Dịch COVID-19 ở TP Quy Nhơn diễn biến phức tạp khi số ca ghi nhận trong cộng đồng tiếp tục gia tăng, địa phương đang khẩn trương truy vết.
Liên tục có ca dương tính trong cộng đồng, một thành phố lớn phong toả nhiều phường
Sáng 15/9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Định công bố 11 ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn. Trong đó, đáng chú ý có 7 ca ghi nhận tại TP Quy Nhơn. Trong đó có 6 ca liên quan đến ổ dịch tại phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn).
Như vậy, liên quan đến ổ dịch tại phường Hải Cảng, đến nay đã ghi nhận từ ngày 12/9 đến nay, trên địa bàn 5 phường, xã nói trên đã ghi nhận 33 bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Trong đó, phường Hải Cảng có có 25 người, phường Trần Hưng Đạo 3 người, phường Đống Đa 2 người, phường Ngô Mây 2 người và phường Nguyễn Văn Cừ 1 người.
Nhiều khu vực liên quan đến các ca dương tính ở TP Quy Nhơn bị tạm thời phong tỏa.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam đã ký quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa tạm thời 5 phường gồm: Hải Cảng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Mây và phường Đống Đa trên địa bàn thành phố để tầm soát phòng chống dịch COVID-19.
5 địa phương trên sẽ bị phong tỏa tạm thời trong 48 giờ, kể từ 0h ngày 16/9.
"Chúng tôi giao Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn chủ trì, phối hợp với 5 phường trên chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị y tế để tầm soát diện rộng, truy vết F0 và triển khai khẩn cấp các biện pháp chống dịch. Chủ động các phương án phong tỏa tạm thời trên địa bàn, khoanh vùng, khống chế, kiểm soát kịp thời dịch bệnh, hạn chế thấp nhất lây lan cộng đồng", ông Nam yêu cầu.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng yêu cầu Sở Y tế cần tập trung nhân lực cho TP Quy Nhơn để phòng chống dịch COVID-19, đây là địa phương vừa xuất hiện ổ dịch nguy cơ rất cao.
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu thực hiện nghiêm giãn cách, “ai ở đâu thì ở đó”, cách ly người với người, gia đình với gia đình, khu phố với khu phố, thôn xóm với thôn xóm, xã phường với xã phường...
Thực hiện xét nghiệm tầm soát trên diện rộng cho người dân, đặc biệt là tại các địa bàn có nguy cơ rất cao, hoặc nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam) để sàng lọc, phát hiện sớm người nhiễm, hạn chế lây lan ra cộng đồng và tổ chức chăm sóc người nhiễm phù hợp.
Thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 ngay ở xã, phường, tại trạm y tế hoặc điểm tiêm lưu động, bố trí nhiều điểm tiêm để người dân trong các nhóm đối tượng tiêm chủng được tiêm vắc xin phòng COVID-19 sớm nhất, gần nhà nhất có thể.
(Theo Báo Giao Thông)
Sóc Trăng trở lại trạng thái “bình thường mới”
Chiều ngày 15/9, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ 0h ngày 16/9, tỉnh triển khai phương án phòng, chống dịch và phục hồi sản xuất, kinh doanh theo trạng thái "bình thường mới".
Trong đợt bùng phát dịch thứ 4, Sóc Trăng phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên ngày 4/7. Ngày 18/7, toàn tỉnh áp dụng Chỉ thị 15 sau khi ghi nhận 35 ca nhiễm cộng đồng, đều liên quan đến các ổ dịch tại TP HCM. Một ngày sau, Sóc Trăng cùng 18 tỉnh thành phía Nam thực hiện Chỉ thị 16.
Ngay từ giữa tháng 8, tỉnh Sóc Trăng là địa phương đầu tiên tại ĐBSCL triển khai áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 bắt buộc theo 4 mức độ nguy cơ tại 109 xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Sau 1 tháng thực hiện, đến ngày 15/9 toàn tỉnh không còn xã, phường, thị trấn có mức "nguy cơ rất cao" (vùng đỏ), 2 xã có mức "nguy cơ cao" (vùng cam), 4 xã có mức "nguy cơ" (vùng vàng) và 103 xã có mức "bình thường mới" (vùng xanh).
Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, tỉnh sẽ khẩn trương xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế trong trạng thái “bình thường mới” trên tinh thần không chủ quan, nóng vội nhưng cũng không thụ động, làm kìm hãm sự phục hồi, phát triển kinh tế.
Đến nay toàn ghi nhận 1.014 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 631 ca bệnh được điều trị khỏi, 20 trường hợp tử vong. Toàn tỉnh đã tiêm vắc xin COVID-19 cho trên 166.000 người, trong đó hơn 30.000 trường hợp được tiêm đủ hai mũi.
