Chỉ chưa đầy một tuần, tỉnh Hà Nam ghi nhận 59 ca mắc COVID-19 cộng đồng là giáo viên, học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam, ngày 26/9, trên địa bàn tỉnh Hà Nam ghi nhận thêm 49 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Như vậy, kể từ ca bệnh BN687470 ở thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều 19/9, đến 18 giờ ngày 26/9, Hà Nam ghi nhận 179 ca bệnh mắc COVID-19.
Trong số đó, có 5 giáo viên, 54 học sinh F0 cùng hàng trăm F1 đang được cách ly tập trung. Hiện, sức khỏe của các em học sinh và giáo viên không có diễn biến bất thường và đang được theo dõi, điều trị.
Quân đội hỗ trợ tỉnh Hà Nam đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trên diện rộng. Ảnh: CDC Hà Nam
Sau khi xem xét đề nghị của Sở GD&ĐT, Sở LĐ,TB&XH, UBND tỉnh Hà Nam đồng ý cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn tỉnh tiếp tục nghỉ học. Từ ngày mai (27/9) sẽ chuyển sang học trực tuyến đến khi kiểm soát tốt được dịch bệnh.
Riêng với số giáo viên và học sinh phải đi cách ly trong diện F0, F1 sẽ thực hiện giảng dạy và học tập bù sau khi đảm bảo điều kiện. Sở GD&ĐT tỉnh này cũng lên kế hoạch để động viên tinh thần số giáo viên và học sinh diện F0, F1 phải đi điều trị, cách ly.
Tạm giữ tài xế xe cứu thương thả F0 xuống trung tâm TP Pleiku
Chiều 26-9, Công an tỉnh Gia Lai đang tạm giữ tài xế Trần Hùng Thanh (SN 1979, trú tại xã Suối Đỏ, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) cùng phương tiện là xe cấp cứu mang biển kiểm soát 70B- 02463 vì vi phạm về quy định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Vào ngày 24-9, ông Thanh điều khiển xe cấp cứu trên xuất phát từ ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đỏ, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh đi đến huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình.
Ông Thanh (trái) và chiếc xe vi phạm đã bị lực lượng chức năng tạm giữ
Tối cùng ngày, xe đến Chốt kiểm soát số 3- Cầu 110 (địa phận tiếp giáp giữa Gia Lai - Đắk Lắk). Tại đây, ông Thanh khai đi cùng 1 người tên Nguyễn Văn Tình (không rõ địa chỉ). Ông Thanh cũng làm cam kết không dừng, đỗ, không đón trả khách, không bốc hàng hóa, không tiếp xúc với người dân và không lưu trú trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Tuy nhiên, khi di chuyển qua địa bàn TP Pleiku, ông Thanh đã cho một người xuống xe tại khu vực trước khách sạn Hoàng Anh Gia Lai vào khoảng 22 giờ ngày 24-9.
Đến ngày 25-9, qua xét nghiệm, Trung tâm Y tế huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai xác định được ông H.S.B (SN 1974, thôn 5, thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa) tái dương tính SARS-CoV-2. Ông H.S.B khai vừa trở về địa phương thông qua phương tiện là xe cấp cứu biển kiểm soát 70B-02463 do ông Thanh điều khiển.
Sau khi về nhà, ông H.S.B đã tiếp xúc với mẹ, vợ và 2 người con.
(Theo Người lao động)
Công an 2 tỉnh vào cuộc làm rõ vụ tài xế mắc Covid-19 khai tên giả
Chiều 26-9, ông Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết kết quả xét nghiệm PCR khẳng định tài xế L.C.T. (SN 1991, ngụ huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) dương tính với SARS-CoV-2.
"Lực lượng công an của huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông và Công an TP Buôn Ma Thuột đã phối hợp làm việc với những người liên quan để làm rõ vì sao tài xế lại khai tên giả và rời khỏi bệnh viện khi được thông báo test nhanh dương tính với SARS-CoV-2" - ông Hùng thông tin.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, tối 25-9, một tài xế xe tải tới Bệnh viện Nhi Đức Tâm (TP Buôn Ma Thuột) để test nhanh Covid-19. Người này khai tên là P.T.P. (SN 1975, ngụ huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông).
Sau khi nhận thông báo mẫu test nhanh 2 lần đều dương tính với SARS-CoV-2, người này nhanh chóng ra xe bỏ đi. Ngay sau đó, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức truy tìm.
