COVID-19 10/10: Ca nhiễm SARS-CoV-2 trốn cách ly đi khắp làng, 130 người thành F1, F2

H.A - Ngày 10/10/2021 12:13 PM (GMT+7)

Bị áp dụng cách ly tại nhà, anh Y. không chấp hành mà trốn đi làm, tiếp xúc nhiều người, khiến 30 người trở thành F1, 100 người trở thành F2

Ngày 10/10, ông Phạm Văn Tiên, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa xác nhận, trên địa bàn xã vừa có bệnh nhân nhiễm Covid–19. Bệnh nhân tên là V.Đ.Y., SN 1984, trú tại thôn Lâm Chính, huyện Như Xuân. Trước khi về quê, anh Y. làm việc tại Công ty Trường Sinh, có địa chỉ tại xã La Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa  Thiên-Huế.

Khoảng 20h ngày 25/9, anh Y. đi xe khách (không nhớ tên và và BKS) từ Thừa Thiên - Huế về Tp.Thanh Hóa. Xuống xe, anh Y. được anh Lương Văn Tú và anh Lương Văn Đức, cùng trú tại thôn Thanh Bình chạy xe riêng từ nhà xuống đón về.

COVID-19 10/10: Ca nhiễm SARS-CoV-2 trốn cách ly đi khắp làng, 130 người thành F1, F2 - 1

Khi về, anh Y. đã đến Trạm y tế xã Thanh Xuân khai báo y tế theo quy định. Xã Thanh Xuân đã liên hệ với lãnh đạo công ty nơi anh Y. làm việc và được biết, địa phương nơi anh này làm việc không có dịch, là vùng xanh. Thời điểm về quê, anh Y. có giấy chứng nhận kết quả test nhanh âm tính với Covid – 19.

Sự kiện - Bệnh nhân Covid–19 trốn cách ly đi khắp làng, 130 người thành F1, F2Khu cách ly tập trung của xã Thanh Xuân.Ông Phạm Văn Tiên, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân đã ký Quyết định số 292/QĐ về việc cách ly y tế đối với anh V.Đ.Y. tại nhà 14 ngày (26/9 – 9/10); giao Ban chỉ đạo, Công an xã Thanh Xuân và Tổ giám sát Covid – 19 thôn Thanh Lâm có nhiệm vụ theo dõi, giám sát, hướng dẫn anh Y. thực hiện việc cách ly theo quy định.

Trong quá trình cách ly, ngày 28/9 và 4/10, anh Y. được lấy mẫu xét nghiệm PCR và cho kết quả âm tính với Covid – 19. Đến ngày 8/10, tại lần xét nghiệm thứ ba, anh Y. có kết quả dương tính với Covid – 19.

Trước đó, ngày 6/10, chính quyền địa phương phát hiện anh Y. đã bỏ cách ly y tế tại nhà, đi lên đồi làm việc và tiếp xúc với nhiều người nên tiến hành nhắc nhớ.

Khi xác định anh Y. là F0, chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc vào cuộc truy vết, khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc… Hiện nay, đã xác định được 30 F1, hơn 100 F2 của bệnh nhân Y. Anh Y. đã được chuyển xuống Bệnh viện Phổi Thanh Hóa điều trị, 30 F1 được cách ly tại khu cách ly tập trung của huyện Như Xuân và xã Thanh Xuân, các trường hợp F2 được yêu cầu cách ly tại nhà.

Ông Lữ Kết Nghĩa, Trưởng Trạm y tế xã Thanh Xuân cho biết, quá trình khai báo, cách ly tại nhà, anh Y. đã được nhân viên y tế hướng dẫn thực hiện 5K, theo dõi sức khỏe theo quy định. Tuy nhiên, do ý thức của bệnh nhân và công tác giám sát chưa tốt nên anh Y. đã bỏ cách ly.

Ông Phạm Văn Tiên, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết, việc anh Y. trốn cách ly, chính quyền địa phương, tổ giám sát… có phần trách nhiệm khi chưa theo dõi, giám sát chặt đối tượng. Hiện tại, địa phương đang tập trung toàn bộ nhân lực cho công tác truy vết, cách ly các F, khử khuẩn, còn vấn đề trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc anh Y. trốn cách ly sẽ được xem xét, xử lý sau.

Ông Nguyễn Đức Đồng, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết, hiện tại chính quyền địa phương tiếp tục công tác truy vết, khoanh vùng những người liên quan đến bệnh nhân Y. Trách nhiệm của chính quyền xã, các cá nhân liên quan đến việc anh Y. trốn cách ly sẽ được huyện xem xét sau khi dịch được khống chế.

Hiện, 33 người tiếp xúc gần với anh Y. đã có kết quả xét nghiệm PCR lần 1 âm tính với Covid - 19.

(Theo Người Đưa tin)

TP. Thủ Đức cho phép tiệm cắt tóc, phòng gym, yoga mở cửa trở lại

Ngày 10/10, UBND TP. Thủ Đức, TP. HCM vừa có văn bản phân chia lại cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn 34 phường để xác định các lĩnh vực được hoạt động và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được mở cửa. Theo đó, TP. Thủ Đức có 23 phường đạt cấp độ 1 (vùng xanh), 11 phường đạt cấp độ 2 (vùng vàng), báo Pháp Luật TP. HCM thông tin. 

