Mỹ ra lệnh cho một số nhân viên lãnh sự quán rời khỏi Thượng Hải khi dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc đang trở nên căng thẳng hơn.
7 diễn biến
Ca mắc COVID-19 ở Thượng Hải tăng cao, lãnh sự quán Mỹ yêu cầu nhân viên sơ tán
Quyết định di chuyển nhân viên làm việc không cấp bách tại lãnh sự quán Mỹ ở Thượng Hải được đưa ra khi thành phố đang đối mặt với đợt bùng phát virus Corona căng thẳng nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch, The Guardian đưa tin.
Ngày 11/4 (giờ địa phương), bộ ngoại giao Mỹ đã yêu cầu các nhân viên chính phủ Mỹ làm việc không cấp bách rời khỏi lãnh sự quán ở Thượng Hải do sự gia tăng các ca mắc COVID-19 tại đây.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo những nhân viên làm việc không cấp bách có thể tự nguyện rời khỏi lãnh sự quán. Trong thông báo đưa ra cuối ngày 11/4, bộ này cho biết: “Thay đổi này phản ánh đánh giá của chúng tôi rằng điều tốt nhất đối với các nhân viên và gia đình họ là giảm số lượng nhân viên và công việc khi chúng tôi phải ứng phó với tình hình thay đổi trên thực tế”.
Thượng Hải đang chống chọi với đợt bùng phát COVID-19 căng thẳng nhất của Trung Quốc kể từ khi virus này xuất hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán vào cuối năm 2019.
Yêu cầu sơ tán nhân viên của lãnh sự quán Mỹ được đưa ra khi các nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu nới lỏng việc phong tỏa ở một số khu vực của Thượng Hải vào ngày 11/4.
Một số nhân viên lãnh sự quán Mỹ tại Thượng Hải đã được yêu cầu rời khỏi Trung Quốc do số ca nhiễm COVID-19 tại đây gia tăng. Ảnh: EPA.
Thành phố đông dân nhất của Trung Quốc cho biết họ sẽ cho phép mở cửa một số hoạt động ở các nơi không ghi nhận ca nhiễm nào trong ít nhất 2 tuần. Quan chức địa phương Gu Honghui cho rằng đây là các "hoạt động thích hợp". Cư dân của những khu vực này không được phép đi đến những địa điểm vẫn đang bị phong tỏa.
Chính quyền Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 12/4 thông báo sẽ gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa tại hơn 40% địa bàn, dù thành phố này đang tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục mỗi ngày...
Theo kết quả xét nghiệm PCR trên toàn thành phố vào hôm 9/4 và các dữ liệu khác, có 7.565 khu dân cư tại Thượng Hải không ghi nhận ca nhiễm mới trong vòng 14 ngày qua và được xác định là “khu vực phòng ngừa”. Đây là các khu vực được gỡ phong tỏa.
Danh sách các khu vực đủ điều kiện để được gỡ phong tỏa đang được công bố dần. Theo truyền thông địa phương, một số khu vực đã cho phép người dân ra khỏi nhà. Cư dân tại các khu vực này có thể đi lại trong các giới hạn được định sẵn nhưng vẫn được khuyến khích tránh ra ngoài nếu không cần thiết.
Tuy nhiên, số ca nhiễm trên toàn Thượng Hải vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Thành phố này ghi nhận 26.087 ca nhiễm mới trong ngày 10/4, lập kỷ lục ngày thứ 10 liên tiếp.
Trước đó, ngày 29/3, Thượng Hải siết chặt giai đoạn đầu của lệnh phong tỏa gồm hai giai đoạn phòng ngừa đại dịch COVID-19. Thành phố biển với 26 triệu dân này đã chia các khu vực dân cư thành 3 loại dựa trên rủi ro COVID-19 để hạn chế việc đi lại.
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/ca-mac-covid-19-o-thuong-hai-tang-cao-lanh-su-quan-my-y... Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/ca-mac-covid-19-o-thuong-hai-tang-cao-lanh-su-quan-my-yeu-cau-nhan-vien-so-tan-a533969.html
Mỹ, Trung Quốc trước mối đe dọa BA.2
Một số vùng ở Mỹ đang chứng kiến số ca Covid-19 gia tăng trong bối cảnh nỗ lực xét nghiệm không còn mạnh mẽ như trước, làm dấy lên nỗi lo làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng tiếp theo có thể khó bị phát hiện. Theo trang Bloomberg, một đợt bùng phát dịch Covid-19 mới có thể đang xảy ra ở Mỹ mà chẳng ai hay biết.
