Ngự trên địa phận xã Thông Huề, Trùng Khánh, Cao Bằng, miếu Long Vương được người dân xếp là một trong chốn tâm linh linh thiêng nhất, họ tôn thờ thần Long Vương như một vị thần ban phước lành, đem đến mùa màng bội thu cho nhân dân.
Hàng năm nay đến ngày 16.3 âm lịch, người dân trong vùng lại tổ chức lễ hội tại ngôi miếu đặc biệt này.
Giai thoại thần xà hiển linh
Theo cụ bà Hoàng Thị Men (81 tuổi) một người đã sống lâu năm ở khu phố Thông Huề cho biết, lễ hội miếu Long Vương được tổ chức đúng ngày sinh của ngài, chỉ được tổ chức vào năm nhuận. Ngày này mọi người đều góp lễ để tổ chức và đều dâng lên cho ngài những món đồ cúng ngôn hất để tỏ lòng biết ơn ngài trong năm qua phù hộ cho nhân dân được một năm mưa thuận gió hòa.
Phụ trách phần lễ phải là những người thầy rất cao tay. Bà Men kể lại rằng, khi mọi người đều đã dâng lễ đầy đủ thì sẽ có phần lễ thầy gọi là thần Long Vương hiện hình ra hưởng lộc cùng con cháu. Sau tiếng hô của người thầy mo, lập tức một con rắn to chừng cổ tay trườn từ hốc đá sau miếu, từ từ bò vào trong miếu. “Năm nào cũng vậy, chúng tôi quen rồi, chẳng ai hoảng hốt vì thần không làm hại ai cả, hiền lành lắm. Có năm thần lại hiện hình thành con chuột nhưng cũng theo lộ trình tương tự ra để nhân dân dâng lễ. Nhưng lúc sau thì lại không thấy thần đâu nữa".
Theo lời kể của người dân trong vùng thì con rắn đó dài chừng hơn 1 mét, to bằng bắp chân, toàn thân màu đen và có màu sắc đen xám xen kẽ giữa các vảy. Do lễ được tổ chức từ xế chiều đến tối nên có năm không kịp nhìn thấy thần vì phần lễ hầu như được tổ chức vào buổi tối. Một lúc sau thì thần xà biến đi đâu không còn ai nhìn thấy nữa.
Dân trong vùng thường truyền tai nhau câu chuyện mang đậm tính huyền bí về anh Nguyễn Văn Phùng ở Đức Hồng, Trùng Khánh (Cao Bằng), trong một lần đi bắn chim, anh men dọc theo con đường bên sườn núi qua trước miếu. Đang giữa trưa, anh bỗng thấy xuất hiện một con rắn to, thân hình khác lạ so với những con rắn khác mà anh từng gặp, trên đầu có mào màu đỏ chót, đang nằm phơi nắng đoạn gần ngôi miếu. Thấy vậy, anh Phùng nhanh tay nhả đạn khiến con rắn chết ngay tức khắc, nhưng khi đến gần thì thấy đỏ chỉ là một chiếc áo rách. Vài ngày sau đó, anh Phùng “ra đi” không rõ bệnh tình.
Cũng theo giai thoại thì cách đây mấy chục năm về trước, khi cây ngô cây lúa vừa được cày cấy xong thì cả vùng này đối mặt với tiết trời khô nóng gay gắt, dẫn tới hạn hán, thiếu nước một thời gian dài, ruộng đồng, mương nước tưới tiêu cũng cạn. Lúc đó một số cụ già đứng đầu khu phố ra miếu in thần ban ơn cho dân chúng. Mỗi người mang theo nắm hương ra và thắp lên sau đó khấn vái cầu mưa. Đúng lúc các cụ, vừa vào đến cửa nhà cũng là lúc mưa như trút nước xuống. Lúc đó ngôi miếu nổi tiếng khắp vùng với sự linh thiêng đó.
Miếu Long Vương độc nhất tại Việt Nam?
Ông Chung Văn Hần, người phụ trách trông coi và quản lý ngôi miếu Long Vương cho biết: ngày xưa Tứ Hải Long Vương gồm bốn anh em: Nghiêu Quảng - Nghiêu Thuận - Nghiêu Khâm - Nghiêu Nhuận. Lúc đó lũ giặc, ác quỷ đến quấy nhiễu, xâm chiếm lãnh thổ, bốn anh em ‘nhà rồng” chia ra trấn giữ bốn phương bờ cõi. Nghiêu Thuận ( Tam Hải Long Vương ) được cử đến trấn giữ vùng này, trong một lần chiến đấu với kẻ thù không may bị bắt. Chúng đã hành quyết ngài rất dã man và chặt đầu. Vậy nên khi dâng lễ tế thần, không ai dùng thủ lợn làm đồ cúng Tam Hải, bởi theo họ thì làm vậy tức là chế giễu Long Vương thần.
Ngôi miếu hai gian này tựa lưng vào một ngọn núi đá, ở đó cây cối quanh năm xanh tốt. Gian chính bên trong được dùng làm nơi thờ tự, dâng đồ cúng, còn gian ngoài để tổ chức lễ hội. Pho tượng Long Vương hùng dũng ngồi giữa, hai bên là quan văn và quan võ, bên ngoài môn miếu là hai tướng lĩnh bảo vệ đnag giương binh khó. Ngoài ra, còn một pho tượng nhỏ chuyên dùng để rước trong phần hội trong ngày tổ chức “sinh nhật”, thay thế cho pho tượng Long Vương to, nặng bên trong. Con sông Bắc Vọng nước xanh thẳm, lững lờ trôi một cách yên bình qua trước miếu.
Ông Hần cho biết: "Tứ Hải Long Vương chỉ được thờ ở bốn nơi trên trái đất này, một ngôi miếu khác được đặt ở Tịnh Tây ( Trung Quốc ), một 'vị' Long Vương thì ngự trên 'nóc nhà' Tây Tạng và một miếu thờ thần Rồng đang nằm ở Malaysia hay Trung Quốc, ông cũng không nhớ rõ".
“Lễ hội miếu Long Vương được tổ chức vào ngày sinh của ngài, có lẽ vì dân chúng biết ơn tỏ lòng thành kính ngài nên cứ lúc tổ chức lễ hội đều có mưa. Theo quan niệm thì đó là nước mắt của ngài đáp lái sự tin tưởng của dân chúng. Từ bé đến giờ, không năm nào có tiết thời khô hanh vào ngày này, năm nào ít thì mưa nhỏ cũng có năm mưa rào gây ra lũ, nước sông Bắc Vọng dâng tràn bờ đoạn ngôi miếu báo hiệu một năm thuận lợi sẽ đến. Điều đặc biệt, dù địa thế ngôi miếu không cao nhưng chưa có năm nào nước dâng lên ngập được miếu, dù lũ về rất to”, ông Hần lể lại.
Vẫn là những câu chuyện mang màu sắc liêu trai
Thời Pháp thuộc, ông quan Ba (một chức vụ của giai cấp thống trị dưới thời Pháp) đã cho xây dựng một chiếc cầu khang trang bắc qua sông Bắc Vọng đoạn trước miếu. Ngày khánh thành cũng là ngày chôn sống của lũ cướp, cả người cả xe chìm nghỉm xuống sông khi dám nghênh ngang ngồi trên xe khi đi qua cầu. Bởi tất thảy mọi người, không loại trừ một ai, trước khi qua miếu đều phải xuống ngựa, xe vào miếu vái lạy. Sau khi “xin phép” mới được dắt ngựa đi qua.
Nhớ lại thời gian xây dựng cây cầu Thông Huề mới bắc qua khúc sông này cũng là nỗi kinh hoàng với những người thi công khoảng 4 năm về trước. Khi đang xây dựng thì những chiếc máy xúc cứ thế lún dần, rồi trôi hẳn xuống sông. Bao nhiêu dây cáp đủ các cỡ đều được huy động, nhưng đều bị đứt hết. Sau khi nghe các cụ già khuyên bảo, chủ đơn vị thi công mới đến “thầy” rồi sắm mâm lễ qua miếu Long Vương để “xin phép”. Kể từ ngày đó đến khi hoàn thiện công trình không còn gặp bất kể trục trặc gì, sự cố nào nữa. Thật ra là do địa chất, chứ không phải do cầu cúng mà được. Nhưng do người dân không hiểu nên cứ nghĩ vậy.
“Khoảng 30 năm trước, có người dân tộc Nùng nổi tiếng thảo lặn, bắt cá giỏi tên Phùng Văn Noọng, người trong xã Thông Huề. Trong một lần lặn xuống khúc sông sâu trước miếu, thấy có một hang sâu hoắm mà đen ngóm, nghĩ bụng chắc sẽ có cá to nên anh bơi vào, nhưng càng vào trong thì hang càng rộng ra, rồi anh bước lên nhiều bậc thang để lên một hang động. Bên trong không có gì tối tăm mà trái lại còn có thế giới tự nhiên như bên ngoài vậy, có “đường đi lại”, “bàn ghế”, “thác nước chảy” cây cối …
Khi quay ra, lên bờ thì mới biết mình lặn xuống đó mất nửa ngày, dù chỉ thấy nhanh như một cuộc lặn chỉ vài phút vậy. Mặc dù không có sự chứng thực nhưng câu chuyện này đã được lưu truyền trong người dân. Đoạn trước miếu là khúc sông sâu, nước xanh thẳm chưa ai dám lặn tới đáy vì chỉ lặn được một nửa thì đã chảy máu mũi, máu tai và nước quá lạnh”, bà Men kể thêm. Tất nhiên chuyện của bà cũng chỉ là chuyện kể mang tính giai thoại là nhiều.