Cụ thể, 23 phường đạt tiêu chuẩn vùng xanh về dịch COVID-19 gồm: An Lợi Đông, An Phú, Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi, Thảo Điền, Thủ Thiêm, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Hiệp Phú, Long Bình, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Trường Thạnh, Phước Long A, Bình Thọ, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Trung, Linh Tây, Trường Thọ, Tam Phú.

11 phường còn lại của Thủ Đức đạt tiêu chuẩn vùng vàng: An Khánh, Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông, Tân Phú, Phước Long B, Long Phước, Tam Bình, Bình Chiểu, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Xuân.

Ở lần phân loại này, hầu hết địa phương của TP. Thủ Đức đã đạt chuẩn "bình thường mới" và được tái mở cửa nhiều hoạt động.

Trong đó, các cơ sở cắt tóc, gội đầu, thể dục - thể thao (gym, yoga...) được hoạt động tối đa 50% công suất và tối đa 10 người cùng lúc. Các cơ sở du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch… được hoạt động tối đa 50% công suất. Trung tâm thương mại cũng được hoạt động nếu đảm bảo phòng, chống dịch. 

Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được hoạt động bán mang về, nhà hàng trong cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, tham quan du lịch chỉ phục vụ tại chỗ cho khách lưu trú, tham quan, không tổ chức buffet. Quán bar, beer club, pub, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; hoạt động chợ tự phát, bán hàng rong, vé số dạo tiếp tục dừng hoạt động. 

VTV News đưa tin, UBND TP. Thủ Đức cho biết kết quả đánh giá cấp độ dịch sẽ được tiến hành định kỳ hàng tuần. Tùy theo tình hình, địa phương sẽ tiếp tục áp dụng hoặc điều chỉnh mức độ để triển khai phục hồi các hoạt động kinh tế tại các phường cho phù hợp.

Trước đó, ngày 2/10, TP. Thủ Đức có 19 phường được đánh giá là cấp độ 2 về dịch (vùng vàng) và 15 phường còn lại được đánh giá cấp độ 3 (vùng cam). Tại 15 phường cấp độ 3 (vùng cam), các trung tâm thương mại, cơ sở cắt tóc, gội đầu, phòng gym vẫn tạm ngừng hoạt động. 

(Theo Người Đưa Tin)

TP.HCM: Học sinh khối lớp nào học trên truyền hình từ 11/10?

Theo Tuổi Trẻ Online, chương trình dạy học trên truyền hình dành cho học sinh lớp 6 sẽ được phát sóng từ thứ Hai tới thứ Sáu vào các khung giờ 7h30, 8h15 và 10h15.

Trong khi đó, chương trình học trên truyền hình dành cho học sinh lớp 9 phát sóng vào khung giờ 13h30 và 14h15 thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu.

Học sinh sẽ học các môn Văn, Toán, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, Khoa học tự nhiên, Giáo dục công dân.

Học sinh có thể xem lại tất cả các bài học bất cứ khi nào và ở bất cứ đâu trên kênh YouTube Ôn bài hoặc trên trang web của HTV tại địa chỉ www.htv.com.vn.

COVID-19 10/10: Ca nhiễm SARS-CoV-2 trốn cách ly đi khắp làng, 130 người thành F1, F2 - 2

Lịch học trên truyền hình của lớp 6 và lớp 9 tại TP.HCM. Ảnh: A.Tuấn/ Tuổi Trẻ Online

Lịch học trên truyền hình của lớp 6 và lớp 9 tại TP.HCM. Ảnh: A.Tuấn/ Tuổi Trẻ Online

VietNamNet cho biết, TP.HCM trước đó cũng đã tổ chức dạy học trên truyền hình cho học sinh lớp 1 và 2. Học sinh có thể học thêm Tiếng Việt, Toán và Tiếng Anh trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM, ngành giáo dục thành phố hiện đang triển khai dạy học trên internet và qua truyền hình.

Khối THPT có 225.855 học sinh tham gia, đạt tỷ lệ 99,8%. Khối THCS có 438.299 học sinh tham gia, đạt tỷ lệ 97,9%. Trong khi đó, khối Tiểu học có 97,73% học sinh tham gia học qua internet và truyền hình.

Hiện, hơn 26.507 học sinh tiểu học đang kẹt tại các tỉnh chưa thể về thành phố vẫn theo học trực tuyến. Hơn 5.000 học sinh chưa có thiết bị học đang học tạm trên địa bàn khác. Bên cạnh đó, vẫn còn hơn 1.800 học sinh chưa thể liên lạc được.

Ông Hiếu cho biết thêm theo dự kiến, học sinh các cấp trên địa bàn thành phố sẽ quay lại trường học vào tháng 1/2022.

(Theo Người Đưa tin)

Chi tiết các điều kiện để đi xe khách liên tỉnh đi và đến TP.HCM

Sở GTVT TP.HCM vừa gửi các tỉnh thành về dự thảo phương án tổ chức các tuyến vận tải hành khách đến và đi từ TP.HCM.

Tuy nhiên, để được hoạt động, các đơn vị vận tải, bến xe, hành khách, tài xế…. cần tuân thủ nhiều quy định.

Hành khách, tài xế…. tuân thủ quy định nghiêm ngặt

Điểm đặc biệt là hành khách đến TP.HCM cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi lên xe.

 Đối với hành khách đi từ TP.HCM phải đáp ứng điều kiện đã tiêm ít nhất một mũi vaccine được 14 ngày (đối với các loại vaccine tiêm hai mũi) hoặc giấy xác nhận là người khỏi bệnh COVID-19 (dưới 6 tháng) của cơ quan có thẩm quyền và kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ  trước khi lên xe.

