Từ ngày 11/12, hơn 40.000 học sinh huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá sẽ chuyển sang học online tại nhà, đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
11 diễn biến
1 địa phương cho học sinh nghỉ học vì có 10 F0 là giáo viên, học sinh
Chia sẻ với VOV.VN, lãnh đạo huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến thời điểm này tại các trường học đã xuất hiện hơn 10 ca COVID-19, nhiều giáo viên, học sinh là F1, F2. Từ ngày 11/12, hơn 40.000 học sinh trên địa bàn huyện sẽ chuyển sang học online tại nhà, đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Ông Đỗ Gia Xuân, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Nông Cống chia sẻ: "Huyện Nông Cống yên tâm việc chuyển sang học online vì đầu năm học đã triển khai việc này, các em đã tiếp cận kiến thức đảm bảo. Tất cả cấp học đảm bảo trên 95% học sinh có thiết bị học online".
Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hoá cho hay, trong ngày 10/12, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 192 ca mắc COVID-19, với nhiều ca mắc trong cộng đồng và xuất hiện những điểm dịch mới tại khu dân cư, khu công nghiệp.
Đáng chú ý, tại một số ổ dịch phức tạp, số bệnh nhân phát hiện tiếp tục tăng cao. Cụ thể, tại ổ dịch huyện Nông Cống ghi nhận thêm 88 bệnh nhân, trong đó có 13 người là công nhân Công ty TNHH giầy Kim Việt. Huyện Nông Cống có 31 xã, thị trấn thì hiện dịch bệnh đã xuất hiện tại 22 xã.
Điểm dịch huyện Hậu Lộc ghi nhận 22 ca mắc, trong đó xã Minh Lộc 15, Hưng Lộc 6, Đa Lộc 1. Huyện Yên Định ghi nhận 22 ca, trong đó có 17 bệnh nhân lây nhiễm trong huyện. TP.Thanh Hóa ghi nhận 14 trường hợp.
Trước diễn tiến nhanh, phức tạp của dịch bệnh, lực lượng chức năng đã yêu cầu xét nghiệm tầm soát COVID-19 đối với toàn bộ người dân tại 5 xã ven biển của huyện Hậu Lộc gồm Đa Lộc, Hưng Lộc, Minh Lộc, Ngư Lộc và Hải Lộc. Trong ngày 10/12, cùng với các lực lượng của huyện Hậu Lộc, 100 cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa đã tình nguyện hỗ trợ công tác xét nghiệm sàng lọc COVID-19 tại 5 xã ven biển này.
Tính từ ngày 2/4/2021 đến nay, Thanh Hoá ghi nhận 3.702 bệnh nhân COVID-19 cộng dồn; 2.365 người điều trị khỏi được ra viện; 12 bệnh nhân tử vong. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai được 3.153.933 mũi tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong 24 giờ qua đã thực hiện xét nghiệm bằng RT-PCR 10.341 mẫu tại các đơn vị y tế tỉnh Thanh Hóa.
Để công tác phòng chống dịch hiệu quả, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa yêu cầu mọi người dân tiếp tục nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của bộ Y tế để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, theo Người Lao Động.
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/10-f0-xuat-hien-trong-truong-hoc-hon-40-000-hoc-sinh-mo... Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/10-f0-xuat-hien-trong-truong-hoc-hon-40-000-hoc-sinh-mot-huyen-chuyen-sang-hoc-online-a522062.html
Hà Nội: Cán bộ công an dương tính SARS-CoV-2, tạm phong toả trụ sở Công an, UBND phường Đại Kim
Chiều 10/12, trao đổi với PV Dân Việt, một lãnh đạo UBND phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội xác nhận Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường Đại Kim vừa thông báo khẩn tìm người đã liên hệ và làm việc tại trụ sở Công an phường này ở số 47, ngõ 292 đường Kim Giang từ ngày 5/12 đến 9/12.
Trụ sở Công an phường Đại Kim tạm thời bị phong toả chiều ngày 10/12. Ảnh: Gia Khiêm
Theo đó, ngành chức năng đề nghị những ai từng đến trụ sở Công an phường Đại Kim trong thời gian trên tự cách ly tại nhà, nơi cư trú và chủ động khai báo ngay với trạm y tế gần nhất hoặc trạm y tế phường Đại Kim (0243.855.2501; 0988.573.646).
"Người có kết quả dương tính SARS-CoV-2 là cán bộ chiến sĩ Công an phường Đại Kim. Hiện trụ sở Công an phường và UBND phường đang tạm thời phong toả để điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Trong thời gian này mọi người tạm thời ở trụ sở vừa làm việc, vừa cách ly và chờ kết quả xét nghiệm. UBND phường cũng tạm thời dừng tiếp dân", lãnh đạo UBND phường Đại Kim thông tin.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt chiều cùng ngày, trước trụ sở Công an phường Đại Kim, lực lượng chức năng căng dây, đặt biển cảnh báo "Khu vực cách ly y tế". Cùng với đó, đơn vị cũng tạm dừng tiếp đón công dân.