Tuy nhiên, khoảng 40 phút sau, người này đã lái xe quay lại bệnh viện nhưng tiếp tục gây bất ngờ khi khai một tên khác là L.C.T. (SN 1991, ngụ huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông).
(Theo Người Lao Động)
TP HCM đã qua đỉnh điểm của dịch Covid-19
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM chiều 26-9, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin TP đã triển khai 22 đoàn kiểm tra đánh giá từng quận, huyện, phường, xã để có đánh giá tình hình chung của TP trong thời gian đến. Về chỉ tiêu đánh giá theo hướng dẫn của Bộ Y tế mới chỉ tạm thời nên các đơn vị đang rà soát từng chỉ tiêu để có kế hoạch thực hiện từng chỉ tiêu.
Bà Mai cũng cho biết TP đang có 3.286 giường ICU (giường hồi sức cấp cứu), bảo đảm phục vụ tốt ở tình huống cấp cứu cấp độ cao nhất.
Về kế hoạch thu hẹp, trả lại công năng của các bệnh viện dã chiến đặt ở chung cư khu tái định cư, trường học, bà Mai cho hay quan điểm phòng, chống dịch của ngành y tế luôn thống nhất ưu tiên hàng đầu là tăng cường chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng người dân. Như vậy, tùy theo tình hình dịch bệnh, sở sẽ có kết hoạch thu hẹp các giường bệnh, cơ sở điều trị, thu dung bệnh nhân Covid-19 phù hợp.
"Hiện nay, TP đã qua khỏi đỉnh điểm dịch và việc chống dịch đang ở mức độ có hiệu quả rất tốt. Từ đây đến cuối năm, ngành y tế sẽ có thêm kế hoạch để chống dịch" - bà Mai nói.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM, trả lời báo chí tại cuộc họp báo chiều 26-9
Với bệnh viện ở vùng xanh: cuối tháng 9 sẽ trả lại công năng để tham gia điều trị cho những bệnh nhân không phải Covid-19. Cụ thể, Bệnh viện quận 7 và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi đã và đang chuyển đổi rất tốt.
Bệnh viện dã chiến thu dung: sẽ kết thúc, thu hẹp khi các bệnh viện hoàn thành sứ mệnh là không còn bệnh nhân. Ngoài ra, những cơ sở dã chiến thu dung sẽ sắp xếp, cơ cấu lại thành bệnh viện 3 tầng Covid-19. Sẽ giữ lại các bệnh viện dã chiến thu dung có gắn kết với trung tâm hồi sức, gồm Bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16.
Cũng tại cuộc họp này, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM, nhận định tình hình dịch bệnh tại TP đang lạc quan hơn, khi tỉ lệ bệnh nhân nặng phải thở máy giảm, ngày 25-9 là 1.918 trường hợp. Số bệnh nhân xuất viện tăng mỗi ngày, trong ngày 25-9 là 3.495 người.
(Theo Người Lao Động)
Đồng Nai: "Siêu phường" Trảng Dài vừa nới lỏng đã tăng ca nhiễm
Phường Trảng Dài tại TP Biên Hòa được gọi là "siêu phường" với số dân đông hàng đầu và là phường đa số là dân ngụ cư. Liên tục trong những ngày qua, sau khi gỡ quy định cách ly, phong tỏa trên diện rộng (từ ngày 21-9), lực lượng y tế tiếp tục tổ chức xét nghiệm theo kế hoạch và đã ghi nhận trên 50 ca nhiễm Covid-19 mới.
Đặc biệt, theo thông tin ban đầu, hiện nhiều ca nhiễm chưa xác định được nguồn lây. Bước đầu lực lượng chức năng nhận định tình trạng này có thể do người dân có tâm lý chủ quan khi phường mới được nới lỏng quy định cách ly y tế phong tỏa trên diện rộng.
Tiên vắc- xin phòng Covid- 19 tại Đồng Nai
Hiện tại phường Trảng Dài đã ghi nhận trên 750 ca nhiễm, được xác định là vùng cam. Trong sáng 26-9, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết 24 giờ qua toàn tỉnh ghi nhận thêm 748 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc Covid-19 toàn tỉnh kể từ đầu dịch đến nay lên hơn 45.716 ca. Trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 18-6-2021 đến nay) là 45.684 ca.
Trong ngày 25-9, có thêm 831 bệnh nhân điều trị khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi 23.973 ca; ghi nhận 6 bệnh nhân tử vong, tổng số ca tử vong do Covid-19 tính đến hết ngày 24-9 là 429 ca.
