Sáng 14/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận 4 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 3 ca ngoài cộng đồng ở bản Chăm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An).
3 ca ngoài cộng đồng ở bản Chăm Puông là người dân tộc Khơ Mú. Bệnh nhân C. T. L (nữ, SN 1979). BN trong thời gian qua chỉ ở nhà, đi làm rẫy, không đi đâu và không tiếp xúc với người nào đi từ vùng dịch trở về địa phương. 3 ngày trước bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ, ho húng hắng, không mệt mỏi, được điều dưỡng Trạm y tế xã Bảo Thắng đến kê đơn thuốc và truyền dịch tại nhà.
Ngày 13/7, bệnh nhân đi cùng con trai, con dâu đến Trung tâm y tế huyện khám bệnh và được lấy mẫu test nhanh 3 lần dương tính; sau đó cho lấy mẫu gửi CDC làm xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS- CoV-2.
Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An họp khẩn ngay trong đêm với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện Tương Dương
2 bệnh nhân còn lại là con dâu và cháu của bà L. Cụ thể, bệnh nhân M. T. H (nữ, SN 1998, con dâu của BN L). Trong thời gian nghỉ sinh để chăm sóc con BN không đi đâu. Trưa ngày 12/7, BN có biểu hiện ớn lạnh, không sốt, không ho, không mệt. 11h00 ngày 13/7 bệnh nhân đi cùng chồng, mẹ chồng đưa con cùng đi khám bệnh tại Trung tâm y tế huyện Tương Dương và được lấy mẫu test nhanh 3 lần dương tính; lấy mẫu gửi CDC cho kết quả xn kết quả dương tính với SARS- CoV-2. Bệnh nhân thứ 3 là C. T. B.N (nữ, SN 2021, con BN H).
Ông Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nhấn mạnh, tiến hành ngay lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan đến 3 ca bệnh này. Đồng thời, cách ly các F1, F2 và giám sát quản lý chặt các trường hợp cách ly tại nhà và khu cách ly tập trung tránh lây chéo.
Ngoài ra, ông Chỉnh cũng đề nghị huyện tiến hành chốt chặn, phong tỏa, cách ly theo Chỉ thị 16 bản Chằm Puông, "nội bất xuất, ngoại bất nhập" và thực hiện phong tỏa xã Lưỡng Minh theo Chỉ thị 15. Tiến hành tiêu trùng khử độc. Đối với Trung tâm Y tế, cần khẩn trương cho các nhân viên tiếp xúc với BN cách ly tập trung.
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An
Bệnh nhân thứ 4 là T. V T (nam, ở xóm 1, xã Tân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An). Ngày 1/7 BN đau đốt sống cổ nên đi khám tại BVĐK Minh An, Quỳnh Lưu và được làm test nhanh cho kết quả âm tính. Sau đó BN được chuyển vào khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An).
Tại đây BN được làm xét nghiệm RT-PCR 03 lần vào các ngày 1/7, 3/7, 7/7 và đều cho kết quả âm tính. Ngày 13/7 BN được lấy mẫu lần 4 cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Tiền sử BN có tiếp xúc với con trai đi từ Dĩ An-Bình Dương về ngày 27/6 (anh này đã được test nhanh âm tính ngày 1/7).
Liên quan đến ca bệnh này, một khu của Trung tâm bệnh nhiệt đới bị phong tỏa, "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Ngay sau khi phát hiện các ca dương tính, CDC Nghệ An đã triển khai các đoàn điều tra, truy vết đến các địa phương để điều tra các F và gấp rút phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
(Theo Gia đình & Xã hội)
100% cơ quan, đơn vị ở Hà Nội phải quản lý người ra vào bằng mã QR theo hướng dẫn của Bộ Y tế
UBND TP Hà Nội yêu cầu các địa phương chỉ đạo quyết liệt việc khai báo y tế điện tử và quét mã QR để kiểm soát thông tin người ra vào đối với các cơ quan, tổ chức, cơ sở, địa điểm trên địa bàn theo hướng dẫn tại Quyết định số 2666/QĐ-BYT ngày 29/05/2021 của Bộ Y tế.
Theo đó, tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ, khu công nghiệp, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, bến xe, bến tàu, phương tiện vận tải, các cơ sở giáo dục, dạy nghề, cơ sở y tế… phải thực hiện kiểm soát người vào đơn vị bằng việc quét mã QR.
Bảng mã QR Code được bố trí ngay từ cổng ra vào UBND phường Phúc La để phục vụ công tác phòng dịch COVID-19
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, nhắc nhở, yêu cầu người dân khi ra vào các đơn vị, các địa điểm công cộng cần thực hiện quét mã QR.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở. Phối hợp với đơn vị liên quan của Bộ Y tế sử dụng các hệ thống công nghệ do Trung tâm công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia cung cấp cho Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan khai thác phục vụ công tác quản lý và truy vết.
Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị truy cập địa chỉ: https://tailieu.bluezone.gov.vn để tải tài liệu hướng dẫn sử dụng và triển khai quét mã QR.
Ghi nhận của phóng viên ngày 14/7, tại trụ sở UBND một số phường tại Hà Nội như phường Phúc La, phường Cự Khối, Ô Chợ Dừa… bảng mã QR được bố trí ngay từ cổng ra vào để phục vụ công tác phòng dịch COVID-19, kèm theo đó là nước rửa tay để phục vụ người dân đến làm việc.
Ở bộ phận một cửa cũng đã được bố trí mã QR ở những nơi dễ quan sát để người dân có thể dễ dàng khai báo y tế. Mọi người dân đến các cơ quan đều phải thực hiện quét mã để thuận tiện cho việc truy vết khi cần thiết.
Anh Lê Phan Nhân (33 tuổi, trú tại phường Phúc La, quận Hà Đông) cho biết, việc khai báo y tế qua việc quét mã QR rất đơn giản và tiện lợi gần như ai cũng có thể làm được. Chỉ cần bấm máy ảnh lên mã QR sẽ hiện ra một trang web để mình có thể khai báo đầy đủ thông tin. Đối với người dân, chưa biết cách quét mã QR thì sẽ được cán bộ Phường hướng dẫn tỉ mỉ.
Thời gian khai báo chưa đến 1 phút giúp tiết kiệm thời gian hơn so với việc khai báo bằng giấy như trước đây. Những thao tác này đã được ngành y tế hướng dẫn chi tiết trước đó.
Ông Đặng Đình Thảo - phụ trách Văn hóa - Xã hội, UBND phường Cự Khối cho biết, ngay từ đầu năm 2021, phường đã tiến hành in các mã QR và dán ở các điểm dễ quan sát như cổng Ủy ban và điểm tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính, bộ phận một cửa.
Theo ông Thảo, việc quét mã QR cho người dân, cán bộ khi đến phường làm việc góp phần phục vụ công tác truy vết khi cần thiết.
(Theo Gia Đình & Xã hội)
TP HCM xem xét thí điểm cho bán hàng thiết yếu ở chợ truyền thống có phát phiếu mua hàng
Sáng 14-7, tại buổi làm việc với UBND huyện Hóc Môn về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện này, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong thông tin TP đang xem xét thí điểm tổ chức cho vài tiểu thương bán thịt, cá và rau, củ quả ở những chợ đang bị đóng cửa.
Theo đó, lãnh đạo UBND TP HCM yêu cầu Sở Công Thương thống nhất cách thực hiện, sớm triển khai thí điểm tại các địa phương, đảm bảo nhu cầu lương thực thực phẩm cho người dân trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 16. Không để người dân thiếu thốn, khó khăn khi mua lương thực nhất là tại các khu phong tỏa.
Đại diện Sở Công Thương cho biết kế hoạch là mỗi chợ chỉ chọn vài tiểu thương có đủ năng lực cung cấp 2 mặt hàng thiết yếu là cá, thịt và rau, củ, quả. Tiểu thương sẽ chia hàng hóa nhỏ trong từng túi, đồng giá, người dân chỉ việc đến lấy túi hàng, để lại tiền, hạn chế tiếp xúc. Ngoài ra, người dân sẽ được phát phiếu đi chợ, đảm bảo yêu cầu giãn cách, không tập trung tại 1 quầy hàng.
Lãnh đạo TP HCM khảo sát Khu khám sàng lọc bệnh nhân Covid-19 tại xã Xuân Thới Thượng
Tại buổi làm việc với huyện Hóc Môn, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cao việc chủ động trong khoanh vùng, test nhanh có mục tiêu, trọng tâm ở những khu vực có nguy cơ cao được lãnh đạo huyện này áp dụng. Để tiếp tục truy vết nhanh, tách F0 ra khỏi cộng đồng, ông Nguyễn Thành phong yêu cầu lãnh đạo huyện Hóc Môn tiếp tục khoanh vùng, test nhanh, không chạy theo chỉ tiêu, dù lấy ít mẫu nhưng có chất lượng, lưu ý quá trình thực hiện phải tuân thủ quy tắc 5K.
Ngoài ra, lãnh đạo TP yêu cầu huyện Hóc Môn phát huy vai trò của Tổ Covid cộng đồng để giám sát, kiểm tra trong khu phong tỏa, tránh trường hợp người dân trong khu phong tỏa giao lưu qua lại, lây nhiễm chéo.
Thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện, ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết toàn huyện có 1.500 ca mắc Covid-19 với 261 khu phong tỏa, khoảng 320 nhân viên y tế rải đều 12 xã, thị trấn. Để rà soát các ca F0, từ ngày 5-7 đến 10-7, huyện triển khai test nhanh sàng lọc đối với nhóm nguy cơ cao gồm những hộ trong khu cách ly, phong tỏa và những người yếu thế, lao động tự do. Qua sàng lọc, phát hiện 500 ca mắc Covid- 19.
Từ 13-7, huyện thay đổi chiến lược, bắt đầu thí điểm 3 tổ cơ động test nhanh từng nhà tại Thị trấn Hóc Môn và từ ngày 15-7 sẽ triển khai 12 tổ cơ động trên 12 xã, thị trấn đến từng hẻm nhỏ để lấy mẫu, test nhanh. Với cách làm này, chủ tịch huyện Hóc Môn nhận định khá hiệu quả trong việc truy vết F0 với số ca bệnh tăng lên mỗi ngày.
Cũng trong sáng 14-7, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã đến khảo sát Khu khám sàng lọc bệnh nhân Covid – 19 tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Tại đây, Chủ tịch UBND TP yêu cầu lãnh đạo xã nếu thiếu nhân sự, khó khăn về vật tư y tế kiến nghị ngay với lãnh đạo Sở Y tế để giải quyết kịp thời.
(Theo Người Lao Động)
7 người về từ vùng dịch chậm khai báo, khai gian dối lĩnh phạt 105 triệu đồng
Ngày 13/7, thông tin từ UBND huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cho biết, ông Tô Ngọc Liễn - Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với 7 công dân từ vùng dịch trở về địa phương về hành vi cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
1 trong 7 trường hợp bị xử phạt hành chính
Theo đó, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Văn Sỹ (SN 1995), ông Nguyễn Hoàng Việt (SN 1996) cùng trở về từ tỉnh Bình Dương và bà Lê Thị Thu Hằng, ông Lý Văn Di, ông Lý A Tráng vi phạm hành chính khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân.
Xử phạt ông Lý Văn Trãi, bà Lương Thị Thơi về hành vi vi phạm cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Theo UBND huyện Bảo Yên, khi phát hiện các trường hợp công dân từ vùng dịch Bình Dương, Bắc Ninh trở về địa phương khai báo không kịp thời, Công an huyện Bảo Yên đã điều tra, xác minh lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và tham mưu cho UBND huyện Bảo Yên ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 trường hợp trên.
Căn cứ Quy định pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên đã ra Quyết định xử phạt mỗi trường hợp vi phạm 15 triệu đồng, tổng số tiền xử phạt 105 triệu đồng.
(Theo Dân Việt)
Phong toả 2 phường Tăng Nhơn Phú A và Long Thạnh Mỹ ở TP Thủ Đức
Tối 13-7, UBND TP Thủ Đức (TP HCM) ra thông báo áp dụng thiết lập phong toả, cách ly y tế vùng có dịch đối với phường Tăng Nhơn Phú A và phường Long Thạnh Mỹ (TP Thủ Đức) để phòng, chống dịch Covid-19. Riêng phường Long Thạnh Mỹ phong toả không bao gồm phần diện tích thuộc Khu Công nghệ cao TP HCM.
Nhiều tuyến đường ở TP Thủ Đức bị phong toả do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp
Thời gian phong toả phường Tăng Nhơn Phú A và Long Thạnh Mỹ bắt đầu từ 12 giờ ngày 14-7 đến khi có thông báo mới
Phường Tăng Nhơn Phú A gồm 7 khu phố, 91 tổ dân phố với diện tích 418,3 ha, 12.595 hộ, 44.595 nhân khẩu.
Phường Long Thạnh Mỹ (không bao gồm diện tích thuộc Khu Công nghệ cao) gồm 6 khu phố, 67 tổ dân phố với diện tích 923,98 ha, 10.014 hộ, 34.161 nhân khẩu.
Trong thời gian áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly y tế, người dân 2 địa phương trên không được đi ra khỏi khu vực áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly trừ nhân viên y tế, trường hợp thực hiện công vụ, các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.
Đảm bảo giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cách ly giữa nhà với nhà, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, công ty.