Nguồn: https://danviet.vn/ha-noi-can-bo-duong-tinh-sars-cov-2-tam-phong-toa-tru-so-cong-an-ubn... Nguồn: https://danviet.vn/ha-noi-can-bo-duong-tinh-sars-cov-2-tam-phong-toa-tru-so-cong-an-ubnd-phuong-dai-kim-20211210151927668.htm
TP HCM đề ra 5 chiến lược tiêm vắc-xin Covid-19, quyết không bỏ sót bất kỳ ai
UBND TP HCM vừa có quyết định phê duyệt Chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo quyết định này, TP HCM đề ra 6 chiến lược lớn. Trong đó, chiến lược đầu tiên là bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 đến từng người dân trên địa bàn thành phố.
UBND TP HCM đánh giá đây là chiến lược then chốt, quan trọng để phòng chống dịch bệnh, giúp người dân giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc diễn biến nặng do Covid-19 và bảo vệ cộng đồng thành phố.
Chiến lược này đặt ra nhằm đạt được độ bao phủ vắc-xin một cách tuyệt đối nhất, hiệu quả nhất cho người dân.
TP HCM lên chiến lược ""đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tiêm vắc-xin cho người dân, quyết không bỏ sót một ai; Ảnh: Hoàng Triều
Theo UBND TP HCM, thành phố là 1 trong những địa phương triển khai tiêm vắc-xin sớm nhất cả nước, bắt đầu từngày 8-3. Đến ngày 7-12, TP HCM đã tiêm được hơn 14,7 triệu mũi, đối với người trên 50 tuổi cơ bản đã tiêm phủ mũi 1 và mũi 2.
Tuy nhiên, số liệu từ khoảng ngày 1-11 đến 7-12 cho thấy TP HCM ghi nhận 1.581 ca tử vong do Covid-19 (có 194 ca chuyển về từ các địa phương). Phân tích số ca tử vong cho thấy có 828 người chưa tiêm vắc-xin, 1.435 người mắc các bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn, tim mạch…)
Dù TP HCM tổ chức tiêm chủng với số lượng lớn vắc-xin nhưng vẫn còn những trường hợp chưa tiêm, thậm chí có người mắc bệnh và tử vong mà vẫn chưa được tiêm. Do đó, tăng độ bao phủ vắc-xin cho người dân, trong đó đặc biệt là nhóm nguy cơ cao, là hết sức cần thiết và cấp bách hiện nay.
Bên cạnh đó, trong số những người từ các tỉnh, thành khác về TP HCM sinh sống, làm việc, học tập sau giãn cách, nhiều người chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ mũi. Đây cũng là một trong các nhóm nguy cơ cần được quản lý, kiểm soát và can thiệp để hạn chế bùng phát dịch.
Để bao phủ vắc-xin cho người dân, TP HCM sẽ triển khai 5 chiến lược cụ thể.
Một là, ưu tiên tiêm vắc-xin cho người dân quay về TP HCM từ các địa phương khác.
Hai là, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" không bỏ sót bất kỳ ai, nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Ba là, xây dựng dữ liệu lớn về tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Bốn là, tăng cường truyền thông để người dân tham gia tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Năm là, mở rộng độ bao phủ vắc-xin cho trẻ đến 3 tuổi và triển khai mũi tiêm tăng cường.
Hàng loạt giải pháp sẽ được chính quyền TP HCM thực hiện để đạt mục tiêu chiến lược tiêm phủ vắc-xin cho người dân.
Theo đó, TP HCM thiết lập đường dây nóng để người dân có thể phản ánh chưa được tiêm vắc-xin và các vấn đề liên quan tiêm chủng.
Đồng thời, rà soát, nắm bắt các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ hoặc nguy cơ cao chưa tiêm vắc-xin để chuyển danh sách lên trạm y tế, trung tâm y tế tổ chức tiêm vét.
Tổ chức các điểm tiêm tại bệnh viện, tiêm lưu động, tiêm tại nhà cho người cao tuổi, người mắc các bệnh lý hoặc đi lại khó khăn...
Nguồn: https://nld.com.vn/chinh-tri/tp-hcm-de-ra-5-chien-luoc-tiem-vac-xin-covid-19-quyet-khon... Nguồn: https://nld.com.vn/chinh-tri/tp-hcm-de-ra-5-chien-luoc-tiem-vac-xin-covid-19-quyet-khong-bo-sot-bat-ky-ai-20211211085232989.htm
Trẻ mắc Covid-19 nhập viện tăng
PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Dược kiêm Trưởng Đơn vị Điều trị Covid-19 - Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết những trẻ có triệu chứng nhẹ sẽ được hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà. Riêng với các trường hợp có triệu chứng nặng, mắc bệnh nền sẽ được nhập viện điều trị.