(Theo Tiền Phong)
TP HCM: Đề xuất hỗ trợ hơn 7,5 triệu người khó khăn sau ngày 15-9
Ngày 15-9, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM Lê Minh Tấn đã ký tờ trình gửi UBND TP HCM về phương án hỗ trợ người có hoàn cảnh thật sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TP sau ngày 15-9.
Theo đó, Sở LĐ-TB-XH đề xuất UBND TP HCM cho chủ trương về gói hỗ trợ đợt 3 dành cho 4 nhóm đối tượng.
Một là thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sinh sống (có mặt) trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Hai là người có hoàn cảnh thật sự khó khăn do mất việc làm, không có thu nhập, bị giãn cách kéo dài để phòng, chống Covid-19 (không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú).
Ba là những người phụ thuộc trong hộ có hoàn cảnh thật sự khó khăn (như cha/mẹ. con và trẻ em) đang sinh sống và có mặt tại xã, phường, thị trấn.
Bốn là người hưu trí có hoàn cảnh thật sự khó khăn đang có mặt tại phường, xã, thị trấn do giãn cách xã hội.
Đội hình SOS của Trung tâm An sinh TP HCM trao túi an sinh cho người dân khó khăn, công nhân mất việc ở quận Bình Tân. Ảnh: Nguyễn Phan
Số lượng người hỗ trợ (dự kiến) là 7.546.710 (không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú). Số liệu này do UBND quận, huyện và TP Thủ Đức thống kê. Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/lần.
Cách thức hỗ trợ là chi trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản khi có yêu cầu. Không hỗ trợ người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ. Như vậy, dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 7.546 tỉ đồng.
Việc chi hỗ trợ cho đối tượng nêu trên được thực hiện theo nguyên tác không trùng lắp, không bỏ sót, không trục lợi, không để lợi dụng việc kê khai người không sinh sống thực tế tại địa phương vào danh sách để được hưởng hỗ trợ.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định TP sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con sau ngày 15-9 nếu dịch còn kéo dài. Bà con còn khó khăn đến đâu thì sẽ hỗ trợ đến đó.
TP HCM đang xây dựng gói hỗ trợ theo định mức từng người tùy theo diễn biến dịch bệnh và khả năng ngân sách TP.
(Theo Người Lao Động)
Bình Dương: Từ 16/9, những ai được phép ra đường?
Người đã tiêm 1 mũi vaccine, F0 khỏi bệnh được ra đường
Theo văn bản này, Bình Dương tiếp tục giữ các chốt kiểm soạt dịch bệnh Covid-19, rút bớt lực lượng ở các khu vực xanh để tăng cường cho các khu vực có nguy cơ (vang, cam, đỏ) và ranh giới với các địa phương.
Các phương tiện giao thông được phép lưu thông qua lại giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận theo quy định kiểm soát dịch bệnh của từng địa phương.
Người dân đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày được tham gia giao thông; hạn chế tối đa các đối tượng là người già, người có bệnh nền, trẻ em tham gia lưu thông. Người lao động cần có thêm giấy xác nhận đang làm việc tại doanh nghiệp để di chuyển từ nơi ở đến nơi sản xuất.
Hiện nay, số ca nhiễm COVID-19 ở Bình Dương đang giảm (trong ảnh, các F0 khỏi bệnh tại bệnh viện dã chiến Thới Hòa lên xe trở về nhà)
Các đối tượng là F0 đã khỏi bệnh và hoàn thành cách ly tại nhà (theo quy định của ngành y tế) được phép tham gia lưu thông.
Tăng cường kiểm tra chặt chẽ người qua lại các địa bàn giáp ranh. Người dân “vùng xanh” lưu thông bình thường, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh khi qua các chốt kiểm soát giữa hai địa phương.
Việc lưu thông trong nội bộ trong địa bàn huyện do Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 cấp huyện quyết định.
Bố trí lực lượng y tế test nhanh miễn phí (có thể test gộp) tại các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên các trục đường cửa ngõ giữa các huyện, thị, thành phố. Từ ngày 16 - 20/9 , cho lưu thông trên địa bàn huyện, thị, thành phố; sau ngày 20/9, cho lưu thông trong phạm vi toàn tỉnh.
Kịch bản phục hồi kinh tế
Cùng ngày, tỉnh Bình Dương đã thông tin dự kiến lộ trình phục hồi kinh tế được chia làm 3 giai đoạn.Theo đó, giai đoạn 1 từ 15/9 - 31/10/2021, ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn các “vùng xanh” (gồm các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, thị xã Bến Cát và TP Thủ Dầu Một).
Cùng đó là việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp khóa chặt vùng đỏ, điểm đỏ; mở rộng vùng xanh. Thần tốc xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Giai đoạn 2 là từ sau 31/10/2021, nếu vắc xin được cung cấp liên tục, đầy đủ, khoảng đầu tháng 10, Bình Dương sẽ hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vaccine cho toàn bộ người dân trong tỉnh. Sau 15 ngày để vaccine phát huy tác dụng thì cuối tháng 10, tỉnh sẽ cơ bản đạt miễn nhiễm cộng đồng.
Khi kiểm soát dịch bệnh thành công (không còn vùng đỏ, vùng vàng), Bình Dương mở cửa lại các hoạt động kinh tế một cách có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Riêng một số ngành nghề dễ gây bùng phát dịch như: karaoke, vũ trường, quán bar, massage... thì giao ngành y tế và các ngành có liên quan tham mưu danh mục cụ thể.
Nếu kịch bản diễn biến dịch xấu hơn, tùy theo mức độ và khuyến nghị của ngành y tế, tỉnh sẽ điều chỉnh quay về giai đoạn trước đó hoặc quản lý chặt hơn.
Giai đoạn 3 là từ sau 31/12, nếu kiểm soát dịch bệnh thành công (không còn vùng đỏ, vùng vàng), Bình Dương sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội. Một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch sẽ phải có tiêu chí điều kiện hoạt động.
(Theo Báo Giao Thông)
Quảng Ngãi tạm đóng cửa các bến bãi, cảng cá trên địa bàn từ hôm nay
Sáng 15/9, Sở Y tế Quảng Ngãi thông tin, Quảng Ngãi vừa ghi nhận thêm 12 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó, có 1 ca bệnh cộng đồng (trú tại tổ 1, phường Lê Hồng Phong, TP.Quảng Ngãi) chưa rõ nguồn lây.
Ca bệnh được phát hiện khi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phúc Hưng vào chiều 14/9.
Từ ngày 26/6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 1.003 ca COVID-19. Trong đó, 139 ca liên quan đến ổ dịch xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), 206 ca liên quan tới ổ dịch Chi nhánh Công ty Hoya Lens tại Quảng Ngãi và 246 ca là người về từ vùng dịch ở các địa phương trong nước.
Theo ông Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, hiện nay tình hình dịch bệnh tại Quảng Ngãi đang diễn biến phức tạp.
Các ca bệnh phát hiện tại cộng đồng có lịch trình di chuyển phức tạp, vì vậy công tác xét nghiệm, truy vết, cách ly, khoanh vùng ổ dịch cần triển khai kịp thời, nhanh chóng.
Tăng cường quản lý chặt chẽ đối tượng ngư dân có tiếp xúc người dân các tỉnh có dịch hoặc đi qua, buôn bán với vùng dịch ngay khi cập cảng ở Quảng Ngãi. Kiểm soát chặt chẽ đối tượng lái xe, nhất là đối tượng lái xe khách đường dài từ các tỉnh có dịch về Quảng Ngãi.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi tạm dừng hoạt động các bến bãi, cảng cá kể từ ngày 15/9 cho đến khi có thông báo mới.
Theo đó, để thực hiện tốt chủ trương, UBND Quảng Ngãi đề nghị Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi triển khai lực lượng tuyên truyền, vận động ngư dân chuẩn bị kế hoạch sản xuất phù hợp với công tác phòng, chống dịch của địa phương, nhất là tại các khu vực, bãi neo đậu có nhiều tàu thuyền ngư dân vào tránh trú bão số 5 vừa qua.
Đồng thời phối hợp với cảng cá điều tiết tàu thuyền đã vào bến mua bán hải sản, không để tình trạng ùn ứ, tập trung đông người.
Cần tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở bà con ngư dân thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Đại úy Phan Xuân Huề, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Sa Kỳ, Đồn Biên phòng Sa Kỳ cho biết: Trong thời điểm trước và sau cơn bão số 5, tại cảng Sa Kỳ, ngoài tàu cá ngư dân địa phương, còn có số lương lớn tàu cá ngư dân các tỉnh/thành khác đến tránh trú bão.
Để ngư dân, chủ tàu biết rõ chủ trương tạm dừng hoạt động bến bãi, cảng biển, lực lượng đồn biên phòng đã tích cực tuyên truyền cho bà con ngư dân bằng nhiều hình thức khác nhau.
Ngoài việc hướng dẫn, nhắc nhở bà con ngư dân chấp hành tốt quy định và biện pháp phòng chống dịch bệnh, lực lượng biên phòng còn tạo điều kiện, giải quyết cho những tàu thuyền có như cầu tiếp nhiên liệu, ngư cụ, lương thực, thực phẩm để chuẩn bị kế hoạch sản xuất, khai thác hải sản.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 5 cảng cá, sức chứa tối đa khoảng 2.300 tàu, gồm: cảng Sa Huỳnh, cảng Mỹ Á (thị xã Đức Phổ), cảng Tịnh Kỳ (xã Tịnh Kỳ), cảng Tịnh Hòa ( xã Tịnh Hòa,TP Quảng Ngãi) và cảng Lý Sơn (huyện Lý Sơn).
Theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong quá trình thực hiện tạm dừng hoạt động tất cả các cảng cá, bến cá trên địa bàn, nếu các tổ chức, cá nhân không thực hiện thì sẽ xử lý mức độ cao nhất theo quy định, đồng thời người đứng đầu địa phương nơi không thực hiện nghiêm quy định thì sẽ chịu trách nhiệm.
