Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả hình thức cho, tặng.
Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát vừa có Công điện khẩn về việc tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn lây nhiễm bệnh cúm gia cầm qua biên giới.
Công điện nêu rõ, ngày 11/8/2013, Cơ quan y tế của Trung Quốc đã xác nhận ca tử vong thứ 45 do vi rút cúm H7N9. Bệnh nhân nữ 61 tuổi ở tỉnh Hồ Bắc, mắc bệnh ngày 20/7/2013 và sau đó được chuyển đến Bắc Kinh để điều trị. Như vậy, tính đến nay đã có 134 người bị nhiễm vi rút H7N9 tại Trung Quốc và có 45 ca tử vong (chiếm tỷ lệ 33,6%). Đặc biệt, có những ca mắc bệnh tại tỉnh Quảng Đông gần với các tỉnh biên giới phía Bắc của nước ta.
Còn tại Campuchia, ngày 13/8/2013, cơ quan Y tế của nước này xác nhận thêm 2 trường hợp mới bị mắc bệnh cúm gia cầm. Hai bệnh nhân mới mắc bệnh là một bé trai 9 tuổi và một bé gái 5 tuổi đều có tiếp xúc với gia cầm chết nghi do mắc bệnh cúm gia cầm. Kể từ đầu năm 2013 đến nay, tổng số người mắc bệnh cúm gia cầm H5N1 tại Camphuchia là 16 người, trong đó có 11 ca tử vong (chiếm tỷ lệ gần 68,8%).
Bộ NN-PTNT nhận định, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở người và có nhiều ca tử vong thuộc các tỉnh biên giới giáp với nước ta.
Trong khi đó, tình hình buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới và gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra ở một số tỉnh phía Bắc và ngày càng tinh vi hơn.
Do vậy, Bộ NN-PTNT yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục khẩn trương chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm vào trong nước; đặc biệt là việc nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
Khử trùng ngăn chặn cúm từ các phương tiện qua biên giới (Ảnh: Bộ NN-PTNT)
Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyên truyền sâu rộng đến từng cư dân biên giới, chính quyền cấp xã, cấp huyện và các tổ chức đoàn thể tại các khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, các dấu hiệu nhận biết gia cầm nghi mắc bệnh cúm.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin cúm cho đàn gia cầm, nhất là các tỉnh có nguy cơ cao ở khu vực giáp biên giới Campuchia và các nơi có ổ dịch cũ, xung quanh khu vực có ổ dịch mới, nơi có mật độ chăn nuôi gia cầm cao…
Chưa phát hiện cúm gia cầm tại Hà Nội
Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, Cục Thú y đã triển khai giám sát tại 60 chợ, điểm buôn bán gia cầm nhập lậu tại 9 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội. Qua xét nghiệm 2.554 mẫu gia cầm nhập lậu và loại thải, hiện chưa phát hiện virus cúm A/H5N1.
Cục Thú y nhận định, thời gian tới, do thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm, các hoạt động vận chuyển lậu gia cầm đã được kiểm soát tốt nhưng vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin… Vì vậy, các địa phương cần tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhâp lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.
Đặc biệt, Cục Thú ý cũng lưu ý bệnh cúm trên đàn chim yến và chim cút, do chưa có chương trình tiêm phòng cúm trên đàn chim mà mới thực hiện thí điểm tiêm phòng cúm trên đàn chim cút. 1 tháng nữa mới có kết quả về chương trình thí điểm này. Tính đến ngày 13/8 dịch cúm đã xuất hiện trên đàn chim cút của Tiền Giang trong 4 tuần với tổng số chim cút bị mắc bệnh phải tiêu hủy là hơn 26.000 con. Cục Thú y đã cấp hỗ trợ 1 triệu liều vaccine cúm gia cầm từ Quỹ Dự phòng quốc gia cho tỉnh Tiền Giang bao vây các ổ dịch cúm.