Mắc nhiều ở trẻ có bệnh nền
Theo các bác sĩ, hiện là thời điểm chuyển mùa, thời tiết, độ ẩm không khí thay đổi khiến cơ thể không thích ứng kịp, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp, phát triển. Đây là một trong những lý do khiến số trẻ mắc Covid-19 nhập viện tại các BV chuyên khoa nhi tăng.
BV Nhi Đồng 1 (TP HCM) đang điều trị gần 60 trẻ F0 và 60 phụ huynh (vừa là F0, F1), đa số trẻ nhập viện có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, mắc bệnh tim bẩm sinh, suy thận… Trong đó có 14% trẻ chuyển nặng. Số trẻ nhập viện tăng khoảng 30%-50% so với hồi giữa tháng 10.
BS Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Covid-19 BV Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho hay tại đây đang điều trị gần 200 bệnh nhân, trong đó có 160 là F0, còn lại là F1 (F1 là người lớn cha hoặc mẹ chăm sóc trẻ em F0). Trong 160 F0 có 100 trẻ em và 60 người lớn; trong 100 trẻ thì 40 trẻ có bệnh nền như gan, thận, não, tim... Trong 40 trẻ có bệnh nền có 17 trường hợp nặng nằm ở khoa cấp cứu.
Hiện ở Đơn vị Điều trị Covid-19 - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) số trẻ nhập viện vì Covid-19 đang tăng
Tương tự, tại BV Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV, cho biết trung bình mỗi ngày đơn vị tầm soát, phát hiện khoảng 5-15 trẻ mắc Covid-19, hầu hết được cho điều trị tại nhà vì triệu chứng nhẹ. Hiện Đơn vị Điều trị Covid-19 đang điều trị khoảng 100 trẻ, nhóm trở nặng vẫn là có bệnh nền, sinh non nhẹ cân, chậm phát triển.
BS Nguyễn Minh Tiến cho biết vừa qua tại BV đã cứu sống một bệnh nhi mắc Covid-19 bị béo phì (cân nặng 110 kg), sau hơn 1 tháng nỗ lực cứu chữa. Hiện bệnh nhi này đã được ngưng lọc máu, cai máy ECMO. Đây là một trong số ít bệnh nhi bị "bão Cytokine" tấn công, phổi tổn thương rất nặng.
Hội chứng hậu Covid-19 ở trẻ
BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên lưu ý sau khi khỏi Covid-19, cần theo dõi hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ. Từ 2-6 tuần khỏi bệnh, hội chứng này có thể sẽ xuất hiện và trở nặng. Trong thời gian vừa qua, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 20 trẻ mắc hội chứng viêm đa cơ quan. Những trẻ này dễ chuyển nặng và dễ chẩn đoán nhầm vì các triệu chứng thông thường như đau bụng, nôn, ói, sốt, phát ban... Khi trẻ mắc hội chứng này sẽ có nguy cơ bị tổn thương não, rối loạn đông máu, trụy tim, rối loạn tiêu hóa...
"Hội chứng viêm đa cơ quan thường hiếm gặp nhưng nếu xảy ra sẽ xuất hiện sau 2-6 tuần khỏi bệnh và không phân biệt trẻ có bệnh nền hay không. Một số trẻ mắc Covid-19 không có triệu chứng nhưng sau đó vẫn mắc hội chứng này. Nếu điều trị đúng phác đồ từ 7-14 ngày, trẻ sẽ khỏe trở lại" - BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên cho biết.
BS Đỗ Châu Việt khuyến cáo trẻ mắc Covid-19 ở giai đoạn ủ bệnh và phát bệnh sẽ có nhiều biểu hiện, có thể ở đường hô hấp, đường tiêu hóa nên phụ huynh dễ nhầm với các bệnh lý khác, lúc này tải lượng virus chưa đủ để làm xét nghiệm nhanh dương tính. Vì vậy, nếu gia đình có thành viên là F0 thì trẻ phải được theo dõi sát, sau đó vài ngày thực hiện xét nghiệm nhanh hoặc PCR.
Bên cạnh đó, với trẻ mắc Covid-19 được điều trị tại nhà, cần theo dõi sát các triệu chứng, nếu có dấu hiệu chuyển nặng thì phải đưa trẻ đến BV thăm khám kịp thời. Với trẻ sơ sinh, các dấu hiệu trở nặng là trẻ quấy khóc, sốt cao liên tục, bỏ bú, thở rút lõm lồng ngực, nôn ói, tiêu chảy nhiều lần, tím tái. Ở trẻ lớn hơn, ngoài việc theo dõi tần suất thở, có thể đo SpO2, quan sát sinh hoạt thường ngày, nếu trẻ bỏ ăn, than mệt, đau nhức cần đưa đến cơ sở y tế khám.