Tất các các cảng cá, bế cá tăng cường, thương xuyên kiểm tra, quán lý chặt chẽ các ngư dân, người dân.
(Theo Báo Giao Thông)
Video: Hệ thống camera tự động quét QR code hoạt động hiệu quả tại 23 chốt kiểm soát ra vào thành phố Hà Nội
(Theo An Ninh Thủ Đô)
Ngày cuối thần tốc xét nghiệm và tiêm vắc-xin COVID-19 ở Hà Nội
Sở Y tế Hà Nội cho biết toàn TP đã triển khai thực hiện 16 đợt tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND TP. Tính từ 18 giờ ngày 14-9 đến 6 giờ ngày 15-9, toàn TP đã tổ chức tiêm được 70.825 mũi vắc-xin phòng COVID-19.
Người dân ở Hà Nội chờ tiêm vắc-xin COVID-19 - Ảnh: Lê Tuấn Thanh
Tính tổng 16 đợt thực hiện tiêm được 5.032.533 mũi tiêm, sử dụng 4.594.556/5.359.676 liều vắc-xin được cấp, đạt tiến độ 85,7% trên tổng số vắc-xin được cấp.
Còn theo Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 TP Hà Nội có 5.745.728 người trên hoặc 18 tuổi, đến sáng nay 15-9, Hà Nội đã tiêm được 5.955.051 liều vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng này.
Về xét nghiệm, trong ngày 14-9, toàn TP đã lấy 217.908 mẫu xét nghiệm. Tính tổng từ ngày 9-9 đến nay là 3.262.842 mẫu (2.227.630 mẫu gộp PCR, 1.035.212 test nhanh), phát hiện 19 ca mắc COVID-19 (Hoàng Mai 4, Thanh Trì 4, Thường Tín 3, Đống Đa 2, Thanh Xuân 2, Hai Bà Trưng 2, Chương Mỹ 1, Ứng Hòa 1). Các đơn vị vẫn đang tiếp tục khẩn trương thực hiện lấy mẫu và làm xét nghiệm.
Hôm nay 15-9, là ngày cuối thực hiện kế hoạch xét nghiệm diện rộng và tiêm vắc-xin cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi của Hà Nội.
Tại cuộc họp ngày 14-9, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết 2 "mũi chủ công" để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh COVID-19 là xét nghiệm diện rộng và tiêm phủ vắc-xin đang được cả hệ thống nỗ lực đêm ngày, vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ. Nhận định các đơn vị, quận, huyện đã cơ bản đảm bảo tiến độ, một số địa phương đã về đích sớm, ông Chử Xuân Dũng đề nghị các đơn vị còn lại tăng tốc hơn nữa, tuy nhiên, phải đảm bảo an toàn, thực hiện 5K tại các khu vực lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng; duy trì an sinh xã hội; bảo đảm lưu thông hàng hóa.
Đề nghị các cơ sở cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền theo đúng tinh thần "vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất". Đồng thời, lưu ý các đơn vị, phải tăng cường lực lượng, bám sát cơ sở, cập nhật và chỉ đạo thường xuyên, đảm bảo 5K, không để tập trung đông người ở các điểm tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm. "Chúng ta đang nỗ lực làm rất tốt 2 "mũi chủ công" để khống chế dịch bệnh, người dân đang đánh giá cao. Cần tiếp tục nỗ lực hơn để đạt mục tiêu TP đặt ra" - ông Dũng nhấn mạnh.
Cho biết sau ngày 15-9, TP sẽ xem xét nới lỏng một số hoạt động dựa trên tình hình thực tế kiểm soát dịch bệnh, ông Chử Xuân Dũng gợi ý phân vùng 2 và vùng 3 ngay từ bây giờ có thể mạnh dạn triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn theo tinh thần Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Còn các khu vực phát sinh F0 phải xét nghiệm thần tốc để sau khi hoàn thành xét nghiệm, tiêm vắc-xin thì thu hẹp nhất vùng nguy cơ, quản lý chặt chẽ.
(Theo Người Lao Động)
Đồng Tháp nới lỏng giãn cách tại nhiều địa phương
Tối 14-9, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã có quyết định về áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đó 4 địa phương gồm TP Sa Đéc và các huyện Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 đến khi kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Còn 8 địa phương còn lại thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 ở mức cao hơn.
Tùy tình thực tế, các địa phương có cơ chế quản lý phù hợp, thực hiện ở mức cao nhất các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yeu cầu Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh, thủ trưởng các cơ quan và Chủ tịch UBND các địa phương căn cứ kế hoạch của tỉnh về phòng chống COVID-19 trong tình hình mới triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách đảm bảo mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" ở Bình Dương có thể hoạt động trở lại sau 31/12
Ngày 15/9, tỉnh Bình Dương tổ chức buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh và kế hoạch phục hồi kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Chủ trì họp báo có ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và bà Trương Thị Bích Hạnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Lộc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, kế hoạch khôi phục kinh tế, xã hội, địa phương chia thành 3 giai đoạn cụ thể trên tinh thần vừa chống dịch vừa đảm bảo hoạt động kinh tế trong tình hình mới.
Bình Dương tổ chức họp báo thông tin tình hình dịch bệnh và phục hồi kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Cụ thể, trong gia đoạn 1 (từ 15/9 – 31/10), Bình Dương ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn “vùng xanh” gồm các huyện phía Bắc: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, thị xã Bến Cát và TP Thủ Dầu Một. Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp khóa chặt “vùng đỏ, điểm đỏ, mở rộng “vùng xanh”. Thần tốc xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Về tổ chức sản xuất kinh doanh và lưu thông, thực hiện phương án lưu thông liên huyện “vùng xanh” phía Bắc.
Giai đoạn 2 (sau ngày 31/10), nếu vắc xin được cung cấp liên tục, đầy đủ, khoảng đầu tháng 10, Bình Dương sẽ hoàn tất tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho toàn bộ người dân trong tỉnh. Sau 15 ngày tiêm vắc xin phát huy tác dụng là khoảng 31/10 sẽ cơ bản đạt miễn dịch cộng đồng.
Trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn “vùng đỏ”, “vùng vàng” sẽ mở cửa lại các hoạt động kinh tế, xã hội một cách có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, loại trừ một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch như: Karaoke, vũ trường, quán bar, massage… giao ngành y tế và các ngành có liên quan tham mưu danh mục cụ thể.
Trường hợp diễn biến dịch xấu hơn, tùy theo mức độ và khuyến nghị của ngành y tế sẽ điều chỉnh quay về giai đoạn trước hoặc quản lý chặt hơn.
Giai đoạn 3 (sau 31/12), trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn “vùng đỏ”, “vùng vàng” sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội. Một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch sẽ phải có tiêu chí điều kiện hoạt động. Giao ngành y tế và các ngành liên quan tham mưu các điều kiện, thời gian và tiêu chí áp dụng khi cho phép hoạt động trở lại.
Với dân số trên 2,5 triệu người; đã xuất hiện ca dương tính ngoài cộng đồng đầu tiên vào ngày 31/01; lũy kế đến nay (tính đến 17 giờ ngày 14/9) tỉnh Bình Dương đã có 162.847 ca lây mắc COVID-19 trong cộng đồng ở 9/9 huyện, thị, thành phố, 119.300 bệnh nhân khỏi bệnh và 1.461 ca tử vong; hiện còn 36.988 người đang cách ly y tế tập trung và 13.013 người đang cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú; đã tổ chức 3 đợt xét nghiệm sàng lọc diện rộng cho gần 6,5 triệu lượt người; phần lớn các ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng đã được kiểm soát; đã tổ chức tiêm vắc xin được 1.939.938 liều (mũi 1: 1.892.207 và mũi 2: 47.731)
Bình Dương đã thành lập 27 Trạm y tế lưu động tại 15 phường đang thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại thành phố Thuận An (15 Trạm), Dĩ An (04 Trạm) và thị xã Tân Uyên (08 Trạm).
Tiếp tục bố trí các Trạm y tế lưu động phù hợp tại các địa phương “vùng đỏ”, “vùng xanh”, tại các khu, cụm công nghiệp gắn với trang bị đầy đủ về phương tiện, nhân lực, vật tư y tế, bình oxy và các loại thuốc điều trị cần thiết,… đảm bảo người dân, công nhân lao động được tiếp cận y tế mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh nhất (Địa phương vùng xanh: mỗi phường, xã bố trí từ 1 đến 2 trạm; địa phương vùng đỏ: mỗi phường, xã bố trí từ 1 đến 3 trạm; tại các khu, cụm công nghiệp từ 5 đến 7 ngàn công nhân phải bố trí 1 Trạm). Đến ngày 15/10 hoàn thành việc bố trí các Trạm y tế lưu động tại khu, cụm công nghiệp. Bình Dương đã thành lập được 5.788 Tổ COVID-19 cộng đồng và 9.308 Tổ an toàn COVID-19 tại doanh nghiệp.
Hà Nội: Phong toả 3 toà nhà Chung cư Đền Lừ liên quan chùm 15 ca bệnh COVID-19
Sáng 15/9, Sở Y tế Hà Nội thông tin ghi nhận 2 trường hợp H.T.D, nam, sinh năm 1962; N.T.T, nữ, sinh năm 1974, địa chỉ tại Chung cư Đền Lừ, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai. Ngày 14/9 được lấy lại mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Trước đó, chiều 14/9, Sở Y tế Hà Nội cũng công bố 5 bệnh nhân ở khu Chung cư Đền Lừ, gồm: Đ.T.N, nữ, sinh năm 1982; L.K.N, nam, sinh năm 2007; L.M.L, nam, sinh năm 2014; N.V.T, nam, sinh năm 1951; N.Q.P, nam, sinh năm 2011. Đây đều là các F1 của các ca bệnh ghi nhận trước đó tại khu vực này.
Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo phường Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai) cho biết, hiện nay, ở khu vực Chung cư Đền Lừ đang có 15 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, 13 trường hợp F1, 6 trường hợp F2. Để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm, chính quyền đã có quyết định phong toả 3 toà nhà có F0 (A1, A4, A5).
"Chúng tôi đang tiếp tục truy vết, chưa xác định được nguồn lây nhiễm, nhưng theo những thông tin sơ bộ ban đầu, có thể nguồn lây từ trong cộng đồng", đại diện lãnh đạo phường Hoàng Văn Thụ nói, đồng thời cho rằng, vì đang trong thời gian giãn cách xã hội, nên số F1, F2 tại khu vực ít, chủ yếu là người trong gia đình.
Tiêu chí để TPHCM và Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới
Tiêu chí tiên quyết để được mở cửa kinh tế trở lại là kiểm soát được dịch bệnh theo quyết định 3979/QĐ-BYT ban hành ngày 18/8/2021 của Bộ Y tế: số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.
Tỉ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính trong số người lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày; không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày. Số giường cấp cứu hồi sức cấp cứu với đầy đủ nhân lực, trang thiết bị theo quy định đảm bảo đáp ứng 5% số ca nhiễm khi tỉnh, thành phố được đánh giá nguy cơ rất cao.
Tiêu chí động gồm tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 của người dân và mức nguy cơ theo quyết định 2686 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID1-9 ban hành ngày 31/5.
Lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới của các địa phương sẽ gồm 4 bước. Bộ Y tế quy định, thời điểm bắt đầu và tiến độ để kết thúc quay lại trạng thái bình thường mới do địa phương quyết định. Thời gian cần thiết để chuyển trạng thái giữa các bước tốt nhất là 7 ngày để thông báo cho cộng đồng và chuẩn bị việc thực hiện.
Các tiêu chí động được đánh giá định kỳ ở tất cả các cấp (từ cấp xã/phường đến quận/huyện và toàn tỉnh/thành phố) để áp dụng các biện pháp y tế và hành chính phù hợp theo Chỉ thị 15, 16, 19 hay bình thường mới.
Khi đáp ứng được các tiêu chí động và tiêu chí tiên quyết địa phương sẽ thực hiện các bước gồm:
Bước 1: Rà soát nguy cơ, tỷ lệ tiêm vắc xin và điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch tại cấp xã, phường để phân loại thành 4 vùng: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ, bình thường mới.
Bước 2: Áp dụng biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 15 với khu vực đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động gồm: đạt tỷ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi dưới 60% được tiêm ít nhất một mũi và dưới 20% được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, ở mức nguy cơ cao.
Nguyên tắc là mở các hoạt động ngoài trời với số lượng người hạn chế ở những nơi/hoạt động có lây nhiễm thấp và cho phép các hoạt động ở trong nhà có kiểm soát. Những người đã tiêm vắc xin đặc biệt những khu vực có tỷ lệ tiêm cao sẽ được ưu tiên khi tham gia giao thông và các hoạt động kinh tế, xã hội.
Bước 3: Áp dụng biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 19 với khu vực đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động gồm: đạt tỷ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi 60-70% được tiêm ít nhất một mũi và dưới 20% được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, ở mức nguy cơ theo đánh giá nguy cơ tại quyết định 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021.
Nguyên tắc là mở thêm các hoạt động ngoài trời và một số dịch vụ hoạt động trong nhà với số lượng người hạn chế, đeo khẩu trang và kính chắn giọt bắn. Những người đã tiêm vắc xin đặc biệt những khu vực có tỷ lệ tiêm vắc xin cao, sẽ được ưu tiên khi tham gia giao thông và các hoạt động kinh tế, xã hội.
Tiếp tục đánh giá nguy cơ theo quyết định 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 và áp dụng biện pháp phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội theo mức độ nguy cơ và tỷ lệ tiêm chủng.
Bước 4: Thực hiện các biện pháp phòng dịch, chống dịch ở trạng thái bình thường mới khi địa phương đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động gồm: tỷ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi (trên 70% được tiêm ít nhất một mũi và dưới 20% được tiêm đủ 2 mũi vắc xin) đạt dưới 60% sẽ áp dụng các biện pháp chống dịch COVID-19 theo chỉ thị 16 với vùng có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; áp dụng chỉ thị 19 với vùng có nguy cơ, vùng bình thường mới.
Khu vực có tỉ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi đạt từ 60-70% sẽ áp dụng các biện pháp chống dịch theo chỉ thị 16 với vùng nguy cơ rất cao, chỉ thị 15 với vùng nguy cơ cao, chỉ thị 19 với vùng có nguy cơ và vùng bình thường mới.
