Thật khó tin khi có căn nhà chỉ rộng chừng 10m2, toạ lạc ngay trên nóc nhà vệ sinh chung của con ngõ trong phố cổ, nhưng lại là nơi mà gia đình hai thế hệ cùng sinh sống.
Căn nhà đặc biệt mà chúng tôi nhắc đến là căn nhà của ông Nguyễn Phùng Hải (82 tuổi) và bà Nguyễn Thị Xâm (67 tuổi), tại ngõ 107 Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hiện tại, ngoài vợ chồng ông Hải thì hai người con (1 trai, 1 gái) của ông cũng sinh sống tại đây.
Căn nhà nơi 4 người, hai thế hệ cùng sinh sống chỉ rộng chừng 10m2, ở ngay phía trên nóc nhà vệ sinh chung.
Nói về cơ duyên sinh sống tại đây, ông Hải cho biết: “Trước đây trong ngõ này chỉ có một mình gia đình tôi ở, dần dần có thêm mấy hộ nữa về đây sinh sống. Đất ở dưới người ta ở hết rồi nên năm 1975 còn có mình tôi, thấy nóc nhà vệ sinh công cộng này có thể tận dụng để ở được thì tôi dọn lên đây rồi lấy vợ và sinh con ở đây”.
Căn nhà này là do chính tay ông Hải làm nên. Gọi là nhà, nhưng thực chất lại nằm ngay trên nóc nhà vệ sinh chung của cả 6 gia đình trong ngõ 107, có diện tích chừng 10m2.
Lớp tôn phủ bên ngoài nhà đã hoen rỉ, thủng lỗ chỗ, ánh nắng xuyên được vào trong.
Gian nhà tối om, ẩm thấp, gạch xây đã cũ mèm, những vệt sơn tường loang lổ. Không gian quá chật hẹp cho 4 con người cùng sinh sống nên nhìn đâu cũng thấy đầy đồ đạc từ nồi xoong, bát đĩa cho đến quần áo, quạt điện…
Bên ngoài nhà được quây bằng tôn mỏng, nên những ngày hè nóng bức, mùi xú uế, sự nóng bức càng khiến cho không gian sống của gia đình ông Hải trở nên ngột ngạt.
Ông Hải nói về ngôi nhà "đặc biệt" của mình.
Nắng thì vậy, nhưng đến khi mưa thì cũng khổ. Nhà thì giột, tiếng mưa lại to làm ai cũng mất ngủ. Tuy vậy, ông Hải vẫn lạc quan khi cho rằng “Ít ra nhà của ông cũng không bị ngập mỗi khi mưa lớn”.
Cuộc sống chật chội, bí bách ai trong gia đình ông Hải cũng đều mong muốn có một căn nhà rộng rãi, nhất là khi hai người con của ông bà đã lớn, con trai ông Hải cũng cần lập gia đình.
Căn nhà quá nhỏ, nên mọi đồ đạc, quần áo của gia đình ông đều tối giản nhất có thể.
Tuy nhiên, ông Hải và bà Xâm tuổi đã cao, sức đã yếu dần theo thời gian, nên số tiền ít ỏi mà ông Hải sửa xe đạp hàng ngày, và số tiền con trai, con gái ông Hải phụ giúp cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.
Niềm hy vọng để có chỗ ở mới tốt đẹp hơn của gia đình ông Hải, hiện chỉ còn trông chờ vào chính sách của thành phố trong thời gian sắp tới.
Quá chật hẹp nên bà Xâm phải tận dụng nhà kho cũ kỹ ngay bên dưới, ngay cạnh nhà vệ sinh chung để làm nơi nấu ăn.
Mặc dù sống trong sự chật chội, bất tiện nhưng ông Hải vẫn giữ được nét điềm đạm của người Hà Nội. Ngoài thời gian đi làm bơm, vá xe ở đầu ngõ, ông Hải còn sáng tác thơ về Tổ quốc, về Bác Hồ để vơi đi phần nào sự cơ cực và mệt mỏi trong cuộc sống hiện tại.
Theo ông Hoàng Thạch Tâm, Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc: “Kế hoạch giãn dân khu phố cổ của UBND thành phố Hà Nội đã được xây dựng từ lâu. Tuy nhiên vấn đề đền bù, người đi người ở vẫn đang là một bài toán nan giải”.
Căn nhà "chênh vênh" ngay trên nóc nhà vệ sinh chung.