Các chuyên gia y tế cho rằng đa số trẻ em mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc biểu hiện bệnh nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp có nguy cơ diễn biến nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu rơi vào nhóm có bệnh lý nền, béo phì.
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/tre-mac-covid-19-nhap-vien-tang-20211210204126548.htm Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/tre-mac-covid-19-nhap-vien-tang-20211210204126548.htm
Đột kích sòng bạc ở Kiên Giang, Công an phát hiện 5 người dương tính với SARS-CoV-2
Ngày 10/12, thông tin từ Công an TP. Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, đang tạm giữ hình sự 4 đối tượng gồm: Danh Xăng, Danh Thị Lệ Thủy, Danh Thị Mỹ và Lương Thị Oanh (cùng ngụ tại xã Phi Thông, TP Rạch Giá) để điều tra về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc.
Hiện trường vụ đánh bạc tại xã Phi Thông, TP Rạch Giá, Công an TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Anh Vũ
Ngoài ra, phía Công an TP.Rạch Giá cũng đang củng cố hồ sơ, xử lý những người có liên quan theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào chiều 8/12, tại xã Phi Thông, TP.Rạch Giá, Công an TP.Rạch Giá bất ngờ ập vào tụ điểm đánh bạc ăn tiền ở xã Phi Thông, phát hiện 22 người, trong đó có 12 phụ nữ đang sát phạt.
Tang vật thu giữ tại hiện trường gần 100 triệu đồng và nhiều tang vật khác liên quan.
Sòng bạc này do Danh Xăng đứng ra tổ chức và thu tiền xâu mỗi ván bài từ 50.000 đến 100.000 đồng, các con bạc ăn thua với nhau mỗi ván từ 400.000- 700.000 đồng.
Sau khi bắt giữ, qua test nhanh, 5 người cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Nguồn: https://danviet.vn/dot-kich-song-bac-o-kien-giang-cong-an-phat-hien-5-nguoi-duong-tinh-... Nguồn: https://danviet.vn/dot-kich-song-bac-o-kien-giang-cong-an-phat-hien-5-nguoi-duong-tinh-voi-sars-cov-2-20211210153409925.htm
Quảng Trị: 17 ca mắc Covid-19 mới phát hiện tại cộng đồng có nhiều học sinh
Trưa 10/12, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa ghi nhận thêm 29 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 17 trường hợp phát hiện tại cộng đồng.
Đáng chú ý, trong số 17 trường hợp phát hiện qua lấy mẫu giám sát cộng đồng trên, riêng tại xã Hải Khê (huyện Hải Lăng) có 14 trường hợp, trong đó có những trường hợp là học sinh Trường Tiểu học và THCS Hải Khê.
Trường Tiểu học và THCS Hải Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - Ảnh tư liệu
Trong các địa điểm và mốc thời gian có yếu tố dịch tễ liên quan 14 trường hợp tại xã Hải Khê, có một số trường hợp có liên quan đến chợ đầu mối Bãi Dâu (phường Phú Hội, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), Trường Tiểu học và THCS Hải Khê, chợ Thâm Khê (xã Hải Khê); Trạm Y tế Hải Khê...
Trong đó, T.V.L và T.T.T (vợ anh T.V.L, cùng SN 1978, thôn Thâm Khê, xã Hải Khê) có mốc thời gian và địa địa có yếu tố dịch tễ liên quan đế chợ đầu mối Bãi Dâu (khoảng 2h-9h các ngày 26/11, 30/11 và 6/12)...
Tương tự, trong những địa điểm và mốc thời gian có yếu tố dịch tễ liên quan T. V. C (SN 1996, nam, thôn Thâm Khê, Hải Khê) có chợ đầu mối Bãi Dâu (khoảng 2h-9h các ngày 26/11, 30/11, 6/12)...
V.T.N (SN 2012, thôn Thâm Khê, xã Hải Khê) có liên quan đến lớp 4B Trường Tiểu học và THCS Hải Khê từ ngày 25/11- 7/12, trừ ngày thứ 7, chủ nhật); V.T.N.B (SN 2007, thôn Thâm Khê, xã Hải Khê) có liên quan đến lớp 9B Trường Tiểu học và THCS Hải Khê buổi sáng các ngày từ ngày 26/11- 7/12 (trừ chủ nhật)...
Liên quan đến ổ dịch trên, UBND huyện Hải Lăng cho biết đã Quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa tạm thời đối với thôn Thâm Khê, xã Hải Khê và tạm dừng hoạt động chợ cá thôn Thâm Khê để phòng, chống dịch.