Trường hợp địa bàn có tỉ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi đạt trên 70% sẽ áp dụng biện pháp chống dịch theo chỉ thị 15 tại vùng nguy cơ rất cao, chỉ thị 19 ở vùng nguy cơ cao, và áp dụng trạng thái bình thường mới với hai vùng còn lại.
Nguyên tắc là mở các hoạt động ngoài trời (các hoạt động có nguy cơ lây nhiêm cao được kiểm soát chặt chẽ), tiếp tục thực hiện thêm 1 số dịch vụ/hoạt động trong nhà có kiểm soát và tiến tới trạng thái bình thường mới.
Hướng dẫn được xây dựng căn cứ trên các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các hướng dẫn chuyên môn của Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế; các tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm triển khai của gần 40 quốc gia/bang/tỉnh trên thế giới, cũng như kinh nghiệm triển khai tại các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 như Bắc Ninh, Bắc Giang.
(Theo Tiền Phong)
Cà Mau: 7 nhân viên tiệm bánh trung thu dương tính với SARS-CoV-2
Sáng 15/9, theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vừa ghi nhận 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
7 trường hợp này đều là nhân viên tại tiệm bánh Trung thu M.T.T. (phường 4, TP Cà Mau) được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 14/9.
Một khu vực phong tỏa trước đó ở phường 4, TP Cà Mau.
Các bệnh nhân gồm: L.V.D. (nam, SN 1988, ngụ ấp 8, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình); T.T.Q. (nữ, SN 1994, ngụ ấp Bào Nhàn, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình); N.P.D. (nam, SN 1996); N.T.T.Q. (nữ, SN 1995) và N.N.H. (nữ, SN 1994) - cùng ngụ ấp Cái Bát, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình; D.T.T. (nữ, SN 1962, ngụ khóm 2, phường 9, TP Cà Mau); C.L. (nam, SN 1967, ngụ ấp Thạnh Điền, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau).
Qua điều tra dịch tễ, từ ngày 7 - 13/9/2021, những nhân viên này có đến tiệm bánh M.T.T. để làm việc, có tiếp xúc gần với bệnh nhân M.K.X. (ca dương tính trước đó).
Ngay sau đó, các F0 được chuyển về các cơ sở y tế cách ly điều trị, đang tiếp tục truy vết các trường hợp F1, F2, F3. Đồng thời, khử khuẩn và lấy mẫu sàng lọc các nơi bệnh nhân đã đi/đến.
Tính đến ngày 14/9/2021, tỉnh Cà Mau còn 137 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 đang cách ly điều trị.
Hiện đang cách ly tập trung 671 người/29 khu; đang cách ly tại nhà 1.788 người; có 1.198 hộ gia đình đang cách ly.
Chuyển từ "xanh" sang "đỏ", Bộ Y tế đề xuất giải pháp gì với Tiền Giang ?
Trước thực trạng nhiều xã, phường, thị trấn lại chuyển từ “xanh”, “cam” thành “đỏ” tại Tiền Giang, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP. HCM đã đề xuất 6 nhóm giải pháp phòng, chống dịch cần tập trung trên địa bàn.
Phong tỏa vùng dịch COVID-19 tại Tiền Giang. (ảnh minh họa)
Thứ nhất, tỉnh cần chú trọng việc xây dựng chi tiết kế hoạch chống dịch và khôi phục, mở cửa trở lại các ngành hàng thiết yếu theo giai đoạn, bắt đầu từ sau 15/9 như một số nơi đang làm. Tỉnh Tiền Giang cần thận trọng trong việc nới lỏng từng bước, nới lỏng từ từ và có chiến lược về khôi phục kinh tế song song với chống dịch. Việc xây dựng kế hoạch để áp dụng mở cửa trở lại theo giai đoạn này là hết sức cần thiết.
Thứ hai, một trong những biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 được tốt hay không chính là chiến lược xét nghiệm, do đó Sở Y tế tỉnh Tiền Giang phải phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh xây dựng kế hoạch và đưa ra các phương án xét nghiệm sao cho phù hợp và hiệu quả đối với thực tế của địa phương. “Chúng ta đã làm, đã xây dựng là phải kiên quyết thực hiện và phải thực hiện cho bằng được” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Thứ ba, về vấn đề vaccine, với độ phủ vaccine mũi 1 đạt 18,1% và 1,63% mũi 2 tại Tiền Giang như hiện nay là quá thấp. Do đó, từ nay đến khoảng 20/9, Tiền Giang cần tập trung quyết liệt chiến lược xét nghiệm, Bộ Y tế sẽ có thể bố trí khoảng 100.000 bộ test cho tỉnh Tiền Giang và sẽ hỗ trợ vaccine để cố gắng phủ mũi 1 đạt 80 – 90% dân số. Do đó, đề nghị tỉnh tập trung thống kê và có văn bản gửi Bộ Y tế để có kế hoạch phân bổ trong thời gian sớm nhất có thể.
