Nhận nuôi 2 đứa trẻ bị bỏ rơi, cô gái dân tộc Ba Na đã trở thành người mẹ tuyệt vời nhất giữa núi rừng Tây Nguyên đại ngàn.
Sau 10 năm cưu mang đứa trẻ sắp bị buôn làng chôn sống theo hủ tục, Y Byen (28 tuổi, dân tộc Ba Na) trưởng thành, xinh đẹp và trở thành ca sĩ tại Đoàn văn công Đam San (TP. Pleiku, Gia Lai). Cũng chính công việc ấy là sợi dây gắn kết cô với đứa con trai thứ 2.
Tiếp tục “nhặt” thêm một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi ngoài nghĩa địa
Một lần đi công tác xa trong buôn làng, Y Byen tình cờ đi ngang qua nghĩa địa và thấy một bé trai sơ sinh mình đầy máu me quấn trong chiếc áo mỏng. Cô liền xuống ẵm đứa trẻ lên rồi vỗ về yêu thương.
“Khoảnh khắc ôm đứa trẻ vào lòng, tôi thấy trái tim đập mạnh giống như cảm xúc của một người mẹ mang thai suốt 9 tháng chờ đợi ngày con chào đời. Lý trí cũng mách bảo tôi đó chính là tình cảm thiêng liêng của mẹ dành cho con. Tôi quyết định gọi điện thông báo với bố mẹ sẽ trở về với một đứa trẻ còn đỏ hỏn”, Y Byen nhớ lại.
Y Byen và cậu con trai thứ 2 Y Sơn vui vẻ bên nhau
Nghe tin con gái bế một bé trai sơ sinh trở về, bố mẹ Y Byen bỏ hết công việc trên rẫy, ra tận đầu làng đón. Dù họ biết việc cô cưu mang thêm một đứa trẻ thì cuộc sống sẽ rất khó khăn nhưng không ai nói một lời than trách, thậm chí còn dặn dò phải gắng nuôi con cho bằng người ta.
Y Byen đặt tên con trai thứ 2 là Y Sơn theo gợi ý của cậu cả Y Song. Cô bảo ngày đến chính quyền làm thủ tục xin nhận nuôi con và giấy khai sinh cho Y Sơn, họ yêu cầu phải kê khai tài chính. Lúc đó, cô chỉ biết rơi nước mắt rồi quả quyết: “Tôi chỉ có hai bàn tay. Tôi sống là các con cũng sống” khiến bao người ngỡ ngàng.
Việc chăm sóc, dạy bảo Y Sơn với Y Byen có lẽ không còn quá khó khăn bởi cô có nhiều kinh nghiệm làm mẹ từ 10 năm trước. Tuy nhiên, cô vẫn phải đối diện với một vấn đề lớn, đó là chuyện tiền bạc. Cô tâm sự: “Ngày “nhặt” Y Sơn về, anh trai tôi đã lập gia đình, bố mẹ già yếu. Tôi một mình lo cho cả gia đình và hai đứa con nhỏ.
Có lần, tôi vừa phải bế con vừa lo khoản tiền chữa bệnh cho mẹ đang nằm viện. Tôi tưởng mình sẽ ngục ngã nhưng may mắn được mọi người giúp đỡ, lúc hết tiền mua sữa cho con thì có người mời đi hát, khi khốn đốn chạy 10 triệu mổ mắt cho mẹ thì gặp chương trình từ thiện…”.
Y Song luôn yêu thương và chăm sóc cho em trai Y Sơn từng tí một
“Các con chính là động lực để tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống”
Bằng tình yêu vô bờ bến, Y Byen đã nuôi nấng các con lớn khôn và dần trưởng thành. Y Song 14 tuổi rất hiểu chuyện, tự lập và đỡ đần được nhiều việc nhà, còn Y Sơn tuy còn nhỏ nhưng ngoan ngoãn, nghe lời mẹ Y Byen.
“Công việc chính của tôi là đi hát và làm những việc lặt vặt ở ngoài kiếm thêm thu nhập trang trải chi tiêu gia đình. Đôi lúc, tôi thấy mệt mỏi, áp lực và muốn buông xuôi tất cả. Chính các con là động lực để tôi vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Tôi chỉ cần nhìn chúng chơi ngoan với nhau hoặc nghe con nói những lời yêu thương “Con yêu mẹ”, “Mẹ Y Byen đẹp nhất” là mọi mệt nhọc tan biến”, Y Byen chia sẻ.
Nụ cười hạnh phúc của 3 mẹ con cô gái dân tộc Ba Na
Cuộc sống của 3 mẹ con cô gái dân tộc Ba Na dù thiếu thốn nhưng luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. Cô cho biết những đợt đi công tác xa chỉ mong ngày về với các con. “Tôi không ở nhà, Y Song sẽ phụ ông bà ngoại chăm em Y Sơn. Tuy vậy tôi vẫn lo thằng út khóc đêm đòi mẹ, sợ đứa lớn bỏ bê chuyện học hành. Vì thế tôi luôn mong kết thúc chuyến công tác thật nhanh để về bên chúng”, cô nói.
Khi các cô gái trong làng bằng tuổi Y Byen đang yêu hay chuẩn bị cưới chồng thì cô chưa từng nghĩ tới chuyện đó. Một phần vì cô quá bận rộn với cuộc sống mưu sinh, phần khác sợ người đàn ông mình chọn không thể yêu thương hai con trai như con ruột.
“Thi thoảng Y Sơn hỏi tôi “Mẹ ơi! Sao con không có ba?”. Khi đó, tôi trả lời con rằng “Ba đi làm xa kiếm tiền mua sữa cho con”. Y Song đã lớn nên không bao giờ hỏi chuyện đó nhưng cũng giục mẹ lấy chồng.
Thực sự giờ tôi chẳng mong điều gì, chỉ ước thật khỏe mạnh để nuôi hai đứa trẻ. Tương lai phía trước của chúng còn quá dài và tôi sẽ đồng hành cho đến khi tất cả trưởng thành”. Y Byen tâm sự.