Trong số ca mắc trong 24 giờ qua có 3 ca ghi nhận qua sàng lọc trong cộng đồng gồm một ca tại khu nhà trọ ở tổ 3 khu phố Nông Doanh, phường Xuân Tân, TP Long Khánh; một ca tại ấp 4, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, chưa rõ nguồn lây; một ca tại ấp 2, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế, chưa rõ nguồn lây.
24 giờ qua các ca mắc trong khu phong tỏa tập trung nhiều ở các khu vực thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch; xã Sông Trầu, Hố Nai 3, Bắc Sơn của huyện Trảng Bom. Trong ngày cũng ghi nhận 29 ca F0 trong 8 doanh nghiệp đang thực hiện 3 tại chỗ tại các KCN.
Hiện tại, Đồng Nai đã ghi nhận 2.040 ca F0 tại 71 doanh nghiệp "3 tại chỗ", trong tổng số 1.143 doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ".
Theo Người Lao Động
Thủ tướng đồng ý công nhận "hộ chiếu vắc-xin" giữa Việt Nam với các quốc gia
Theo Văn phòng Chính phủ, trên thế giới hiện có nhiều quốc gia áp dụng "hộ chiếu vắc-xin" để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Việc công nhận "hộ chiếu vắc-xin" lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Về việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới để công nhận lẫn nhau về "hộ chiếu vắc-xin".
Trước đó, ngày 23-9, sân bay quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) đã đón thành công chuyến bay thí điểm "hộ chiếu vắc-xin" thứ 4 theo chương trình cách ly y tế 7 ngày của Bộ Y tế.
Chuyến bay mang số hiệu VN18 chở 301 hành khách từ Pháp đã hạ cánh an toàn lúc 6 giờ 59 ngày 23-9 tại sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh (VDO). Đây là chuyến bay thứ tư, cũng là chuyến bay cuối cùng trong đợt triển khai thí điểm đón khách có "hộ chiếu vắc-xin" vào Việt Nam.
Toàn bộ hành khách là các công dân Việt Nam tại châu Âu đạt đủ điều kiện về nước. Hành khách trước khi lên máy bay phải đảm bảo sức khỏe tốt, đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh, cũng như thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ đảm bảo an toàn suốt hành trình. Sau khi nhập cảnh tại sân bay Vân Đồn, hành khách được di chuyển về khách sạn FLC Hạ Long (Quảng Ninh) để thực hiện cách ly y tế tập trung.
Giám đốc sân bay quốc tế Vân Đồn, ông Phạm Ngọc Sáu cho biết đến nay, đã có tổng cộng 943 công dân về nước theo chương trình này. Chuyến bay thí điểm "hộ chiếu vắc-xin" đầu tiên chở công dân Việt Nam từ Nhật Bản hạ cánh tại sân bay Vân Đồn ngày 4-9. Hai chuyến bay đón công dân Việt Nam từ Mỹ về nước nối chuyến qua Seoul (Hàn Quốc) hạ cánh hôm 12-9.
Các hành khách về nước trong chuyến bay ngày 4-9 và 12-9 đều đã trở về địa phương sau khi hoàn thành thời gian cách ly tập trung tại Quảng Ninh.
Ngày 4-8, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về cách ly y tế đối với người nhập cảnh Việt Nam đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, trong đó quy định thực hiện cách ly tập trung trong 7 ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong 7 ngày tiếp theo, đối với người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, đã tiêm chủng đủ liều vắc-xin phòng Covid-19, hoặc đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 và có giấy xác nhận khỏi bệnh.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên được Chính phủ cho phép thực hiện chương trình "Hộ chiếu vắc-xin" tổ chức đón những chuyến bay quốc tế về Việt Nam dành cho những hành khách đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19.
Sau các chuyến bay thí điểm này, Chính phủ cùng với tỉnh Quảng Ninh sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi triển khai rộng.
Theo Người Lao Động
KHẨN: Tìm người đến các địa điểm liên quan ca mắc Covid-19 ở TP.Vinh
Ngày 26-9, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 TP Vinh, tỉnh Nghệ An đã ra thông báo khẩn về địa điểm liên quan đến bệnh nhân Covid-19. Các địa điểm trong thông báo cụ thể như sau:
- Khu vực sàng lọc, khai báo y tế và phòng khám Nội 8, tầng 2 của Bệnh viện đa khoa Thái An, số 167 đường Nguyễn Sinh Sắc, khối 8, phường Cửa Nam, TP Vinh; từ 7 giờ 12 phút đến 8 giờ 15 phút ngày 25-9.
