“Cháu nhỏ (con thứ hai của chị Huyền năm nay học lớp 4) thi thoảng vẫn thủ thỉ với bà ngoại: 'Lúc mẹ đi cháu vẫn ngủ, cháu chỉ ước được gặp mẹ cháu một lần nữa thôi'”, mẹ chị Huyền vừa khóc vừa trải lòng về nỗi đau mà bà và các thành viên gia đình chưa thể nguôi ngoai trước phiên xét xử.
Ngày 4 và 5/12 tới đây, TAND thành phố Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm vụ án chấn động dư luận xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường (TMV Cát Tường). Trước ngày xét xử, tâm lý và cuộc sống của các thành viên trong gia đình chị Huyền chưa thể ổn định bởi nỗi đau mất mát quá lớn là mất con, mất vợ, mất mẹ.
Mẹ chị Huyền nhập viện, cháu nhỏ vẫn hỏi mẹ đâu
Đến thăm bà Hiền, mẹ chị Huyền vào buổi trưa mùa đông mưa rét ngày 2.12, chỉ hai ngày trước phiên xét xử vụ án, bà đang ngồi trên giường bệnh của bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, xung quanh là cặp kính lão cùng các giấy tờ, cáo trạng liên quan đến vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường mà con gái ruột của bà – chị Huyền chính là nạn nhân.
Vẫn là nét mặt bình tĩnh của một người già đã từng trải, am hiểu nhưng trên gương mặt ấy, bà không thể giấu được những nét buồn bã của người đang phải đối diện với nỗi đau quá lớn – mất đi đứa con gái ruột bà hết mực yêu thương.
Mẹ chị Huyền đang nằm viện điều trị vì sức khỏe suy sụp. Ảnh: Bảo Anh
Bà Hiền đã nhập viện được được 8 ngày nay vì suy nghĩ quá nhiều dẫn đến sức khỏe bị suy sụp: “Tôi mệt mỏi lắm, cứ nghĩ đến con lại ngồi khóc, buồn, thương con và tủi thân, nhiều đêm tôi chỉ ngủ được hai, ba tiếng. Thứ 5 này xử án, tôi sẽ xin phép bác sĩ sang dự phiên tòa dự rồi về viện tiêm”, bà Hiền ngậm ngùi.
Thế rồi, bà lại kể về chị Huyền – người con gái trong tâm trí bà là người sống rất tình cảm và biết điều với cả hai bên gia đình nội ngoại cũng như luôn hết mực chăm lo cho con cái, gia đình nhỏ của mình.
Bà kể, chị Huyền là người con ngoan và sống tình cảm. Khi học xong đại học, chị Huyền chưa lấy chồng vội mà tranh thủ đi làm kiếm tiền để hỗ trợ bố mẹ nuôi hai em ăn học. Trong ký ức của bà, chị Huyền cũng chưa một lần tranh giành bất cứ điều gì với em mà luôn luôn yêu thương, nhường nhịn và giúp đỡ hai em hết mực.
Tuần chị Huyền mất, bà vẫn nhớ như in: “Ngày hôm thứ 3, Huyền vẫn mang về biếu tôi một túi tảo biển, thế mà đến thứ 7, Huyền mất. Nếu Huyền còn sống, bác nằm viện thế này, dù bận thế nào Huyền cũng phải vào chăm sóc cho bác từ việc ăn đến uống thuốc”.
Bức ảnh chị Huyền khi còn sống bà Hiền luôn giữ bên mình. Ảnh: Bảo Anh
Chị Huyền mất đã được hơn một năm nhưng các thành viên trong gia đình chị chưa thể nguôi ngoai nỗi đau. Ông Viễn, (bố chị Huyền – PV) vẫn nhắc, ngày xưa Huyền còn sống về nhà chơi với bố mẹ sẽ lên giường bố mẹ nằm chơi nói chuyện.