Đối với người điều khiển phương tiện, nhân viên trên xe phải đáp ứng yêu cầu: tiêm đủ liều vaccine (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19).

Bến xe cần bố trí khu vực chờ, luồng di chuyển cách biệt

Theo Sở GTVT các đơn vị cung ứng vận tải phải là các đơn vị vận tải đã đăng ký tham gia khai thác các tuyến vận tải hành khách cố định.

Đối với bến xe khách cũng cần bố trí khu vực hành khách đi (khu vực chờ, luồng di chuyển) cách biệt với khu vực hành khách đến để kiểm soát theo quy định.

Người làm việc tại bến xe có tiếp xúc trực tiếp với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, hành khách thực hiện các biện pháp, điều kiện và yêu cầu theo quy định.

Dự kiến từ 1-11 sẽ có xe khách chạy liên tỉnh. Ảnh minh họa: ĐT

Dự kiến từ 1-11 sẽ có xe khách chạy liên tỉnh. Ảnh minh họa: ĐT

Các đơn vị cung ứng vận tải, bến xe phải thực hiện các biện pháp, yêu cầu, theo quy định tại Quyết định số 1740 của Bộ GTVT và phải đảm bảo quy định tại Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Người lao động tại bến xe đáp ứng điều kiện đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng  có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19;

Bến xe cần có phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; Có trang bị hệ thống camera giám sát và tầm soát nhiệt cho hành khách áp dụng tại khu vực bến xe; ….

Các đơn vị kinh doanh vận tải chủ động đề xuất các điểm dừng nghỉ, thông báo với Sở GTVT nơi có trạm dừng nghỉ để được hỗ trợ phối hợp chính quyền địa phương giám sát biện pháp phòng, chống dịch;

Lái xe, nhân viên phục vụ kiểm soát hành khách, không được di chuyển ra ngoài phạm vi trạm dừng nghỉ hoặc dừng hành trình; Không tổ chức ăn uống tại các trạm dừng nghỉ…

Đơn vị kinh doanh vận tải có phương án phục vụ (dự phòng) nước uống hoặc thức ăn nhanh trên các tuyến có thời gian hành trình hơn 5 tiếng.

Xét nghiệm tại bến xe

Theo Sở GTVT các bước thực hiện như sau: Sở GTVT báo cáo xin phép UBND tỉnh, TP cho phép tổ chức vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Sở GTVT cần xác định bến xe được hoạt động theo từng giai đoạn. Sau đó, giao cho Sở Y tế địa phương hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch; tổ chức điểm xét nghiệm SAS-CoV-2 tại bến xe.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần công bố các điểm dừng nghỉ trên địa bàn; Tổ chức triển tiếp nhận giải quyết kịp thời các đề xuất của đơn vị quản lý bến xe và đơn vị kinh doanh vận tải về cấp phép hoạt động cho các tuyến, giấy nhận diện phương tiện; xác nhận kê khai giá vé theo quy định…

Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền địa phương nơi có trạm dừng nghỉ để hỗ trợ, giám sát việc chấp hành các quy định phòng chống dịch theo kế hoạch các đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký.

Đối với đơn vị quản lý bến xe sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai thác tuyến của các đơn vị kinh doanh vận tải, gửi Sở GTVT xem xét, cấp phép hoạt động và giấy nhận diện phương tiện.

Sau đó, bến xe phối hợp với đơn vị kinh doanh vận tải để kê khai giá vé gửi các Sở GTVT và công bố, niêm yết theo quy định. Đồng thời, chịu trách nhiệm kiểm soát đảm bảo hành khách chỉ lên xe khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy đinh tai Phương án này….

Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải phải tự đánh giá khả năng đáp ứng các điều kiện về phòng chống dịch, đăng ký với Sở GTVT và đơn vị quản lý bến xe về số chuyến, thời gian hoạt động. Đồng thời, xây dựng và kê khai giá vé gửi các Sở GTVT xem xét tiếp nhận để công bố, niêm yết theo quy định.

Đặc biệt, các đơn vị kinh doanh vận tải cam kết không dừng đỗ ngoài các điểm đã đăng ký (trừ trường hợp bất khả kháng, như phương tiện bị hư hỏng, hành khách bị đau ốm đột xuất cần hỗ trợ y tế,…); Không đón trả khách bên ngoài bến xe đã đăng ký.

Đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm trong việc vận chuyển hành khách tuân thủ theo quy định tại Phương án này và quy định phòng chống dịch của các địa phương….

(Theo Pháp luật TPHCM)

2 bố con chở hũ tro cốt mẹ trên giỏ xe về quê, lời tâm sự đau xót 

Sau khi quyết định cùng con gái chở theo "hành trang đặc biệt" - hũ tro cốt của người vợ quá cố, anh Hữu vẫn chưa biết tương lai "gà trống nuôi con" sẽ ra sao...

Quả thực, dịch bệnh đã lấy đi của chúng ta quá nhiều thứ. Đến nỗi buồn khi mất người thân cũng vỏn vẹn trong vài mét vuông phòng trọ. Người mất trong hiu quạnh, thân nhân chỉ biết nén đau không người bên cạnh an ủi, sẻ chia.

Anh Lê Văn Hữu (SN 1983, An Giang) chia sẻ, gần 4 tháng trời trầy trật ở phòng trọ, cảnh con nhỏ, vợ mất khiến anh quyết định rời khỏi miền đất hứa, về quê hương an cư lập nghiệp.

