Những ngôi nhà bỏ hoang không người ở, điều kỳ lạ là hầu hết chúng đều được xây trên nền đất, từng là phần khuôn viên chính của đền Lê. Không ít câu chuyện kỳ lạ, khó lý giải xung quanh ngôi đền mang tên nhà Lê nhưng lại thờ một người họ Trịnh, Thái vương Trịnh Kiểm, đã có lịch sử 400 năm nay.
Bức tượng hiếm bằng đất nện
Đền Lê nằm cách trung tâm Hà Nội gần 40km về phía Tây, phần chính của đền gần như vẫn còn khá nguyên vẹn. Những bậc đá dẫn lên thượng cung, bức tượng Thái vương Trịnh Kiểm bằng đất nện, từng phiến đá ong hằn sâu dấu tích thời gian của 400 năm lịch sử vẫn thi gan cùng tuế nguyệt. Qua bao thăng trầm lịch sử của xã hội Việt Nam, ngôi đền vẫn ở đó để kể với người đời sau một câu chuyện, chuyện về một nhân vật từng có vai trò rất lớn với nhà Lê Trung Hưng, lập ra một thời kỳ trị vì gần 200 năm của vua Lê – chúa Trịnh.
Nằm ở tả ngạn sông Tích, tại thôn Lại Thượng, xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, Hà Nội, ngôi đền được vua Lê xây dựng vào khoảng năm 1623, sau khi Thái vương Trịnh Kiểm qua đời hơn 50 năm. Theo giải thích của ông Nguyễn Đình Đào, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Lại Thượng (xã Lại Thượng): “Trước những năm 1990, ngôi đền là một nơi “bí ẩn” với ngay chính cả người dân sống trong vùng. Những người dân cũng chỉ biết đó là đền Lê, chứ không mấy ai biết rõ về nhân vật được thờ tự trong đền. Chúng tôi chỉ biết rằng, ngôi đền được gọi là đền Lê. Sau này, các chi tiết về ngôi đền mới bắt đầu được phổ biến, nhân vật được thờ tự chính trong ngôi đền lại không phải người họ Lê như nhiều người nghĩ mà là một người họ Trịnh, là Thái vương Trịnh Kiểm. Tuy nhiên, điều đặc biệt là trước kia, ở xã Lại Thượng không có người mang họ Trịnh. Qua khảo cứu cho biết, cả xã cũng chỉ có 4, 5 nhà mang họ Trịnh, nhưng ngôi đền vẫn được trông nom, chăm sóc, bảo vệ trong 400 năm qua”.
Theo các tài liệu ghi chép, thời kỳ chiến tranh Lê- Mạc, quân đội của nhà Lê do Trịnh Kiểm chỉ huy từng đồn trú ở đây. Ông Vương Huy Phán, Bí thư chi bộ thôn Lại Thượng cho biết: “Nơi đây từng là vị trí tích luỹ lương thảo, tuyển mộ thêm quân... để tiến đánh Thăng Long của lực lượng đánh quân Mạc, do Thái vương Trịnh Kiểm chỉ huy. Đến thời kỳ chúa Trịnh Tùng, phá xong quân Mạc, đất nước thái bình. Để tưởng nhớ công lao của Thái vương, vua Lê đã cho xây dựng đền Lê tại thôn Lại Thượng. Theo đó hàng năm, các quan trọng thần của triều đình từ Thăng Long về đây tổ chức quốc lễ. Tương truyền, các vua quan nhà Lê khi về làm lễ phải xuống ngựa từ nơi đặt bia đá ong có chữ “hạ mã”. Sau đó, các quan đều phải qua “ao quan” để gột rửa sạch cơ thể trước khi làm lễ. Tuy nhiên hiện nay, “ao quan” cũng không còn, chỉ còn lại bia đá ghi chữ “hạ mã”.
Ở làng quê này còn lưu truyền câu chuyện, quân nhà Lê sau một đêm đã đào xong mương quan từ Lương Sơn (Hoà Bình) qua mỏ Chén, chùa Bồ (khu sân bay Hoà Lạc) đến Linh Khiêu, Đồng Trạng, Cổ Đông tiếp Hói Lối, từ Đồng Sét đến cửa lối (sông Tích) địa đạo giao thông hào từ phía núi Hoà Bình ra khu vực Đồng Quan, liên khu Thất Trại. Hiện nay, ở xã Lại Thượng vẫn còn nhiều địa danh gắn liền với cuộc tiến đánh quân Mạc của Thái vương Trịnh Kiểm như Gò Thày (nơi tướng ở), nhà Rang (khu hậu cần, nhà bếp), Vọng (vọng gác cạnh sông Tích, vườn thương - nghĩa trang), Gò tai voi (nơi chôn voi chết)...
Bức tượng Thái vương Trịnh Kiểm bằng đất nện được thờ tự trong đền Lê.
Ngôi đền hiện đã có nhiều thay đổi theo thời gian, diện tích còn lại khá khiêm tốn. Các di tích quan trọng như: Bức tượng chúa Trịnh Kiểm bằng đất nện uy nghi, được đánh giá là một trong những bức tượng hiếm hoi bằng đất nện từ thời Lê Trung Hưng, bia đá... vẫn còn được lưu giữ tại đây.
Lý giải lễ xin thơ và nguồn gốc những ngôi nhà hoang
Khuôn viên ngôi đền giờ không còn giữ được nguyên diện tích như xưa, tuy nhiên, có điều lạ là xung quanh phần đất từng là đất của ngài, nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang một cách khó hiểu. Những mảng tường đá ong, phần mái bị dỡ bỏ còn trơ lại phần nền được các hộ gia đình “tận dụng” trồng rau và để các vật liệu xây dựng. Trả lời cho sự tò mò của chúng tôi, cũng như của không ít du khách thăm đền về sự im ắng đến rợn người của những ngôi nhà hoang ngay sau đền là một sự im lặng, ánh mặt ngại ngần của hầu hết những người mà chúng tôi tiếp xúc. Họ tránh nói đến chủ nhân của chúng, không ai rõ chính xác nguyên nhân rời đi của chủ nhân những ngôi nhà này. Chỉ biết, mỗi gia đình đều gặp những biến cố bi thương khiến họ mất đi người thân và không ai muốn nhắc đến nỗi đau đó.
Ông Nguyễn Văn Thơm, 76 tuổi, Trưởng ban Khánh tiết thôn Lại Thượng (xã Lại Thượng) trầm ngâm kể lại cho chúng tôi một trong những ký ức còn in hằn trong tuổi thơ của ông. “Ngày tôi lên 6, 7 tuổi, ngôi đền này vẫn còn nằm trong một đồi lim rậm rạp. Những bức tường quanh ngôi đền đầy bờ bụi rêu phong. Trẻ con thường không dám bén mảng tới quanh ngôi đền. Ngày đó phần vì tò mò, phần vì có thể được “bám” theo chân các cụ ra đền, nên tôi cũng được ít nhiều nghe về những câu chuyện kỳ lạ quanh chuyện “xin thơ” ở đền Thái vương Trịnh Kiểm. Lúc đó, trong trí óc, tôi chỉ thấy có gì đó vừa huyền bí, vừa khơi gợi sự tò mò và đầy bí ẩn. Người ngoài không ai “dịch” được thơ này mà chỉ người đi xin mới có thể “chép” bài thơ ngài ban. Đại loại trước khi “xin thơ”, người xin thơ làm lễ dâng lên Thái vương. Sau đó, họ treo một chiếc bút rồi khấn vái. Kỳ lạ là ngày đó những người đến “xin thơ” thấy chiếc bút di chuyển và họ “dịch” được những câu thơ từ các nét di chuyển của ngòi bút trước bàn thờ tự của cụ. Người “xin thơ”, sau đó “dịch” nghĩa những câu thơ đó để đoán định tương lai và các câu chuyện liên quan đến cuộc sống của họ”, ông Thơm kể lại.
Cũng không rõ sự ứng nghiệm những câu thơ từ việc “xin thơ” của dân chúng ở đây tới đâu, nhưng xung quanh ngôi đền tồn tại không ít những câu chuyện giai thoại. Một số người dân ở đây kể rằng, trước đây, từng có người sống cạnh ngôi đền. Trước khi người con trai nhập ngũ, mỗi đêm ngủ, người cha đều nằm mơ thấy một ông cụ râu tóc bạc phơ dựng đầu dậy. Ít lâu sau, người cha nhận được tin, người con trai hy sinh ngoài mặt trận.
Ông Đào chia sẻ, những câu chuyện kỳ bí thậm chí huyễn hoặc có thể cũng là một cách mà cha ông dùng để răn đe những kẻ có dã tâm xâm phạm chốn tâm linh. Ở địa phương, hàng năm, nhân dân địa phương vẫn tổ chức lễ hội đúng ngày mất của Thái vương chu đáo. Con cháu trong làng và người dân vẫn thường đến đây lễ vào mùng một, ngày rằm với một tấm lòng thành kính.
Thái vương Trịnh Kiểm (1503 – 1570), tương truyền “Khi sinh ra Trịnh Kiểm, có hào quang rực sáng đầy nhà”. Năm ông được 6 tuổi thì bố chết. Ông và mẹ cày cuốc, rau cháo nuôi nhau. Năm ông 25 tuổi, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập triều Mạc, ông đến nhà một võ quan ở thuê. Người này thấy ông khoẻ mạnh, thông minh nên tin dùng. Năm 30 tuổi, ông theo lời kêu gọi “Phù Lê diệt Mạc” và lập nhiều công trạng. Ông là người có công lớn trong sự nghiệp diệt Mạc của nhà Lê Trung Hưng. Năm 2005, ngôi đền đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hoá”.
Góc nhìn lịch sử PGS.TS Nguyễn Duy Bính, trưởng bộ môn sử Việt Nam, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Theo các giáo trình lịch sử chính thống thì năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Sự chống đối tiêu cực của triều thần nhà Lê chứng tỏ sứ mạng lịch sử của triều Lê đã hết. Từ năm 1545, binh quyền rơi vào tay Trịnh Kiểm. Sau khi Trịnh Kiểm mất, quyền hành về tay Trịnh Tùng, địa vị vua Lê càng sút kém, việc phế lập ngôi vua do chúa Trịnh quyết định. Tuy nhiên việc phế truất đã không xảy ra. Đây là giai đoạn vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong lịch sử hình thức phân quyền vua trị vì, chúa tổ chức điều hành hoạt động của Nhà nước xuất hiện. Theo tôi, đây là một kiểu Nhà nước giống như hay có tính quân chủ sơ khai. Thời Lê-Trịnh, từ giữa thế kỷ XVI- đến giữa thế kỷ XVIII có hơn 50 khoa thi, đỗ hơn 500 tiến sỹ. Qua một vài cứ liệu trên cho thấy văn hóa giáo dục ở thời Lê-Trịnh vẫn có sự phát triển. |