Sống phụ thuộc vào điện thoại từ khi mới được 1 tháng tuổi, đến 5 tuổi cháu M. đã qua tay hơn chục chiếc smartphone.
"Tất cả là tại tôi, vì ham kiếm tiền mà để con ra nông nỗi này"
Có mặt tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, BS Dương Văn Tâm - trưởng khoa Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em dẫn chúng tôi đi thăm các phòng bệnh. Tại đây chúng tôi đặc biệt chú ý tới cháu L.Q.M. (5 tuổi, Gia Lai) bởi cháu có những hành động khác lạ so với những đứa trẻ khác.
Trong phòng phục hồi chức năng có 5 bệnh nhi đang điều trị, 4 cháu khác e ấp trong vòng tay người thân khi thấy người lạ xuất hiện. Riêng cháu M. luôn chân chạy nhảy khắp phòng, miệng nói lảm nhảm nhưng không thành tiếng, tay liên tục xé giấy rải khắp phòng, nếu thấy ai dùng điện thoại lập tức M. tiến đến cướp ngay trên tay.
Cháu M. dùng điện thoại từ lúc 1 tháng tuổi, đến nay đã dùng hỏng hơn 10 chiếc smartphone
Chị Nguyễn Thị Lan, mẹ cháu M. (tên đã thay đổi) cho biết, con trai chị đang mắc căn bệnh tăng động, giảm chú ý và rối loạn ngôn ngữ… Chị tin rằng, sở dĩ con trai bị như vậy là do lỗi của mình khi đã quá chiều chuộng con, cho con sử dụng điện thoại suốt một thời gian dài.
“Tất cả là tại tôi, vì ham kiếm tiền mà tôi để con ra nông nỗi này. Tôi cũng rất muốn chia sẻ để các bà mẹ khác hãy quan tâm con đúng cách, để con khỏi bị bệnh”, chị Lan tâm sự.
Theo lời kể của chị Lan, cháu M. là con thứ 5 trong gia đình và cũng là đứa con trai duy nhất. Khi sinh cháu M. được 1 tháng, do bận bán hàng, chị Lan đã cho con dùng điện thoại bằng cách bật nhạc để cho con ngủ.
Nếu không cho dùng điện thoại, cháu M. sẵn sàng đi cướp điện thoại của người khác.
Khi con bắt đầu biết ăn, biết chơi, chị Lan cũng dùng điện thoại để dụ dỗ con mọi lúc mọi nơi. “Cuộc sống của con tôi gắn liền với chiếc điện thoại từ lúc 1 tháng tuổi, cho đến bây giờ cháu đã dùng hơn 10 chiếc điện thoại rồi. Trước tôi còn nghĩ, cho con xem điện thoại, sẽ đỡ phải thuê giúp việc, ai ngờ cơ sự lại như thế này”, chị Lan ân hận.
Cháu M. phát triển chậm hơn so với những đứa trẻ khác, 9 tháng cháu mới biết ngồi, 2 tuổi mới chập chững biết đi và bây giờ 5 tuổi vẫn chưa nói sõi.
Giờ đây mỗi khi cho cháu M. ăn vẫn phải cho cháu xem điện thoại.
Khi cho cháu đi học, cháu không tiếp xúc với bất kể ai và hay gào khóc. Thậm chí cả cô giáo cũng không thể dỗ được. Thấy con có nhiều biểu hiện bất thường, chị Lan nhiều lần đưa vào TP HCM khám nhưng đều không ra bệnh.
Bác sĩ xác định cháu bé bị tăng động, rối loạn ngôn ngữ
Quá lo lắng, gia đình đưa ra Hà Nội thăm khám, các bác sĩ khẳng định cháu M. không phải mắc bệnh tự kỷ, mà là bị tăng động, rối loạn ngôn ngữ… Dù chưa thể xác định nguyên nhân chính xác là gì nhưng chắc chắn có ảnh hưởng từ việc xem quá nhiều điện thoại.
Đến nay, sau 3 liệu trình điều trị, cháu M. đã có đôi chút cải thiện, nói được rõ hơn nhưng chưa hiểu nghĩa mà chỉ nói theo người khác. “Tôi đang cai dần điện thoại cho cháu, nhưng việc này không hề đơn giản vì cháu “nghiện” quá rồi. Nếu không cho dùng, cháu sẵn sàng cướp điện thoại của bất cứ ai khi họ cầm trên tay”, chị Lan chia sẻ.
BS Dương Minh Tâm cho biết, trường hợp cháu M. có biểu hiện điển hình nhất là rối loạn ngôn ngữ, chậm nói, nói không rõ nghĩa… Hướng điều trị hiện tại là vừa xoa bóp bấm huyệt, vừa châm cứu…, kết hợp với đó là luyện tập phục hồi ngôn ngữ.
Để làm được điều đó, ngoài các bác sĩ thì gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là cần cách ly dần dần cháu ra khỏi điện thoại, thường xuyên tham gia hoạt động cộng đồng…