COVID-19 10/5: Nữ bệnh nhân ở Thanh Xuân vừa đi khám thai buổi sáng, chiều nhận kết quả dương tính

KHAI TÂM - Ngày 10/05/2021 10:05 AM (GMT+7)

Sau khi biết Bệnh viện K Tân Triều ghi nhận các ca mắc COVID-19, 10h sáng 8/5, chị H. gọi cho Trạm Y tế phường Nhân Chính khai báo y tế và cách ly tại nhà theo hướng dẫn.

*Tiếp tục cập nhật...

Nữ bệnh nhân ở Thanh Xuân vừa đi khám thai buổi sáng, chiều nhận kết quả dương tính

Theo báo cáo của Trạm Y tế phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội), bệnh nhân 3263 là chị L.M.H. (35 tuổi, ở tòa nhà The Legacy, số 106 Ngụy Như Kon Tum). Đây là trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến Bệnh viện K Tân Triều, được CDC Hà Nội công bố ngày 9/5.

Qua điều tra dịch tễ, lịch trình của bệnh nhân này như sau:

- Sáng 4/5, chị H. đến Bệnh viện K Tân Triều cùng em trai đi khám bệnh tại Khoa Tiêu hóa. Sau đó 2 người đi sang khu vực chụp CT và lên khu nội soi đại trực tràng. Trong lúc này, chị không tiếp xúc với ai vì đang có bầu.

Trưa, chị H. về nhà em trai ở tòa nhà CT12 B Chung cư Kim Văn - Kim Lũ (nhà có em trai và mẹ). 14h, chị vào viện lấy kết quả và đưa em trai ra khu lấy máu tầng 1, khu B Bệnh viện K Tân Triều. Sau khi nhận kết quả, 2 người về nhà và không đi đâu.

COVID-19 10/5: Nữ bệnh nhân ở Thanh Xuân vừa đi khám thai buổi sáng, chiều nhận kết quả dương tính - 1

Chung cư nơi chị H. sinh sống.

Tối cùng ngày, chị H. ra chung cư Imperia Nguyễn Huy Tưởng và xuống sân vườn ngồi nói chuyện với chị gái đến 22h30.

- Trưa 5/5, chị L.M.H. đến công ty tại tầng 16 tòa nhà Peak View, 36 Hoàng Cầu tiếp xúc với một nhân viên. Sau đó, chị đưa 2 con ăn trưa tại Lotte Nguyễn Tuân, tiếp xúc với 4 nhân viên bán hàng có đeo khẩu trang. 15h, chị lên công ty và gặp một đồng nghiệp.

- Ngày 6/5, chị H. đi siêu thị Vinmart Thanh Xuân Complex. 16h, chị đến công ty của chồng tại khu Trung Yên 6, Trung Hòa, Cầu Giấy. Tại đây chị tiếp xúc chồng và một người khác.

- Ngày 7/5, chị H.đến công ty làm việc.

- Ngày 8/5, chị đi khám sản tại phòng khám 43 Nguyễn Khang, tiếp xúc với 2 bác sĩ.

Sau khi biết Bệnh viện K Tân Triều ghi nhận các ca mắc COVID-19, 10h sáng, chị H. gọi cho Trạm Y tế phường Nhân Chính khai báo y tế và cách ly tại nhà theo hướng dẫn.

Từ 15h10 đến 15h30 đến Trạm Y tế phường Nhân Chính lấy phiếu xét nghiệm.

Từ 15h30 đến 15h45: Lấy mẫu xét nghiệm, sau đó về nhà và cách ly tại nhà.

Chiều cùng ngày, chị nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Ổ dịch công ty Shigyoung ở Bắc Giang nguy hiểm, nhiều ca mắc di chuyển bằng phương tiện cộng cộng

Ngày 10/5, BCĐ Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh có 2 ổ dịch với tổng số 37 ca mắc. Qua điều tra truy vết đã xác định 692 trường hợp F1, 1.125 trường hợp F2.

Đối với ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam - bơi có 01 trường hợp mắc COVID-19, qua rà soát phát hiện 180 trường hợp F1; 280 trường hợp F2. Hiện đã thực hiện xét nghiệm cho 180 trường hợp F1, kết quả 03 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (là các con của bệnh nhân), còn lại âm tính (lần 1).

Đồng thời, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện cách ly tập trung các trường hợp F1; cách ly tại nhà các trường hợp F2. BCĐ Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang nhận định, ổ dịch ít có khả năng lan rộng. Đối với ổ dịch tại Công ty TNHH SHIGYOUNG thuộc KCN Vân Trung, huyện Việt Yên, đến nay, qua xét nghiệm đã phát hiện 32 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Đồng thời rà soát được 1.357 người tiếp xúc gần (F1: 512 trường hợp ; F2: 845 trường hợp). Hiện ngành y tế đã thực hiện xét nghiệm cho các trường hợp F1, kết quả ngoài 32 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đã được công bố, số F1 còn lại âm tính lần 1. Hiện BCĐ Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang đã thực hiện cách ly tập trung 512 trường hợp; cách ly tại nhà 845 trường hợp. BCĐ Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang xác định đây là ổ dịch nguy hiểm, kiểm soát rất khó khăn do xảy ra tại KCN nơi có mật độ công nhân tập trung lớn, di chuyển rộng.