Khi nền kinh tế hàng đầu thế giới này thúc đẩy phục hồi từ đại dịch, nhu cầu xét nghiệm tại phòng thí nghiệm không còn cao như trước trong lúc chính quyền liên bang cũng chuyển hướng ưu tiên tài trợ sang những lĩnh vực khác. Người dân ngày càng dựa vào xét nghiệm ở nhà nếu muốn nhưng kết quả hiếm khi được báo cáo, khiến giới chức y tế công không còn có nhiều thông tin về mức độ lây lan thật sự của dịch bệnh.
Vào cuối tháng 2-2022, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ bắt đầu dựa vào số ca nhập viện và ca nặng để xác định mức độ rủi ro tại cộng đồng, thay vì dựa vào số ca Covid-19 và tỉ lệ trường hợp xét nghiệm dương tính. Một số bang, trong đó có Arizona, Hawaii, Nevada, Ohio…, hiện không còn cung cấp cho CDC dữ liệu về số ca Covid-19 hằng ngày, khiến việc đánh giá tình hình dịch bệnh tại các bang này thêm khó khăn.
Ông Ashish Jha, người vừa được bổ nhiệm làm điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, ngày 11-4 cho biết số ca Covid-19 có tăng lên gần đây nhưng khẳng định ông không quá lo lắng, nhất là khi số ca nhập viện vẫn ở mức thấp khắp nước. Ông Jha bắt đầu công việc mới giữa lúc biến chủng phụ BA.2 của Omicron gây ra phần lớn ca nhiễm mới ở Mỹ.
Theo báo The New York Times, Mỹ ghi nhận trung bình hơn 31.000 ca/ngày trong tuần lễ khép lại hôm 10-4, tăng 3% so với 2 tuần trước. Dù vậy, TP New York và thủ đô Washington thuộc số những địa phương có số ca mới cao hơn con số trung bình vừa nêu.
Một người dân được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP New York - Mỹ hôm 11-4. Ảnh: Reuters
Nhiều trường học đã khôi phục quy định bắt buộc đeo khẩu trang giữa lúc số ca nhiễm tăng. Tương tự, TP Philadelphia, bang Pennsylvania hôm 11-4 trở thành thành phố lớn đầu tiên ở Mỹ quay lại với yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà sau khi số ca nhiễm tại đó tăng hơn 50% trong vòng 10 ngày. Giới chức y tế địa phương nhấn mạnh đang nỗ lực ngăn chặn nguy cơ xảy ra đợt bùng phát mới do BA.2 gây ra.
Bên ngoài nước Mỹ, một nỗi lo khác của Washington là diễn biến dịch Covid-19 ở TP Thượng Hải - Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ cuối ngày 11-4 ra lệnh nhân viên ngoại giao không thiết yếu rời khỏi thành phố đang bị phong tỏa này. Chính quyền Thượng Hải ngày 12-4 thông báo có thêm 23.342 ca Covid-19, nâng tổng số ca trong đợt bùng phát mới nhất lên hơn 200.000 dù không có trường hợp tử vong nào được công bố.
Nhiều người dân tại thành phố 26 triệu dân kể trên buộc phải ở nhà nhiều ngày qua khi nhà chức trách xử lý các ổ dịch theo chiến lược "không khoan nhượng với Covid-19". Đến ngày 12-4, theo Reuters, một số người được rời nhà lần đầu tiên trong hơn 2 tuần sau khi chính quyền có bước đi nới lỏng phong tỏa tại những khu vực được đánh giá là có nguy cơ thấp.
Trong khi đó, chính quyền TP Quảng Châu (dân số 18 triệu), tỉnh Quảng Đông ngày 11-4 bắt đầu chiến dịch xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng sau khi thông báo phát hiện hàng chục ca mới kể từ cuối tuần rồi. Các trường học đã chuyển sang dạy học trực tuyến từ đầu tuần này. Ngoài ra, mọi người dân được yêu cầu không rời thành phố trừ khi có lý do đặc biệt.
