳng có vật dụng y tế. Tôi phải nắm tay từng người, cố gọi to để họ không lịm đi, nghe mình mà sống”.
Hiện trường vụ tai nạn tàu E1 ngày 12/3/2005
Con đường mới nối những bờ vui
Theo bà Lan, hiện trường vụ tai nạn tàu E1 lúc đó rất hỗn loạn. Tiền vàng, tài sản khác của khách đi tàu vương vãi khắp nơi. Nhưng bà con tự giác gom lại thành đống, chờ cơ quan chức năng tới xử lí. “Họ bị nạn, chúng tôi lo cứu người còn không kịp. Giờ thỉnh thoảng đọc dòng tin lật xe, TNGT, người dân chỗ nọ, chỗ kia hôi của mà buồn lắm”, bà Lan bộc bạch.
Bà Toàn cũng nhớ lại: “Trên tàu E1 lúc đó có một toa chủ yếu chở khách nước ngoài. Ban đầu họ cũng sợ bị mất của nhưng thấy mọi người chuyên tâm cứu người, họ rất khâm phục. Mình nghèo nhưng “đói cho sạch”. Sau này, một người nước ngoài thường trở lại Đá Bàn vào tháng 3, cho tiền và quà bánh bọn trẻ. Những người khác ở tứ phương, Đá Bàn trở thành kí ức xót xa không thể nào quên được”. Ông Thành cũng tự hào: “Cả xóm còn được Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế và Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình thời đó tuyên dương và thưởng mỗi người 100.000 đồng vì lòng dũng cảm không nề hà hiểm nguy cứu hộ, cứu nạn tàu E1”.
11h45 ngày 12/3/2005, đoàn tàu E1 xuất phát từ Hà Nội đi TP HCM, khi đến Km 751+950 khu gian Thừa Lưu - Lăng Cô, thuộc địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bị tai nạn khiến 12 người chết và khoảng 100 người bị thương. Ngay sau khi tàu bị nạn, người dân hai xóm Hói Mít, Hói Dừa đã ra sức giải cứu người bị thương, đồng thời bảo vệ tư trang, tài sản của người bị nạn. Vụ việc đã trở thành “bản hùng ca” được người dân cả nước biểu dương, ghi nhớ. |
Trở lại ngạnh Đá Bàn vào những ngày tháng 3 định mệnh, giữa hương khói nghi ngút bên miếu thờ các nạn nhân xấu số, vừa cầu mong bình an trên mỗi chuyến hành trình, ông Thành tâm sự: “Vừa rồi nghe lật gãy tàu SE2 cách đây không xa, chúng tôi lại giật mình. Hạ tầng đường sắt đang tốt hơn, nhưng ý thức người tham gia giao thông vẫn còn là vấn đề nhức nhối”.
Cuộc sống ven đầm Lập An đổi thay từng ngày. Xuyên giữa đầm Lập An, con đường rộng rãi, uốn lượn men bờ đá, bên kia là rừng keo bạt ngàn chạy dọc tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam khiến phong cảnh trở nên hữu tình, thơ mộng. Nơi đây, giờ đã có thêm điểm du lịch mang tên Suối Mơ, thu hút rất nhiều du khách từ hai TP Huế và Đà Nẵng. Theo lãnh đạo UBND thị trấn Phú Lộc, năm 2007, bà con nơi đây đón nhận tin vui khi Bộ GTVT đầu tư xây dựng đường Tây đầm Lập An, với kinh phí hơn 110 tỷ đồng, dài gần 11km. Con đường nhựa phẳng lì nối trung tâm thị trấn Lăng Cô về Hói Mít như một món quà cho những người dân “ra tay trượng nghĩa”.
Nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang tô điểm cho chốn thơ mộng đầm phá Lập An. Hơn 250 mái nhà ở xóm Hói Dừa, Hói Mít nay được chong đèn sáng rực. Còn nhớ, giữa năm 2005, tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định đưa điện về với mức đầu tư gần 4 tỷ đồng. Tháng 8/2005, một trạm biến áp và đường dây hạ thế đã về đến khu vực này. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn giúp đỡ người dân có đường dây và công tơ điện, bà con chỉ mua bóng đấu nối vào nhà. Trường học được đầu tư đáp ứng nhu cầu đào tạo cho con em.
“Cảm giác tháng 3 ở đây lạ lắm. 12 năm rồi nhưng nó vẫn còn ẩn hiện. Chẳng biết những người được cứu sống năm đó ra sao, những người bị thương nặng thế nào. Biết khách trên tàu mỗi người một nơi nhưng nếu có một ngày được gặp lại, chúng tôi vẫn nhớ mặt”, bà Toàn chia sẻ.