Bới tìm sách vở, đồ dùng học sinh dưới lớp bùn non sau lũ, các cô giáo ở vùng “rốn lũ” Yên Bái khóc nức nở vì thương học trò sẽ thiếu đồ dùng học tập. Người dân và lực lượng chức năng đang nỗ lực cào bóc từng lớp bùn, bới tìm những gì còn sót lại sau lũ.
Sau nhiều ngày chìm trong dòng nước lũ đục ngầu, người dân các khu vực ven sông Hồng đoạn qua TP Yên Bái (Yên Bái) đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, lục tìm tài sản còn sót lại sau trận “đại hồng thủy”.
Sau khi nước rút, người dân ở đây đào bới lớp bùn đặc quánh, sâu ngang đầu gối mong tìm kiếm những tài sản còn sót lại. Họ cố gắng dọn dẹp khi bùn chưa khô để sớm ổn định cuộc sống.
Trận lũ đi qua để lại thiệt hại nặng nề cho người dân nơi đây, nhiều tài sản như ô tô, xe máy và cả vật dụng gia đình bị ngâm trong nước.
Căn nhà 2 tầng của gia đình bà Thạch Thị Tâm (72 tuổi, phường Hồng Hà, TP Yên Bái) bị ngập gần 3m. Lũ vào đã nhấn chìm toàn bộ cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm, sách vở phục vụ học sinh của vợ chồng bà.
“Bao năm sống ở đây, chưa bao giờ có đợt lũ lên nhanh, gây ngập sâu như vậy. Vợ chồng tôi chỉ kịp chạy lên tầng trên tránh nạn, tất cả tài sản, đồ đạc bị ngâm trong nước. Giờ thì trắng tay...”, bà Tâm nói. Trong hình, vợ chồng bà Tâm cố nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau trận lũ dữ.
Không những tài sản của người dân, sách vở, đồ dùng học sinh tại nhiều trường trên địa bàn TP Yên Bái cũng bị vùi lấp trong bùn đất khi lũ rút.
"Trong lớp bùn dày là đồ dùng học tập của các con, những bộ sách còn mới cứng, các con mới chỉ dở được vài trang giấy. Chúng tôi cố gắng bới tìm xem bộ sách vở, dụng cụ học tập nào có thể “cứu” được thu gom lại, mang về rửa, lau để đưa đến cho trường cho các con”, cô Nguyễn Thị Lan (giáo viên Trường Mầm non Yên Thịnh, TP. Yên Bái) chia sẻ. Trong hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, động viên các cô giáo khắc phục hậu quả thiên tai tại một trường mầm non ở TP Yên Bái khi lũ rút"
Giáo án, sách vở dưới lớp bùn.
Bới tìm sách vở, đồ dùng của học sinh dưới lớp bùn non, nhiều cô giáo không cầm nổi nước mắt.
Người dân TP Yên Bái dọn bùn đất sau lũ, tìm kiếm những gì còn dùng được. Đến nay, một số khu vực chưa có điện nên việc gạt bùn gặp khó khăn.
Để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, UBND tỉnh Yên Bái đã huy động gần 31.000 người cùng hàng trăm máy móc, xuồng máy, thuyền để hỗ trợ người dân. Trong đó, lực lượng quân đội, công an, dân quân, đoàn viên thanh niên... luôn tiên phong trong các công việc.
Thiếu nước sạch, rau xanh, điện và nhu yếu phẩm sau lũ khiến người dân vùng lũ gặp khó khăn. Họ phải mua sắm lại mọi thứ. Đồng thời, chính quyền địa phương cùng nhiều nhà hảo tâm ở khắp nơi đã có mặt, hỗ trợ trước mắt các nhu yếu phẩm cần thiết.
Ngành điện lực cũng khẩn trương sửa chữa hệ thống điện gặp sự cố để sớm đóng điện cho người dân sinh hoạt.
Trên sông Hồng đoạn qua Yên Bái mực nước cao nhất 35,73m (trên mức lũ lịch sử năm 1968 là 34,42m). Mưa lũ làm 15/15 phường, xã bị ngập, trong đó có 8 xã, phường bị ngập hoàn toàn. Toàn tỉnh có 2.700 điểm sạt lở đất. Đặc biệt, đã xảy ra sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng tại xã Tân Phượng, huyện Lục Yên làm chết 9 người. Đến nay, toàn tỉnh có 40 người tử vong, 4 người mất tích, 23 người bị thương.
Dọn lớp bùn non dày đặc sau lũ ở Yên Bái.