Hơn 20 năm chăm sóc những con hổ, sư tử... trong Công viên Thủ Lệ (Hà Nội), chị Ngọc trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đã có lúc, chị cùng những nhân viên phải mắc màn ngủ cạnh để chăm hổ con bị ốm.
Những ngày này, Hà Nội có tiết trời mát mẻ, các gia đình thường đưa con nhỏ đến công viên, vườn bách thú để tham quan, nghỉ ngơi. Tại đây, mọi người thường thích thú khi thấy những con hổ, sư tử sau hàng rào sắt.
Ít ai biết được rằng, phía trong chuồng nuôi, có những nhân viên đã hàng chục năm chăm sóc những con hổ, sư tử, trở thành "bảo mẫu" đặc biệt giúp những "đứa con" của mình được khoẻ mạnh.
Người phụ nữ trở thành "bảo mẫu" đặc biệt cho hổ, sư tử tại Công viên Thủ Lệ hơn 20 năm qua
20 năm làm "bảo mẫu" cho thú dữ
7h30 sáng, đã thành thông lệ, chị Trần Thị Ngọc (41 tuổi), cùng các nhân viên tại Công viên Thủ Lệ lại bắt đầu thực hiện các công việc chăm sóc những loài động vật trong công viên, đặc biệt là hổ và sư tử. Sau một đêm nghỉ ngơi, việc đầu tiên của ngày mới mà nhân viên thực hiện là cho hổ, sư tử ra khu vực chuồng tham quan để dọn rửa chuồng nuôi nhốt.
Nhân viên tiến hành quét dọn chất thải, thức ăn thừa, sát khuẩn chuồng rồi xịt rửa bằng nước để đảm bảo vệ sinh. Loay hoay dọn rửa chuồng, chị Ngọc cho biết trong quá trình dọn rửa, nhân viên còn phải theo dõi toàn bộ cảm xúc, hành động của những chú hổ, sư tử. "Thậm chí, phải quan sát phân của chúng một cách tỉ mỉ để sớm phát hiện những thay đổi hoặc dấu hiệu của bệnh”, chị Ngọc nói.
Những con thú dữ như hổ, sư tử tại Công viên Thủ Lệ được chăm sóc bởi những "bảo mẫu" đặc biệt
Khi có phát hiện các triệu chứng, xuất hiện tình trạng bệnh, mãnh thú sẽ được các bác sĩ thú y cùng nhân viên tại đây chăm sóc y tế đặc biệt để sớm bình phục.
10h sáng, một xe cải tiến loại nhỏ chất đầy thức ăn cho hổ, sư tử được các nhân viên mang đến. Thức ăn chính của hổ và sư tử là thịt bò và thịt lợn. Trong đó, thịt bò loại một được chọn là thức ăn chính, hổ sẽ được ăn thêm sườn lợn và một số con được bổ sung thêm thịt gà. Số lượng khẩu phần ăn đều được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với thể chất, sức khoẻ của từng con.
Chị Ngọc cùng một nhân viên chia thức ăn cho từng con thú một cách tỉ mỉ để đảm bảo khẩu phần, dinh dưỡng
Mắc màn ngủ cạnh để chăm sóc hổ con
Theo chị Trần Thị Ngọc, trong hơn 20 năm nay làm công việc chăm sóc động vật tại Công viên Thủ Lệ, chị có rất nhiều cảm xúc. Thoạt nghe việc chăm hổ, sư tử, nhiều người sẽ sợ hãi và e dè, tuy nhiên khi tiếp xúc với mãnh thú, chị nhận thấy mỗi con hổ, sư tử đều có cảm xúc, biết vui, buồn chứ không hoàn toàn đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ.
Tại Công viên Thủ Lệ, có hai con hổ đặc biệt được đặt tên là “Bi” và “Bống”, cả hai được giải cứu trong một vụ buôn bán động vật hoang dã. Khi đưa về công viên, chúng được 4 tháng tuổi, nặng 12kg, hiện cân nặng mỗi con đã hơn 100kg.
“Khi chúng còn nhỏ, hàng ngày tôi phải cho chúng bú bình. Thậm chí kích thích cho hổ đi vệ sinh, cho ăn từng miếng nhỏ, làm mọi việc chăm sóc thay cho mẹ của chúng. Có thời điểm hổ con ốm, tôi và các nhân viên phải kê giường, mắc màn ở cạnh ngủ để chăm sóc. Khi ấy chúng còn bé nên không ai sợ hãi gì cả, chỉ mong hổ con sớm khỏe lại”, chị Ngọc nhớ lại.
Do được chăm sóc, nuôi dưỡng từ nhỏ nên cả con hổ đều rất thân thiện, mến chị Ngọc. Mọi hành động của chúng không tỏ ra hung tợn, khi chị Ngọc ra hiệu, hai chú hổ đều nghe theo.
“Chỉ chăm sóc theo kỹ thuật là chưa đủ. Hổ và tư tử cũng cần tình yêu thương, đồng cảm và tạo cho chúng cảm giác an toàn. Khi đã gần gũi với chúng, nhiều lần tôi nhìn qua ánh mắt cũng biết chúng có sức khỏe không tốt”, chị Ngọc nói.
Là người gần gũi nhất với những con hổ, sư tử nơi đây nên chị Ngọc vẫn thường dành thời gian ngồi tâm sự với chúng để bộc bạch niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống hàng ngày. Chị Ngọc tin rằng, chúng hiểu những cảm xúc đó và luôn tỏ ra hiền dịu khi gần chị.
“Tôi gần chúng nhiều cũng nhận ra chúng có tình cảm, biết vui buồn. Với tôi chúng tỏ ra như những con mèo to xác, có suy nghĩ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, tôi vẫn chỉ tiếp xúc chúng qua cửa sắt”, chị Ngọc tâm sự.
Với đa số mọi người, hổ và sư tử thường có vẻ ngoài hung dữ, tuy nhiên trong mắt chị Ngọc, chúng như những người bạn thân thiện, biết nghe lời. Các con mãnh thú cũng có niềm vui, nỗi buồn riêng mà chỉ người thực sự yêu quý chúng mới có thể cảm nhận và thấu hiểu được.
Có lẽ với chị Ngọc, hơn 20 năm qua được nhìn thấy những con thú dữ lớn lên, ngày một khỏe mạnh là niềm hạnh phúc to lớn nhất dẫu cho công việc nhiều vất vả, mệt nhọc.