- Căng tin Bệnh viện đa khoa Thái An từ 11 giờ đến 11 giờ 30 phút và từ 18 giờ đến 18 giờ 30 phút ngày 23-9; 6 giờ 30 phút đến 7 giờ và 11 giờ đến 11 giờ 30 phút ngày 24-9.
- Quán bún Vĩnh Điệp, số 383, đường Phạm Hồng Thái, khối 2, phường Vinh Tân, TP Vinh; từ 7 giờ đến 7 giờ 15 phút các ngày 14-9 và 22-9.
- Người đến mua đồ cốt pha, nhà số 4, đường Phạm Hồng Thái, phường Vinh Tân, từ 16 giờ đến 16 giờ 30 phút ngày 23-9.
- Quán xôi bắp Thơm Hùng, số 229, đường Phạm Hồng Thái, phường Vinh Tân, từ 6 giờ 30 phút đến 6 giờ 45 phút ngày 25-9,
UBND TP Vinh đề nghị những người có mặt tại các địa điểm này cần liên hệ ngay với trạm y tế gần nhất để được hỗ trợ. Được biết, đây là những địa điểm liên quan đến 3 trường hợp trong một gia đình ở khối 2, phường Vinh Tân được phát hiện mắc Covid-19 ở cộng đồng vào ngày 25 và 26-9.
Liên quan đến các ca bệnh trong cộng đồng trên, sáng ngày 26-9, Sở Y tế Nghệ An họp chuyên môn với Trung tâm Y tế TP Vinh để đưa ra các giải pháp truy vết các trường hợp liên quan, các biện pháp phòng chống dịch.
(Theo Người Lao Động)
Nóng: TP HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép mở cửa theo quy định riêng
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin ý kiến áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế.
Văn bản nêu rõ TP HCM đánh giá cao nỗ lực xây dựng Hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Tuy nhiên, với điều kiện đặc thù của TP HCM, UBND TP HCM kính đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép TP HCM áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để có thể mở cửa nền kinh tế. TP HCM sẽ phối hợp cơ quan chức năng nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng.
UBND TP HCM cũng mong Chính phủ quan tâm ưu tiên vắc-xin cho TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của Hướng dẫn.
3 chỉ số bắt buộc và 4 cấp đánh giá nguy cơ
Hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" do Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đang dự thảo và chỉnh sửa.
Đây là văn bản quan trọng điều chỉnh toàn bộ chiến lược, phương thức để ứng phó với dịch Covid-19 trong thời gian tới và đang được lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp trước khi ban hành.
Chiều 25-9, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, hơn 10.400 xã, phường, thị trấn trên cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình bày dự thảo Hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hướng dẫn nhằm hai mục tiêu chính là hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc và tử vong do Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Dự thảo Hướng dẫn nêu lên 3 chỉ số bắt buộc gồm:
- Ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19;
- 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng;
- Các tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố.
Tiêm vắc-xin là một trong 3 chỉ số bắt buộc theo dự thảo Hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"
Các chỉ số phân loại cấp độ dịch gồm số ca mắc mới tại cộng đồng/100 nghìn dân/tuần; tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng Covid-19. Quy mô đánh giá cấp độ dịch và áp dụng các biện pháp thích ứng tại cấp xã, phường và có thể ở quy mô như tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm hoặc nhỏ hơn.
Mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng gồm 4 cấp:
- Cấp 1: nguy cơ thấp "bình thường mới" tương ứng với màu xanh
- Cấp 2: nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng
- Cấp 3: nguy cơ cao tương ứng với màu cam
- Cấp 4: nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Theo đó, chỉ số bắt buộc áp dụng nếu không đạt được chỉ số trên 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin, phải tăng lên 1 cấp độ dịch (trừ khi đang ở cấp độ 4 hoặc địa bàn không có ca mắc).
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với tình hình dịch bệnh tại TP HCM hiện nay, nếu áp các chỉ số này vào để đánh giá nguy cơ dịch bệnh, TP HCM sẽ nằm nhóm nguy cơ 3 hoặc 4. Như vậy các các biện pháp được áp dụng sẽ rất hạn chế và việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ gặp khó khăn.
Dự kiến 3 giai đoạn mở cửa, phục hồi kinh tế
Trước đó, UBND TP HCM đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP HCM từ sau ngày 15-9-2021 để xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền, tham vấn ý kiến chuyên gia, người dân.
Theo đó, việc mở cửa nền kinh tế phải phải bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân; "an toàn tới đâu thì mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn".
