Nhiều trẻ sinh non với cân nặng thấp hoặc mẹ mắc các bệnh truyền nhiễm trong 3 tháng đầu mang thai... khi sinh con ra rất dễ bị các vấn đề về thính lực.
Theo nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới, cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có 3-4 trẻ bị giảm thính lực bẩm sinh. Tỷ lệ này tăng gấp 4-5 lần ở trẻ có nguy cơ cao như trẻ sinh non với cân nặng rất thấp, mẹ mắc các bệnh truyền nhiễm trong 3 tháng đầu của thai kỳ, viêm màng não mủ, gia đình có người bị nghe kém bẩm sinh hoặc tiến triển...
Ví dụ như bé Phương Thủy (Hà Nội) được 15 tháng tuổi, bố mẹ bắt đầu lo lắng vì thấy con trầm lặng khác thường. Bé không quay lại khi người khác gọi tên, không giật mình khi có tiếng động lớn và cũng không bi bô những tiếng quen thuộc như trẻ cùng lứa tuổi. Gia đình đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Ở cả hai nơi, bé đều được chẩn đoán điếc mức độ sâu.
Cùng là học viên quen thuộc của Trung tâm thính học, bé Nguyễn Trường Phúc (5 tuổi, Nam Định) đã gắn bó với các cô giáo ở đây được gần 3 năm. Theo anh Nguyễn Khắc Trường- bố bé Phúc, khi bé khoảng 10 tháng tuổi, anh nhận thấy con trai chậm nói, không phản ứng với các tiếng động ở phía sau.
Khi ấy, cả gia đình cứ nghĩ bé chỉ chậm bình thường nên không đưa cháu đi khám ngay. Lần lữa mãi đến khi con được 2 tuổi, thấy con không đáp lời khi bố mẹ gọi, không hứng thú chơi với các bạn cùng tuổi, phải nói rất to thì con mới nghe thấy, anh Trường mới đưa bé đến khám tại Trung tâm thính học, Bệnh viện Nhi Trung ương. Bé Phúc được chẩn đoán nghe kém, được điều trị và luyện nghe nói từ đó.
Bé Phúc trong giờ học tại Trung tâm Thính học, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BV Nhi TƯ.
Theo bác sĩ Lại Thu Hà- khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Trung ương, cả hai trường hợp bệnh nhi kể trên nằm trong nhóm nguy cơ cao do mẹ các cháu đều mắc rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Ngoài ra, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghe kém ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
BS Hà cho biết, những yếu tố nguy cơ được xác định trên trẻ sơ sinh có thể kể đến bao gồm: Trong gia đình có người bị nghe kém bẩm sinh hoặc tiến triển; bị nhiễm trùng trong thời kì mang thai, những bệnh liên quan đến nghe kém như : toxoplasmosis, rubella, CMV, herpes, giang mai.
Ngoài ra, còn có thể kể đến những bất thường sọ mặt bao gồm những bất thường về hình thái học của vành tai, ống tai, không có nhân trung, đường chân tóc thấp hay cân nặng khi sinh dưới 1500g...
Theo các bác sĩ, đối với những trẻ bị suy giảm thính lực nếu không được phát hiện và can thiệp sớm (tốt nhất là trước 2 tuổi) sẽ không thể phục hồi ngôn ngữ như trẻ bình thường. Đây là nguyên nhân dẫn tới khó khăn trong học tập, giao tiếp và ảnh hưởng đến tâm lý xã hội của trẻ.Vì vậy, sàng lọc nghe kém sớm là vô cùng cần thiết đối với quá trình phát triển của trẻ.
BS Hà cho biết, sàng lọc thính giác cho trẻ sơ sinh nên được tiến hành trong vòng 1 tháng sau khi sinh, chẩn đoán xác định trong vòng 3 tháng sau sinh và tiến hành can thiệp ( nếu trẻ bị nghe kém) trong vòng 6 tháng sau sinh.
Khám sàng lọc thính giác cho trẻ là vô cùng quang trọng.
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS.BS Nguyễn Tuyết Xương-Trưởng khoa Tai-Mũi-Họng (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, đối với các gia đình có con bị khiếm thính, hành trình tìm kiếm lại âm thanh, khôi phục lại âm thanh để trẻ nghe được nói được thực sự rất kỳ công và đòi hỏi sự kiên trì của các bậc làm cha mẹ.
Bác sĩ Xương khuyến cáo, gia đình nên cho bé tham gia sàng lọc khiếm thính sớm. Trong trường hợp nghi ngờ trẻ khiếm thính phải đi khám chuyên sâu để được những chuyên gia về thính học tư vấn chứ không tự ý tìm hiểu nghe tin xung quanh bởi thời gian để chăm sóc trẻ hiệu quả chỉ khoảng 3 đến 5 năm đầu.