Đặc biệt, qua rà soát cho thấy, nhiều F0 đã di chuyển bằng phương tiện công cộng, nên có thể tốc độ lây lan nhanh. Vài ngày tới có khả năng sẽ có thêm các ca dương tính trong số các F1 đã cách ly, cũng có thể có ca dương tính ngoài số đã cách ly do vô tình đi cùng xe khách với bệnh nhân F0.

BCĐ Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang, chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với UBND huyện, thành phố thần tốc điều tra, truy vết tất cả các trường hợp liên quan đến các trường hợp F0, yêu cầu điều tra đến F3, những nơi có điều kiện điều tra đến F4.

Yêu cầu cách ly tập trung tất cả các trường hợp F1, không được bỏ sót trường hợp nào, ra quyết định cách ly tập trung tại nhà đối với các trường hợp là F2, F3. Khẩn trương chấn chỉnh, tăng cường công tác phòng, chống dịch trong các KCN, cụm công nghiệp, doanh nghiệp.

Hà Giang: Một người nghi mắc Covid-19 trốn khỏi khu cách ly

Ngày 10/5, ông Bùi Văn Toán, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Vị Xuyên cho biết, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 huyện Vị Xuyên đang tổ chức vận động một bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ nhiễm Covid-19 đã trốn khỏi khu vực cách ly của bệnh viện.

Theo biên bản làm việc của Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Vị Xuyên, vào hồi 12h00 phút ngày 7/5, Bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân N.V.H (SN 1992), trú tại tổ 8, thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên.

"Sau khi bỏ trốn khỏi khu cách ly của Bệnh viện, nam bệnh nhân này đã trở về nhà. Hiện người này vẫn chưa quay trở lại khu cách ly để điều trị. Cơ quan chức năng cũng như cán bộ của Bệnh viện phải bố trí, giám sát chặt chẽ người này tại nhà. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với chính quyền, gia đình vận động để người này sớm trở lại khu cách ly", lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Vị Xuyên cho biết.

Trước đó, ngày 5/5/2021, bệnh nhân đến khu Công nghiệp Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc). Đến ngày 6/5 về nơi cư trú với các triệu chứng ho, đau họng, không sốt, được điều trị tại tổ điều trị nghi ngờ bệnh nhân nhiễm Covid -19. Đến 8h ngày 9/5, bệnh nhân không tuân thủ cách ly, bỏ trốn khỏi khu cách ly của Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Vị Xuyên.

Theo ông Toán, trong các ngày từ 7-10/5, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 huyện Vị Xuyên đã liên tục xuống gia đình anh H. vận động và tuyên truyền anh này quay trở về khu cách ly điều trị của bệnh viện để tiếp tục theo dõi, nhưng đến nay anh H. vẫn không tuân thủ.

(Theo Phụ Nữ Việt Nam)

Tái lập các chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại cửa ngõ ra vào TP. HCM

Tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo tái lập các chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại khu vực cửa ngõ thành phố. “Khu vực cửa ngõ, nơi người dân từ miền Tây qua, từ miền Đông vào cần khai báo y tế tại các chốt, trạm. Ngoài các tuyến đường cửa ngõ, các chốt, trạm kiểm soát cần được dựng lên ở nhà ga, bến cảng, siêu thị…”, ông Nguyễn Thành Phong nói và nhấn mạnh với tình hình hiện tại, đòi hỏi TP. HCM phải đặt trong trạng thái cao nhất về phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh, với vị trí cửa ngõ giao thương với thế giới, TP.HCM đứng trước nguy cơ xâm nhập dịch từ bên ngoài tại sân bay quốc tế và gần 60 cảng biển lớn nhỏ.

COVID-19 10/5: Nữ bệnh nhân ở Thanh Xuân vừa đi khám thai buổi sáng, chiều nhận kết quả dương tính - 2

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong vừa chỉ đạo tái lập các chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại cửa ngõ ra vào thành phố.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM, vừa qua vào ngày 6/5, TP. HCM đã ghi nhận tàu MD-SUN trở về từ Philipines neo đậu tại Phao số 5, Phước Long, Nhà Bè đã có 3 trong tổng số 19 thuyền viên trên tàu đã nhiễm COVID-19.

Để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm từ các thuyền viên mắc bệnh với các trường hợp làm việc liên quan đến con tàu này, thành phố đã cách ly tất cả các thuyền viên và tiến hành điều tra tất cả các người làm việc liên quan đến tàu. Đã tiến hành cách ly tập trung 74 trường hợp có liên quan, tất cả đều có xét nghiệm lần 1 âm tính với Sars-CoV-2.

Bên cạnh việc tiến hành điều tra, truy vết các người được phép làm việc liên quan với tàu (bao gồm lên tàu và không lên tàu). Các cơ quan chức năng cũng đang tiến hành điều tra thêm xem trong quá trình neo đậu, có trường hợp nào thuyền viên lên bờ bất hợp pháp hoặc ngược lại có trường hợp nào xuống tàu hoặc tiếp cận tàu bất hợp pháp nhằm truy vết đầy đủ, không bỏ sót bất cứ trường hợp nào có tiếp xúc với thuyền viên trên tàu.

Lịch trình di chuyển của ca mắc COVID-19 ở Vĩnh Phúc đến Hạ Long du lịch

Trưa nay, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hạ Long (Quảng Ninh) thông tin chi tiết lịch trình bệnh nhân Đ.T.H (2003), trú tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đến Hạ Long du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 như sau: 

Từ 24/4 đến 29/4, bệnh nhân này đi học tại huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) sau đó đến tỉnh Quảng Ninh du lịch .