Về lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế, TP HCM dự kiến thực hiện theo 3 giai đoạn.
- Giai đoạn 1 (dự kiến từ 16-9 đến 31-10): cá nhân, lao động có "Thẻ Xanh Covid" có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).
Cá nhân, lao động có "Thẻ Vàng Covid", có xét nghiệm âm tính với Covid-19 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể. Riêng tổ chức có 100% lao động có "Thẻ Xanh Covid" được tham gia tất cả các lĩnh vực (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).
Tổ chức có 100% lao động có "Thẻ Xanh Covid" tại bộ phận có tiếp xúc người ngoài, có lao động có "Thẻ Xanh Covid" hoặc "Thẻ Vàng Covid" tại các bộ phận còn lại được tham gia một số hoạt động.
- Trong giai đoạn 2 (dự kiến từ 31-10 đến 15-1-2022): TP HCM sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho đối tượng có "Thẻ Xanh Covid" gồm: trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).
- Đến giai đoạn 3 (dự kiến sau 15-1-2022): TP HCM lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có "Thẻ Xanh Covid".
Ngoài các lộ trình dự kiến, TP HCM sẽ có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
(Theo Người Lao Động)
Bộ Y tế một lần nữa nghiêm cấm mọi hành vi thu phí, trục lợi từ tiêm vaccine phòng COVID-19
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngày 26/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ban hành công điện 1478 chỉ đạo ngành Y tế địa phương tiếp tục thực hiện tiêm chủng vaccine COVID-19 miễn phí, đảm bảo kịp thời, an toàn, hiệu quả.
Bộ Y tế cũng nghiêm cấm mọi hành vi thu phí, trục lợi từ tiêm vaccine phòng COVID-19 dưới bất kỳ hình thức nào.
Công điện được gửi tới Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các đơn vị thuộc Bộ Y tế được giao nhiệm vụ tổ chức tiêm vaccine COVID-19.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành công văn chỉ đạo việc tiêm vaccine COVID-19 miễn phí cho người dân. Hôm 24/8, Bộ Y tế cũng có công điện 1242 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các Trường Đại học về việc chấn chỉnh công tác tiêm vaccine phòng COVID-19.
Mới nhất, hôm 23/9, Bộ Y tế có công văn yêu cầu các địa phương kiểm tra, khắc phục ngay các tồn tại liên quan đến công tác phòng chống dịch, đặc biệt là tổ chức xét nghiệm và tiêm vaccine COVID-19.
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 52 triệu liều vaccine COVID-19. Gần 38,5 triệu liều vaccine đã được tiêm, trong đó khoảng 8 triệu liều là mũi 2.
Dỡ bỏ phong tỏa ngõ 332 Nguyễn Trãi sau 1 tháng cách ly y tế; gần 1 triệu người ở Hà Nội tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19
Sở Y tế Hà Nội sáng 26/9 cho biết 12 giờ qua không ghi nhận ca mắc mới. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4) là 3.965 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.601 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly có 2.364 ca.
Tính đến hết ngày 25/9, Hà Nội đã tiêm được 6.710.456 mũi vaccine COVID-19, trong đó có 5.761.551 mũi 1 (đạt 95,71% dân số trên 18 tuổi) và 948.905 mũi 2 (đạt 15,76% dân số trên 18 tuổi).
Quận Thanh Xuân cũng vừa dỡ bỏ phong tỏa đối với ngõ 332 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung) sau gần 1 tháng cách ly y tế. Theo UBND quận Thanh Xuân, khu vực ngõ 328, 330 đường Nguyễn Trãi dự kiến sẽ phong tỏa đến hết ngày 28/9.
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, liên quan đến ca dương tính với SARS-CoV-2 ở cộng đồng là ông L.D (65 tuổi ở xóm Phúc Đường, thôn Bãi 1, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội), nhà chức trách đã xác định được 26 F1 và 313 người liên quan. Đến tối 25/9, tất cả các mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 của những trường hợp F1 và người liên quan đều âm tính.
Trước đó, ông L.D là công nhân xây dựng tại công trường MB Nam An Khánh, huyện Hoài Đức. Khi đi làm tại công trường, ông D bị tai nạn lao động và tử vong vào 17h30 ngày 23/9. Sau khi được đưa vào bệnh viện, ông D được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính vào chiều 24/9.
Ngay sau khi nhận được thông tin về trường hợp ông L.D, trong chiều 24/9, cơ quan chức năng địa phương đã chỉ đạo các lực lượng liên quan tiến hành phong tỏa tạm thời khu vực xóm Phúc Đường, xã Cao Viên và truy vết, xác định các trường hợp có liên quan.