Đồng thời, UBND huyện Hải Lăng yêu cầu Trung tâm Y tế huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị của tỉnh để kịp thời đưa các F0, F1 (nguy cơ cao) đi điều trị, cách ly theo quy định. Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ UBND xã Hải Khê điều tra, truy vết các trường hợp F1, F2, phun thuốc khử khuẩn các địa điểm nguy cơ như chợ cá, trường học, nơi ở các trường hợp F0, F1...
UBND huyện Hải Lăng cũng đã yêu cầu Phòng GD&ĐT chỉ đạo Trường Tiểu học và THCS Hải Khê tổ chức học trực tuyến cho học sinh trong thời gian ở trường để phòng, chống dịch; Trường Mầm non Hải Khê tạm dừng việc đến trường của trẻ cho đến khi có thông báo mới.
Theo UBND huyện Hải Lăng, sau khi nhận được thông tin tại thôn Thâm Khê, xã Hải Hải Khê có 4 trường hợp nhiễm, 7 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 (4 trường hợp đã sàng lọc, 7 trường hợp test nhanh), UBND huyện, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nhằm kiểm soát, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn.
Tính đến cuối ngày 8/12, có nhiều trường hợp F1 và F2 liên quan đến các trường hợp trên. Trong đó, có 97 trường hợp F1 thuộc trường Tiểu học và THCS Hải Khê: 33 học sinh lớp 6B, 24 học sinh lớp 9A, 25 trường hợp dự sinh nhật và các sự kiện liên quan; 15 giáo viên. Số F2 là 250 trường hợp. Ngày 8/12 đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc bằng phương pháp RT-PCR cho các đối tượng F1 được 87mẫu đơn, 6 mẫu gộp, test nhanh dương tính 7.
3/17 trường hợp mới phát hiện thêm qua lấy mẫu giám sát cộng đồng còn lại, có 1 trường hợp tại phường 1 (TP Đông Hà) và 2 trường hợp tại thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa).
12 trường hợp còn lại, có 6 trường hợp phát hiện qua lấy mẫu các đối tượng đang cách ly tại nhà, trong đó 1 trường hợp tại thị trấn Diên Sanh (huyện Hải Lăng), 2 trường hợp tại phường Đông Lễ (TP Đông Hà), 2 trường hợp tại phường 5 (TP Đông Hà- trở về từ tỉnh Thừa Thiên Huế) và 1 trường hợp tại xã Hải Lệ (TX Quảng Trị- trở về từ tỉnh Đồng Nai).
5 trường hợp phát hiện qua lấy mẫu đối tượng giám sát sức khỏe tại nhà, có 2 trường hợp tại xã Hải Thượng (huyện Hải Lăng- trở về từ tỉnh Bình Dương và TP.HCM), 1 trường hợp tại xã Hải Lâm (huyện Hải Lăng- trở về từ TP Đà Nẵng), 1 trường hợp tại xã Trung Nam (huyện Vĩnh Linh- trở về từ TP.HCM) và 1 trường hợp tại xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong- trở về từ tỉnh Bình Dương).
Trường hợp còn lại ở xã Trung Giang (huyện Gio Linh- phát hiện tại khu cách ly tập trung).
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/quang-tri-17-ca-mac-covid-19-moi-phat-hien-tai-cong-dong-co... Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/quang-tri-17-ca-mac-covid-19-moi-phat-hien-tai-cong-dong-co-nhieu-hoc-sinh-d535361.html
Đồng Tháp, An Giang ấn định thời gian cho học sinh đi học; F0 giảm mạnh ở Sóc Trăng
Ngày 11-12, bà Trần Thị Ngọc Diễm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang - cho biết vừa triển khai kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp, bảo đảm các điều kiện trong phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, địa phương ở cấp độ dịch là cấp 1 và 2 được phép dạy học trực tiếp; cấp độ 3 và 4 chỉ dạy học trực tuyến và học qua truyền hình.
Đối với dạy học trực tiếp, giáo viên phải tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng.
"Cuối tháng 12 này, học sinh khối 12 ở các vùng cấp độ 1, 2 đi học trực tiếp. Sau 1 tuần học sẽ đánh giá kỹ lại, nếu an toàn có thể hạ dần xuống các khối khác" – bà Diễm thông tin.
Học sinh Trường THPT Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang được khám sàng lọc trước khi tiêm văc-xin phòng Covid-19. Ảnh: Kỳ Đồng
Tại Đồng tháp, theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, địa phương đã tiêm vắc-xin mũi 1 cho trẻ từ đủ 12 đến dưới 17 tuổi đạt 88,19%; tiêm mũi 2 đạt 24,83%.
Dự kiến, ngày 20-12, Đồng Tháp sẽ cho học sinh khối lớp 12 đi học trở lại. Đến ngày 27-12, tỉnh tiếp tục cho khối lớp 9 học tập trung 50%, sau đó nhân rộng ra các khối còn lại nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Trong khi đó, theo thông cáo báo chí của Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng sáng 11-12, trong 24 ngày qua, tỉnh chỉ ghi nhận thêm 160 ca F0 - giảm mạnh so với bình quân 500 ca/ngày suốt tháng qua. Số ca khỏi bệnh trong ngày là 637 trường hợp, tử vong là 7 ca.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/dong-thap-an-giang-an-dinh-thoi-gian-cho-hoc-sinh-di-hoc-f0-... Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/dong-thap-an-giang-an-dinh-thoi-gian-cho-hoc-sinh-di-hoc-f0-giam-manh-o-soc-trang-20211211105735833.htm
Các ổ dịch phức tạp ở Thanh Hóa ghi nhận thêm 146 ca mắc Covid-19
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa, tính từ 16 giờ ngày 9-12 đến 16 giờ ngày 10-12, trên địa bàn ghi nhận 192 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có nhiều bệnh nhân cộng đồng và xuất hiện những điểm dịch mới, phức tạp.
Cụ thể, trong số 192 ca mắc thì có tới 165 bệnh nhân phát sinh trong tỉnh và 27 bệnh nhân trở về từ các tỉnh, TP khác đang cách ly theo quy định.
Nhiều địa phương tại Thanh Hóa đã phải thực hiện phong tỏa diện hẹp để phòng chống dịch
Đáng chú ý, tại một số ổ dịch phức tạp, số bệnh nhân phát hiện tiếp tục tăng cao. Cụ thể, tại ổ dịch huyện Nông Cống ghi nhận thêm 88 bệnh nhân, trong đó có 13 người là công nhân Công ty TNHH giầy Kim Việt. Huyện Nông Cống có 31 xã, thị trấn thì hiện dịch bệnh đã xuất hiện tại 22 xã.
Điểm dịch huyện Hậu Lộc ghi nhận 22 ca mắc, trong đó xã Minh Lộc 15, Hưng Lộc 6, Đa Lộc 1). Huyện Yên Định ghi nhận 22 ca, trong đó có 17 bệnh nhân lây nhiễm trong huyện. TP Thanh Hóa ghi nhận 14 trường hợp.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là chùm ca mắc tại huyện Hậu Lộc đã ghi nhận 58 ca mắc Covid-19 liên quan đến các ổ dịch cộng đồng, địa phương này đã huy động lực lượng xét nghiệm tầm soát Covid-19 đối với toàn bộ nhân dân tại 5 xã ven biển của huyện Hậu Lộc gồm: Đa Lộc, Ngư Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc, Hưng Lộc.
Cùng với lực lượng của huyện Hậu Lộc, 100 cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa đã tình nguyện hỗ trợ công tác xét nghiệm sàng lọc Covid-19, giúp địa phương nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng để khẩn trương khống chế dịch.
Để công tác phòng chống dịch hiệu quả, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa yêu cầu mọi người dân tiếp tục nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/cac-o-dich-phuc-tap-o-thanh-hoa-ghi-nhan-them-146-ca-mac-co... Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/cac-o-dich-phuc-tap-o-thanh-hoa-ghi-nhan-them-146-ca-mac-covid-19-20211210173301172.htm
https://nld.com.vn/suc-khoe/cac-o-dich-phuc-tap-o-thanh-hoa-ghi-nhan-them-146-ca-mac-covid-19-20211210173301172.htm
Ngày 10/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành phố. Đây là phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo sau khi được kiện toàn.
Tại cuộc họp, theo yêu cầu của Thủ tướng, các đại biểu thảo luận tập trung vào một số vấn đề: Nguyên nhân tăng ca mắc trong cộng đồng, chuyển nặng và tử vong ở một số địa phương; kinh nghiệm, bài học trong thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; việc thực hiện chiến lược vắc-xin, tiêm vắc-xin; việc chuẩn bị và cung ứng thuốc điều trị; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch; việc khôi phục sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế; vấn đề mở cửa lại trường học.
Thủ tướng cũng yêu cầu, địa phương nào không đủ năng lực và chưa đủ vắc-xin để tiêm thì phải báo cáo ngay Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia để được hỗ trợ và phân bổ.
Tại cuộc họp, các địa phương đều khẳng định được phân bổ đủ vắc-xin và có đủ lực lượng để tiêm cho người dân.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến của đại diện các Bộ, ngành và địa phương, phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo và ý kiến tại cuộc họp, đồng thời bổ sung, nhấn mạnh thêm một số nội dung.