Theo đài CNBC, Trung Quốc đang vật lộn với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch nổ ra. Giới chức địa phương cho rằng biến chủng phụ BA.2 là nguyên nhân.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-trung-quoc-truoc-moi-de-doa-ba2-20220412205812879... Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-trung-quoc-truoc-moi-de-doa-ba2-20220412205812879.htm
Bộ Y tế: Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể phụ mới của Omicron
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế vừa cho biết, đến nay theo báo cáo của các đơn vị, nước ta chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron.
Theo kết quả giải trình tự gen của virus SARS-CoV-2 gần đây, 97-98% số ca mắc nhiễm biến thể phụ BA.2, số còn lại nhiễm chủng Delta, BA.1...
Từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3, số ca COVID-19 tại nước ta tăng nhanh do biến thể Omicron phổ biến ở nhiều tỉnh, thành thay thế dần biến thể Delta. Biến thể phụ BA.2 của biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh, tuy nhiên ít làm tăng nặng hơn.
Biến chủng phụ của Omicron là BA.2, còn gọi là "Omicron tàng hình", lây nhiễm nhanh hơn phiên bản gốc BA.1 khoảng 30%.
Nước ta chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron (ảnh minh họa)
Trước đó, ngày 11/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo, cơ quan này đang theo dõi một số ca nhiễm hai biến thể phụ mới của Omicron để xem các biến thể phụ này có dễ lây lan hay nguy hiểm hơn hay không.
Cụ thể, WHO đã bổ sung BA.4 và BA.5 - biến thể “cùng lứa” với biến thể phụ gốc BA.1 của Omicron vào danh sách các biến thể cần theo dõi.
Trước đó, WHO đã công bố một số kết quả nghiên cứu sơ bộ về một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, với bằng chứng ban đầu cho thấy khả năng lây lan nhanh hơn cả biến thể Omicron.
Điều đáng nói, biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vắc-xin hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%. Dù tốc độ lây lan nhanh hơn nhưng biến thể BA.2 ít làm tăng mức độ bệnh nặng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, những ngày qua, số ca mắc COVID-19 tử vong giảm mạnh trên cả nước. Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 25 ca/ngày. Đáng chú ý, ngày 11/4, nước ta ghi nhận 17 ca mắc Covid-19 tử vong tại 11 tỉnh, thành phố. Đây là số ca tử vong theo ngày thấp nhất trong thời gian qua.
Ngày 12/4, cả nước ghi nhận 28 ca tử vong do COVID-19.
Nguồn: http://danviet.vn/bo-y-te-viet-nam-chua-ghi-nhan-ca-nhiem-bien-the-phu-moi-cua-omicron-... Nguồn: http://danviet.vn/bo-y-te-viet-nam-chua-ghi-nhan-ca-nhiem-bien-the-phu-moi-cua-omicron-502022134113316341.htm
Trung Quốc bảo vệ “không Covid-19” đến cùng, Thượng Hải lập "đỉnh" mới
Theo hãng tin ANI, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 12-4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết chính sách “không Covid-19” và các biện pháp chống dịch của nước này dựa trên cơ sở khoa học và ý kiến của các chuyên gia, đồng thời phù hợp với thực tế của Trung Quốc và các nguyên tắc chỉ đạo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ông Triệu nói: "Các biện pháp đó đã bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của công dân Trung Quốc và người nước ngoài sống ở Trung Quốc một cách hiệu quả, góp phần quan trọng vào cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu. Cộng đồng quốc tế, bao gồm cả WHO, đánh giá cao điều này. Một số thành phố của Trung Quốc đã áp đặt một loạt biện pháp phòng ngừa và kiểm soát để đối phó với các đợt bùng phát Covid-19 lẻ tẻ. Mặc dù các biện pháp này gây ra một số tác động đến đời sống và sản xuất nhưng tác động đó bị hạn chế cả về thời gian lẫn phạm vi. Tất cả biện pháp phòng ngừa và kiểm soát đều phải trả giá".
Cư dân Thượng Hải xếp hàng để xét nghiệm Covid-19 ngày 4-4. Ảnh: Reuters
Bắc Kinh đưa ra phản ứng trên sau khi Văn phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc cho hay các đợt phong toả Covid-19 của Trung Quốc đã gây ra "sự gián đoạn đáng kể" đối với nhiều công ty. Gần một nửa số công ty Đức phàn nàn trong một cuộc khảo sát gần đây rằng chuỗi cung ứng của họ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, ít nhất 11 công ty Đài Loan (Trung Quốc), chủ yếu sản xuất các bộ phận điện tử, phải đình chỉ hoạt động vì gián đoạn do các biện pháp chống Covid-19 của đại lục.