Ngày 30/4, bệnh nhân cùng 4 người gồm chú Đ.T.S và 3 bạn cùng lớp xuất phát từ Vĩnh Phúc đến TP. Hạ Long bằng xe riêng, xe đi thẳng không dừng lại ngang đường. Sau khi đến TP. Hạ Long, bệnh nhân cùng nhóm người đi cùng ăn trưa tại nhà hàng Hồng Kong (số 11, phường Bãi Cháy) và không rõ tiếp xúc.

Khi ăn xong, mọi người về nghỉ tại khách sạn Công Đoàn (phường Bãi Cháy) và chú S. làm thủ tục check in, có tiếp xúc 2 lễ tân. Đến chiều cùng ngày, bệnh nhân cùng chú và nhóm bạn đi tàu du lịch Huyền Long 06 ra đảo, lúc này trên tàu có khoảng 40 người. Sau khi đi thăm đảo, đến chiều tối cùng ngày tàu cập bến, cả nhóm về khách sạn ăn tại nhà hàng Hồng Kong. Đến tối cùng ngày đi chợ ẩm thực và chơi phi tiêu, ném bóng.

Ngày 1/5, buổi sáng, bệnh nhân cùng chú và nhóm bạn ăn tại khách sạn. Từ 9h-10h30 cả nhóm đi Sun World, có lên cáp treo 200 người. Sau đó về phòng khách sạn rồi đi ăn trưa tại nhà hàng Hồng Kong. Đến chiều, nhóm 4 bạn đi chơi Sun Word tiếp, thời điểm này chú S. đi uống nước chè tại dốc Vườn Đào, có tiếp xúc chủ quán và tối mọi người ăn tại nhà hàng Hồng Kong.

Đến 2/5, cả nhóm ăn sáng tại tại khách sạn và làm thủ tục trả phòng về Vĩnh Phúc. Khi làm thủ tục trả phòng, chú S. có tiếp xúc lễ tân và trên quãng đường về Vĩnh Phúc xe không dừng, đến 12h trưa, bệnh nhân cùng chú và nhóm bạn về tới nhà.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP. Hạ Long yêu cầu những ai tiếp xúc và đến những địa điểm nói trên khẩn trương khai báo y tế và thông tin cho chính quyền, trạm y tế gần nhất để có biện pháp phòng chống dịch.

Theo Sở Y tế Quảng Ninh, sau 2 ngày điều trị cách ly tại Bệnh viện số 2, bệnh nhân P.T.H, trú tại phường Cao Xanh (TP. Hạ Long) đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

(Theo Gia đình và Xã hội)

Thanh niên Đà Nẵng mắc COVID-19 có lịch trình dày đặc ở TP. HCM trong dịp nghỉ lễ

Tối 9/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Đà Nẵng đã có thông tin về các trường hợp mắc COVID-19 tại địa phương. Trong số các trường hợp này có anh T.V.Đ. (sinh năm 1996, trú ở đường Lê Hiến Mai, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).

Trong dịp nghỉ lễ vừa rồi, anh này có đến TP. HCM. Anh Đ. là nhân viên Chi nhánh công ty Monstar – Lab Việt Nam tại lô 35 đường số 4 KCN An Đồn, quận Sơn trà, TP. Đà Nẵng Theo xác minh dịch tễ, bệnh nhân này sống cùng 8 người lớn và 4 trẻ em. Trong đó có bệnh nhân L.T.D.

* Điều tra dịch tễ trước khi bệnh nhân có triệu chứng

- Từ ngày 23/4 đến 29/4, anh Đ. đi làm tại công ty và về nhà.

- Ngày 30/4, anh này vào TP. HCM trên chuyến bay VN 113 khởi hành lúc 09h10. Tầm 10h30 nam thanh niên đến TP. HCM và được bạn chở tới chung cư Saigonhome số 819 Hương Lộ 2, quận Bình Tân. Tầm 15h, anh Đ. cùng bạn đi hát karaoke tại quán ICOOL số 38 Nguyễn Sơn, quận Tân Phú.

Tầm 19h30 anh này đi dạo ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Sau đó bệnh nhân đi uống cà phê tại quán Garden đường Trương Công Định, quận Tân Bình.

- Ngày 1/5, khoảng 8h sáng, anh Đ. đi ăn sáng tại quán phở (không nhớ địa chỉ), sau đó đi uống cà phê tại quán LINK đường Liên khu 8-9, quận Bình Tân.

Tầm 12h30, nam thanh niên 25 tuổi này đi ăn tại quán bún bò huế đường Nguyễn Sơn, quận Tân Phú. Đến 17h cùng ngày, anh này có đi chơi tại Landmark 81 đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh.

Tầm 19h30 cùng ngày, tiếp tục đi dạo tại cầu Ánh Sao khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7.

Đến 22h30, đi nhậu tại quán số 363 Bình Trị Đông, quận Bình Tân.

- Ngày 2/5, 7h sáng, nam thanh niên đi ăn tại quán Tràng tiền đường Gò Xoài, quận Bình Tân. Sau đó đi uống cà phê tại quán LINK đường Liên khu 8-9, quận Bình Tân.

Đến 12h trưa đi ăn tại quán lẩu đường Ngô Chí Quốc, TP. Thủ Đức. 14h cùng ngày, đi uống cà phê tại quán Suka thuộc tỉnh lộ 43, TP. Thủ Đức.