(Theo Gia Đình & Xã hội)
Vợ mắc Covid-19, chồng và con lấy mẫu xét nghiệm cùng dương tính SARS-CoV-2
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An cho biết trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 25-9 đến 6 giờ ngày 26-9), trên địa bàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 2 ca cộng đồng dương tính SARS-CoV-2.
Trường hợp thứ nhất là ông B.V.M. (SN 1974), trú khối 2, phường Vinh Tân, TP Vinh. Ông M. là F1 và là chồng của bệnh nhân T.T.N. đã được công bố trước đó. Ngày 23-9, do có biểu hiện mệt mỏi, đau tức ngực, khó thở, ông M. đến Bệnh viện đa khoa Thái An khám và nhập viện điều trị, tại đây người này được lấy mẫu làm test nhanh cho kết quả âm tính.
Ngày 25-9, sau khi vợ có kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2, ông M. được lấy mẫu gửi CDC và cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho người dân TP Vinh.
Trường hợp thứ 2 là anh B.V.H. (SN 1997), trú khối 2, phường Vinh Tân, TP Vinh. Anh H. là F1 và là con của bệnh nhân T.T.N. đã được công bố trước đó. Ngày 25-9, sau khi mẹ có kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2, anh H. được lấy mẫu làm test nhanh cho kết quả dương tính.
Sau đó, anh M. được lấy mẫu gửi CDC, sáng 26-9 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2. Được biết, anh H. từ TP HCM về đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung và cách ly tại nhà, được lấy mẫu xét nghiệm 5 lần đều cho kết quả âm tính.
Như vậy, tính từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 1.822 bệnh nhân mắc Covid-19 ở 21 địa phương: TP Vinh: 652, Yên Thành: 199, Diễn Châu: 194, Quỳnh Lưu: 146, Nam Đàn: 88, Cửa Lò: 83, Nghi Lộc: 68, Hưng Nguyên: 64, Kỳ Sơn: 62, Quế Phong: 52, Đô Lương: 43, Tương Dương: 29, Nghĩa Đàn: 27, Tân Kỳ: 24, Hoàng Mai: 22, Thanh Chương: 17, Con Cuông: 16, Anh Sơn: 15, Quỳ Hợp: 14, Thái Hòa: 6, Quỳ Châu: 1.
Lũy tích số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 1.734 người. Lũy tích số bệnh nhân tử vong: 17 người, số bệnh nhân hiện đang điều trị: 71 người.
(Theo Người Lao Động)
Test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, một tài xế bỏ đi rồi trở lại với tên khác
Tối 25-9, ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết tài xế xe tải có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 sau khi rời bệnh viện đã quay trở lại.
Theo thông tin ban đầu, tối cùng ngày, 1 tài xế chạy xe tải tới Bệnh viện Nhi Đức Tâm (TP Buôn Ma Thuột) để test nhanh Covid-19. Người này khai tên là P.T.P. (SN 1975, ngụ huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông).
Sau khi lấy mẫu test nhanh 2 lần đều cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, nhân viên Bệnh viện Nhi Đức Tâm đã thông báo và yêu cầu tài xế vào khu vực cách ly tạm thời để lấy mẫu xét nghiệm PCR. Điều bất ngờ, sau khi được thông báo kết quả, người này nhanh chóng ra xe bỏ đi.
Theo ông Đoàn Ngọc Thượng, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, ông đã chỉ đạo cho các xã, phường, Công an TP Buôn Ma Thuột để truy tìm. Đồng thời, báo cáo lên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh để chỉ đạo các huyện, thị xã trong tỉnh phối hợp truy tìm. Tuy nhiên, sau đó tài xế này đã quay lại bệnh viện nhưng khai tên khác tên ban đầu.
Còn theo một lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đức Tâm, người này vào đăng ký test nhanh lúc 18 giờ 30 phút cùng ngày. Đến 18 giờ 50 phút, có kết quả test nhanh lần 1 và 19 giờ có kết quả xét test nhanh lần 2, đều dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay sau khi có kết quả, người này đã lên xe rời khỏi bệnh viện nên nhân viên y tế gọi vào số điện đăng ký thì được thông báo chủ số điện thoại không đi xét nghiệm. Đến 19 giờ 40 phút cùng ngày, người này đã quay lại bệnh viện nhưng lại khai 1 tên khác là L.C.T. (SN 1991, ngụ huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông).
