Đó là một trường hợp có thật, bệnh nhân sau năm 5 điều trị vẫn sống khỏe nhưng luôn vấp phải sự kỳ thị của chính người thân trong gia đình.
Tại cuộc tọa đàm "Ung thư không phải là dấu chấm hết" do Hội Nội khoa, phối hợp với Bệnh viện K Trung ương vừa được tổ chức tại Hà Nội, rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản đối những quan điểm sai lầm cũng như sự kỳ thị đối với người mắc căn bệnh này.
TS Phạm Thị Việt Hương (Khoa Nhi – Bệnh viện K Trung ương) thẳng thắn nói: “Kỳ thị những người mắc ung thư là một tội ác”. Điều khiến TS Hương đau lòng nhất, đó chính là sự kỳ thị lại diễn ra trong ở chính những người thân trong gia đình.
TS Phạm Thị Việt Hương cho rằng, kỳ thị người mắc bệnh ung thư là một tội ác.
Lấy ví dụ về một trường hợp cụ thể, TS Hương chia sẻ: “Đó là một bệnh nhân nữ mà tôi trực tiếp điều trị. Dù bệnh nhân đáp ứng điều trị rất tốt, đến nay vẫn khỏe sau 5 năm điều trị nhưng mỗi khi bệnh nhân này về nhà, lại gặp phải những “chướng ngại” về mặt tâm lý, tinh thần vô cùng khủng khiếp.
Bệnh nhân cho biết, ngày nào mẹ chồng cũng đến nhà mạt sát, chửi bới với những câu từ khó nghe, thậm chí còn kỳ thị cho rằng con mình là “đồ mắc bệnh ung thư”.
Không chỉ có vậy, người mẹ này còn cho rằng, con dâu mắc bệnh ung thư làm khổ con trai mình…”.
Thực tế, những trường hợp như của nữ bệnh nhân trên không phải là hiếm gặp. Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng kỳ thị trên, TS Hương cho rằng, đó là do xuất phát từ suy nghĩ ung thư là vô phương cứu chữa, căn bệnh khủng khiếp, lây từ người nọ sang người kia… Chính vì thế họ tỏ thái độ với người mắc ung thư và vô tình đẩy những người mắc ung thư đến bên bờ vực thẳm".
Khi mắc bệnh ung thư người bệnh hãy tin tưởng bệnh viện và bác sĩ.
Ngoài sự kỳ thị đối với những người mắc bệnh ung thư, TS Hương cho biết, nhiều bệnh nhân mắc ung thư còn bị chính người thân của mình đẩy gần đến cái chết hơn. Đặc biệt là những bệnh nhi vì họ nghe theo thầy lang, chữa bệnh theo kiểu tin đồn.
“Trẻ nhỏ không quyết định được quyền điều trị của mình, mà phải dựa vào người lớn. Trong khi người lớn lại đi tìm những phương pháp điều trị phản khoa học”, TS Hương nói.
Điển hình như trường hợp của cháu Bảo Long, đang điều trị tại Khoa Nhi (Bệnh viện K Trung ương). Theo BS Hương, khi mới đến viện khám, các bác sĩ phát hiện ra cháu có khối u nguyên bào thần kinh sau phúc mạc.
Ngay sau đó, các bác sĩ khuyên gia đình điều trị hóa chất cho cháu nhưng gia đình không đồng ý, đưa cháu về và cho điều trị bằng một loại thuốc lá của thầy lang vùng cao.
Khi uống vào, cháu đau đớn, buồn nôn và khối u ngày càng phát triển. Chỉ khi quá nguy kịch, gia đình mới đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu. Khi đó cháu Bảo Long đã ở trong tình trạng suy tim, suy gan, bụng chướng… tiên lượng sống rất mong manh.
Trước tình hình đó, các bác sĩ đã cấp cứu và điều trị với phương châm “còn nước, còn tát” và quyết định truyền hóa chất cho cháu. Điều “thần kỳ” đã xảy ra, chỉ sau 3 ngày truyền hóa chất, bụng cháu đã xẹp xuống. Tiếp tục điều trị, khối u nhỏ dần và hiện đã phẫu thuật bóc tách khối u, phần di căn xương cũng đã hết.
“Tôi không dám nói trước điều gì, nhưng chí ít khi điều trị đúng phác đồ, cháu bé đã giành lại được sự sống đến nay là 7 tháng”, TS Hương nói.
Cũng là người lên án kịch liệt những phương pháp điều trị phản khoa học, GS Nguyễn Bá Đức – nguyên GĐ Bệnh viện K Trung ương cho biết: “Có nhiều quan điểm chỉ ở Việt Nam mới có, ví dụ như ung thư không được động dao kéo, ung thư không được đến đám tang, ung thư không được ăn thịt…”.
Theo GS Đức, khi mắc bệnh ung thư, người bệnh phải tuyệt đối nghe theo và tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ thì mới có cơ hội chữa khỏi bệnh, cũng như kéo dài được sự sống.