“Cò” nội tạng đa quốc gia và trả giá của bệnh nhân cả tin

Ngày 19/02/2014 08:17 AM (GMT+7)

Trong khi các quy định của pháp luật chưa thật sự mở, cùng với nguồn nội tạng trong nước khan hiếm mà người có nhu cầu ghép thì nhiều, nên đã đua nhau ra nước ngoài cấy ghép mô tạng.

Họ “nhắm” đến thị trường Trung Quốc. Số người có điều kiện kinh tế khá hơn thì sang châu Âu hoặc một số nước ở khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan... Điều này không chỉ làm cho Việt Nam bị thất thu lượng lớn ngoại tệ mà còn kìm hãm sự phát triển của nền y học nước nhà.

Ai cầm đầu những đường dây xuất ngoại ghép tạng?

Xuất phát từ tâm lý cùng với những thủ tục rườm rà như người muốn cho thận phải khỏe mạnh, được sự đồng ý của gia đình, có giấy xác nhận của công an khiến cho nhu cầu về cấy ghép mô tạng ở Việt Nam ngày càng có khoảng cách rất lớn, đặc biệt những ca được thực hiện theo nhu cầu chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số hàng chục nghìn bệnh nhân đang ngày đêm mong ngóng có thận để thay thế.

Nắm bắt được điều này, một số tổ chức, cá nhân, cả “cò” cũng không ngừng quảng cáo, tư vấn, hỗ trợ người có nhu cầu ghép thận ra nước ngoài cấy ghép. “Cò” giới thiệu Trung Quốc như một điểm đến lý tưởng để ghép thận, giác mạc với giá rẻ bất ngờ. Thế nhưng, ai dám đảm bảo, nội tạng đó là của người khoẻ mạnh, không bệnh hay của con nghiện, người bị bệnh tật nan y gì đó?

“Cò” nội tạng đa quốc gia và trả giá của bệnh nhân cả tin - 1

Bệnh viện Trung Quốc đang thu hút không ít người Việt sang ghép gan, thận. Ảnh minh họa.

Chỉ cần vào mạng internet, gõ cụm từ cấy ghép thận ở nước ngoài sẽ cho ra hàng loạt kết quả từ tư vấn, sự so sánh hiệu quả cấy ghép thận cùng với những dịch vụ ăn uống, chi phí đi lại với giá mềm, thuận tiện của các bệnh viện của Trung Quốc.

Cụ thể, giá của mỗi ca cấy ghép thận thực hiện cho người Trung Quốc có mức giá 8.000 USD; người Việt Nam, Lào, Campuchia 12.000 - 15.000 USD; Mỹ, Pháp, Úc khoảng 25.000 -  35.000 USD cùng với khoản chi phí thuê nhà ăn nghỉ cho người nhà đi theo chăm sóc bệnh nhân là 100 USD (không kể ngắn ngày hay dài ngày, giá không thay đổi).

Mặc dù quảng cáo là vậy, thế nhưng anh Nguyễn Văn Hoàng (Hải Dương), người đã từng đi ghép thận ở Trung Quốc cho biết: Giá sinh hoạt bên đó rẻ hơn tại TP.HCM và tương đương Hà Nội. Một chuyến sang Trung Quốc ghép thận, người bệnh đi cùng người nhà, chi phí ước khoảng 15.000 USD. Những bệnh nhân không nắm được đường đi nước bước, chi phí có thể bị đẩy lên trên 20.000 USD hoặc cũng có rủi ro ghép thận không đảm bảo yêu cầu. Thế nhưng, phần lớn thủ tục của họ là tiện lợi nên số người sang Trung Quốc ghép thận ngày càng đông.

Theo thông tin PV báo ĐS&PL thu thập được, hiện nay đường dây dẫn khách ghép thận đông nhất là của bà Lý, có chồng là người Hoa biết tiếng Việt, “lo” các khoản cho khách khi sang Trung Quốc. Đường dây của bà được nhiều người cho biết là không phải chờ đợi lâu. Trung bình các nhóm máu A, B chờ từ vài ngày đến gần tháng; nhóm máu O trên một tháng. Đường dây của ông Mã (người Việt, gốc Hoa, đang sinh sống tại Trung Quốc), ít khách hơn vì người có nhóm máu O chờ đến trên hai tháng mới có thận để ghép.

Đường dây của bà xẩm Hương ở Hà Nội, cùng giá với hai đường dây trên nhưng có thể chờ tại Việt Nam và chỉ sang Trung Quốc khi bên kia "a lô" thông báo có nội tạng là thận. Có nghĩa là có đường dây môi giới, có “cò” nội tạng đa quốc gia đang tồn tại và hoạt động tại Việt Nam?

Bệnh nhân Nguyễn Thị C. (Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết: “Thông thường, bệnh nhân sang Trung Quốc ghép thận phải chờ đợi khoảng 4 tháng nhưng do quen biết và nhờ tài quan hệ của chú Mã, tôi chỉ phải chờ 8 ngày là có thận để ghép. Sau 15 ngày nằm điều trị tại bệnh viện Đồng Tế (TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), tôi đã được xuất viện".

Anh Nguyễn Hùng Anh (ở Hải Phòng, đi ghép thận ở Trung Quốc) chia sẻ: "Với những người muốn sang Trung Quốc ghép thận cần thực hiện một số bước ngay tại Việt Nam nhằm giảm tối đa chi phí như thử tiền mẫn cảm. Đây là xét nghiệm tối quan trọng mà ai cũng phải làm. Nó sẽ xác định ta có nên đi ghép ngay hay không. Tiếp đến, làm xét nghiệm tổng thể, chủ yếu là để xem có bị các bệnh viêm nhiễm gì không; nếu có thì nên điều trị trước tại Việt Nam để tránh những phí tổn chữa bệnh ở Trung Quốc và khi đến đó có thể được ghép trong thời gian ngắn nhất".

Ngoài ra, khi lựa chọn bệnh viện phải chọn theo các tiêu chuẩn như: Có tư cách gửi giấy mời cùng giấy báo giá chính thức. Giấy mời để dùng xin cấp visa, báo giá viện phí dùng để xin ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép mang ngoại tệ đi nước ngoài. Vì không có các giấy tờ này nên một số người phải đem giấu giếm, rất nguy hiểm (vì với số tiền lớn, bạn có thể bị truy tố nếu hải quan phát hiện được)...”.

Nhiều nghi vấn bị “chìm xuồng”

Đến tận bây giờ rất nhiều người dân trên địa bàn cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng và không khỏi hoài nghi về trường hợp sinh viên Tô Công Luân (22 tuổi, sinh viên trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật công nghiệp 2  TP.HCM) với nghi án bị lừa sang Trung Quốc bán thận. Điều đau lòng ở chỗ, sau khi về nước, với vết mổ được khâu chằng chịt và cơ thể bị suy kiệt nặng, Luân sống thực vật với một quả thận còn lại. Lúc bấy giờ gia đình Luân và các cơ quan chức năng đã đặt ra nghi vấn, có đường dây với sự tham gia của một số y, bác sỹ đưa người ra nước ngoài bán nội tạng.

Tuy nhiên, sự việc cũng chỉ nóng lên một thời gian ngắn, sau chìm xuồng, để lại những hoài nghi không dứt đối với người dân.

Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn M. (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) có đơn tố cáo một bác sỹ công tác tại khoa Thận - Tiết niệu, bệnh viện tỉnh Cà Mau tổ chức đưa bệnh nhân M. sang Trung Quốc ghép thận không xin phép đơn vị chủ quản. Điều đặc biệt ở chỗ, sau khi bỏ ra 180 triệu đồng để cùng vị bác sỹ trên sang Trung Quốc ghép thận nhưng không hiểu vì lý do gì mà bệnh viện phía Trung Quốc, do vị bác sỹ trên giới thiệu lại từ chối ghép cho bệnh nhân M.

Khi về nước, thận không được ghép mà bệnh nhân M. còn bị vị bác sỹ trên vòi vĩnh thêm 20 triệu đồng khiến bệnh nhân M. bức xúc. Hiện tại, vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, một chuyên gia (xin được giấu tên) trong lĩnh vực ngoại khoa có uy tín ở Hà Nội cho biết, do các cơ chế pháp luật quy định rất chặt chẽ khiến cho các trường hợp có nhu cầu về cấy ghép mô tạng thường thỏa thuận với nhau ngoài thị trường sau đó tìm các bệnh viện ở nước ngoài để thực hiện ca phẫu thuật.

Đã có rất nhiều người do khó khăn về kinh tế nên họ đã bất chấp tính mạng, sức khỏe của bản thân để bán đi một phần bộ phận cơ thể mình. Trong khi đó, do một số bệnh viện nước ngoài không biết do trình độ chuyên môn của bác sỹ yếu kém, hay do không thực hiện đúng các quy trình về xét nghiệm, phân tích các chỉ số y học mà cố tình thực hiện phẫu thuật dẫn đến những biến chứng rất khó lường.

Cụ thể, đã có nhiều trường hợp ra nước ngoài ghép thận với chi phí tốn đến hàng tỷ đồng, nhưng hậu ghép, do thận không tương thích nên không có hiệu quả, hay như sau quá trình ghép, người bệnh tiếp tục phải dùng thuốc chống thải ghép lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng sẽ rất tốn kém. 

Tiếp đến, người bán không được điều trị theo lộ trình khiến quá trình hồi phục sức khỏe kém, hoặc quá trình bắt buộc phải nghỉ dưỡng thì họ lại tham công tiếc việc, cố tình lao động khiến cho sức khỏe bị suy kiệt, quả thận còn lại không đáp ứng được. Nếu không được điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến tử vong không mong muốn.        

Cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để ngoại tệ không chảy ra nước ngoài theo đường tiểu ngạch

TS.BS Ngô Xuân Sinh, nguyên cán bộ bệnh viện Hữu Nghị khẳng định: Nền y học của Việt Nam không hề thua kém các nước trong khu vực, tuy nhiên hàng ngày, chúng ta vẫn bị chảy máu nguồn ngoại tệ rất lớn khi lượng bệnh nhân có nhu cầu cấy ghép mô tạng nói riêng và lượng bệnh nhân có nhu cầu chữa trị ung thư, tim mạch nói chung tìm đường ra nước ngoài chữa bệnh.

Ra nước ngoài, bất đồng ngôn ngữ đang là rào cản rất lớn và nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình điều trị bệnh. Do vậy, chúng ta phải sớm có biện pháp khắc phục, đặc biệt là bài toán về chất lượng dịch vụ. Có như vậy, người bệnh mới tin tưởng và không lựa chọn nước ngoài là điểm đến điều trị, ghép nội tạng lý tưởng như hiện nay. 

Theo Quỳnh Chi (Đời sống & Pháp luật)

Tin liên quan