"Hiện tài xế này đang được cách ly tạm thời tại khu vực cách ly của bệnh viện. Đơn vị cũng đã lấy mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk để xét nghiệm PCR" - lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đức Tâm thông tin.
(Theo Tiền Phong)
Chủ tịch Đồng Nai: Có thông tin thu tiền tiêm vaccine ngừa COVID-19
Đó là yêu cầu của ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trong cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Đồng Nai vào chiều ngày 25-9.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trong thời gian qua có thông tin về việc thu tiền của người dân khi tiêm vaccine. “Nếu có việc biến tưởng việc thu tiền phải chấm dứt ngay, việc tiêm vaccine là phục vụ người dân, không thu một đồng nào. Nếu có nữa chúng tôi cũng không để yên đâu" - ông Dũng nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng yêu cầu nếu có hiện tượng biến tưởng việc thu tiền phải chấm dứt ngay. Ảnh: Vũ Hội
Đồng thời, ông Dũng yêu cầu các địa phương chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống, từ ngành y tế đến các địa phương.
Còn Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, hiện nay các vi phạm về thực hiện kiểm soát dịch bệnh ở cơ sở, ở cộng đồng rất lớn lãnh đạo tỉnh không kiểm soát hết được vì vậy phải nhờ “tai mắt” người dân. Người dân có trách nhiệm để phát hiện sai phạm trong cộng đồng, trong cán bộ, trong người dân, trong cơ quan, trong các điểm nóng về vi phạm phòng chống COVID-19 và phản ánh kịp thời.
“Tôi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo hình thành đường dây nóng xử lý vi phạm về phòng chống COVID-19 để khuyến khích người dân cung cấp thông tin” - ông Lĩnh nói.
Bí thư Tỉnh ủy còn yêu cầu lãnh đạo liên tục kiểm tra những tiêu cực sai phạm trong việc tiêm vaccine. Lãnh đạo không muốn xử lý những sai phạm thì cần phải ngăn ngừa, nhắc nhở để cán bộ làm cho tốt.
Ông Lĩnh cũng đề nghị, Đồng Nai tiếp tục thực hiện phủ kín mũi 1 cho toàn dân Đồng Nai trên 18 tuổi, những vùng xanh chưa phủ hết mũi 1 phải phủ hết. Sau khi hoàn thành phủ xong mũi 1, Đồng Nai tiếp tục phủ mũi 2...
(Theo Pháp luật TPHCM)
Ca mắc COVID-19 tăng nhanh dù hơn 80% dân số đã tiêm chủng, Singapore siết chặt để phòng dịch
Ngày 24/9 (theo giờ địa phương), Singapore cho biết nước này đã quyết định siết chặt hạn chế để phòng dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc tới hàng ngày tăng đang tăng lên nhanh chóng.
Reuters nhận định dù Singapore là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hàng đầu thế giới nhưng số ca mắc COVID-19 mới tại đây đã vượt mốc 1.000 trường hợp trong những ngày qua. Đỉnh điểm là vào ngày 23/9, Singapore đã ghi nhận số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong ngày cao kỷ lục với 1.504 người.
Singapore là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới hiện nay. Ảnh: Straits Times
Trong một tuyên bố hôm 24/9, Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết: "Nhiều người mắc COVID-19 với những triệu chứng nhẹ vẫn tới bệnh viện điều trị nhưng chúng tôi thấy việc này không thật sự cần thiết".
Được biết, khoảng 82% dân số Singapore đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine. Do đó, 98% những ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận tại nước này không có triệu chứng hoặc chỉ có những triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, giới chức Singapore nói rằng việc số ca mắc mới tăng vọt trong những ngày qua đã trở thành một thách thức đối với hệ thống y tế nước này.
Theo đó, Singapore đã quyết định siết chặt các quy định phòng dịch COVID-19. Cụ thể, người dân sẽ chỉ được phép tụ tập không quá 2 người tại nơi công cộng thay vì 5 người như hiện nay. Người cao tuổi được khuyến khích ở nhà. Các công sở chuyển sang làm việc từ xa. Học sinh tiểu học tiếp tục học trực tuyến đến ngày 7/10. Trường mẫu giáo vẫn mở cửa nhưng phụ huynh được khuyến khích nên tự trông con ở nhà. Những quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 27/9 đến ngày 24/10.