Tầm 14h30 đi đánh bi da (không nhớ địa chỉ). Khoảng 15h cùng ngày, anh này về nghỉ tại nhà nghỉ Thùy Duyên đường Mã Lò, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân. Tầm 19h, đi uống cà phê tại quán Highland đường Nguyễn Ánh Thủ, quận 12.

Đến khoảng 20h30 đi ăn bún đậu mắm tôm tại đường Nguyễn Ánh Thủ, quận 12 (không nhớ địa chỉ), 22h30 đi uống cà phê tại quán số 39A Trần Khắc Chân, quận Phú Nhuận.

- Ngày 3/5, lúc khoảng 14h45, anh Đ. đi xem phim tại Galaxy Tân Bình đường Nguyễn Hồng Đào, Quận Tân Bình.

Khoảng 17h cùng ngày đi ăn ốc tại quán vỉa hè đường Tây Sơn, quận Tân Phú.

Đến khoảng 21h00 đi nhậu tại quán “Gà ác” đường Tân Hương, quận Tân Phú.

*Lịch trình cụ thể 3 ngày trước khi trước khi bệnh nhân có triệu chứng đến nay

Ngày 4/5, lúc 10h sáng nam thanh niên đi ăn sáng tại quán gần nhà nghỉ Thùy Duyên (không nhớ tên).

Vào lúc 18h25, về Đà Nẵng từ TP. HCM trên chuyến bay VN 136.

- Ngày 5/5, anh Đ. đi làm tại công ty. Tầm 12h có ghé quầy chị D. ở chợ An Hải Bắc lấy đồ ăn về phòng trọ đường An Hải 5, quận Sơn trà, TP. Đà Nẵng.

Tầm 16h cùng ngày anh này có ghé uống cà phê tại quán Kim số 33 đường Nguyễn Khuyến, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.

- Ngày 6/5, anh Đ. đi làm tại công ty. Tầm 20h có đi mua đồ tại siêu thị Vinmart đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Sau đó bệnh nhân có đến chơi tại phòng trọ của một người bạn ở đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu.

- Ngày 7/5, anh Đ. đi làm tại công ty. Tối cùng ngày có thông tin chị L.T.D dương tính với SAR-CoV-2 nên bệnh nhân được chuyển đi cách ly tại Ký túc xá phía tây thành phố và được Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu lấy mẫu xét nghiệm.

Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng ngày 8/5 cho thấy anh T.V.Đ Dương tính với SAR-CoV-2.

Liên quan đến trường hợp này, ngày 9/5, UBND phường Tân Quý, quận Tân Phú (TP. HCM) đã có văn bản thông báo khẩn tìm những người từng đến 2 quán ăn trên địa bàn để phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, cơ quan chức năng đề nghị những cá nhân đã đến sử dụng dịch ăn uống tại quán “Gà ác”, số 51/13 đường Tân Hương, phường Tân Quý vào thời gian từ 21h đến 23h ngày 3/5 cần khẩn trương đến ngay trạm y tế gần nhất để được hướng dẫn thực hiện khai báo y tế. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đề nghị những cá nhân đến sử dụng dịch vụ ăn uống tại quán ốc vỉa hè “Hải sản 30k”, địa chỉ tại góc đường Tây Sơn - Đường số 18, phường Tân Quý vào thời gian 17h đến 19h ngày 3/5 cần khẩn trương đến ngay trạm y tế gần nhất để được hướng dẫn khai báo tế.

Hiện tại cơ quan chức năng TP. HCM đang vào cuộc truy vết, xác minh lịch trình của anh Đ. ở TP.HCM.

Lịch trình đi lại ở Đà Nẵng và Đắk Lắk của 1 giám đốc mắc Covid-19

Sáng 10-5, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã thông báo lịch trình đi lại của bệnh nhân T.M.T. (SN 1995, giám đốc một công ty tại TP Đà Nẵng) vừa ghi nhận dương tính với SARS-CoV-2 (BN 3334) vào chiều 9-5.

Theo đó, ngày 2-5, anh T. gặp 1 người tại quán trà chanh trên đường Dũng Sĩ (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Ngày 3-5, T. gặp 2 người tại quán cà phê trên đường Hà Huy Tập, đi nhậu với nhiều người tại quán nhậu trên đường Điện Biên Phủ (TP Đà Nẵng). Ngày 5-5, T. tới 1 công ty trên đường Hà Huy Tập, tới một ngân hàng trên đường Phan Châu Trinh, đi bảo dưỡng xe trên đường Bùi Tá Hán, đi ăn tại một quán không nhớ tên (ở TP Đà Nẵng).

Ngày 6-5, anh T. cùng bạn là chị C.T.T.T. (BN 3237, nhân viên cơ sở Thẩm Mỹ AMIDA - TP Đà Nẵng) đi ăn sáng tại quán phở trên đường Hồ Quý Ly, đi mua thuốc, khẩu trang tại 1 tiệm thuốc tây trên đường này (TP Đà Nẵng). Đến 10 giờ 45 phút cùng ngày, 2 người đi ô tô riêng về TP Buôn Ma Thuột. Trên đường về, 2 người ghé quán ở đèo Lò Xo uống nước, ghé huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) ăn tối (không nhớ tên quán), ghé 1 quán tạp hóa ở huyện này mua đồ dùng.

Tại Đắk Lắk, khoảng 13 giờ ngày 7-5, cả 2 anh chị lên Trạm Y tế phường Tân Thành (TP Buôn Ma Thuột) khai báo y tế. Chiều đi photocopy tài liệu tại quán đối diện đường Lương Thế Vinh, lên nghĩa trang TP Buôn Ma Thuột, ra bến xe liên tỉnh gửi hàng, ghé quán tạp hóa trên đường Lê Hồng Phong và mua bắp trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cũ.

8 giờ ngày 8-5, anh T. tiếp tục lên Trạm Y tế phường Tân Thành khai báo y tế rồi về nhà. Đến 22 giờ cùng ngày, được đưa đi cách ly tập trung. Đến 17 giờ ngày 9-5, sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, anh T. được chuyển tới Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đắk Lắk điều trị. 

Có gần 10 người là F1 của ca bệnh này, trong đó có 1 học sinh, 1 nhà sư. Đến sáng nay, tất cả các trường hợp F1 của ca bệnh này đều âm tính với SARS-CoV-2. Có tổng cộng khoảng 500 người liên quan đến 2 ca bệnh.

Như Người Lao động Online đã phản ánh, sáng 2-5, chị C.T.T.T. (ngụ huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) tham gia cuộc họp tại cơ sở Thẩm Mỹ AMIDA ở Đà Nẵng với khoảng 40 người, sau đó xác định trong cuộc họp có bệnh nhân Covid-19.

Sau khi ghi nhận ca mắc Covid-19, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đã phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với cư dân trong hẻm 189/1 Mai Hắc Đế - nơi cả 2 bệnh nhân này sinh sống, lưu trú. Sáng 10-5, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk cho biết có 45 hộ vdân ới khoảng 150 người dân sinh sống trong con hẻm đều âm tính với SARS-CoV-2 lần 1.

(Theo Người Lao Động)

Đà Nẵng: Cách ly 260 nhân viên, công nhân vì ca COVID-19 trong KCN An Đồn

Sáng 10-5, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng cho hay đã thực hiện cách ly cho hơn 260 người là nhân viên, công nhân làm việc tại Chi nhánh công ty Monstar – Lab Việt Nam - lô 35 đường số 4 KCN An Đồn, quận Sơn Trà do liên quan 1 ca Covid-19. Hiện những người này đang được cách ly tập trung tại 2 khách sạn trên địa bàn quận Sơn Trà và đã được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Tối 9-5, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cho hay trên địa bàn ghi nhận 1 trường hợp nhiễm COVID-19 làm việc trong KCN An Đồn. Đó là trường hợp T.V.Đ (SN 1996, trú đường Lê Hiến Mai, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) - là nhân viên Chi nhánh công ty Monstar – Lab Việt Nam, lô 35 đường số 4 KCN An Đồn.

COVID-19 10/5: Nữ bệnh nhân ở Thanh Xuân vừa đi khám thai buổi sáng, chiều nhận kết quả dương tính - 3

Xe cấp cứu đưa các F1 tại KCN An Đồn đi cách ly tập trung vào chiều ngày 9-5.

Từ ngày 23 đến 29-4, bệnh nhân Đ. làm việc tại công ty và về nhà. Ngày 30-4, bệnh nhân này vào TP HCM và đến ngày 4-5 thì trở về Đà Nẵng. Ngày 5-5, bệnh nhân đi làm tại công ty, buổi trưa ghé một quầy ở chợ An Hải Bắc lấy đồ ăn về phòng trọ tại đường An Hải 5, quận Sơn Trà, buổi chiều đi cafe tại quán Kim, đường Nguyễn Khuyến, quận Liên Chiểu.

Ngày 6-5, bệnh nhân đi làm tại công ty, tầm 20 giờ có ghé siêu thị Vinmart - đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Liên Chiểu. Sau đó, bệnh nhân đến chơi nhà bạn ở đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu.

Ngày 7-5, bệnh nhân đi làm tại Chi nhánh công ty Monstar – Lab Việt Nam, ăn sáng tại căng tin của công ty. Tối cùng ngày này, khi có thông tin chị dâu là L.T.D (nhân viên Thẩm mỹ viện Amida - sống cùng nhà với bệnh nhân tại số 62 đường Lê Hiến Mai mắc Covid-19) thì bệnh nhân được đưa đi cách ly tại Ký túc xá phía Tây thành phố. Đến ngày 8-5, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

(Theo Người Lao Động)

Ca dương tính mới ở Hải Dương là nhân viên tiệm xăm, có đi chợ, đến nhà bạn ăn cơm

Sáng nay (10/5), tại TP. Hải Dương vừa ghi nhận 1 trường hợp nghi mắc COVID-19. Đó là anh N.V.L (SN 1996), quê quán huyện Thăng Bình (Quảng Nam), là nhân viên cửa hàng xăm hình, có địa chỉ tại phố Nguyễn Thị Duệ, khu 7, phường Thanh Bình (TP. Hải Dương). 

Ca nghi mắc này là trường hợp F1 của bệnh nhân 3182 (chị P.T.Th, SN 1998) hiện tạm trú tại số nhà 115/107, phố Vũ Hựu, khu 3, phường Thanh Bình (TP. Hải Dương), là nhân viên quán Karaoke New KTV (TP. Hải Phòng).