Sau hơn 200km đi xe máy từ Bình Dương, cha con anh Hữu đã về đến quê tại ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, An Giang. Hiện, hai cha con đang cách ly tại nhà theo quy định. Thẫn thờ chưa nguôi nỗi đau mất vợ, anh Hữu vẫn chưa biết nên bắt đầu từ đâu, đi tiếp con đường của mình như thế nào.

Con trai lớn của anh Hữu thắp nhang cho mẹ.

Con trai lớn của anh Hữu thắp nhang cho mẹ.

Theo chia sẻ, vợ anh Hữu là chị Th. người cùng địa phương. Cả hai nên duyên vợ chồng vào năm 2014. Lần lượt hai người con ra đời, bé trai lớn năm nay đang học lớp 4, bé gái nhỏ năm nay tuổi lên 3.

Do hoàn cảnh khó khăn, anh chị phải để bé lớn ở nhà nhờ cậy ông bà nội chăm nom. Đầu năm, hai vợ chồng cắp theo đứa con gái nhỏ lên Bình Dương làm ăn. Chị Th. làm công nhân cho công ty may, anh Hữu làm phụ hồ, khiêng vác, ai thuê gì anh làm nấy mong sao dành dụm chút tiền cuối năm trở về sắm Tết và làm đồng vốn.

Thế nhưng, cách đây 3 tháng chị Th. mắc COVID-19 rồi mất trong sự bàng hoàng của anh Hữu. Sự ra đi đột ngột của người vợ tào khang khiến anh gần như gục ngã và mất đi phương hướng.

"Ngày nghe tin vợ mất, tôi như chết lặng. Nhìn trong ví tiền đã cạn, tôi phải gọi hai bên nội ngoại vay mượn. Người vài trăm giúp đỡ gửi lên để mái táng cho vợ. Nhiều tháng ròng, hai cha con ở lại phòng trọ không biết xoay sở thế nào. Không có tiền mua sữa cho con, tôi phải quấy đường, khi thì nước cơm loãng cho bé uống", anh Hữu ngậm ngùi nói.

Được biết, bé gái đã 3 tuổi nhưng vẫn chưa biết nói. Chỉ "ê a", bi bô chứ chưa phát âm được từ gì. Mồ côi mẹ, nhưng bé còn quá nhỏ nên không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Thỉnh thoảng còn ngơ ngác đòi mẹ khiến tim anh càng thêm quặn thắt.

Dù đã 3 tuổi nhưng bé gái thứ 2 của anh Hữu vẫn chưa biết nói.

Dù đã 3 tuổi nhưng bé gái thứ 2 của anh Hữu vẫn chưa biết nói.

Sau nỗi mất mát quá lớn, anh Hữu tưởng như sụp đổ. Thế nhưng, nghĩ về hai con anh phải dằn lòng phải mạnh mẽ vượt lên. Những ngày trong phòng trọ, anh Hữu trăn trở đủ điều. Giấc mộng tha phương lập nghiệp đành gác lại. Anh đành trở về quê hương kiếm kế sinh nhai, nhang khói cho vợ và nuôi hai con khôn lớn.

Trước mắt, anh phải xoay sở trả nợ tiền mai táng cho vợ. Sau đó, cần một số vốn sắm sửa dụng cụ như máy hàn, máy khoan để làm cơ khí kiếm tiền nuôi con.

(Theo Sức khỏe & Đời sống)

Cách ly y tế hơn 2.000 người ở làng hoa Đà Lạt vì xuất hiện ổ dịch COVID-19

Ngày 9/10, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký quyết định thiết lập vùng cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 đối với tổ dân phố Vạn Thành và tổ dân phố Vạn Thành 1 (phường 5, TP.Đà Lạt). Quy mô khu vực cách ly 595 hộ với 2.217 khẩu trên diện tích rộng 330ha. Thời gian cách ly từ 12 giờ ngày 9/10 cho đến khi có thông báo mới (tối thiểu 14 ngày).

COVID-19 10/10: Ca nhiễm SARS-CoV-2 trốn cách ly đi khắp làng, 130 người thành F1, F2 - 7

Trước đó, ngày 7/10, bà T.T.L.H được người thân là T.T.A đưa đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng khám bệnh. Kết quả test nhanh của 2 người này đều dương tính với SARS-CoV-2. Hôm trước, bà T.T.L.H đến Trường tiểu học Nam Thiên (phường 4, TP.Đà Lạt) tiêm phòng vắc xin COVID-19.

Lực lượng chức năng đã khẩn trương điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu các trường hợp liên quan đến 2 ca nghi nhiễm trên. Kết quả phát hiện một ổ dịch COVID-19 tại làng hoa Vạn Thành với 27 người mắc COVID-19, trong đó có 25 ca tại làng hoa, 1 ca ở phường 11 và 1 ca tại huyện lân cận là Đức Trọng. Hiện đã truy vết 286 F1, 940 F2; sàng lọc hàng ngàn trường hợp, đang chờ kết quả xét nghiệm PCR.

Ngành y tế đang tiếp tục truy vết, sàng lọc cộng đồng các khu vực lân cận liên quan dịch tễ của ổ dịch mới này để sớm kiểm soát, khống chế dịch, ngăn chặn lây lan ra diện rộng.

(Theo Tiền Phong)

Hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất cần điều kiện gì?

Ngày 10-10, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết đã có quy định tạm thời trong giai đoạn thí điểm triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ. Thời gian áp dụng từ ngày 10 đến 20-10.

Theo kế hoạch khai thác của các hãng hàng không từ sân bay Tân Sơn Nhất đến các địa phương trong giai đoạn thí điểm, dự kiến ngày 10-10 sẽ có các chuyến bay từ TP HCM đi Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hoá, Phú Quốc, Hà Nội.

Ở chiều ngược lại, một số chuyến bay từ Nha Trang, Huế, Phú Quốc, Bình Định, Quảng Nam, Nghệ An đi TP HCM.

Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phục vụ các chuyến bay thường lệ trong giai đoạn thí điểm - Ảnh: Lam Giang

Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phục vụ các chuyến bay thường lệ trong giai đoạn thí điểm - Ảnh: Lam Giang

Theo đó, điều kiện để hành khách thực hiện các chuyến bay ở Tân Sơn Nhất là phải tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-Covid hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19).

Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.

Khai báo y tế theo quy định, hoàn thành bản cam kết và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát. Không tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng...

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách đi vào khu vực làm thủ tục tại nhà ga Quốc nội, khu vực sảnh A nhà ga Quốc nội có quầy thủ tục cho các hãng khai thác tại cảng gồm Vietnam Airlines: Hành khách làm thủ tục tại đảo C-D; Bamboo airways: Hành khách làm thủ tục tại đảo H; Pacific Airlines: Hành khách làm thủ tục tại đảo E. Hành khách di chuyển từ nhà ga nội địa, vào cửa D2, đến đúng quầy thủ tục của các hãng tại khu vực sảnh A để làm thủ tục chuyến bay.

Khu vực sảnh B nhà ga Quốc nội phục vụ cho hành khách đi của hãng hàng không Vietjet Air, hành khách di chuyển theo cửa D6, vào đảo K làm thủ tục chuyến bay.

Trên máy bay, hành khách đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc; chỉ được dùng nước uống, không ăn uống.

Trong quá trình di chuyển từ cảng hàng không về nơi cư trú, lưu trú: luôn thực hiện thông điệp 5K, sử dụng ứng dụng PC-Covid, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người. Chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú. Tự theo dõi sức khỏe hoặc thực hiện cách ly tại nơi cư trú, lưu trú theo quy định cụ thể của từng địa phương về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 kể từ ngày về địa phương; thực hiện thông điệp 5K;

Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.

Trước đó, các hãng hàng không đã bắt đầu mở bán vé máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách sau giai đoạn giãn cách xã hội. Giá vé máy bay cao nhưng nhiều người cho biết vẫn phải mua để về quê sau thời gian dài bị kẹt lại ở TP HCM vì dịch Covid-19.

(Theo Người Lao Động)

Từ 0h ngày 10/10, Trà Vinh cho phép khách sạn, quán ăn được hoạt động trở lại

Ngày 9/10, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, ký văn bản thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Theo đó, kể từ 0h ngày 10/10, Trà Vinh khôi phục cho hoạt động trở lại đối với các cơ sở kinh doanh, thương mại, dịch vụ, kể cả dịch vụ ăn uống, giải khát; khách sạn, nhà nghỉ; cắt tóc, uốn tóc vận tải hành khách nội tỉnh và yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Các hoạt động dịch vụ ăn uống có phục vụ rượu bia, dịch vụ karaoke và trò chơi điện tử, chưa được phép hoạt động trở lại.

Đặc biệt, chủ cơ sở, nhân viên phục vụ phải tuân thủ việc xét nghiệm ít nhất 1 lần/2 tuần, phải trang bị phòng hộ, đo thân nhiệt, có sử dụng tấm chắn giọt bắn, nước khử khuẩn và giữ mức độ giãn cách khi tiếp xúc; khai thác tối đa 50% suất phục vụ trong một phòng đối với cơ sở ăn uống. Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải chấp hành thực hiện nghiêm việc quét mã QR, nếu không chấp hành sẽ buộc dừng hoạt động.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu thực hiện ngay việc sử dụng nền tảng khai báo y tế, quản lý vào, ra bằng mã QR tại các địa điểm công cộng, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở dịch vụ…

Doanh nghiệp được phép khôi phục lại hoạt động ở trạng thái bình thường mới nhưng phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch và có sự đồng ý của UBND tỉnh hoặc cấp huyện. Cán bộ, công chức, viên chức đến cơ quan, công sở làm việc 100% biên chế và đảm bảo phòng, chống dịch.

Đến nay Trà Vinh cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19.

Đến nay Trà Vinh cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, qua thời gian thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp, đến nay địa phương cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đợt 4 đến ngày 9/10, Trà Vinh ghi nhận 1.631 ca nhiễm COVID-19, trong đó 1.431 người đã được điều trị khỏi bệnh.

Trà Vinh lên kế hoạch đón thai phụ về quê

Trước đó, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Trà Vinh ban hành kế hoạch đón phụ nữ mang thai có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu về tỉnh.

Theo kế hoạch, Trà Vinh sẽ tổ chức đón phụ nữ mang thai từ 8 tháng tuổi trở lên và một người là thân nhân chăm sóc sản phụ có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Trà Vinh hiện đang tạm trú tại TPHCM.

Thai phụ có nguyện vọng về quê thì làm đơn đăng ký gửi Ban Liên lạc Hội đồng hương Trà Vinh tại TP.HCM kèm theo giấy xác nhận đang mang thai từ 8 tháng tuổi trở lên của cơ quan y tế có thẩm quyền (hoặc giấy khám thai định kỳ).

Ngoài ra, trường hợp về phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ trước khi trở về địa phương. Khi về đến tỉnh phải chịu cách ly tập trung 14 ngày theo quy định; đồng thời, cam kết sau khi hoàn thành cách ly tập trung, có người nhà đón về chăm sóc tại nơi cư trú (tại tỉnh).

Chi phí ăn uống, sinh hoạt và các chi phí phát sinh trong khu cách ly khi về đến địa phương người đi cách ly tự chi trả (trừ các đối tượng được hỗ trợ theo quy định). Thời gian tiếp nhận danh sách đến 15/10. Sau đó, địa phương sẽ tổ chức đón sản phụ về.

(Theo Người Lao Động)

Hà Nội công bố chi phí cách ly tại khách sạn cho người về từ TP. HCM

Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, TP. Hà Nội vừa có thông tin về danh sách 20 khách sạn làm cơ sở cách ly y tế tập trung phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đây là những khách sạn được dùng để người dân về từ TP. HCM cách ly tập trung.

TP. Hà Nội cũng công bố mức giá phải trả khi người dân cách ly tại các khách sạn này. Theo đó, đối với phòng đơn, giá thấp nhất là 1,3 triệu/đêm, trong khi cao nhất là 4,6 triệu/đêm. Trong 20 khách sạn, có 3 khách sạn 5 sao, 7 khách sạn 4 sao, còn lại là 2-3 sao.

Khách sạn trên phố Lý Thường Kiệt ( quận Hoàn Kiếm) lấy giá cao nhất từ 1,8 đến 4,6 triệu đồng/ngày đêm (phòng đơn) và 2,7 đến 6,9 triệu đồng/ngày đêm (phòng đôi). Mức này bao gồm cả ăn ba bữa, đồ uống đơn giản và giặt ướt.

Khách sạn ở 17 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) có giá thấp nhất chỉ 1,3 triệu đồng/ngày đêm (phòng đơn), gần 1,9 triệu đồng/ngày đêm (phòng đôi). Mức này đã bao gồm xe đưa đón, ăn 3 bữa/ngày và xét nghiệm COVID-19 2 lần.

Theo đại diện sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội, các khách sạn không thuộc diện điều tiết giá theo quy định của Nhà nước, tuy nhiên, sở Du lịch Hà Nội đã chỉ đạo các khách sạn xây dựng và đưa ra mức giá hợp lý, phù hợp cho nhiều đối tượng thực hiện cách ly, theo báo Lao Động.

UBND thành phố Hà Nội cũng quy định, người dân về từ TP. HCM có thể lựa chọn thực hiện cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của thành phố chứ không phải bắt buộc thực hiện cách ly tại 20 khách sạn đã công bố. Bên cạnh đó, người dân cũng hoàn toàn có quyền lựa chọn các dịch vụ kèm theo khi cách ly tại khách sạn để giảm thiểu chi phí.

20 khách sạn cùng chi phí cách ly được TP. Hà Nội công bố. Ảnh: VietNamNet.

20 khách sạn cùng chi phí cách ly được TP. Hà Nội công bố. Ảnh: VietNamNet.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội thống nhất, từ ngày 10-20/10, tổ chức khai thác đường bay giữa Hà Nội - TP. HCM và Hà Nội - Đà Nẵng với tần suất 1 chuyến trên ngày (chở khách 2 chiều), ngồi giãn cách 50% công suất. Tạm thời chưa khai thác các đường bay từ các địa phương khác đến Hà Nội. 

Hành khách từ sân bay Tân Sơn Nhất về Nội Bài và lưu trú tại TP. Hà Nội phải đáp ứng nhiều tiêu chí đi kèm, trong đó phải cách ly tập trung 7 ngày tại các khu cách ly tập trung của thành phố hoặc các cơ sở lưu trú (khách sạn) do thành phố công bố.

Hành khách tự đảm bảo các chi phí cách ly và xét nghiệm theo quy định; sau thời gian cách ly tập trung tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.

Mở cửa sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều chuyến bay nội địa 'cháy vé' sau 1 ngày mở bán

Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đề nghị hành khách đi máy bay giai đoạn này phải đạt các điều kiện theo quyết định của Bộ GTVT, như đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 với mũi gần nhất cách 14 ngày (có giấy chứng nhận, thẻ xanh trên ứng dụng); có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng; có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Trước khi vào làm thủ tục lên máy bay, hành khách cần khai báo y tế và điền bản cam kết về chấp hành quy định phòng, chống dịch và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục. Hành khách không tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng...

Tại ga Quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, vị trí quầy làm thủ tục các hãng được bố trí tại sảnh A và B. Trong đó, sảnh A gồm quầy làm thủ tục của Vietnam Airlines (đảo C, D), Pacific Airlines (đảo E) và Bamboo Airways (đảo H); khách vào sảnh A từ cửa D2.

Khu vực Sảnh B phục vụ khách làm thủ tục đi hãng Vietjet Air (đảo K), hành khách vào cửa D6.

Trong khu vực làm thủ tục lên máy bay, kiểm tra an ninh, khu chờ lên chuyến bay hành khách phải xếp hàng giữ khoảng cách, luôn chấp hành đúng 5K và hướng dẫn của nhân viên hàng không. Trên máy bay và khi rời sân bay, hành khách phải tuân thủ theo quy định của Bộ GTVT và cơ quan y tế, chính quyền địa phương.

COVID-19 10/10: Ca nhiễm SARS-CoV-2 trốn cách ly đi khắp làng, 130 người thành F1, F2 - 11

Theo tin từ các hãng hàng không, chỉ sau 1 ngày mở bán vé của giai đoạn 1, nhiều chuyến bay đã hết vé.

Vietnam Airlines cho hay, tới hết ngày 9/10, nhiều chuyến bay nội địa của hãng cung cấp đã lấp đầy 80% số chỗ, một số chuyến đã hết vé. Các đường bay được nhiều khách đặt vé nhất là giữa Hà Nội – TPHCM, TPHCM - Thanh Hóa, Huế, nhiều chuyến bay từ ngày 10-12/10 đã hết vé.

Trên cổng bán vé trực tuyến của các hãng khác, một số đường bay đã hết vé để bán hoặc chỉ còn vé khoang thương gia với giá cao.

Theo các hãng hàng không, tình trạng vé máy bay giai đoạn 1 được bán nhanh một phần do nhu cầu đi lại, một phần do số lượng chuyến bay cung cấp còn hạn chế, trong khi tất cả chuyến bay tuân thủ giãn cách ghế nên số lượng chỗ bán ra rất hạn chế.

(Theo Tiền Phong)

Vắc xin COVID-19 dần bao phủ, TPHCM chỉ xét nghiệm đối tượng nguy cơ

Sáng 10/10, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, trong ngày 9/10 các quận huyện trên địa bàn đã tiêm được thêm 112.432 mũi vắc xin ngừa COVID-19. Tại các điểm tiêm đều trật tự, ổn định.

Từ khi bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 đến hết ngày 9/10, thành phố đã tiêm được 12.230.606 mũi tiêm, trong đó 5.069.498 người tiêm mũi 2. Người trên 18 tuổi đã tiêm 1 mũi là 97,9%; người tiêm đủ 2 mũi là 71,9%; người trên 65 tuổi được tiêm 2 mũi là 75,45%; người trên 50 được tiêm 2 mũi là 66,74%. Vắc xin Vero Cell đã tiêm cho 3.036.935 người.

Hoạt động xét nghiệm tại các bệnh viện sẽ không thực hiện trên tất cả người bệnh mà chỉ tập trung trên nhóm có yếu tố nguy cơ

Hoạt động xét nghiệm tại các bệnh viện sẽ không thực hiện trên tất cả người bệnh mà chỉ tập trung trên nhóm có yếu tố nguy cơ

Trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều tín hiệu tích cực, Sở Y tế TPHCM đã có những điều chỉnh về việc xét nghiệm tại các cơ sở khám chữa bệnh cho phù hợp với tình hình mới.

Theo đó, khoa khám bệnh, khoa cấp cứu và các đơn vị điều trị trong ngày của các cơ sở y tế chỉ thực hiện khai báo y tế điện tử, tổ chức phân luồng, sàng lọc đối với tất cả người bệnh khi đến khám bệnh tại các cơ sở y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Quá trình sàng lọc sẽ tập trung khai thác các triệu chứng, kịp thời phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 để làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.

Đối với trường hợp cấp cứu, sẽ ưu tiên can thiệp cấp cứu người bệnh ngay, sau khi người bệnh ổn định bác sĩ xem xét chỉ định làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên nếu có triệu chứng nghi ngờ.

Trước nguy cơ dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tồn tại, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố khuyến cáo người dân tuyệt đối không được chủ quan mà cần thay đổi cách sống để thích ứng với tình hình mới trong môi trường có dịch COVID-19.

Mỗi người cần thực hiện nghiêm quy định Chỉ thị 18 của UBND TPHCM, thông điệp 5K, giữ khoảng cách giữa người với người và chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết.

(Theo Tiền Phong)

Bạc Liêu, Trà Vinh nới lỏng giãn cách, khôi phục nhiều hoạt động từ 10/10

Chiều 9/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều ký quyết định áp dụng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19 của Chính phủ đối với toàn địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Thời gian áp dụng từ 0h ngày 10/10/2021 đến khi có thông báo mới.

Thực hiện phong tỏa cách ly y tế cục bộ trên tinh thần “hẹp và chặt” tại các khu vực, các địa điểm có nhiều F0 hoặc có nguy cơ rất cao; ủy quyền cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định việc phong tỏa này (kể cả việc dỡ bỏ phong tỏa khi đã đảm bảo an toàn).

Lực lượng chức năng kiểm soát chặt người ra vào khu vực nội ô TP Bạc Liêu.

Lực lượng chức năng kiểm soát chặt người ra vào khu vực nội ô TP Bạc Liêu.

Quản lý thật chặt “vòng ngoài” - đây là nội dung quan trọng hàng đầu trong công tác phòng chống dịch của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Kiểm soát chặt chẽ tất cả các trường hợp người và phương tiện vận chuyển hàng hóa vào tỉnh. Đồng thời quản lý tốt “vòng trong”.

Tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K; giữ khoảng cách tối thiểu 1m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Không tập trung quá 20 người tại 1 địa điểm ở nơi công cộng và ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh được phép hoạt động.

Tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ: quán bar, karaoke, phòng game, cơ sở massage; các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, khách sạn, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phục vụ khách tại chỗ nhưng bố trí 1 bàn không quá 4 người, khoảng cách giữa các bàn tối thiểu 2m.

Riêng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống ven các tuyến quốc lộ được kinh doanh phục vụ tại chỗ; với các điều kiện kèm theo: tuyệt đối không được bán phục vụ cho các phương tiện thuộc diện luồng xanh.

Không được kinh doanh phục vụ tại chỗ đối với các loại thức uống có cồn; bố trí mỗi bàn không quá 4 người và khoảng cách giữa các bàn tối thiểu 2m; phải lưu thông tin khách hàng để phục vụ công tác điều tra truy vết khi có tình huống xảy ra.

Đồng thời, phải ký biên bản cam kết với chính quyền địa phương về việc chấp hành đóng cửa trong các trường hợp vi phạm, nhất là hành vi vi phạm bán hàng cho xe luồng xanh. Các cơ sở không tham gia ký biên bản cam kết nêu trên không được kinh doanh phục vụ tại chỗ (chỉ được bán hàng mang đi).

Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất phải tổ chức hoạt động trong điều kiện bình thường mới; phải có kế hoạch “Phòng, chống dịch Covid-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc Covid-19” được cơ quan có thẩm quyền xác nhận thì mới được phép hoạt động.

Đối với lễ cưới, lễ tang phải rút ngắn thời gian, hạn chế tối đa số người tham gia (chi tổ chức trong phạm vi gia đình) và nhất là phải thông báo đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp xã nơi tổ chức để có biện pháp phòng, chống dịch.

(Theo Báo Giao Thông)

Phát hiện nhiều người từ phía Nam về quê dương tính SARS-CoV-2

Sáng 10-10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Nghệ An cho biết trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 9-10 đến 6 giờ ngày 10-10), tại tỉnh Nghệ An ghi nhận 6 ca dương tính mới với SARS-CoV-2. Tất cả bệnh nhân đều từ các địa phương phía Nam về quê và đã được cách ly từ trước.

Trường hợp thứ nhất là anh L.V.T. (SN 1990), trú xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An. Ngày 5-10, anh T. từ Bình Dương về quê, được cách ly tập trung tại Làng sinh viên Đại học Vinh, huyện Nghi Lộc. Anh T. được lấy mẫu gộp XN cho kết quả nghi ngờ, sau đó được lấy lại mẫu đơn xét nghiệm gửi Bệnh viện đa khoa TP Vinh, tối 9-10 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Trường hợp thứ 2 là chị T.T.H. (SN 1995), trú xã Diễn Hùng, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ngày 4-10, chị H. từ tỉnh Đồng Nai về Nghệ An bằng xe máy. Sau khi về địa phương, chị H. được cách ly tại khu cách ly tập trung Đại học Vinh, huyện Nghi Lộc. Ngày 9-10, chị H. được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 gửi CDC, cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Hàng ngàn người Nghệ An đi xe máy từ các tỉnh phía Nam về quê

Hàng ngàn người Nghệ An đi xe máy từ các tỉnh phía Nam về quê

Trường hợp thứ 3 là anh N.V.T. (SN 1985), trú xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Ngày 6-10, anh T. từ TP HCM về huyện Tân Kỳ bằng xe máy. Ngay sau khi về địa phương anh T. được cách ly tại Trường Mầm non xã Giai Xuân, Tân Kỳ và lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính. Ngày 9-10, được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 gửi CDC, tối 9-10 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Trường hợp thứ 4 là anh N.T.O. (SN 1994), trú xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ngày 5-10, anh O. từ TP HCM về huyện Yên Thành. Sau khi về địa phương anh O. được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính. Ngày 9-10, anh O. được lấy lại mẫu đơn xét nghiệm gửi Bệnh viện đa khoa Quang Khởi, sáng 10-10 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2. Được biết, anh O. đã được tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19.

Trường hợp thứ 5 là chị L.T.T. (SN 1996), trú xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ngày 4-10, chị T. từ Bình Dương về đến Nghệ An. Ngay sau khi về địa phương, chị T. được cách ly tại điểm cách ly tập trung khách sạn Công đoàn (Cửa Lò) và được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần đều cho kết quả âm tính. Ngày 9-10, chị T. được lấy mẫu xét nghiệm gộp cho kết quả nghi ngờ, sau đó được lấy lại mẫu đơn gửi Bệnh viện Ung bướu, sáng 10-10 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Trường hợp thứ 6 là cháu T.Q.H. (SN 2021), trú xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ngày 4-10, cháu H. từ Bình Dương về đến Nghệ An, được cách ly tại điểm cách ly tập trung khách sạn Công đoàn (Cửa Lò). Ngày 9-10, cháu H. được lấy mẫu xét nghiệm gộp cho kết quả nghi ngờ, sau đó được lấy lại mẫu đơn gửi Bệnh viện Ung bướu, sáng 10-10 cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Được biết, tính từ 1 đến 10-10, chỉ riêng tỉnh Nghệ An có khoảng 7.700 người lao động từ các tỉnh phía Nam đi xe máy về quê. Qua lấy mẫu xét nghiệm, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều người dân từ các tỉnh phía Nam về mắc Covid-19.

(Theo Người Lao Động)

Bộ Y tế dự kiến từ tháng 10-2021 sẽ triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ 12-18 tuổi
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 25 triệu trẻ em, trong đó TP HCM có 1,8 triệu trẻ từ 5-18 tuổi. Người dân TP HCM rất lo lắng khi TP dự kiến mở lại trường...

Dịch COVID-19

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19