Trong trường hợp cá nhân không tuân thủ yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly y tế thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
(Theo Người Lao Động)
TP.HCM có 8 ổ dịch đang diễn tiến tại các khu công nghiệp
Thông tin trên được BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết tại cuộc họp báo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM ngày 13/7.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, từ 6h ngày 12/7 đến 6h ngày 13/7, Thành phố có 1.602 trường hợp mới phát hiện, phần lớn là trong khu cách ly và phong tỏa. Trong số này có 8 nhân viên y tế phơi nhiễm nghề nghiệp, gồm một nhân viên y tế bệnh viện quận Phú Nhuận, một ở Bệnh viện Quận 7, một ở Bệnh viện Nhi đồng 2 và 5 nhân viên y tế Trung tâm Y tế quận Bình Tân.
Hiện Thành phố có 70 ổ dịch, trong đó 26 ổ dịch đang diễn tiến, gồm 6 ổ dịch ở chợ, 12 ổ dịch khu dân cư và 8 ổ dịch phát hiện tại các khu công nghiệp. Trong 24h qua Thành phố không phát sinh ổ dịch mới.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm cung cấp thông tin về tình hình truy vết các ca dương tính trong ngày. Ảnh: HCDC
Đại diện HCDC cũng cho biết thêm về chuỗi lây nhiễm tại Khu chế xuất Tân Thuận, hiện chuỗi này đã ghi nhận 400 ca mắc tại 50 công ty. Cụ thể, từ 25/6, ngành y tế phát hiện một F0 là nhân viên một công ty trong khu chế xuất. Đây là F1 của một ca mắc COVID-19 khác đã cách ly tập trung từ trước. Trong khu cách ly, F1 này chuyển thành F0 nên tiếp tục truy vết các trường hợp ở công ty.
Trung tâm Y tế quận 7 thực hiện xét nghiệm nhanh và mẫu gộp PCR thì phát hiện 154 ca dương tính là công nhân tại công ty này. Qua điều tra truy vết, ngành y tế phát hiện thêm 160 ca tại nhiều công ty khác.
Liên quan đến thông tin công nhân phản ánh công ty TNHH PouYuen ở quận Bình Tân, Phó Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, các trường hợp F0 ở công ty này đều ghi nhận trong khu cách ly.
Đến ngày 13/7, qua điều tra truy vết rộng những trường hợp liên quan đến bệnh nhân này thì phát hiện thêm tổng cộng 49 ca F0. Ngày gần nhất xác định ca F0 là 11/7, những trường hợp này đều là F1 và được đi vào trong khu cách ly, có nghĩa là ngày hôm nay không phát hiện trường hợp dương mới.
Theo thông tin mới nhất cập nhật, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam với hơn 56.000 lao động sẽ tạm dừng sản xuất 10 ngày bắt đầu từ ngày hôm nay (14/7) đến ngày 23/7 theo yêu cầu chính quyền địa phương để phòng chống dịch do không thể bố trí cho tất cả người lao động ăn ở tại nhà máy.
Quyết định tạm dừng 10 ngày được đưa ra sau khi lãnh đạo nhà máy làm việc với chính quyền quận Bình Tân. Theo đó, quận Bình Tân đề nghị PouYuen chỉ được sản xuất khi khi bố trí toàn bộ công nhân ở lại nhà máy, cứ 3 ngày tất cả lao động phải được xét nghiệm tầm soát COVID-19. Công ty không thể đáp ứng những yêu cầu này.
(Theo Gia đình & Xã hội)
TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên nâng mức độ giãn cách từ 15-7
Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã có công văn hỏa tốc áp dụng các hoạt động giãn cách xã hội trong vòng 14 ngày trên phạm vi toàn TP, kể từ 0 giờ ngày 15-7. Theo đó, chính quyền TP Tuy Hòa yêu cầu tất cả người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết.
Không tập trung quá hai người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.
TP Tuy Hòa dừng triệt để các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng có tập trung đông người, các hoạt động khác tại nơi công cộng. Đám tang không quá 30 người, đám cưới không quá 20 người và phải được cơ quan y tế tại nơi tổ chức giám sát nghiêm ngặt.
UBND TP Tuy Hòa yêu cầu giảm số người làm việc tại cơ quan, công sở, tăng cường làm việc trực tuyến (riêng lực lượng vũ trang, y tế và một số đơn vị đặc thù đảm bảo 100% quân số). Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân.
Trước đó, TP Tuy Hòa đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg từ 15 giờ ngày 24-6. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 ở TP Tuy Hòa vẫn liên tục tăng. Sau 20 ngày dịch bùng phát, đến sáng 14-7, TP Tuy Hòa đã có đến 369 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có ba ca tử vong. Do đó, TP Tuy Hòa đã quyết định nâng giãn cách xã hội ở mức “nguy cơ rất cao”.