Từng là nơi xuất hiện sớm với hàng trăm người dân tham gia sinh hoạt, len lỏi tới mọi ngóc ngách, nay Thái Nguyên chỉ còn một số ít người dân tin theo “Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ”, hoạt động lén lút tại gia đình.
Tâm sự của người chồng có vợ 4 năm đi theo “Hội thánh”
Từ khi “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” xuất hiện tại Thái Nguyên đến nay, cơ quan Công an đã xử lý 30 vụ các đối tượng tụ tập tuyên truyền, giảng đạo trái pháp luật.
Các đối tượng chủ yếu đến các trường đại học, ký túc xá gặp học sinh, sinh viên để lôi kéo, truyền đạo hoặc đến quán cà phê, nhà trọ để tuyên truyền, dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin, những người có hoàn cảnh khó khăn, gặp éo le trong cuộc sống.
Sinh viên là đối tượng trẻ tuổi, nhanh nhạy với những điều mới mẻ, có tri thức nhưng khả năng sàng lọc những thông tin độc hại, trái chiều còn nhiều hạn chế nên dễ bị các đối tượng lôi kéo.
Công an TP Thái Nguyên kiểm tra tụ điểm truyền đạo trái phép ở phường Tân Lập. (Ảnh chụp ngày 15-8-2016 do cơ quan Công an cung cấp).
Do đặc thù học sinh, sinh viên trên địa bàn Thái Nguyên số lượng lớn (đứng thứ 3 cả nước, sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), từ nhiều địa phương khác đến cư trú, học tập nên sức lan toả, truyền bá của tổ chức “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” tự xưng sẽ nhanh chóng lan rộng nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, quyết liệt.
Theo thống kê những vụ việc bị phát hiện, Đại học Thái Nguyên đã buộc thôi học 1 sinh viên; cảnh cáo 9 sinh viên; khiển trách 9 sinh viên và phê bình, nhắc nhở 4 sinh viên… đi theo “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”.
Bên cạnh đó, có người gặp hoàn cảnh không như ý muốn nên chủ động tìm đến với “Hội Thánh” để có một chỗ dựa tinh thần, vững tâm hơn. Chẳng hạn như ông Phạm Khắc Hoằng (62 tuổi), trú ở Đại Từ, Thái Nguyên có con gái bị bệnh do di chứng của viêm não Nhật Bản tin rằng vào “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” mọi bệnh tật đều chữa được hết, được Chúa Trời yêu thương, che chở nên cho con gái gia nhập với mong muốn chữa khỏi bệnh, bản thân vợ chồng ông cũng vào để chăm sóc con. Thế nhưng ngờ đâu sau 4 năm ông mất vợ hoàn toàn.
“Làm gì có chuyện đó, con tôi bệnh tình còn nặng hơn, sau 6 tháng tôi khuyên bảo cháu, được 1 năm thì cháu nhận ra và tự từ bỏ. Còn vợ thì như bị bùa mê thuốc lú không làm việc gì ở nhà, không quan tâm con cái, gia đình nữa. Tôi rất bức xúc, nhiều lần khuyên bảo vợ nhưng không được”, ông Hoằng chia sẻ.
“Lúc đầu vợ tôi còn động viên chồng con bán nhà, bán cửa, tất cả mọi thứ…; nói rằng cuối năm nay trời sụp, thôi thì cứ bán đi mà ăn, giỏi lắm sống ở đời được trăm tuổi chứ mấy, còn lên thiên đàng mình sống hàng nghìn năm, sống mãi mãi… Sau không được, bà ấy trở về lấy xe máy và xin tôi 10 triệu đồng rồi đi hẳn. Gần đây thỉnh thoảng vợ tôi có về nhưng như trở thành một con người khác”, người đàn ông tuổi lục tuần chua xót kể lại. Cám cảnh hơn, chị vợ ông Hoằng bán nhà được 1,5 tỷ đồng, đóng góp nhiều tiền cho “Hội Thánh”, giờ thì ăn nhờ ở đậu…
“Giờ phút này, tôi cảm thấy bất lực. Mong sao các cơ quan chức năng có cách giúp vợ tôi quay về, đề nghị pháp luật vào cuộc, có biện pháp xử lý cứng rắn để các gia đình không bị tan nát”, người chồng có vợ bỏ theo “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” tâm sự.
