Nhiều người dân ở chung cư N2A, N2B cho biết, vào những ngày trời nồm, cả tòa nhà bốc mùi nồng nặc.
Chung cư N2A, N2B (Tổ dân cư số 39, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được đưa vào sử dụng từ năm 2006 thuộc quản lý của Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý & Phát triển nhà Hà Nội)
Đơn vị cung cấp dịch vụ nước sạch cho các tòa N2 là Công ty Nước sạch Viwaco. Công ty này lấy nguồn nước từ Sông Đà để phục vụ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân.
Tòa nhà N2A và N2B. Ảnh: Ngọc Thi
Mới đầu hè nhưng cư dân ở tòa N2A đã phải đối diện với tình trạng “khát” nước. Ông Lê Qúy Hồng, Tổ trưởng tổ dân phố 39 cho hay:“Không chỉ mất nước sinh hoạt, chúng tôi thường xuyên phải đối diện với tình trạng nước bẩn. Để đảm bảo an toàn các hộ đều chủ động lọc nước để nấu ăn”.
Căn hộ của ông Nguyễn Quang Việt mốc meo bởi đường ống thoát nước hư hỏng nặng. Ảnh: Ngọc Thi
Thường xuyên phải thông cống. Ảnh: Ngọc Thi
Theo người dân sống tại tòa nhà, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước bẩn bởi bể chứa không được thau rửa trong thời gian dài. Nước luôn được tích trữ tại bể ngầm, sau đó đi qua bể lọc trên tầng thượng, cuối cùng mới theo đường ống, hơn nữa đường ống nước xập xệ, xuống cấp… nước sinh hoạt đến từng nhà dân bị nhiễm bẩn.
Nước tràn lênh láng ra hành lang. Ảnh: Ngọc Thi
Được biết, 2 năm trước người dân đã kiến nghị lên chủ đầu tư dể thay tấm lợp che bể nước ở tầng thượng và bể ngầm, mua khóa để đảm bảo vệ sinh bể chứa nước nhưng xí nghiệp quản lý chỉ thay mặt bể tầng thượng còn bể ngầm thì không đoái hoài tới.
Cầu thang luôn trong tình trạng ướt nhẹp. Ảnh: Ngọc Thi
Để khắc phục, người dân trong khu phải góp tiền, tự thay bề mặt bể bằng tấm che inox chắc chắn. Trung bình, một năm người dân sống tại tòa N2B bỏ ra 3 triệu đồng để thau rửa bể chứa. Lẽ ra, Xí nghiệp quản lý tòa nhà phải có trách nhiệm vệ sinh bể chứa nước.
Ông Nguyễn Quang Việt đang tìm đường ống để thông. Ảnh: Ngọc Thi
Theo khảo sát của PV Báo Gia đình & Xã hội, không chỉ về vấn đề nước sạch, cơ sở vật chất tại hai tòa nhà này hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Nền nhà lỗi lõm, hệ thống ống thoát nước từ nhà tắm hư hỏng thường xuyên.
Bên trong lối thoát hiểm là cả một khu bếp. Ảnh: Ngọc Thi
Ông Nguyễn Quang Việt, chủ căn hộ số 208, tòa nhà N2B luôn phải đối mặt với tình trạng đường ống nước hỏng. Nước tràn lênh láng khiến nhiều đồ đạc trong nhà hư hỏng nặng. Cách đây 4 năm, ông cho người khác thuê lại căn hộ để mở công ty với giá 7 triệu đồng. Hiện, tình trạng ống nước thường xuyên hỏng nên họ đành chuyển đi.
Gia đình chị Nguyễn Thị Chính, sống tại căn hộ 207 cũng bị liên lụy khi đường ống nươc thải tại nhà ông Việt xảy ra sự cố.
Chị cho hay: “Mỗi khi nhà ông Việt bị ngập là tôi phải tát nước, bức tường gắn với nhà ông Việt mốc meo. Chúng tôi kiến nghị nhiều lần lên Ban quản lý rồi nhưng chưa nhận được phản hồi tích cực nào”.
Chưa hết, cầu thang tối om, thang máy chậm chạp mặc dù đã được sửa đi sửa lại, hệ thống phòng cháy chữa cháy không đảm bảo là những gì mà người dân hai toàn nhà này đang sống chung từng ngày. Từ khi đưa vào sử dụng đến này bể phốt tại tòa nhà N2B chưa một lần được thau rửa. Nhiều người dân cho biết, vào những ngày trời nồm cả tòa nhà bốc mùi nồng nặc.
Lối thoát hiểm ngổn ngang đồ đạc. Ảnh: Ngọc Thi
Bà Nguyễn Thị Hảo - Tổ phó Tổ dân cư 39 cho biết: “Nói về những bất cập ở chung cư này thì nói cả ngày. Khốn khổ hơn, khi xảy ra sự cố về đường ống, bể phốt chúng tôi phải mất công tìm kiếm đường ống rồi mới tiến hành sửa chữa được. Chưa kể chi phí thông mỗi lần toàn tiền triệu. Hiện, chúng tôi không hề có sơ đồ kỹ thuật về vị trí bể phốt, đường ống… của tòa nhà”.
Trước đó, bà đã kiến nghị lên Xí nghiệp quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị về việc sơ đồ kỹ thuật tòa nhà nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được hồi âm.
đường ra phía trước của lối thoát hiểm. Ảnh: Ngọc Thi
Theo tìm hiểu của PV, cửa thoát hiểm tại tòa nhà N2A ngang nhiên bị bịt lại để làm quán ăn. Ông Hồng cho biết: “Việc lối thoát hiểm bị chiếm làm quán ăn xảy ra hơn 10 năm nay rồi. Chúng tôi cũng đã nhắc nhở, thậm chí có cả công an vào cuộc nhưng vẫn không có tác dụng, nói chung mọi bất cập đều do nhà quản lý kém”.
Vì tòa nhà không có ban quản trị nên người dân ở đây đành tự cứu mình bằng cách lập ra một ban đại diện tạm thời. Họ tiếp thu ý kiến của mọi người trong tòa nhà rồi bảo ban đóng góp tiền thuê thợ sửa chữa khi có sự cố xảy ra.