Bà Văn Tuyết Mai, con gái Đại tướng Văn Tiến Dũng - chỉ huy trực tiếp chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch cuối cùng trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 kể lại chuyện thương con, thói quen hằng ngày của cha mình...
LTS: Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917 – 2002) quê tại Từ Liêm, Hà Nội. Từ năm 1954, ông làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch: Đường 9 - Nam Lào (1971); Trị Thiên (1972); Tây Nguyên (1975).
Ông cũng là Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh (1975) - chiến dịch cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, chiến dịch quân sự có thời gian ngắn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Chỉ diễn ra trong 6 ngày (từ 26.4 đến 30.4.1975), song chiến dịch đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả đoạn trích nói về chuyện thương con, thói quen hằng ngày của Đại tướng trong bài viết “Mãi khắc ghi lời cha dặn” của tác giả Vũ Trọng Đại.
Bài viết đăng trong cuốn sách “Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể người thân” do tác giả Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thái Hà Books) sưu tầm và biên soạn, ra mắt cuối tháng 3.2015.
Cô Văn Tuyết Mai nói về tính cách của cha: Điềm tĩnh, hiền nhưng nghiêm khắc. Bình thường ông rất tươi cười nhưng khi trách phạt lại rất nghiêm nghị. Ông đang cười nói, nhưng nếu nghiêm giọng lại thì người nghe hiểu là có chuyện.
Ông không mắng mỏ những người mắc lỗi mà gọi người đó ngồi đối diện, rồi từ tốn nêu các khuyết điểm và cách sửa chữa. Trong gia đình hay khi ở ngoài cũng vậy. Khi con cái mắc lỗi ông xử lý như cấp dưới.
Có lần con trai Văn Tiến Trình, khi chưa đi bộ đội nghịch ngợm lắm, thế là ông gọi vào phòng làm việc đóng cửa lại chỉnh huấn. Những lúc như thế, dù biết không bị nạt nộ gì đâu nhưng ai cũng sợ.
Tính điềm tĩnh ấy cũng khiến ông chịu khó lắng nghe, suy nghĩ cẩn thận trước khi trả lời hoặc trao đổi với người khác.
Đại tướng Văn Tiến Dũng và phu nhân Nguyễn thị Kỳ năm 1955
Tướng Dũng thương con cái. Thương con nhưng không chiều con. Ông dạy con tính tự lập, không ỷ vào địa vị của bố. Ông thể hiện tình thương bằng sự quan tâm đến chuyện học tập ở trường hay chuyện phấn đấu ở đơn vị...
Những lúc có thời gian rảnh, không bận bịu với các chiến dịch hay đi chiến trường, ông thường đi xuống các địa phương thăm đơn vị bộ đội để nắm tình hình, nhất là các cơ sở cách mạng ngày xưa như Mỹ Đức, Cổ Loa... và dẫn các con theo cùng.
Hay như các cuối tuần, nếu không bận, ông đưa cả gia đình đi tham quan các danh lam thắng cảnh như chùa Trầm, chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Hương...
Nói về tính cần kiệm của cha mình, cô Mai cứ cười mãi. Câu chuyện cô kể nghe như giai thoại. Khi ở nhà, Tướng Dũng thường đi guốc mộc. Vì dùng đã lâu, đôi guốc bị hỏng, nhưng ông không bỏ. Mòn thì đóng đế, sứt quai thì đóng đinh lại cho chắc. Đôi guốc ấy, ông sửa đi sửa lại bao lần, đến khi trên guốc không còn chỗ để đóng đinh thì ông mới thay guốc mới.
Hay như việc dùng giầy cũng vậy. Tướng Dũng tự nhận mình là chân Giao Chỉ, Vì chân ông đặc biệt nên quân nhu phải đóng giầy riêng. Biết nhiêu khê như thế nên ông càng giữ lắm. Nếu hỏng lại tự sửa, đến khi không còn sửa được nữa mới thôi. Thực ra cũng nhờ ông khéo tay.
Ngoài việc tự sửa giày, ông còn tự sửa quần áo cho đến lúc lấy vợ. Tuổi thơ khốn khó cộng với thời trẻ đi lao động kiếm sống cực nhọc tại xưởng dệt đã giúp ông rèn luyện đức tính ấy.
Lần lượt nắm giữ các chức vụ cao cấp, chỉ huy trong quân đội nhưng ông lại hay nhường vợ vì bà Nguyễn Thị Kỳ nóng tính. Đại tướng rất nể vợ – người nội tướng của mình.
Ngoài mấy người con ruột, ông bà còn nuôi nấng, dạy dỗ một số con các bạn chiến đấu đã hy sinh trên chiến trường, con các cơ sở cách mạng, con liệt sỹ... tất cả ăn ởm học hành như anh em một nhà. Bữa ăn bao giờ cũng vui vẻ, náo nhiệt.
Trong gia đình Tướng Dũng, mọi việc sinh hoạt của con cái đều do bà Kỳ giải quyết để chồng yên tâm công tác, không làm phân tán tư tưởng, suy nghĩ của ông.
Về thói quen hàng ngày của Đại tướng, cô Mai kể rất thích thú, say sưa. Bố cô giữ nếp làm việc và sinh hoạt rất chặt chẽ. Suốt mấy chục năm hầu như không bao giờ sai giờ: 5h sáng dậy, vừa tập thể dục, vừa nghe tin buổi sáng, 6h ăn sáng rồi đi làm, 11h về nhà nghỉ trưa, 1h chiều đi làm.
Đến 5h chiều rời cơ quan là chơi thể thao 30 phút đến 1 tiếng, 6h ăn tối xong đi dạo quanh sân, vừa đi vừa áp chiếc đài nhỏ lên tai để nghe tin tức...
Giai đoạn 1980-1986 Đại tướng Văn Tiến Dũng giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Đảng ủy quân sự Trung ương (1984-1986).
Đại tướng cũng là tác giả của nhiều tác phẩm quân sự như: “Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự Việt Nam”...
Do những thành tích và công lao đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng và nhiều huân chương cao quý khác. Tên ông được đặt cho một số đường phố tại Việt Nam.