Tại trung tâm tài chính Thượng Hải, nơi bị tác động nặng nhất bởi đợt bùng phát Covid-19 mới, các biện pháp phong toả đã dẫn đến những hậu quả không nhỏ, theo báo South China Morning Post. Tờ báo này thống kê Trung Quốc có thể bị thiệt hại 46 tỉ USD mỗi tháng do chính sách chống Covid-19 nghiêm ngặt.
Ngày 13-4, chính quyền Thượng Hải cảnh báo bất kỳ người nào vi phạm lệnh phong tỏa Covid-19 sẽ bị trừng phạt giữa thời điểm số ca mắc tăng trở lại, lên hơn 26.330 ca, lập kỷ lục mới. Số ca mắc có triệu chứng ở Thượng Hải tăng từ 914 ca một ngày trước đó lên 1.189 ca.
Hầu hết cư dân Thượng Hải - ngoại trừ nhân viên cứu hộ và chăm sóc sức khỏe - đang bị phong tỏa tại nhà hoặc nơi làm việc kể từ ngày 5-4. Sở cảnh sát thành phố kêu gọi mọi người "chiến đấu hết mình với đại dịch để hướng tới chiến thắng sớm nhất".
Trong khi đó, Caixin đưa tin Thượng Hải là 1 trong 8 thành phố đang tham gia kế hoạch thí điểm nhằm nới lỏng yêu cầu cách ly tập trung từ 14 ngày xuống còn 10 ngày.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết hầu hết ca mắc mới Covid-19 đều không có triệu chứng và chưa ghi nhận thêm ca tử vong nào kể từ ngày 1-3.
Tính đến ngày 13-4, Trung Quốc báo cáo tổng cộng 168.362 ca mắc Covid-19, 4.638 ca tử vong và 141.898 trường hợp phục hồi.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-bao-ve-khong-covid-19-den-cung-thuong-hai... Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-bao-ve-khong-covid-19-den-cung-thuong-hai-lap-dinh-moi-20220413125357616.htm
Nhật Bản ghi nhận ca biến chủng tái tổ hợp XE Omicron đầu tiên
Thông tin trên vừa được công bố bởi Bộ Y tế Nhật Bản. Như vậy, Nhật Bản là quốc gia thứ 4 ở châu Á phát hiện biến chủng tái tổ hợp XE Omicron, sau Thái Lan, Ấn Độ và Israel, theo đài CNBC.
Theo Japan Times, người phụ nữ hạ cánh xuống sân bay Narita từ hôm 26-3. Mẫu bệnh phẩm của cô đã được gửi đến Viện Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia (Nhật Bản), thực hiện giải trình tự toàn bộ bộ gien SARS-CoV-2 và được xác định là biến chủng tái tổ hợp XE Omicron.
Một hành khách đằng sau bảng thông báo về các biện pháp Covid-19 tại sân bay Haneda, Tokyo - Ảnh: REUTERS
Quốc gia nơi cô xuất phát - Mỹ - hiện chưa báo cáo trường hợp XE Omicron nào.
Cô đã được tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 của Pfizer trước đó và là ca không triệu chứng, hiện đã hoàn thành thời gian cách ly.
Viện Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia cũng đang xử lý 2 mẫu bệnh phẩm khác, cũng được lấy từ những người mới nhập cảnh tại Nhật, được xác định mang vật chất di truyền của biến chủng Omicron nhưng không thể xác định biến chủng phụ.
XE vốn là dòng tái tổ hợp từ 2 biến chủng phụ BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron, có bằng chứng cho rằng có thể lây nhanh hơn BA.2 khoảng 10% nên được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) theo dõi chặt chẽ, tuy rằng chính WHO cũng tuyên bố việc lây nhanh này cần phải xác nhận thêm.
Không có bằng chứng cho thấy XE gây bệnh nặng hơn các dòng Omicron khác và hiện nó vẫn được coi là một nhánh phụ của Omicron chứ không phải biến chủng độc lập.
Các ca nhiễm XE Omicron ở Thái Lan và Ấn Độ trước đó cũng là các ca bệnh nhẹ, không triệu chứng.
