Theo như phong tục Việt Nam, sau khi hết 3 ngày Tết Nguyên Đán, người ta sẽ làm lễ tạ năm mới hay còn được gọi là lễ hóa vàng. Đây là dịp để tiễn đưa tổ tiên, ông bà sau khi đã ăn Tết cùng với con cháu trong gia đình. Chuyên gia phong thủy dưới đây chia sẻ cách làng lễ hóa vàng chính xác nhất sau 3 ngày Tết nguyên đán.
Mâm cỗ nên cúng chay hay mặn?
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, theo phong tục của văn hóa người Việt từ xưa tới nay, những gia đình sẽ thực hiện các lễ nghi để mời ông bà, tổ tiên về vào trước ngày Tết Nguyên Đán và ăn Tết với con cháu trong nhà. Sau khi Tết mỗi năm lại trôi qua, chúng ta sẽ thực hiện nghi thức hóa vàng nhằm tiễn đưa tổ tiên và ông bà. Do đó, lễ hóa vàng còn được nhiều người gọi với các cái tên khác như là lễ hóa vàng cho tổ tiên, lễ đưa tiễn ông bà,…
Ý nghĩa của lễ hóa vàng chính là nhằm thể hiện sự biết ơn, tôn kính cũng như cầu cho tổ tiên sẽ ban điều lành cho hậu thế, có một năm nhiều sức khỏe, an khang thịnh vượng và gặp nhiều điều may.
Trước đây, người ta thường tiến hành làm nghi thức hóa vàng trong ngày mùng 3 Tết hay ngày mùng 7 Tết. Tuy nhiên, ngày nay thì ngày được lựa chọn để làm lễ hóa vàng sẽ kéo dài từ mùng 2 tháng Giêng tới mùng 10 tháng Giêng tùy theo điều kiện và phong tục ở mỗi địa phương. Để tiến hành lễ nghi, các gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cơm để cúng. Khi tuần hương đã kết thúc, mọi người sẽ bắt đầu đốt vàng mã đã được cúng kiến trong suốt cả 3 ngày Tết đầu năm.
Ảnh minh họa
Mâm cúng hóa vàng là chay hay mặn, ít hay nhiều là điều không quá quan trọng. Nếu chúng ta làm mâm mặn thì sẽ thường xuất hiện 1 con gà trống. Mâm cỗ được bày trí trang nghiêm, đầy đủ nhằm thể hiện sự biết ơn, thành kính của con cháu trong nhà với bậc tổ tiên, ông bà. Trong mâm cúng hóa vàng hàng năm dịp Tết, con gà là một món ăn hết sức quan trọng. Gà là biểu tượng của 5 đức tính người Việt Nam là: Văn – Võ – Dũng cảm – Nhân hậu – Trung tín. Mâm cúng có gà trên đó sẽ tượng trưng cho sự hanh thông, tốt đẹp và một tương lai ngời sáng phía trước.
Khi gia chủ chuẩn bị mâm lễ vật ngoài trời để cúng, hãy đặt gà lên 1 đĩa to và sắp ngăn nắp lên đĩa, tiết lòng để ở phía dưới bụng gà và mỏ có ngậm một hoa hồng đỏ. Quan trọng hơn hết là cần đặt đầu gà quay ngang mâm lễ mỏ gà mổ về phía bên tay phải người cúng khấn, không bày gà quay vào trong xấu về thẩm mĩ khi cúng kiến. Càng không nên bày gà quay hẳn đầu ra đường vuông góc với bát hương lại bất kính với bề trên.
Cách làm lễ hóa vàng mùng 3 Tết chính xác nhất
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cũng cho rằng, làm lễ hóa vàng cũng là điều rất quan trọng bên cạnh những bài khấn hóa vàng Tết. Khi lễ đã hoàn tất, chủ nhà bắt đầu nghi thức hóa vàng để tạ gia tiên và gia thần. Lễ tạ sẽ được tiến hành trong không khí trang nghiêm tại một góc vườn nhà hay ở sân sạch sẽ, tươm tất. Chúng ta sẽ hóa tiền vàng trước và hóa đồ dùng sau. Trong trường hợp nhà có người mới mất thì vàng mã này được hóa riêng.
Cúng tại bàn thờ ông bà, tổ tiên. Lúc lễ đã diễn ra xong, chủ nha vái 3 vái và cầu nguyện gia tiên phù hộ cho con cháu. Tiếp đến là xin phép thu lộc, chia lộc (các vật phẩm) cho con cháu trong nhà. Vị trí hóa vàng cần đặt một cây mía dài để làm đòn gánh giúp linh hồn đem đồ trở về cõi âm.
Khi thực hiện lễ hóa vàng ngày Tết cần lưu ý một số điều sau:
+ Chuẩn bị đầy đủ và chu đáo lễ vật trên mâm cúng, phải thành tâm khi làm lễ.
+ Khi chưa thực hiện hóa vàng, không để hương đèn tắt. Đặc biệt là hành vi hạ lễ trước khi hóa vàng sẽ được xem là bất kính đối với các vị thần linh và tổ tiên.
+ Phần tiền vàng gia thần cần được hóa trước rồi mới tới phần của tổ tiên để không bị nhầm lẫn.
+ Không nên đốt vàng mã quá nhiều: Cũng có không ít người quan niệm là càng đốt nhiều vàng mã là lòng thành kính và biết ơn tổ tiên càng sâu sắc. Đây là điều hoàn toàn sai lầm. Chúng ta chỉ nên đốt một lượng vàng mã và hương khói vừa đủ dành cho nghi lễ. Việc mọi người đốt vàng mã với số lượng quá tải sẽ làm ô nhiễm môi trường nặng nề.