Cụ thể, các ý kiến tại cuộc họp đều khẳng định, sau 2 tháng thực hiện, thực tiễn đã chứng minh việc ban hành Nghị quyết 128 của Chính phủ là đúng hướng, sát thực tế, kịp thời, hiệu quả, chúng ta đã từng bước hoàn thiện lý thuyết, công thức phòng, chống dịch, cần tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa. Tình hình dịch bệnh trên phạm vi cả nước đang được kiểm soát, kinh tế-xã hội từng bước phục hồi trên tất cả các lĩnh vực. Các trường học từng bước được mở cửa trở lại bằng việc kết hợp học trực tuyến và trực tiếp, bố trí các buổi học phù hợp...
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của ban chỉ đạo các cấp, sự hưởng ứng của nhân dân, sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua và nhất là sau khi Nghị quyết 128 được ban hành. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, dịch bệnh có diễn biến phức tạp, số ca mắc mới hằng ngày có xu hướng gia tăng, số ca tử vong tăng tại một số địa phương.
Bên cạnh nguyên nhân của những kết quả đạt được, Thủ tướng nhấn mạnh một số nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nói trên. Theo đó, có nơi, có lúc, một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan, thiếu cảnh giác, thỏa mãn với kết quả đạt được và hiểu chưa đúng về hiệu quả của vắc-xin (sau khi tiêm vẫn có thể nhiễm nhưng giảm lây nhiễm, giảm tăng nặng, giảm tử vong, nhất là khi kết hợp và triển khai kịp thời các biện pháp khác). Đa số các ca chuyển nặng và tử vong đều chưa được tiêm vắc-xin hoặc/và có bệnh nền.
Bên cạnh đó, năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở chưa được nâng cao nên việc người bệnh tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở còn hạn chế. Tiến độ tiêm vắc-xin vẫn chưa đạt như mong muốn dù đã có bước nhảy vọt được, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại một số nơi, chưa quản lý được rủi ro là do cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực hiện hiệu quả các biện pháp y tế và các biện pháp khác.
Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, Thủ tướng yêu cầu phải có cảnh báo, giải pháp từ sớm, từ xa để tránh bị động, bất ngờ. Việc hồi phục và phát triển kinh tế-xã hội tuy đạt nhiều kết quả tích cực nhưng khó khăn, thách thức còn nhiều, còn rất lớn. Công tác bảo đảm an sinh xã hội cần tiếp tục được rà soát. Cần cố gắng hơn nữa trong việc khôi phục thị trường lao động, khắc phục thiếu hụt lao động, nhất là tại các khu công nghiệp lớn. Còn nhiều dự báo, nhận định khác nhau về độ lây lan, độc lực, tính chất kháng vắc-xin của chủng mới Omicron và không loại trừ việc tiếp tục xuất hiện các biến chủng mới.
Về mục tiêu, Thủ tướng nêu rõ, khi thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì phải thực hiện bằng được mục tiêu kiểm soát rủi ro, giảm tối đa số ca chuyển nặng và tử vong.
Một mục tiêu quan trọng khác là về tiêm vắc-xin. Cụ thể, phấn đấu tới 15/12 và chậm nhất tới 31/12 phải hoàn thành bằng được việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên. Cùng với đó, khẩn trương thực hiện sớm nhất có thể, phấn đấu đến hết quý I/2022 hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3, ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu, người trên 50 tuổi và có bệnh nền. Phấn đấu tới 31/1/2022, hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 12 đến 18 tuổi. Về tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, khẩn trương báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền, nghiên cứu khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, tham khảo kinh nghiệm các nước để đưa ra mục tiêu, lộ trình tiêm, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/di-tung-ngo-go-tung-nha-ra-tung-nguoi-de-tiem-vac-xin-a53658... Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/di-tung-ngo-go-tung-nha-ra-tung-nguoi-de-tiem-vac-xin-a536585.html
7 quận, huyện ở cấp độ 4, Cần Thơ kêu gọi người dân hạn chế ra đường
Ngày 11/12, thông tin từ UBND TP.Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP - ông Dương Tấn Hiển vừa ký văn bản về việc cập nhật đánh giá cấp độ dịch và các giải pháp tăng cường phòng chống dịch Covid-19.
Số ca nhiễm Covid-19 ở Cần Thơ luôn ở mức cao.
Theo đánh giá, trong 14 ngày qua, trung bình mỗi ngày Cần Thơ có khoảng 1.000 ca mắc Covid-19. Cấp độ dịch của TP là cấp 3; trong đó, có 2 quận, huyện cấp 3 và 7 quận, huyện cấp 4. Ngoài ra, có có 51 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 4. 30 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ chỉ đạo, không tập trung quá 10 người tại 1 địa điểm ở nơi công cộng, đám hỏi, cưới, tang và ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình xây dựng được phép hoạt động.