Anh Huy, chồng chị Huyền sau quãng thời gian đằng đẵng tạm dừng công việc đi tìm kiếm xác vợ giờ cũng phải tiếp tục kiếm tiền nuôi hai con ăn học, cháu lớn đang học lớp 9, cháu bé đang học lớp 4. Anh làm nghề liên quan đến sơn nhà cửa, giờ là quãng thời gian cuối năm, người ta sơn sửa nhà nhiều nên càng phải phải tranh thủ kiếm khách hàng để tăng thêm thu nhập.
Bố mẹ chồng chị Huyền, đặc biệt là mẹ chồng chị Huyền giờ vẫn còn khóc khi nhắc đến cô con dâu hiếu thảo. Hai ông bà giờ cũng chỉ có khoản lương hưu, vừa phụ giúp anh Huy ở nhà lo cơm nước vừa lo việc đưa đón hai cháu đi học chính, học thêm.
Hai con trai của chị Huyền, cháu lớn hơn hiểu chuyện hơn nhưng tâm lý vẫn hay buồn bã, ông bà vẫn luôn dặn dò động viên cháu rằng, bây giờ mẹ con không còn nữa, con phải cố gắng chăm chút cho em nữa nhé, cháu chỉ gật đầu: “Vâng ạ”.
Cháu bé thi thoảng nhớ mẹ quá lại hỏi bà: “Mẹ cháu đâu, khi mẹ đi cháu vẫn còn ngủ, cháu chỉ ao ước được gặp mẹ một lần nữa thôi!”.
Nói đến đây, bà Hiền khóc, hai hàng nước mắt của người già lặng lẽ thấm đẫm nơi khóe mắt, lăn xuống nửa gò má da đã nhăn nheo.
Hy vọng tòa xét xử công minh
Thi thể chị Huyền - nạn nhân trong vụ việc được tìm thấy tại bến đò Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Cảnh Kiên
Trong bản cáo trạng ngày 15/10/2104 về vụ án tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, bị can Nguyễn Mạnh Tường vẫn bị truy tố về tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" theo khoản 2, Điều 246 và "Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" theo khoản 3, điều 242 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt từ 7 đến 15 năm (cáo trạng lần trước bị can Tường bị truy tố ở khoản 1 với khung hình phạt từ 1 đến 5 năm).
Với việc thay đổi khoản truy tố, bác sĩ Tường có thể phải đối diện với mức án 20 năm tù cho hai tội danh.
Đối với bị can Đào Quang Khánh, VKS giữ nguyên nội dung truy tố ban đầu về tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" và "Trộm cắp tài sản".
Nói về bản cáo trạng này, bà Hiền nói: “Bản cáo trạng mới cũng không truy tố Nguyễn Mạnh Tường về tội giết người nên khiến tôi suy nghĩ nhiều lắm. Chính vì vậy mà tôi bị ốm. Huyền đến đó làm phẫu thuật thẩm mỹ bị chết rồi lại bị đem vứt xuống sông. Khi tiến hành làm phẫu thuật, 15 phút đầu tiên sau khi tiêm thuốc, Huyền đã bị dị ứng, co giật mà Tường không cấp cứu lại sai người đi mua thuốc động kinh về để chống co giật nhưng không mua được.
Sau đó, Tường lại tiêm thêm các thuốc an thần và thuốc ngủ làm Huyền cứ co giật nhưng anh ta vẫn tiếp tục tiêm. Lượng thuốc mê vào người Huyền nhiều quá, gấp rưỡi bình thường. Nếu bác sỹ Tường là người có trách nhiệm, có y đức thì đã dừng lại và đưa Huyền đi cấp cứu nhưng Tường lại tiếp tục làm thêm tiếng rưỡi quy trình để hút 11 xilanh mỡ ra. Sau khi thấy tình hình có vẻ ổn hơn, Tường lại để Huyền đấy để đi lễ, đến khi nhân viên ở thẩm mỹ viện gọi về thì Huyền đã tím tái, không còn nhịp thở. Vậy mà cáo trạng vẫn không truy tố Nguyễn Mạnh Tường về tội giết người”.
Cũng theo mẹ chị Huyền, không chỉ bà mà cả gia đình mong tòa xét xử công bằng để người đã khuất được thanh thản.