Hàng trăm năm qua, người dân làng biển Cảnh Dương ở Quảng Bình đã lập nghĩa địa chôn cất 24 cá Voi chết trôi dạt vào bờ biển của làng. Họ thờ phụng như các bậc tổ tiên, cha mẹ mình đã khuất.
Bàn thờ ở nghĩa địa cá voi làng biển Cảnh Dương - Ảnh Hoàng Phúc
Từ bao đời nay, ngư dân làng chài Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) xem cá voi là hiện thân của thần linh, đem lại sự bình an, may mắn trên biển. Khi phát hiện được cá voi chết mắc cạn, họ tôn kính lập nghĩa địa chôn cất, thành tâm thờ phụng.
Độc đáo nghĩa địa cá voi
Với lịch sử hình thành gần 400 năm, làng biển Cảnh Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt, một trong "bát danh hương - 8 ngôi làng văn vật" của Quảng Bình xưa. Trải qua hàng trăm năm dựa vào biển, bám biển mưu sinh, tín ngưỡng thờ cúng cá voi đực (cá Ông), cá voi cái (cá Bà) đã trở thành nét văn hóa - tâm linh máu thịt của dân làng.
Cũng chính vì ngư dân tôn thờ loài cá voi như vậy nên họ đối xử rất mực cung kính và chu đáo. Khi cá voi chết, xác tấp vào bờ, họ xót thương gọi chuyện này là "cá lụy". Dân làng cho đây là điềm lành, vì thế nên lập nghĩa địa chôn cất, thờ phụng như cha mẹ.
Theo dân làng Cảnh Dương, trước đây khu mộ cá chỉ có một ngôi miếu nhỏ dân làng lập nên để thờ "cá Ông, cá Bà" có từ hàng trăm năm về trước. Theo thời gian, những ngôi mộ cá voi ngày càng nhiều lên bởi những cá thể cá voi chết trôi dạt vào bờ biển. Từ năm 1997, người dân đã cùng đóng góp, xây dựng nên nghĩa địa làm nơi thờ phụng, cúng viếng trước những chuyến đi biển.
Nghĩa địa cá voi ở làng biển Cảnh Dương có từ hàng trăm năm nay - Ảnh Hoàng Phúc
Nghĩa địa cá voi làng Cảnh Dương được xây dựng khá khang trang, bề thế ngay cạnh bờ biển. Đây là một vị trí vừa sạch đẹp thoáng đãng, vừa thuận tiện cho việc tiếp đón, mai táng và triển khai các nghi lễ theo phong tục tập quán của địa phương.
Đến nay, nghĩa địa đã có tất cả 24 ngôi mộ. Trong đó có 18 ngôi mộ đã được xây cất hoàn thiện, lập bia mộ; 6 ngôi mộ còn lại do mới chôn cất nên đang được đắp bằng cát biển. Những ngôi mộ được xây không khác gì những ngôi mộ của con người, trước mỗi bia mộ đều có bát nhang.
Đặc biệt, trên bia mộ được ngư dân khắc tên, thông tin ngày, tháng, phát hiện cá gặp nạn và thú vị ở chỗ mỗi mộ cá Voi có một cái tên riêng biệt, như: Công tước Nam Dương, Chàng Lang Quân, Thái Quân, Quận Chúa…
Những phần mộ cá voi được dân làng xây cất hoành tráng - Ảnh Hoàng Phúc
Mộ "Quận Chúa" cá voi... - ảnh Hoàng Phúc
Ông Hồ Quang Hường, Phó Chủ tịch Hội ngư dân xã Cảnh Dương, kể năm 2009, một con cá voi có vẻ mệt mỏi trôi dạt vào bờ. Dân làng thấy vậy xúm lại chăm sóc rồi đưa con vật nghĩa hiệp này về với biển cả. Nhưng mấy hôm sau con cá này lại tấp vào bờ, lần này thì đã chết.
Cả vùng biển Cảnh Dương như gặp một đại tang. Bà con nơi đây từ già đến trẻ ai cũng thương tiếc vị cứu tinh của ngư dân gặp nạn, đã "lụy" và chọn Cảnh Dương làm nơi an nghỉ cuối cùng. Dân làng tin như vậy và họ đã hậu táng cho con cá rồi đưa vào nghĩa địa cá voi của làng rồi thờ phụng, hương khói như cha mẹ mình.
Làng lưu giữ 2 bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam
Nhắc về tục thờ cá voi của ngư dân làng biển Cảnh Dương là nói về Ngư Linh Miếu. Ngôi miếu này được xây dựng bên bờ biển - nơi hàng trăm năm qua dân làng chọn để tổ chức lễ hội cầu ngư, cầu mùa và phát động ra quân khai thác hải sản đầu năm.
Bà Nguyễn Thị Mai - người trông coi nghĩa địa cá voi gần 30 năm nay.
Đặc biệt, Ngư Linh Miếu là nơi bảo quản, giữ gìn 2 bộ xương cá voi khổng lồ nhất Việt Nam. Các cá thể cá voi này chết và dạt vào bờ biển Cảnh Dương hàng trăm năm trước. Hai bộ xương cá này được cho là lớn nhất còn lưu giữ ở Việt Nam, với chiều dài gần 28m.
Theo gia phả của dòng họ Trương ở làng Cảnh Dương, 2 bộ xương cá voi khổng lồ này một bộ là "cá Ông" có từ đời vua Gia Long vào năm Kỷ Tỵ (1809) và bộ khác là của "cá Bà" năm Đinh Mùi (1907) có từ thời vua Duy Tân. Dân làng lưu truyền thì "Đức Ông" và "Đức Bà" đã lụy từ nhiều đời trước, nặng hơn trăm tấn trôi dạt vào biển và dân làng lập mộ chôn cất.
Bà Nguyễn Thị Mai (60 tuổi) - người trông coi nghĩa địa cá voi 27 năm nay, nói rằng hai con cá này to lắm, nhìn bộ xương thì biết. Nhưng đây chỉ là phần còn lại vì qua chiến tranh cũng đã mất mát khá nhiều. Dân làng cho đến bây giờ cũng không tài nào giải thích được ông cha mình bằng cách nào có thể đưa một con cá nặng hàng trăm tấn như thế vào bờ một cách an toàn.
Hằng ngày, bà Mai quét dọn khu lăng mộ của cá voi, cứ đến mùng 1 và ngày rằm Âm lịch hàng tháng thì hương khói và hướng dẫn người dân đi lễ, thắp hương. Riêng ngày rằm tháng giêng hàng năm, dân làng Cảnh Dương lại tổ chức Lễ Cầu Ngư để tưởng nhớ ơn đức của "cá Ông", "cá Bà", mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hoà, tôm dày cá được, làng xã ấm no, yên vui, hạnh phúc.
Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết thông thường, sau khi phát hiện cá voi mắc cạn, ngư dân sẽ tiến hành đưa cá trở lại biển. Nếu không may cá "luỵ", ngư dân tổ chức các nghi thức mai táng trang trọng và đưa về chôn cất tại nghĩa địa cá voi của làng.
"Tục an táng cá voi đã có từ rất lâu đời. Ngư dân nơi đây coi cá voi là vị thần hộ mệnh cho họ giữa biển khơi, giúp họ có những chuyến đi biển an toàn, may mắn, tôm cá đầy khoang. Việc mai táng và thờ cúng cá voi được tổ chức trọng thể như một cách đền ơn đáp nghĩa của ngư dân." – ông Quang nói.