Cuộc sống khốn khó nên 14 lần sinh nở có 3 lần chồng chị Hải tự đỡ đẻ cho vợ và 7 lần chị đẻ rơi ngoài lều. Những lần ấy, người phụ nữ này đều tự gượng dậy cắt rốn, rồi ôm con về nhà.
Đến Phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội, chỉ cần hỏi thăm gia đình đông con nhất ai cũng biết. Từ nhiều năm nay, gia đình chị Đặng Thị Hải (49 tuổi), anh Ngô Doãn Năm đã quá nổi tiếng với 14 đứa con ra đời liên tiếp.
Ngôi nhà nhỏ của chị Hải nằm sâu trong hẻm của phường Đồng Mai.
Đầu năm 2016, anh Năm qua đời do bệnh hiểm nghèo, gánh nặng mưu sinh dồn lại hết trên đôi vai của người phụ nữ 49 tuổi. Cuộc sống vốn dĩ đã khốn khó, lại có nhiều con đang tuổi ăn, tuổi lớn khiến chị trông ngày một khắc khổ.
25 năm sinh 14 người con
Kể về cuộc sống của gia đình mình, chị Hải cho biết, năm 1988 vợ chồng chị đến với nhau, rồi về sinh sống tại Đồng Mai. Nhưng do xích mích với em chồng nên sau đó vài tháng chị cùng chồng lang thang đầu đường, xó chợ.
Căn nhà nhỏ, nhưng lại là nơi sinh sống của 13 người. Quần áo treo đầy trước hiên nhà.
Vật dụng trong căn nhà cũng rất đơn sơ.
Để có chỗ trú nắng trú mưa, vợ chồng chị đã dựng tạm túp lều nhỏ ở khu đất của người ta, dùng bùn rơm trát vách, lợp lá mía sống qua ngày. Khi nào chủ khu đất tới đuổi, vợ chồng chị Hải lại dọn đi nơi khác và lại tìm một mảnh đất tạm để dựng lều. Những lúc mưa dột, hai vợ chồng chị đành phải bế các con ngồi để che cho các con.
Đến năm 1994, mẹ chồng chị Hải gọi về và cho hai vợ chồng khu đất hiện tại, trong hẻm nhỏ rộng khoảng 60m2. Mất 1 năm trời hai vợ chồng hì hục tự đóng gạch, nhào vữa, xây dựng, anh chị Năm – Hải cũng làm xong ngôi nhà cấp 4, đủ che mưa che nắng và đưa cả đại gia đình về sinh sống.
Chồng đã mất, 6 đứa con nhỏ đang tuổi cắp sách đến trường nên cuộc sống hàng ngày của gia đình chị Hải càng thêm chật vật.
Hàng ngày, các em nhỏ sẽ ở nhà phụ mẹ lấy củi, nấu cơm, nhặt rau. Những anh chị lớn hơn sẽ phụ mẹ ra đầm bắt cua, bắt ốc.
Chị Hải tâm sự: “Biết đông con thì khổ mà cứ mải kiếm ăn, đến lúc bụng to mới biết mình có bầu. Con cái là lộc trời cho, bỏ đi là mang tội nên tôi cứ đẻ. Được cái tôi dễ đẻ, toàn đẻ ở nhà, chỉ có 1 đứa đẻ ở trạm xá. 14 lần sinh nở có 3 lần chồng tôi tự đỡ đẻ cho vợ và 7 lần tôi đẻ rơi ngoài lều giữa đồng, sau đó tự cắt rốn rồi ôm con về nhà.
Đứa con đầu của tôi sinh năm 1989, cháu út thì sinh năm 2013. Nhưng năm 2015, cháu út đã mất do căn bệnh não úng thuỷ. Đến tháng 3/1016, chồng tôi cũng vì bệnh phổi mà qua đời ”.
Con đông nên để gọi tên các con, chị Hải thường đặt tên ở nhà theo số thứ tự.
Không có người lớn ở nhà nên các cháu bé tự mình trông nhau, tự tắm rửa, tự học bài.
Gánh nặng mưu sinh trên đôi vai người mẹ đông con
Trong 13 người con, hiện 5 người con đầu của chị Hải đã lập gia đình, có con đã ra ở riêng tuy nhiên kinh tế rất khó khăn nên không thể phụ giúp được mẹ. Gần chục năm qua, khu đầm bãi thuộc đất dự án của phường Đồng Mai mà vợ chồng chị Hải xin tăng gia để chăn nuôi, mò cua, bắt ốc là nguồn thu duy nhất của gia đình.
Căn nhà cấp 4 lụp xụp treo kín quần áo, nhưng hiện tại lại là nơi sinh sống của 13 người, trong đó có 9 người con của chị Hải, một người con dâu và thêm 2 đứa cháu.
Thấy mẹ vất vả nên bé Sáng đảm đang thay việc mẹ chăm sóc và nấu cơm nước cho các em ở nhà. Đây là khoảnh khắc bé Sáng đang tranh thủ ngồi học khi nấu cơm để sáng mai đi học vì tối nhà ăn cơm muộn lại đông người không có chỗ học bài.
Các em cho biết, mình không hề có đồ chơi như những đứa trẻ khác. Thấy mẹ vất vả nên có muốn đòi cũng không được.
Nhưng sắp tới khu đất này sẽ bị thu hồi để san lấp khiến chị Hải ngày đêm lo lắng, không biết tương lai sẽ ra sao. Vay mượn thì cũng nhiều quá rồi nên giờ đi vay cũng khó khăn, mình cũng ngại mà người ta cũng dè chừng.
Con đông, chồng thì đã mất trong khi 6 đứa con của chị vẫn đang tuổi đến trường (3 đứa cấp 1, 3 đứa cấp 2) khiến chị Hải càng thêm cơ cực. Hằng ngày, sau giờ lên lớp mấy đứa lớn lại theo mẹ ra khu đầm mò cua, bắt ốc, đánh cá tôm, mấy đứa nhỏ ở nhà thì tự chăm nhau, cơm nước, tắm giặt.
Dù ngày nắng hay ngày mưa, chị Hải vẫn cặm cụi dưới khu đầm cuối xóm, cố cố vét từng con ốc, con cua để mang ra chợ bán.
Do ngâm nước quanh năm suốt tháng nên cứ trái gió trở trời xương khớp chị Hải lại đau nhức. Nhưng vì không có tiền, dù đau chị cũng cố gắng chịu đựng, không dám đi viện để khám.
“Nhiều lúc nghĩ thấy thương các con lắm, cũng có khi muốn cho các con đi làm con nuôi nhà người ta để chúng có cuộc sống tốt hơn. Nhưng càng nghĩ càng thương nên tôi lại không đành lòng. Cơm cháo qua ngày cũng được, nhưng dẫu sao con cũng được ở với mình", chị Hải chia sẻ.