Qua truy vết của cơ quan chức năng, anh L. có lịch trình di chuyển cụ thể như sau: Tối 3/5, bệnh nhân 3182 (chị P.P.T) cùng anh Đ.V.Q có đến cửa hàng xăm (kiot 2, đường Nguyễn Thị Duệ chơi). Thời điểm này, anh L. cùng anh V. đang chuẩn bị về nhà anh V. ăn cơm, nên có nhờ bệnh nhân 3182 cùng anh Q. ở lại trông quán. Đến khi anh L. và anh V. quay lại thì bệnh nhân 3182 đã về từ trước, chỉ còn an Q. ở lại cửa hàng.

COVID-19 10/5: Nữ bệnh nhân ở Thanh Xuân vừa đi khám thai buổi sáng, chiều nhận kết quả dương tính - 4

Khu vực phòng trọ của bệnh nhân 3182 - chị P.T.Th đã được phong tỏa. Ảnh: Đ.Tùy

Khoảng 21h đến 22h tối 5/5, bệnh nhân 3182 cùng anh Q. vào cửa hàng xăm hình chơi, lúc đó trong quán có anh L., anh V. đang ở quán và  mọi người trong cửa hàng đều không đeo khẩu trang.

Ngày 6/5, buổi sáng anh L. cùng V. đi ăn sáng tại quán phở Trúc Sơn trên đường Nguyễn Văn Linh, sau đó vào chợ Tân Kim mua thịt, tôm, rau, hoa quả nhưng không nhớ rõ quán, mua xong 2 người về cửa hàng nấu ăn. Đến trưa, có bạn N.V.L, N.M.T đến ăn cơm cùng anh L., anh V. Buổi chiều có anh N.M.Q đến cửa hàng chơi và có tiếp xúc nói chuyện.

Đến tối, nam nhân viên về nhà anh V. (địa chỉ 77/30 Chi Các, khu 2 phường Việt Hòa) ăn cơm và có tiếp xúc với mọi người trong gia đình anh V. (bố, mẹ, anh rể và con anh V.). Ăn tối xong, anh L. và anh V. quay lại quán, lúc này có khách là anh H.T.Th.A đến xăm hình và có tiếp xúc với nam nhân viên. Sau đó anh Lo., L.V.H và L.V. Hi đến cửa hàng chơi.

Sáng 7/5, khi nhận được thông tin chị P.P.Th (BN3182) mắc COVID-19, anh L. cùng anh V. chủ động cách ly tại cửa hàng và đến chiều hôm sau được đưa đi cách ly tập trung tại Ký túc xá trường Đại học Hải Dương.

Vào ngày hôm qua, anh L. có biểu hiện sốt 38 độ và nôn nên được chuyển vào đến Bệnh viện Nhiệt đới tỉnh Hải Dương. Tại đây, nam nhân viên được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Sau khi nhận được thông tin về trường hợp nghi mắc, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hải Dương nhanh chóng tiến hành truy vết, xác minh các trường hợp tiếp xúc gần và đề nghị những ai tiếp xúc với anh L. nhanh chóng khai báo y tế. 

Như vậy, tại phòng trọ số 115/107, phố Vũ Hựu, khu 3, phường Thanh Bình (TP. Hải Dương) hiện tại đã có 3 ca bệnh mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố gồm: BN3051- anh Đ.D.T (SN 1989), BN3094- chị N.T.T (SN 2000) và BN3182 - chị P.T.Th. (SN 1998). 

(Theo Gia đình và Xã hội)

Cần Thơ bác bỏ tin đồn ca mắc COVID- 19 ở Bệnh viện Quân y 121

Sáng 10-5, trao đổi với phóng viên, bác sĩ Huỳnh Minh Trúc - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ - cho biết: "Không có trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2 trong Bệnh viện Quân y 121 như tin đồn những ngày qua".

Trước đó, tin đồn về việc có ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 trong Bệnh viện Quân y 121 (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã gây hoang mang cho người dân. Thông tin này xuất phát từ việc Bệnh viện Quân y 121 có gửi mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với bệnh nhân V.T.H (ngụ tỉnh Vĩnh Long), tiền sử dịch tễ đi về từ vùng có trường hợp mắc Covid-19. CDC Cần Thơ đã làm xét nghiệm khẳng định COVID-19 cho kết quả âm tính.

COVID-19 10/5: Nữ bệnh nhân ở Thanh Xuân vừa đi khám thai buổi sáng, chiều nhận kết quả dương tính - 5

Cần Thơ đang điều trị cho 24 ca mắc COVID-19 nhưng đều là những trường hợp nhập cảnh.

Ông Trúc khẳng định Cần Thơ chưa ghi nhận trường hợp nào mắc Covid-19 trong cộng đồng như tin đồn trên. TP Cần Thơ hiện đang điều trị 24 ca mắc COVID-19, đều là các trường hợp được cách ly ngay sau nhập cảnh. Các bệnh nhân này đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, sức khỏe ổn định.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã xuất hiện nhiều tin đồn vô căn cứ, thiếu chính xác gây hoang mang dư luận, CDC Cần Thơ khuyến cáo người dân cần theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin chính thống, không chia sẻ và lan truyền những tin đồn gây hoang mang; tiếp tục thực hiện nghiêm túc yêu cầu "5K" của Bộ Y tế, khai báo y tế tự nguyện, cài đặt các ứng dụng truy vết Bluezone và chủ động thông báo cho chính quyền về các trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc đi về từ vùng có dịch.