Theo CNBC, số trường hợp XE Omicron vẫn đang gia tăng tại Anh. Nếu như thống kê cho đến ngày 25-3 là 637 trường hợp thì ngày 5-4 là 1.125 trường hợp.
Tuy nhiên, ngành y tế Anh không tỏ ra lo ngại. CNBC dẫn lời Giám đốc lâm sàng và các bệnh truyền nhiễm của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) Meera Chand: "Chúng tôi tiếp tục theo dõi các trường hợp của biến chủng XE tái tổ hợp ở Anh, hiện chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ các trường hợp mắc bệnh".
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/nhat-ban-ghi-nhan-ca-bien-chung-tai-to-hop-xe-omicron-dau-t... Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/nhat-ban-ghi-nhan-ca-bien-chung-tai-to-hop-xe-omicron-dau-tien-20220412150744064.htm
Trẻ mắc Covid-19, cả lớp không phải nghỉ học
Chị Trần Thuỳ Linh, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, trước khi trẻ đi học, giáo viên chủ nhiệm tổ chức họp phụ huynh để thông báo những việc cần chuẩn bị, trong đó đề nghị cha mẹ trò chuyện với con về việc sẽ quay lại trường, thiết lập các thói quen mới, giúp trẻ không bỡ ngỡ. “Ngày đi học, trẻ được dặn mang 1 khẩu trang dự phòng, một khăn mặt cá nhân, 2 bộ quần áo. Còn lại, nhà trường đã giặt, sấy chăn, gối, bát đũa để trẻ sinh hoạt trong ngày đầu tới trường. Bé cũng háo hức, mong chờ được gặp bạn, gặp cô”, chị Linh nói.
Nhiều phụ huynh khác cũng cho biết, đã chờ đợi ngày trẻ được đi học trực tiếp từ lâu.
Đại diện một số trường ngoài công lập cho biết, trước đây tùy trường quy định, trẻ học từ 2 tuần trở lên sẽ đóng học phí cả tháng nhưng trong điều kiện hiện nay trẻ học nửa tháng sẽ tính phí nửa tháng để thu hút trẻ.
Hôm nay, trẻ mầm non tại Hà Nội được đến trường sau 1 năm ở nhà chống dịch. Ảnh: Quỳnh Anh
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng GDĐT huyện Đan Phượng cho biết, địa phương chủ yếu là các cơ sở giáo dục mầm non công lập nên không gặp nhiều khó khăn khi hoạt động trở lại. Qua khảo sát có 87,7% trẻ ở độ tuổi nhà trẻ và 92% trẻ ở độ tuổi mẫu giáo đăng ký đến trường. Phòng GDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục trang trí, chuẩn bị đón trẻ với tinh thần phấn khởi, thu hút trẻ vì các cháu đã ở nhà với người thân quá lâu ngày.
Bà Đường Thị Lệ, Phó trưởng Phòng GDĐT quận Hà Đông cũng nói, quận có khoảng 30.000 trẻ mầm non trong độ tuổi đến trường. Có 80% cha mẹ đăng ký đưa con đến lớp. Mở cửa trở lại, trường công lập khá thuận lợi, đội ngũ giáo viên không ai nghỉ việc, trường lớp được duy trì vệ sinh sạch sẽ. Riêng khối tư thục có khoảng 20 nhóm lớp giải thể vì không đủ tiền thuê nhà, giáo viên bỏ việc. Các cơ sở khác cũng gặp khó về đội ngũ nhưng khi hoạt động cơ sở sẽ tuyển dụng thêm.
Trong khi đó, quận Hoàng Mai có 352 cơ sở giáo dục mầm non tư thục nhưng tỉ lệ trẻ đăng ký đến trường trong ngày đầu khá thấp (chiếm 66%). Số giáo viên của các nhóm lớp đăng ký đi làm từ hôm nay đạt 63,2%. So với tỷ lệ trẻ đăng ký trở lại trường, trước mắt quận này có thể đáp ứng được nhu cầu.
Sở GDĐT Hà Nội thông tin, đơn vị đã xin ý kiến của Sở Y tế về phương án xử lý F0 trong trường mầm non và được hướng dẫn áp dụng như các bậc học khác đảm bảo an toàn, linh hoạt. Nếu phát hiện trẻ nào hiện dương tính với Covid-19, thì thực hiện việc rà soát những trẻ tiếp xúc gần để bố mẹ theo dõi, test nhanh cho bé. Như vậy, với phương án mới, sẽ không còn việc 1 trẻ trở thành F0, cả lớp nghỉ học như quy định trước đây.
