Quyết tâm lấy chàng trai châu Phi dù bị gia đình và những người xung quanh phản đối vì sự khác biệt văn hóa, tuy nhiên cuộc sống hiện tại của người phụ nữ lại khiến ai nấy bất ngờ.
Cách đây 24 năm, chuyện tình giữa cô Wang Lihong và anh Suma từng trở thành đề tài nóng trên diễn đàn mạng xã hội Zhihu của Trung Quốc, nguyên nhân là bởi đây là một cuộc hôn nhân khác quốc tịch. Trong khi cô Lihong là người Trung Quốc thì anh Suma là người Uganda - một quốc gia ở phía đông châu Phi. Thời điểm đó, không chỉ gia đình cô Lihong mà cả cư dân mạng cũng chỉ trích cuộc hôn nhân này vì việc lấy chồng ngoại quốc vẫn chưa phổ biến.
Cô Lihong sinh ra trong một gia đình công nhân bình thường tại Bắc Kinh. Bố mẹ cô có công việc và thu nhập ổn định, đồng thời rất yêu thương và chăm lo cho con cái, do đó cuộc sống của cô Lihong từ nhỏ đã sung túc. Thời điểm cô Lihong lớn lên, Trung Quốc ban hành luật những người đàn ông ngoại quốc kết hôn với vợ có hộ khẩu ở Bắc Kinh thì anh ta cũng sẽ có hộ khẩu Bắc Kinh, do đó, những cô gái như Lihong rất "có giá".
Không chỉ sinh ra trong một gia đình tốt đẹp, cô Lihong còn có sự thông minh và nhận được sự giáo dục hơn người. Ngay từ nhỏ, cô đã thể hiện mình là một người tài giỏi và khéo léo, thành tích học tập nổi bật. Năm 18 tuổi, cô thi đỗ Đại học Thanh Hoa - trường đại học danh giá nhất Trung Quốc và luôn nằm trong top châu Á.
Không hài lòng với thành tích này, sau khi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, cô Lihong tiếp tục học lên cao học, trở thành niềm tự hào của cả gia đình. Cô Lihong chắc chắn có một tương lai tốt đẹp khi được nhiều công ty và doanh nghiệp nổi tiếng mời chào. Tuy nhiên, bước ngoặt của cuộc đời cô đã xảy đến khi cô gặp anh Suma.
Anh Suma là một chàng trai đến từ Uganda, phía đông châu Phi, cũng là sinh viên của Đại học Thanh Hoa. Cả hai gặp gỡ thông qua lời giới thiệu của một người bạn. Anh Suma tỏ ra rất hài hước, cởi mở và thân thiện, điều này đã thu hút cô Lihong. Sau đó, cả hai thường xuyên cùng nhau đi dạo trong khuôn viên trường, chia sẻ nhiều thứ từ học tập đến cuộc sống, chẳng mấy chốc mà nảy sinh tình cảm.
Cô Lihong nhận thấy anh Suma là một người rất chân thành và thật thà. Anh không hề che giấu bản thân, nói thẳng rằng mình là con của một nông dân nghèo, đến từ một ngôi làng lạc hậu, thậm chí còn kể rằng nơi anh sinh ra có nhiều tệ nạn bắt nguồn từ việc đói nghèo. Do đó, cô Lihong ngày càng tin tưởng anh hơn. Tuy nhiên sau khi tin đồn về việc 2 người yêu nhau lan ra, cô Lihong bắt đầu nhận về nhiều lời chỉ trích.
Nhiều người vẫn quan niệm người châu Phi luôn sống nghèo khổ, có nhiều hủ tục và không trách nhiệm với gia đình, nên mới phản đối chuyện tình này vì không muốn một người xuất sắc như cô Lihong phải chịu khổ. Ngược lại, cô Lihong phản bác: "Lúc đó, họ nghĩ tôi là một cô gái bình thường và muốn cưới một chàng trai da đen, nhưng tôi biết anh ấy là người trung thực, có trái tim nhân hậu và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác".
Khó khăn lớn nhất mà cô Lihong phải vượt qua không phải những lời chỉ trích từ mọi người xung quanh mà là gia đình. Bố mẹ của cô Lihong cực lực phản đối chuyện tình này, thậm chí còn gửi cô tới Nhật Bản học tập để chia cắt cặp đôi. Tuy nhiên, những thử thách này không làm khó được cô Lihong và anh Suma bởi anh đã theo chân cô tới Nhật Bản. Sau cùng, khi nhận thấy cặp đôi quá cương quyết, bố mẹ cô Lihong đành chấp nhận.
Năm 1996, sau khi cô Lihong học tập xong, cô đã cùng anh Suma chuyển đến Uganda và kết hôn. Tuy nhiên, mọi chuyện ban đầu không như cô dự tính. Phong tục tập quán, nền văn hóa và cuộc sống tại Uganda khác xa so với Trung Quốc, khiến cô bị choáng ngợp và khó thích nghi.
Tại đất nước này, một đàn ông được phép cưới nhiều vợ. Bố của anh Suma có một dàn "hậu cung" hùng hậu lên tới 20 người vợ, điều đó có nghĩa là cô Lihong sẽ có tới 20 người mẹ chồng. Ngoài ra, anh Suma cũng có hơn 40 anh chị em cùng cha khác mẹ. Chuyện ăn uống, ngôn ngữ cũng khác biệt, mặc dù cô Lihong đã chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng vẫn không khỏi choáng váng.
May mắn thay, anh Suma hiểu hết được những khó khăn này của vợ mình. Anh quyết tâm chỉ cưới một người vợ và cố gắng để giúp cô Lihong hòa nhập với cuộc sống nơi đây. Nhờ sự nỗ lực của cả hai, cô Lihong dần thích nghi với mọi thứ xung quanh. Sau đó, cô đã thành lập một ngôi trường mang tên Lu Yangzi Middle, ban đầu vốn để dạy tiếng Trung cho học sinh bản địa, sau đó mở rộng dạy nghề và các kiến thức cơ bản khác, ngoài ra cô Lihong còn dạy thêm tiếng Anh và tiếng Nhật.
Nữ giáo viên người Trung Quốc này đã để lại ấn tượng tốt trong lòng những đứa trẻ địa phương nhờ sự kiên nhẫn, hiền lành và chân thành. Khi nhắc tới Trung Quốc, những trẻ em nơi đây nghĩ ngay tới cô Wang Lihong và cô thừa nhận đó chính là sự thành công của mình.
Sau đó, cô Lihong đã mở rộng ngôi trường của mình bằng cách tuyển thêm giáo viên, với tham vọng có thể đem tiếng Trung đến với trẻ em trên toàn đất nước Uganda. Mặc dù tiếng Trung là một trong những ngôn ngữ khó học nhất thế giới, đồng thời không phổ biến, nhưng cô Lihong mong rằng việc học tiếng Trung và biết thêm về văn hóa Trung Quốc có thể nuôi dưỡng những đứa trẻ nơi đây có những ước mơ to lớn hơn, phần nào dần thoát khỏi nghèo đói.
Tính đến nay, cô Lihong và anh Suma đã trải qua 24 năm hôn nhân nhưng tình yêu vẫn trọn vẹn như ngày đầu. Cả hai không chỉ gắn bó và yêu thương nhau mà còn cùng nhau xây dựng một hệ thống giáo dục để góp phần nâng cao tri thức cho trẻ em địa phương.