(Theo Người Lao Động)

Hỏa tốc: COVID-19 lây lan mạnh trong khu công nghiệp Bộ Y tế khẩn cấp siết chặt phòng dịch

Ban Chỉ đạo cho biết, ngày 23/2/2021, Bộ Y tế, cơ quan thưởng trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có văn bản số 1096 / BYT- MT về việc tăng cường phòng, chống dịch trong tỉnh hình mới tại nơi làm việc.

Tuy nhiên công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và tại các cơ sở sản xuất kinh doanh (CSSXKD) ở nhiều tỉnh, thành phố chưa được thực hiện nghiêm túc theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo nhiều tỉnh, thành phố còn chưa xây dựng kế hoạch và phương án cách ly phòng, chống dịch COVID-19 khi có trường hợp dương tính với COVID-19 xảy ra tại khu công nghiệp;

Chưa thực hiện triển khai cập nhật dữ liệu bản đồ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho các CSSXKD; việc tập huấn, kiểm tra, giám sát công tác phòng , chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc và thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho các CSSXKD còn hạn chế (chỉ thực hiện được cho 5-10 % số CSSXKD).

Hiện nay tình hình COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở Việt Nam với biến chúng mới, có mức độ lây nhiễm cao , lây lan nhanh trong cộng đồng và tại các CSSXKD, khu công nghiệp, đặc biệt đã có nhiều trường hợp mắc COVID-19 được phát hiện tại khu công nghiệp như tại Hải Dương, Bắc Giang.

Để tăng cường đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các CSSXKD, khu công nghiệp, Bộ Y tế (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ) đề nghị Ủy ban nhân nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nội dung.

Đối với các tỉnh, thành phố đã có trường hợp mắc tại các CSSXKD trong khu công nghiệp cần tiếp tục khẩn trương truy vết xác định các trường hợp tiếp xúc gần (F1), tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2) tại CSSXKD thông qua quản lý ca làm việc, camera tại các vị trí công cộng, căng tin, nơi nghỉ ngơi giữa ca làm việc ... để thực hiện cách ly , xét nghiệm kịp thời.

Toàn bộ người lao động làm việc cùng phân xưởng với F0 đều coi là F1. Đồng thời đề nghị khẩn trương phát hiện, lập danh sách và thông báo ngay cho các tỉnh, thành phố danh sách những người lao động có liên quan ở các tỉnh , thành phố khác để kịp thời cách ly, truy vết, khoanh vùng.

UBND cấp tỉnh tăng cường kiểm tra , giám sát và đôn đốc các cơ sở lao động trên địa bàn quản lý nghiêm túc thực hiện Quyết định số 2194 /QĐ - BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng , chống dịch COVID-19 về việc ban hành "Hướng dẫn phòng , chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xả cho người lao động”;

Xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại khu công nghiệp trên địa bàn; xây dựng phương án cách ly xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 trong khu công nghiệp và tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống dịch COVID 19 tại khu công nghiệp.

Quản lý, kiểm soát chặt thông tin người lao động ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chỉ đạo thực hiện nghiệm công tác đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các CSSXKD, khu công nghiệp ; cập nhật dữ liệu bản đồ an toàn phòng chống dịch COVID-19 cho các CSSXKD.

Tập trung chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng , chống dịch cho các CSSXKD được đánh giá có nguy cơ lây nhiễm trung binh và nguy cơ lây nhiễm cao.

Thực hiện phân cấp quản lý giám sát phòng, chống COVID-19 cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện nơi có các CSSXKD hoạt động.

Tổ chức hướng dẫn cho các CSSXKD, khu công nghiệp về việc phân luồng cách ly y tế, thiết lập phòng cách ly y tế tạm thời khi có trường hợp nghi ngờ COVID -19.

Hướng dẫn CSSXKD sử dụng các chế phẩm sát khuẩn tay nhanh , chế phẩm sát khuẩn bể mặt đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho người sử dụng.

Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác tổ chức phân luồng y tế của các cơ sở khám chữa bệnh phục vụ cho người lao động tại các khu công nghiệp.

Yêu cầu người sử dụng lao động ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19, chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị.

Xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID - 19 tại nơi làm việc.

(Theo Tiền Phong)

Nông thôn Ấn Độ: Bệnh nhân COVID-19 nằm dưới tán cây, chai dịch treo trên cành

Suốt bốn ngày, Mantu đi khắp nơi để thu thập những loại thuốc có thể dùng chữa bệnh cho anh trai, trong khi Umakant tự điều trị tại nhà. Dù Umakant không được xét nghiệm, nhưng Mantu biết rằng làn sóng COVID-19 đã ập đến làng Kathail.

Sang ngày thứ năm tình trạng của Umakant trở nên tồi tệ hơn. Bệnh viện gần nhất, Jawaharlal Nehru, nằm cách làng Kathail tới 50 cây số. “Khi chúng tôi đến bệnh viện, không có bác sĩ nào cả. Tôi được thông báo là các bác sĩ sẽ sớm có mặt. Họ yêu cầu tôi tự đi mua một số loại thuốc ở chợ để tiêm cho anh trai”, Mantu nói.

Khi cầm thuốc quay lại bệnh viện, Mantu phát hiện ra rằng anh trai mình đã bất tỉnh, nhưng vẫn chưa có bác sĩ đến. “Anh ấy kiệt sức và qua đời ngay trong hôm đó. Nếu được gặp bác sĩ, có thể anh ấy vẫn sống được đến ngày hôm nay.” Kết quả xét nghiệm thi thể Umakant sau đó cho thấy anh dương tính với SARS-CoV-2.

Đây là tình huống xảy ra phổ biến trên khắp vùng nông thôn Ấn Độ, nơi khoảng 65% dân số của đất nước 1,3 tỉ người đang sinh sống.

Làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 đã khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các thành phố lớn như New Delhi và Mumbai sụp đổ. Giờ đây, nó đang lan rộng đến vùng nông thôn. Khu vực này hiện đang thiếu tới 76% bác sĩ chuyên khoa. Trong khi 80% số bác sĩ của Ấn Độ tập trung ở khu vực thành thị.

Tính theo đầu người, tại bang Bihar, một bác sĩ chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho 43.788 người (trong khi theo WHO, con số lí tưởng là một bác sĩ/1.000 người). Nhiều người ở vùng nông thôn cho biết họ gần như không có hi vọng được điều trị nếu không may mắc COVID-19, vì bệnh viện nằm cách làng vài trăm cây số. Cơ chế giám sát dịch bệnh ở nông thôn cũng rất lỏng lẻo, nghĩa là số ca mắc COVID-19 trên thực tế sẽ không bao giờ được thống kê đầy đủ.

Việc thiếu vắng các nhân viên y tế có trình độ cao cũng là một vấn đề lớn đối với Bihar. Bang này đã được trao 207 máy thở, nhưng chúng chủ yếu vẫn bám bụi vì không ai biết vận hành. Một số bệnh công ở Bihar thậm chí còn để bệnh nhân nằm la liệt dưới sàn vì hết giường.

Tại bang Uttar Pradesh, tình hình cũng không khá hơn. Các tòa nhà gắn biển “phòng khám” thường không có nhân viên. Trong khi những nơi có nhân viên y tế thì lại quá tải. Dhurv Narayan – một cư dân Kuwankheda cho biết mẹ vợ 87 tuổi của ông đã phải nằm nhà chờ chết sau khi có các triệu chứng COVID-19.

COVID-19 10/5: Nữ bệnh nhân ở Thanh Xuân vừa đi khám thai buổi sáng, chiều nhận kết quả dương tính - 6

Nhiều phòng khám ở nông thôn Ấn Độ thực chất chỉ là một tòa nhà trống trơn. Ảnh: ABC

Vì không được tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại, nhiều người nghèo ở Ấn Độ đã tìm đến thầy lang.

Tại Agar Malwa (bang Madhya Pradesh), trong một nông trại trồng cam cách đường cao tốc 200m, các bệnh nhân COVID-19 nằm la liệt dưới tán cây, chai truyền dịch treo lủng lẳng trên cành. Không ai giữ khoảng cách, cũng không ai đeo khẩu trang. NDTV cho biết người dân từ 10 ngôi làng xung quanh đã tìm đến “bệnh viện” tự phát này để chữa trị.

COVID-19 10/5: Nữ bệnh nhân ở Thanh Xuân vừa đi khám thai buổi sáng, chiều nhận kết quả dương tính - 7

Bệnh nhân nằm dưới tán cây, chai dịch treo trên cành. Ảnh: India Today

Chợ đen cũng tranh thủ trục lợi từ những người thiếu hiểu biết bằng cách bán bình oxy với giá cắt cổ. Tại New Delhi, ba người đã bị bắt vì bán bình chữa cháy nhưng nói dối là bình ôxy.

Thông tin sai lệnh được lan truyền khắp nơi khiến người dân hoang mang trước khi tiêm vắc xin. Trên WhatsApp xuất hiện thông tin không có thật rằng phụ nữ đang có kinh nguyệt không nên tiêm phòng, và rằng vắc xin không an toàn cho người mắc bệnh tiểu đường.

Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số ca bệnh ở vùng nông thôn Ấn Độ một phần là do những người rời thành phố lớn về quê để tránh lệnh phong tỏa, và những người hành hương trở về từ lễ hội Kumbh Mela. Sự kiện này khiến chính quyền Ấn Độ hứng chỉ trích vì bị coi là sự kiện siêu lây lan, không chỉ trong nước mà còn lan sang nước láng giềng Nepal. Cựu Quốc vương Nepal Gyanendra Shah và Hoàng hậu Komal Shah đã phải nhập viện vì mắc COVID-19 sau khi trở về từ lễ hội Kumbh Mela.

Cách đây một tháng, số ca mắc mới hàng ngày ở Nepal chỉ khoảng 100 ca. Đến nay, con số này là khoảng 8.000 ca/ngày. Các bệnh viện đều đang trong tình trạng quá tải và thiếu ôxy. Một số bệnh viện đã phải dừng tiếp nhận bệnh nhân. Hệ thống y tế Nepal rơi vào thảm cảnh không khác gì Ấn Độ.

(Theo Tiền Phong)

Nữ Tổng giám đốc thẩm mỹ viện mắc COVID-19 đi rất nhiều nơi, có triệu chứng vẫn ra siêu thị
Trước khi mắc COVID-19, nữ tổng giám đốc thẩm mỹ viện ở Đà Nẵng có đi nhiều nơi, khi có triệu chứng vẫn còn tới siêu thị.
KHAI TÂM (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức Hà Nội