Nguồn: https://danviet.vn/tre-mac-covid-19-ca-lop-khong-phai-nghi-hoc-20220413070328139.htm Nguồn: https://danviet.vn/tre-mac-covid-19-ca-lop-khong-phai-nghi-hoc-20220413070328139.htm
Hàng xóm hỗ trợ nhau kiểu đặc biệt trong dịch Covid-19, dân mạng giục "cưới ngay"
Theo SCMP, cô gái liên tục nhận được “chăm sóc đặc biệt” từ anh hàng xóm đã chia sẻ câu chuyện thú vị của mình lên Douyin – một mạng xã hội Trung Quốc. Theo đó, cả 2 đang sống ở Thượng Hải và không thể ra khỏi nhà trong dịch Covid-19. Khi biết cô gái cạnh nhà gặp khó khăn trong việc đặt mua đồ ăn, anh hàng xóm tên Afei đã dùng thiết bị bay không người lái để gửi tới rau, dưa chuột, cam, cá…
Người đàn ông dùng thiết bị bay không người lái gửi cá cho cô gái nhà bên (ảnh: SCMP)
“Anh ấy dành cả đêm để săn thức ăn trên mạng. Anh ấy mua được 1 con cá và chia cho tôi một nửa”, cô gái chia sẻ và viết thêm rằng có lần mình nhận được một chiếc bánh bao kèm mảnh giấy nhắc nhở hãy ăn sáng đầy đủ.
Để trả ơn, cô gái đôi khi gửi cho Afei một chút đồ ăn nhẹ.
Câu chuyện của 2 người hàng xóm nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc. Nhiều người cho rằng đây là “một cặp trời sinh” và nên làm đám cưới sau khi Thượng Hải kiểm soát được dịch bệnh, theo SCMP.
“Anh ấy đã dành cho bạn những gì tuyệt vời nhất vào lúc này”, một cư dân mạng bình luận.
“Nếu 2 người còn độc thân thì phải cưới ngay. Chúng tôi sẽ gửi tới 2 người những lời chúc tốt đẹp nhất”, một người khác viết.
Nguồn cung nhu yếu phẩm đang là vấn đề khó khăn đối với không ít người dân Thượng Hải khi thành phố triệt để thực hiện biện pháp hạn chế đi lại và số nhân viên giao hàng giảm dần do nhiễm Covid-19.
Mới đây, Kathy Xu – nữ tỷ phú được mệnh danh là “nữ hoàng đầu tư” ở Trung Quốc – đã phải lên mạng xã hội để tìm cách mua bánh mì và sữa khi sống ở Thượng Hải.
“Hàng xóm có thể chỉ cho tôi chỗ mua bánh mì được không? Gia đình chúng tôi có rất nhiều người. Chúng tôi cần bánh mì và sữa. Cảm ơn mọi người”, Kathy Xu viết trên một nhóm trên Wechat.
Hôm 11.4, Thượng Hải ghi nhận thêm hơn 25.000 ca nhiễm Coivid-19 mới, chủ yếu là các trường hợp không biểu hiện triệu chứng. Thành phố hơn 25 triệu dân hiện vẫn là tâm dịch lớn nhất của Trung Quốc.
Mới đây, một cặp đôi đã ly hôn 6 năm cho biết, họ đang tính đến chuyện tái hôn khi vô tình bị cách ly cùng nhà ở Thượng Hải.
Người phụ nữ trong câu chuyện cho hay, khi tới thăm con ở nhà chồng, cô vô tình bị cách ly chung suốt hơn 20 ngày. Tình cảm vợ chồng giữa 2 người nảy nở trở lại trong bối cảnh Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 180.000 người ở Thượng Hải.
Nguồn: http://danviet.vn/thuong-hai-hang-xom-ho-tro-nhau-kieu-dac-biet-trong-dich-covid-19-dan... Nguồn: http://danviet.vn/thuong-hai-hang-xom-ho-tro-nhau-kieu-dac-biet-trong-dich-covid-19-dan-mang-giuc-cuoi-ngay-502022124194415937.htm