Chuyên gia đề xuất phương án cứu nạn nhân vụ sập hầm thủy điện

Ngày 19/12/2014 06:34 AM (GMT+7)

Các chuyên gia địa chất cho rằng phương án tối ưu nhất để cứu 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện là khoan mũi có đường kính đủ rộng một người chui lọt. Khoan từ đỉnh đồi xuống và đưa công nhân lên theo đường này.

Khoảng 7h sáng ngày 16.12, khoảng hơn 30 công nhân đang làm việc tại công trình thuộc thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng thì hầm bất ngờ bị sập. 12 công nhân đã bị mắc kẹt ở vị trí cách đầu miệng hầm chừng 560 mét. Ngay sau đó, các lực lượng cứu hỗ, cứu nạn đã huy động máy móc, thiết bị, đào hầm cứu công nhân bị mắc kẹt.

Cần rút nước liên tục

Chiều 18/12, lực lượng khoan đang khẩn trương hoàn thành các mũi. Bởi đây sẽ là cửa thông gió và tiếp tế thức ăn, thuốc men, quần áo chống rét cho các nạn nhân. Cách tiếp tế hiện tại từ vị trí hầm bị sập thông qua lỗ khoan thoát nước rất nhỏ và khó khăn.

Chuyên gia đề xuất phương án cứu nạn nhân vụ sập hầm thủy điện - 1 

Lực lượng cứu hỗ, cứu nạn đã huy động máy móc, thiết bị, đào hầm cứu công nhân bị mắc kẹt.

Theo PGS. TS Lê Trọng Thắng, Trưởng bộ môn địa chất công trình (ĐH Mỏ địa chất) đoạn hầm bị sập rất có thể là đoạn chạy ngang vùng đất đá bị đứt cộng với nước ngầm phá vỡ liên kết giữa các khối đất đá.

“Hiện tại, vẫn còn quá sớm để chúng bàn về nguyên nhân sự cố. Tuy nhiên, dự đoán nguyên nhân địa chất cũng giúp ích khá nhiều cho công tác cứu hộ. Việc rút nước liên tục rất cần thiết, nước dâng cao khiến nạn nhân sẽ bị giảm thân nhiệt, sức khỏe yếu dần. Thêm vào đó, nước dâng cao sẽ phá vỡ liên kết đất đá khiến cho hoạt động khoan, đào hầm trở nên khó khăn, nguy hiểm hơn”, ông Thắng nói.

Chuyên gia địa chất cho rằng cần tính đến một phương án duy trì sức khỏe cho công nhân mắc kẹt lâu dài. “Rất khó để nói trước về tiến độ của các mũi khoan, đường hầm vì việc này phụ thuộc phần lớn vào địa chất. Nếu may mắn đường hầm cứu hộ và các mũi khoan không gặp phải đá mồ côi sẽ tiến triển nhanh hơn”.

Kỹ sư Hoàng Khắc Bá, chuyên gia về địa chất công trình nền móng cho biết phương án ban đầu dùng các mũi khoan từ cả ba hướng để đưa oxi vào và rút nước đang dâng cao ở nơi 12 công nhân bị kẹt ra là hợp lý.  

Ông Bá cho biết: “Phương án đưa công nhân mắc kẹt ra ngoài bằng hầm theo hình chữ nhật hoặc hình thang từ ngoài vào trong khu vực nạn nhân bị kẹt là phương án hay. Nhưng tôi lo ngại nó sẽ mất nhiều thời gian. Công nhân đã mắc kẹt 2 ngày, đào hầm thêm vài ngày nữa sợ rằng công nhân sẽ lạnh, không trụ được”.  

Đưa nạn nhân lên bằng mũi khoan lớn

Kỹ sư cao cấp Hoàng Xuân Hồng, Trưởng ban Khoa học công nghệ Hội đập lớn và phát triển nguồn nước cho rằng, lực lượng chức cần phải đưa thêm nhiều máy khoan cỡ lớn vào để đẩy nhanh tiến độ tiếp cận công nhân mắc kẹt. Các đơn vị có thể dùng mũi khoan có đường kính 18-20cm khoan từ trên đỉnh quả đồi xuống khu vực công nhân đang kẹt. Càng dùng nhiều mũi khoan thì khả năng thành công càng cao.

Ông Bá cho biết thêm, ngoài việc lực lượng cứu hộ đào hầm từ ngoài vào cứu 12 công nhân đang mắc kẹt ở trong hầm thì nên chọn phương án dùng mũi khoan lớn (loại mũi 60- 80cm) khoan từ trên đỉnh quả đồi xuống.

“Tôi đã tìm hiểu, hiện nay có một công ty ở Hà Nội có loại mũi khoan 60-80m có thể khoan độ sâu khoảng 40m. Nếu sử dụng loại mũi khoan lớn vào việc cứu hộ 12 công nhân mắc kẹt thì sẽ nhanh và hiệu quả hơn”, ông Bá chia sẻ.

Theo ông Bá, ông được biết từ đỉnh đồi xuống tới vị trí 12 công nhân mắc kẹt dài hơn 60 m. Như vậy, mũi khoan lớn sẽ khó có thể tiếp cận được (vì chỉ khoan được độ sâu 40m) nơi công nhân đang kẹt. Nhưng ông Bá cho rằng có hai phương án có thể khắc phục được việc này bằng cách đào phá từ trên đỉnh đồi xuống hơn 20m sau đó mới đặt loại khoan cỡ lớn để cứu công nhân.

Cũng có thể khoan từ đỉnh đồi xuống đến một độ sâu nhất định, sau đó đưa loại mũi khoan nhỏ vào để khoan tiếp. Như vậy, lực lượng cứu hộ cứu nạn sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp tế lương thực, quần áo cũng như oxi cho nhân mắc kẹt.

Đồng quan điểm với phương án của kỹ sư Hồng, PGS Lê Trọng Thắng cho rằng phương pháp đào hầm zich zắc tốn nhiều thời gian. Trong trường hợp gặp đá mồ côi chắn đường, không thể nổ mìn, đào sang ngách khác tốn rất nhiều thời gian.

“Phương pháp khoan mũi lớn đường kính đủ rộng một người chui lọt an toàn và nhanh chóng hơn cả. Khoan đến đâu dùng chất gia cố đất, luồn ống thép đến đó rồi thả rọ xuống đưa từng người lên phía trên”, ông Thắng nói.

Tuy nhiên, chuyên gia địa chất này cũng lưu ý rằng, khi khoan gần đến nơi người bị nạn phải khoan chậm, giảm lực tránh gây sụt đất thêm. PGS Thắng dẫn chứng vụ tại nạn sập mỏ vàng ở Chile vào tháng 8/2010 khiến 33 thợ mỏ Chile mắc kẹt dưới độ sâu 700m. Lực lượng cứu hộ Chile đã dùng phương pháp khoan mũi lớn đường kính đủ rộng để đưa người gặp nạn lên mặt đất thành công.  

Công trình thuỷ điện Đạ Dâng – Đa Chomo gồm hai nhà máy thuỷ điện liên hoàn. Nhà máy Đạ Dâng đặt trên dòng sông Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương) và Nhà máy thuỷ điện Đa Chomo trên suối Đa Chomo (nhánh của sông Đạ Dâng, tại xã Phi Tô, Lâm Hà).

Công trình dự kiến đưa vào vận hành với tổng công suất 22 MW, sản lượng điện trung bình hằng năm là 109,27 triệu kwh với tổng mức đầu tư 475,166 tỷ đồng theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh).

Theo Nguyễn Đức – Tất Định (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot