Cựu Thủ tướng Singapore có nhiều chính sách mạnh tay khi tham gia vào con đường chính trị, tuy nhiên, với bà Kha Ngọc Chi đó lại là một chuyện tình đầy cảm động và sự hy sinh.
"Đằng sau thành công của mỗi người đàn ông là hình bóng một người phụ nữ", câu nói này hoàn toàn đúng với ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi.
Chuyện tình cảm động của ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi.
Khi học tại đại học Raffles, Singapore, cả 2 ông bà được xem là đối thủ của nhau. Tuy nhiên, ở môn Kinh tế và tiếng Anh, bà Kha luôn dẫn đầu, còn ông Lý chấp nhận về nhì. Dù vậy, từ những cuộc trao đổi, từ tình bạn lớn, không bất hòa cũng không hòa hợp, họ từ đối thủ cạnh tranh dần trở thành người yêu và sau đó là một chuyện tình đầy lãng mạn.
Bức ảnh chụp tháng 9/1946 ông Lý mang đến Cambridge để đặt trong phòng của mình.
Tháng 9/1946, ông Lý Quang Diệu quyết định sang Anh để theo học ngành luật. Bà Kha tiếp tục theo học tại trường để cố gắng giành học bổng của Nữ hoàng trao tặng hàng năm. Chia ly là việc không thể tránh khỏi khi bạn đang còn trẻ và có tham vọng. Tuy nhiên, đây lại là quyết định khó khăn với ông Lý khi đó.
Trong cuốn hồi ký, ông viết: "Tôi đã hỏi cô ấy có thể chờ đợi tôi 3 năm không. Cô ấy đã hỏi lại tôi là có biết cô hơn tôi 2 tuổi không. Tôi nói tôi biết và đã xem xét một cách cẩn thận".
Bố mẹ bà Kha thời điểm đó không kỳ vọng vào chàng thanh niên bỏ dở đại học lại không nghề nghiệp như ông Lý. Gia đình bà Kha cho rằng ông Lý không xứng đáng làm con rể họ. Tuy nhiên, bà Kha luôn có niềm tin vững chắc với ông.
Vào tháng 6/1947, bà Kha cũng giành được học bổng và theo học cùng ông Lý tại trường Cambridge.
Tại Anh, ông Lý đề nghị thực hiện cuộc hôn nhân bí mật, bà Kha đã đồng ý không chút do dự. Và trong tháng 12/1947, cặp đôi đã bí mật kết hôn tại Stratford. Cuộc hôn nhân bí mật này được giữ kín ngay cả sau cái chết của cha mẹ ông và chỉ được ông Lý tiết lộ trong cuốn hồi ký. Ông Lý đã viết: "Tôi không nghĩ rằng đó là một hành vi phạm tội khi kết hôn với một người phụ nữ tới 2 lần".
Ông bà kết hôn lần thứ 2.
Tháng 9/1950, khi quay về Singapore, họ kết hôn lần 2 trong nỗ lực xoa dịu cha mẹ và bạn bè.
Vào tháng 2/1952, con trai đầu tiên của họ là Lý Hiển Long chào đời. Sau đó vào năm 1955 và năm 1957, ông bà sinh tiếp con gái Lý Vỹ Linh và Lý Hiển Dương.
Gia đình hạnh phúc của ông Lý Quang Diệu.
Qua cuốn hồi ký của ông, nhiều người có thể nhận thấy rằng, bà Kha không chỉ là một người vợ mà còn là người bạn thân tình, là cố vấn của ông Lý. Năm 1976, bà Kha chia sẻ: "Tôi luôn đi sau chồng 2 bước như một người vợ châu Á đảm đang". Toàn bộ cuộc sống của bà Kha đều chỉ xoay quanh ông Lý và các con.
Năm 1954, bà Kha giúp ông Lý soạn dự thảo Hiến pháp. Theo nhận xét của ông Lý, bà Kha có khả năng đoán tính cách của người khác.
Là con trai cả trong gia đình Peranakan, ông Lý thậm chí không thể đập vỡ quả trứng. Tuy nhiên, vào năm 2003, bà Kha bị đột quỵ đầu tiên, ông Lý đã nỗ lực điều chỉnh lối sống của mình để chăm sóc bà mặc dù vẫn giữ trọng trách đất nước. Ông quan tâm đến thuốc men, mỗi bữa ăn và cùng bà tập thể dục bằng cách bơi hàng ngày. Ông cũng đo huyết áp cho bà nhiều lần trong ngày mặc dù đã có một thiết bị đo huyết áp tự động.
Bà Kha cũng thú nhận rằng: "Tôi thích chồng đo huyết áp cho tôi".
Vào tháng 5/2008, bà Kha bị đột quỵ lần 2 khiến bà phải nằm liệt giường. Mỗi ngày trở về nhà sau khi làm xong việc, ông Lý đều dành 2 tiếng đồng hồ ngồi bên giường vợ và kể cho bà nghe về công việc trong ngày, đọc những bài thơ yêu thích cho bà nghe. Điều này vẫn cứ đều đặn mỗi đêm.
Có lần khi đọc tập thơ dày và nặng, ông Lý đã phải sử dụng giá đỡ nhạc cụ để hỗ trợ việc đọc sách. Tuy nhiên, ông Lý đã ngủ thiếp đi trong khi đang đọc thơ và đập mặt vào giá khiến mặt bị trầy xước. Dù vậy, điều này không làm cản trở việc đọc cho bà Kha nghe mỗi đêm.
Bà Kha qua đời ở tuổi 89 sau 2 năm nằm liệt giường. Đặt bông hồng đỏ lên thi thể vợ, đặt tay có nụ hôn lên trán bà, ông lặng lẽ bên bà, người đã chung sống với ông 63 năm đầy hạnh phúc.
Ông Lý luôn hài lòng vì đã can đảm và kiên quyết trong việc theo đuổi ước mơ và tình yêu của mình. Ông cũng thừa nhận bà Kha là động lực chính của ông và ông yêu vợ cho đến khi cái chết chia lìa. Dù vậy, bên cạnh một tình yêu đẹp, điều lớn lao hơn là ông bà đã giúp nhau xây dựng Singapore giàu mạnh như ngày hôm nay.