Ông Gan Kim Young, Bộ trưởng Bộ Thương mại Singapore, cho biết quyết định siết chặt hạn chế là một quyết định rất khó khăn vì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, ông nhận định việc áp đặt hạn chế sẽ giúp hạn chế số ca mắc COVID-19 và giảm bớt gánh nặng cho lực lượng y tế.
Các quan chức y tế nhận định số ca mắc COVID-19 mới tại Singapore đã tăng lên gấp đôi sau khoảng 8 ngày. Do đó, nếu không có các biện pháp phòng dịch, số ca bệnh trong ngày có thể chạm mốc 6.000 trường hợp vào vài tuần tới.
(Theo Dân Việt)
Đến 30/9, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội
Kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, sáng 25/9, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cố gắng từ nay đến 30/9, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội có kiểm soát để khôi phục phát triển kinh tế- xã hội.Tại cuộc họp, thông tin về dự thảo Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là văn bản quan trọng điều chỉnh toàn bộ chiến lược, phương thức để ứng phó với dịch thời gian tới. Trong đó, Hướng dẫn nhằm hai mục tiêu chính: Hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc và tử vong do COVID-19 và khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện mới. Hướng dẫn cũng đề cập đến các cấp độ dịch, gồm: Cấp 1 (nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh); cấp 2 (nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng); cấp 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam); cấp 4 (nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ).
Hướng dẫn cũng đề cập đến một số điểm đáng lưu ý như, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh được phép hoạt động ở cả 4 cấp độ nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Người vận chuyển hàng bằng xe máy sử dụng công nghệ có đăng ký được hoạt động có 2 điều kiện (tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc được xét nghiệm định kỳ). Cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp, khu chế xuất xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động ít nhất 7 ngày/lần (thay vì 3 ngày/lần như trước đây) đối với ít nhất 20% người lao động có nguy cơ cao. “Các doanh nghiệp tự xét nghiệm và tự chịu trách nhiệm kết quả này”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương như Kiên Giang, Đà Nẵng… cho rằng, trong bối cảnh diễn biến phức tạp, không thể thực hiện phong tỏa lâu dài trên diện rộng, do không đủ nguồn lực đảm bảo cuộc sống người dân, giải quyết khó khăn của doanh nghiệp. Do đó, các ý kiến thống nhất cao với Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, đặc biệt quy mô xác định nguy cơ và các biện pháp ứng phó; đồng thời đề nghị sớm ban hành hướng dẫn trên tinh thần “vừa làm vừa hoàn thiện, điều chỉnh” do công tác phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế ban hành hướng dẫn về tự xét nghiệm và về huy động y tế tư nhân trong công tác phòng chống dịch, trên tinh thần tăng tính tự chủ, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Tiểu ban An ninh - Trật tự phối hợp với các cơ quan sớm ban hành quy định mới; nghiên cứu công nhận “hộ chiếu vắc xin” có tính chất đối đẳng.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm thống nhất là chuyển trạng thái từ mục tiêu không có COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, tổng hợp ý kiến các địa phương, lấy thêm ý kiến phản biện của các nhà khoa học, nhanh chóng ban hành hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Căn cứ hướng dẫn trên, khoảng 30/9, các địa phương tùy tình hình cụ thể để quyết định địa bàn nào được nới lỏng giãn cách và tiếp tục kiểm soát dịch có hiệu quả. Những nơi nào an toàn, đã kiểm soát được dịch bệnh thì phải vừa tiếp tục kiểm soát an toàn, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ GTVT kiểm tra việc quản lý, kiểm soát hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa; các địa phương phải hết sức linh hoạt, không ban hành “giấy phép con” cản trở lưu thông hàng hóa. “Không phải cứ lập rào cản là chống được dịch. Lập rào cản mà người dân không có ý thức thì các đồng chí có thể gác 24/24 giờ không, có thể làm được cả tuần, cả tháng, cả năm không? Thế nên phải tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân, để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”, Thủ tướng nói.
Tại cuộc họp, Thủ tướng ghi nhận Hà Nam đã thực hiện theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Quốc gia. “Chỉ còn 1 tiếng nữa là tỉnh thực hiện giãn cách xã hội tại Phủ Lý, 11 giờ đêm, tôi gọi điện cho lãnh đạo tỉnh. Phủ Lý có gần 200 nghìn dân, cùng với hơn 250 nghìn công nhân, tỉnh có đủ nguồn lực để giãn cách kéo dài, bảo đảm an sinh xã hội cho gần 500 nghìn người trong 2 tuần không? Tỉnh đã điều chỉnh rất kịp thời và hai ngày qua êm ả", Thủ tướng phân tích.
(Theo Tiền Phong)