Bà Lại Thị Chỏi ở Vĩnh Long tham gia đội bóng Cái Vồn với vị trí thủ môn. Đây được xem là đội bóng đá nữ đầu tiên của Việt Nam.
Trong những ngày này, khi người hâm mộ khắp cả nước đang háo hức cổ vũ cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tại World Cup 2023 thì có nhiều tài khoản trên mạng xã hội chia sẻ lại thông tin rằng bóng đá nữ không chỉ xuất hiện cách đây ngoài ba chục năm. Đúng vào tháng 7 này, cách đây 90 năm, một đội bóng đá nữ đã hình thành.
Đó là đội bóng đá nữ Cái Vồn. Cái Vồn ngày trước là một địa phương thuộc quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ.
CLIP: Bà Lại Thị Chỏi là thủ môn của đội bóng đá nữ đầu tiên của Việt Nam
Đội bóng đá nữ Cái Vồn năm 1932. Ảnh tư liệu
Ngày 24-7, phóng viên đã tìm đến nhà của bà Lại Thị Chỏi (sinh năm 1910; ngụ xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân, Vĩnh Long). Ông Nguyễn Hữu Thới (65 tuổi) là cháu nội rể của bà Chỏi, xác nhận: "Bà tôi đích thực là thủ môn của đội bóng Cái Vồn ngày xưa nhưng bà đã mất vào năm 2008. Tôi nghe kể bà nội tham gia đội bóng vào lúc hơn 20 tuổi, bà còn một người em là Lại Thị Quới ( đã mất) cũng tham gia đội bóng này".
Theo lời ông Thới, lúc nghe kêu đi đá bóng là bà Chỏi đi ngay vì người thành lập đội bóng là người rất có uy tín. Đội bóng Cái Vồn tồn tại khoảng vài năm thì tan rã, bà Chỏi cùng chồng là ông Nguyễn Văn Thới tham gia cách mạng.
Bà Lại Thị Chỏi (phải) và em gái Lại Thị Quới lúc còn sống. Ảnh: Dương Thu
"Bà nội đi bán trứng gà, trứng vịt khắp nơi là lấy thông tin của địch để về báo lại cho người của mình. Lúc này bà mới đổi tên thành Trương Thị Nở. Mỗi năm bà còn đóng góp khoảng 100 giạ lúa cho địa phương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà động viên các con tham gia cách mạng. Ba người con của bà đã anh dũng hy sinh" – ông Thới xúc động.
Ông Thới rất tự hào về bà nội của vợ
Để ghi nhớ công lao của bà, Nhà nước đã tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và phong tặng danh hiệu cao quý "Mẹ Việt Nam Anh hùng" vào năm 1994.
Trong thời điểm này, bà sống với người cháu gái (vợ ông Thới) và được con cháu chăm sóc tận tình. Bà Chỏi đã hiến đất cho địa phương xây trường học; dặn dò con cháu phải rèn luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khoẻ, hiếu thảo với cha mẹ.
Chân dung bà Lại Thị Chỏi cùng chồng
"Vào năm 2008, khi hay tin em gái ruột của bà là Lại Thị Quới qua đời, do đau buồn, khoảng vài ngày sau thì bà nội cũng mất, khi ấy bà 98 tuổi. Những ngày cuối đời, bà rất minh mẫn, thường xuyên đi lại trong nhà chứ không phải nằm một chỗ. Chắc có "gien" của bà cố nên đứa con trai lớn của tôi cũng mê đá bóng, có tham gia vào đội bóng của xã và đi thi đấu nhiều nơi" -ông Thới cho hay.
Theo một cán bộ UBND xã Mỹ Thuận, bà Chỏi là mẹ Việt Nam Anh hùng, có chồng, con là liệt sĩ nên địa phương đặc biệt quan tâm. Vào năm 1995, địa phương đã cất nhà tình nghĩa cho gia đình; hàng năm, chính quyền địa phương đều có đến thăm, tặng quà.
Theo các tư liệu, năm 1932, ông Phan Khắc Sửu, kỹ sư nông học ở Pháp về Việt Nam, đã thành lập đội bóng đá nữ Cái Vồn. ông Sửu đã vận động được 30 nữ thanh niên khoẻ mạnh, cao ráo, tuổi từ 18-32 nhưng còn độc thân, cư ngụ tại làng Mỹ Thuận và các làng khác trong tổng An Trường (nay là thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) tham gia vào đội bóng. Ông Sửu mời cầu thủ chuyên nghiệp về huấn luyện cho đội bóng nữ. Khoảng vài tháng sau khi thuần thục, các chị em bắt đầu được đá giao hữu với đội bóng nam tại một khoảng sân rộng ở xã Mỹ Thuận ngày nay. Lúc này khán giả rất đông, khách mời có quan đầu tỉnh Cần Thơ, các quận trưởng, hương chức hội tề nhiều xã, bà con gần xa kéo đến cổ vũ. Kể từ đó, đội được nhiều nơi mời đá giao hữu khắp miền Tây. Đội được nhiều người hỗ trợ và thi đấu toàn đi ca nô đến các vùng sâu, vùng xa nơi có bóng đá nam thách đấu. Sau một năm thành công của đội bóng đầu tiên thì cũng tại Cần Thơ, đội nữ thứ hai được lập là đội Xóm Chài. Ngày 2-7-1933, đội nữ Cái Vồn đã đấu với đội nữ Xóm Chài. Năm 1933, đội nam Paul Bert vô địch giải hạng nhì ở Sài Gòn mời đội nữ Cái Vồn lên thi đấu. Trận đấu ấy đội nữ Cái Vồn hòa 2-2 với đội nam Paul Bert và được Tổng cục Thể thao Nam kỳ khen tặng, thưởng 5.000 đồng tiền Đông Dương. |