Yêu cầu người dân chỉ ra khỏi nơi ở trong trường hợp thật sự cần thiết, người dân chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng Covid-19 hạn chế tối đa việc di chuyển ra khỏi nơi ở, không đến những nơi tập trung đông người.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, hộ kinh doanh cá thể được phép hoạt động, phục vụ không quá 10 người tại cùng một thời điểm và thực hiện các biện pháp kiểm soát tốt mật độ, tần suất khách hàng đến mua bán, khuyến khích bán hàng mang đi.
Đặc biệt, các cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm, ăn, uống (nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán trà sữa...) chỉ được phép bán hàng mang đi hoặc bán hàng tại chỗ không quá 10 người tại cùng một thời điểm, bảo đảm khoảng cách mỗi bàn tối thiểu 2m, không phục vụ tại chỗ rượu, bia và các loại thức uống có cồn khác.
Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp (trừ cơ sở cắt tóc, gội đầu), phòng tập gym, yoga, võ thuật, bida, Zumba, xông hơi, bấm huyệt, vật lý trị liệu, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường, điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng, trò chơi điện tử.
Tạm dừng tiếp công dân trực tiếp tại các cơ quan, công sở; hướng dẫn người dân có nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có thể gửi đơn đến các cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua email hoặc phản ánh trực tiếp đến Tổng đài Dịch vụ công 1022 thành phố Cần Thơ.
Tăng cường giải quyết thủ tục hành chính bằng dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công trực tuyến. Không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/7-quan-huyen-o-cap-do-4-can-tho-keu-goi-nguoi-dan-han-che-r... Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/7-quan-huyen-o-cap-do-4-can-tho-keu-goi-nguoi-dan-han-che-ra-duong-d535429.html
Số ca Covid-19 phá kỷ lục: 1 quận và 13 xã, phường Hà Nội tăng cấp độ dịch
UBND TP Hà Nội vừa ban hành đánh giá cấp độ dịch Covid-19 tính từ ngày 11/12. Đáng chú ý, quận Đống Đa và 13 xã, phường khác đã phải chuyển cấp độ dịch nguy cơ cao (cấp độ 3 - màu cam).
Hà Nội vẫn đang cấp độ dịch 2 - nguy cơ thấp
Theo báo cáo của Hà Nội, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên toàn thành phố được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 là 94,3% (đạt tỷ lệ tối thiểu là 70%). Tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 là 83,9% (đạt tỷ lệ tối thiểu là 80%).
Trong 2 tuần trở lại đây, thành phố ghi nhận 7.412 trường hợp mắc Covid-19 tại cộng đồng.
Theo bảng đánh giá, Hà Nội vẫn thuộc cấp độ 2 - nguy cơ thấp. Song, so với tuần trước đó, số quận, huyện và xã, phường thuộc cấp độ 1 đã giảm rất nhiều, chỉ còn 8 quận, huyện, thị xã tương ứng 439 xã, phường thuộc cấp độ 1. Ngoài ra, có 21 quận, huyện thuộc cấp độ 2, tương ứng với 127 xã, phường.
Đống Đa là quận duy nhất của Hà Nội đổi sang màu cam, cấp độ 3 do ghi nhận tới 1.336 ca cộng đồng trong 14 ngày gần đây. Tính trung bình số ca mắc/100.000 dân/1 tuần tại quận Đống Đa là 177 ca.
Ngoài ra, trong 14 ngày gần đây, có 13 xã, phường ghi nhận nhiều ca cộng đồng được nâng lên cấp độ 3 (màu cam - nguy cơ cao). Cụ thể, quận Đống Đa có 7 phường, gồm: Khâm Thiên với 82 ca, Trung Phụng 103 ca, Quốc Tử Giám 45 ca, Văn Miếu 47 ca, Phương Liên 73 ca, Khương Thượng 61 ca và Thổ Quan 60 ca. Quận Hoàn Kiếm có 1 phường ở cấp độ 3 là Hàng Gai với 45 ca mắc. Quận Ba Đình có 1 phường là Đội Cấn với 48 ca.
Quận Tây Hồ có 1 phường là Quảng An với 31 ca. Huyện Gia Lâm có 2 xã là Văn Miếu với 47 ca và Yên Thường với 57 ca. Huyện Đông Anh có 1 xã là Vân Nội với 46 ca.
Tính theo tỷ lệ số ca mắc cộng đồng/100.000 dân/tuần thì Khâm Thiên là phường đứng đầu với 429 ca, xếp sau là Hàng Gai với 389 ca và Trung Phụng với 309 ca.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/so-ca-covid-19-pha-ky-luc-1-quan-va-13-xa-phuong-ha-noi-tan... Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/so-ca-covid-19-pha-ky-luc-1-quan-va-13-xa-phuong-ha-noi-tang-cap-do-dich-d535472.html