“Không khoán trắng cho lực lượng vũ trang”
Thượng uý Lê Quý Thảo, Phó Đội trưởng Đội An ninh Công an TP Thái Nguyên cho biết, tổ chức này hoạt động chặt chẽ, các đối tượng cốt cán được phân công giữ vị trí khu vực trưởng, nhóm trưởng... được tổ chức họp, phổ biến nội dung riêng, quá trình tham dự chỉ được nghe chứ không được ghi chép…; các “Thánh đồ” trong khi sinh hoạt phải “kín nghiệm” (giữ bí mật – PV), không được hỏi tên, địa chỉ, số điện thoại thành viên khác.
Việc thực hiện dâng lễ 1/10 thì không công khai số tiền, không lập danh sách người dâng hiến; quá trình kiểm tra các đối tượng không hợp tác… nên việc thống kê danh sách học sinh, sinh viên và người ở các địa phương khác tham gia cũng như thu thập chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật hình sự của các đối tượng gặp nhiều khó khăn.
Do đó, Công an TP Thái Nguyên đã chủ động tham mưu cho Thường trực Thành uỷ Thái Nguyên tổ chức hội nghị quán triệt đến các đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cấp uỷ, chính quyền thành phố đến các phường xã; yêu cầu các cán bộ lãnh đạo chủ chốt triển khai sâu rộng đến từng chi bộ, tổ dân phố và tầng lớp nhân dân trong đấu tranh hiệu quả với hoạt động của tổ chức tự xưng “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”.
“Tinh thần của hội nghị được đồng chí Bí thư Thành uỷ quán triệt là cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các xã, phường cùng vào cuộc chứ không được khoán trắng cho lực lượng vũ trang. Nếu địa phương nào để quần chúng tham gia “Hội Thánh” sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thành uỷ, UBND thành phố” – Thượng uý Thảo nhớ lại.
Theo Thượng tá Lẩu Văn Chinh, Phó trưởng Phòng An ninh xã hội, Công an tỉnh Thái Nguyên, sở dĩ các “Thánh đồ” dễ dàng tin và nghe theo luận điệu tuyên truyền của các đối tượng bởi đối với sinh viên, người vô công rồi nghề thì tổ chức này tạo công ăn việc làm, nhằm mục đích thu được tiền, lại vừa tạo cho họ sự lệ thuộc vào hội. “Hội Thánh” không tuyên truyền “Thánh đồ” chống đối chính quyền mà cho rằng do chính quyền bị ma quỷ xui khiến nên mới cấm đoán như vậy.
Những đối tượng cầm đầu “tiên tri” những điều hiển nhiên như: Sắp tới hoạt động của “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” sẽ gặp khó khăn do chính quyền can thiệp; thông tin về “Hội Thánh” sẽ lan rộng trên mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng… Tuy nhiên các “Thánh đồ” nhẹ dạ, cả tin sẽ cho rằng những điều đó đã được “tiên tri” trước, từ đó càng tin tưởng vào “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”.
“Nếu quần chúng bị mê hoặc, tin theo các hành vi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật dùng yếu tố tâm linh chi phối thì rất khó từ bỏ, khó khăn cho công tác đấu tranh, xử lý. Thực tiễn cho thấy nếu vấn đề được phát hiện kịp thời, vận động, giải quyết sớm và dứt điểm sẽ thuận lợi, đơn giản”, lãnh đạo Phòng An ninh xã hội nêu quan điểm.
Theo Thượng tá Chinh, cần chú trọng công tác vận động, giáo dục thuyết phục quần chúng, kết hợp các biện pháp quản lý hành chính Nhà nước một cách hài hoà; kiên quyết xử lý với các đối tượng cầm đầu có những hành vi vi phạm pháp luật, thách thức chính quyền và cơ quan chức năng…
Phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của lực lượng cốt cán, người có uy tín, trưởng dòng họ, người thân trong gia đình, các vị chức sắc trong các tôn giáo được Nhà nước công nhận để lên án, vạch trần những hành vi lợi dụng tôn giáo, vận động người thân và gia đình không tham gia hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật…