Những lời chia sẻ của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu với nền giáo dục Việt Nam trong chuyến đi tới Việt Nam năm 2007 cho đến nay vẫn đáng suy ngẫm.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2007, cựu Thủ tướng Siangpore Lý Quang Diệu khẳng định rằng: “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”.
Ông Lý Quang Diệu cho rằng, chìa khóa để tránh tụt hậu đó chính là tiếng Anh. Ông chia sẻ, các trường học ở Singapore đều dùng tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc. "Việc lựa chọn tiếng Anh đóng vai trò như ngôn ngữ làm việc, giúp ngăn chặn nảy sinh xung đột sắc tộc, đem lại ưu thế cạnh tranh".
“Ngày nay, Singapore có lợi thế lớn là nhờ vậy. Đây là phần thưởng ngoài dự đoán của Singapore khi thực hiện quy định này”.
Nói về giáo dục Việt Nam, ông Lý Quang Diệu cho rằng: "Đại học Việt Nam nên có sách giáo khoa tiếng Anh ở các ngành quan trọng như kỹ thuật, công nghệ... bởi nếu chỉ dùng sách Việt Nam thì chắc chắn sẽ tụt hậu". Thực tế hiện nay tất cả các kỹ sư làm việc quốc tế đều có khả năng nói tiếng Anh rất tốt và nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này "không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu".
Bên cạnh việc sử dụng tiếng Anh tốt, giáo dục Việt Nam cần phải biết giữ chân người tài. Cuối những năm 1970, ở Singapore, khoảng 5% người có trình độ ra đi. Khó khăn về nguồn nhân tài trở nên trầm trọng khi các quốc gia phương Tây thay đổi chính sách nhập cư, chấp nhận người di dân châu Á.
“Nếu không lấp vào chỗ trống bằng những tài năng nước ngoài, chúng tôi không làm cho đất nước vươn lên hàng đầu được. Họ chính là những megabytes bổ sung cho chiếc computer Singapore”.
Một bài học về giáo dục khác được ông Lý Quang Diệu đưa ra cho Việt Nam là "chỉ được phép thừa, không được phép thiếu". Quan điểm của ông là “Nếu tính toán đào tạo đủ, chúng ta sẽ không thể cung cấp đủ nhu cầu của thị trường”.
Cựu Thủ tướng Singapore còn khẳng định: “Nếu được hỏi để cố vấn, tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam hãy gửi sinh viên miền Bắc, từ Hà Nội, Hải Phòng... vào miền Nam để họ học cách kiếm tiền, cách kinh doanh. Đây là cách tốt để bắt đầu một tham vọng. Và ngược lại, tìm những tinh hoa ở TPHCM “cấy” vào những trường ĐH ở miền Bắc, ở Hà Nội”.
Theo ông Lý, dù làm bất kỳ công việc gì dù là bác sĩ, kỹ sư... thì sinh viên cũng cần được đào tạo đầy đủ, cung cấp các kỹ năng cần thiết để làm việc.
Với ông Lý Quang Diệu, sinh viên Việt Nam luôn “chăm chỉ, chịu khó”, “luôn là những sinh viên hàng đầu” tại các trường đại học của Singapore.