Từng nghĩ rằng học là để không làm bố mẹ thất vọng, giờ đây Tôn Bối Bối hiểu rõ con đường học hành là vì chính bản thân mình.
“Học là con đường duy nhất”
Được chẩn đoán mắc mắc chứng loạn sản xương, chiều cao của Tôn Bối Bối chỉ dừng lại ở mức 1,17 mét.
Năm 2003, Tôn Bối Bối chào đời tại thành phố Tô Châu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Lên lớp hai, cô bắt đầu nhận thấy sự khác biệt giữa mình và những người xung quanh. Trong khi các bạn cùng trang lứa lớn lên từng ngày, chiều cao của Bối Bối vẫn không thay đổi.
Dần dần, các hoạt động hàng ngày của cô bé bắt đầu bị hạn chế, dù là đi bộ hay chạy như bình thường cũng trở nên khó khăn. Giờ thể dục, khi các bạn cùng lớp chạy nhảy trên sân trường, Bối Bối chỉ có thể ở lại trong lớp học hoặc ngồi một góc sân.
Lên lớp 6, cô bé lần đầu thực hiện cuộc phẫu thuật chỉnh hình chân. Sau đó, Bối Bối phải sống với chiếc nẹp chân làm bằng thép không gỉ, rất cứng và nặng, gắn chặt vào cẳng chân và bàn chân. Vì nẹp chân quá nặng nên cô bé không thể mang giày.
Trước khi vào đại học, Bối Bối chưa bao giờ mang một đôi giày thật sự. Mỗi khi mùa đông đến, mẹ cô sẽ dùng vải bông dày quấn quanh chân để giữ ấm cho con. Tình trạng chỉ được cải thiện khi cô lên đại học và thay chiếc nẹp bằng một loại khác có chất liệu nhẹ hơn.
Cha mẹ của Tôn Bối Bối đều là những “người tí hon” nên phải nỗ lực hơn nhiều để duy trì cuộc sống bình thường. Tất cả hi vọng của họ đều đặt vào con đường học hành của Bối Bối. Từ khi còn nhỏ, Bối Bối đã được cha dạy rằng: “Con sức khỏe không tốt, học hành là con đường duy nhất của con”.
Trước cửa nhà họ luôn có một chiếc xe ba bánh, phương tiện đi lại hàng ngày của cha Bối Bối. Sạp sửa đồng hồ 35 năm tuổi là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình cô. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, Tôn Bối Bối thậm chí chưa từng có một chiếc bàn học riêng.
Sau khi đỗ vào trường cấp 3 tốt nhất khu vực với thành tích xuất sắc, Bối Bối được nhà trường tạo điều kiện sao cho việc học của cô được thuận tiện nhất. Mỗi ngày, mẹ sẽ đặt cô lên xe đạp, rồi đẩy xe đạp qua sân trường, đưa Bối Bối vào phòng học. Đến giờ ăn, mẹ lại tới căng tin lấy cơm rồi mang vào phòng học cho cô.
"Lúc đó mẹ tôi rất vất vả, đã chăm sóc tôi như vậy suốt 3 năm trời", Tôn Bối Bối nhớ lại.
Suốt một thời gian dài, niềm hy vọng của cha mẹ là động lực để Tôn Bối Bối học tập. "Lúc đó, tôi cảm thấy chỉ có việc học và điểm số mới là thứ tôi có thể so sánh công bằng với những người bình thường khác, vì vậy tôi luôn động viên mình cố gắng hơn. Thi vào một trường đại học tốt là mục tiêu duy nhất của tôi trong suốt thời gian dài", Tôn Bối Bối nói.
Một chân trời mới rộng mở trước mắt
Năm 2021, Tôn Bối Bối trúng tuyển vào Đại học Hàng hải Đại Liên. Ban đầu, cô theo học ngành cơ khí, nhưng cân nhắc đến tình hình sức khỏe của mình, Bối Bối nhận thấy không phù hợp để tìm việc làm nên đã chuyển sang ngành quản lý giao thông vào năm hai.
Vào đại học là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Tôn Bối Bối. Trước đó, cô chưa từng đi xa, chưa từng thấy biển, cũng chưa bao giờ sống một mình ở xa nhà như vậy. 3 năm trước, khi lần đầu tiên đến thành phố biển này và thấy cảnh thu của trường, lòng cô tràn đầy hy vọng.
Khi mới nhập học, nhà trường đã đặc biệt cho phép Bối Bối sử dụng xe đạp điện trong khuôn viên trường, bố trí cho cô phòng ở tầng một, trang bị giường, bàn học và bồn rửa mặt thấp hơn. Chiếc xe điện ba bánh đó cũng là chiếc xe điện duy nhất trong trường.
Cô giáo Triệu Hân Như là người đã chứng kiến sự trưởng thành của Tôn Bối Bối. Ban đầu, ấn tượng của cô về Tôn Bối Bối là cô bé tốt bụng, học giỏi nhưng khá nhút nhát, thường tỏ ra thiếu tự tin trong các hoạt động cần phát biểu. Vì vậy, cô giáo đã dành nhiều tâm huyết hơn cho nữ sinh khuyết tật này. Cô đưa Bối Bối tham gia các hoạt động, giao cho cô bé làm cán bộ lớp, khuyến khích Bối Bối viết và tham gia nhiều hoạt động xã hội hơn.
“Bây giờ, Bối Bối có thể tự tin phát biểu trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Khi nhìn thấy cô bé, tôi cảm thấy như mình đang nhìn một cây nhỏ do chính mình vun trồng”, cô giáo Triệu Hân Như nói.
Càng có nhiều trải nghiệm, Tôn Bối Bối càng nhận ra việc học rất quan trọng nhưng không còn là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá cuộc sống.
“Tôi đã tham gia rất nhiều câu lạc bộ, tổ chức, cũng tự mình dẫn dắt các dự án nghiên cứu, điều phối các thành viên trong nhóm để mọi người phối hợp phân công công việc, tôi đã có rất nhiều trải nghiệm mới. Trước đây, tôi luôn cảm thấy mình học là để không phụ lòng cha mẹ, nhưng bây giờ tôi nhận ra rằng, con đường học tập này là vì chính bản thân mình”, cô nói.
Cuối tháng 9 vừa qua, Tôn Bối Bối nhận được thông báo trúng tuyển nghiên cứu sinh của Đại học Giao thông Vận tải Bắc Kinh sau khi tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc. Nói về những năm tháng đại học của mình, cô thấy mình đã gặp rất nhiều may mắn, không có gì phải hối tiếc. Giờ đây, cô bé hạt tiêu này rất mong chờ được đến Bắc Kinh học tập, thăm các danh lam thắng cảnh và tận hưởng mùa thu của Bắc Kinh.