Thứ tư, đối với vấn đề về thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, hiện nay số lượng bệnh nhân F0 đã giảm, do vậy với các F0 có triệu chứng nhẹ vừa vào các cơ sở cách ly tập trung tỉnh cần cố gắng hỗ trợ gói thuốc nâng cao sức khỏe, cho người bệnh, gói thuốc có thể sử dụng từ 5-7 ngày để bệnh nhân có thể sử dụng nâng cao thể trạng. Đối với các bệnh nhân nặng hơn chúng ta cần phải có thuốc điều trị theo đúng quy trình của Bộ Y tế.
Thứ năm, Tiền Giang cũng cần xem xét, đưa vào áp dụng các trạm y tế lưu động, tổ y tế lưu động và đề nghị cần tổ chức mô hình này ở những nơi nguy cơ rất cao và cao, đông dân cư, có số lượng F0 nhiều. Các tổ này vừa hỗ trợ Trạm y tế phường/xã, vừa đáp ứng yêu cầu cấp thiết của bệnh nhân tại nhà, khám, cấp cứu tại chỗ cùng một số thuốc men có thể xử lý tại chỗ cho bệnh nhân. Đồng thời, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân có bệnh mạn tính trên địa bàn.
Thứ sáu, Tiền Giang có thể mở rộng thêm một số vùng phong tỏa có nguy cơ cao và thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16+. Đồng thời, tỉnh cần thường xuyên tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ để nâng cao năng lực điều trị; và sẵn sàng các phương án, xây dựng các kịch bản để kịp thời đối phó với mọi tình huống dịch COVID-19 có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, tại Tiền Giang, kể từ khi bùng phát đợt dịch thứ 4 đến nay, ghi nhận tích lũy 12.205 ca mắc, 299 ca tử vong. Từ ngày 29/6/2021, trung bình có 190 ca/ngày, cao nhất là 234 ca/ngày. Trong 7 ngày qua, Tiền Giang ghi nhận 1.139 ca, trong đó có 138 ca ghi nhận tại cộng đồng.
Trước đó làm việc với Tiền Giang, Kiên Giang, Thủ tướng yêu cầu hai tỉnh này và từng huyện, xã đang thực hiện giãn cách phải đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng về thời gian kết thúc giãn cách và các tiêu chí cần đạt để kiểm soát dịch bệnh, các giải pháp để đạt mục tiêu.
Trên cơ sở thực hiện nghiêm các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế, việc tổ chức thực hiện có thể phân tán, phân cấp tới tận thôn, bản, tổ dân phố… tùy tình hình cụ thể. Cùng với đó là các biện pháp bảo vệ vùng xanh, phát triển kinh tế-xã hội tại những nơi an toàn; Phải kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng tốt, cố gắng chậm nhất là ngày 30/9.
(Theo Báo Giao Thông)
Công an thông tin vụ "không có chỗ trọ, phải ra ống cống" ở Bình Chánh
Ngày 15-9, Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM đã vận động, đưa hai người là anh Nguyễn Đình B (quê Thừa Thiên Huế) và chị Trần Thị Kim L (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) về tận nơi ở.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền thông tin "Bà con không còn nơi trọ phải chọn ống cổng làm nơi trú thân" kèm hình ảnh một người đàn ông và một phụ nữ sống trong ống cống ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh.
Công an xã Vĩnh Lộc A đã vào cuộc xác minh, xác định: Giữa tháng 8-2021, anh B và chị L đến thuê phòng trọ ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh sống chung.
Trong thời gian ở trọ, giữa hai người thường xuyên cãi nhau làm ảnh hưởng tới những người xung quanh. Chủ nhà trọ đã nhắc nhở nhiều lần, yêu cầu khắc phục.
Đến ngày 12-9, hai người đi thuê phòng trọ khác nhưng chưa có nên dọn ra ống cống gần đó ở tạm.
Sau khi làm việc, Công an đã đưa chi L về sinh sống tại nhà của anh ruột ở xã Vĩnh Lộc A, anh B về sinh sống tại nhà mẹ tại huyện này.
Trước đó, khi sống tại nhà trọ, anh B và chị L được nhận tiền trợ cấp 1,5 triệu đồng và 4 phần quà an sinh do chính quyền địa phương hỗ trợ.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Phát hiện 3 ca nhiễm, cách ly y tế vùng hơn 1.300 người ở phường Thổ Quan
Tối muộn ngày 14/9, Chủ tịch UBND quận Đống Đa, Hà Nội đã ký Quyết định thành lập vùng cách ly y tế tại phường Thổ Quan với khoảng 1.300 nhân khẩu.
Một trong những điểm đã từng cách ly y tế ở quận Đống Đa.
Cụ thể tại Quyết định số 2702/QĐ-UBND ký ngày 14/9, UBND quận Đống Đa đã thiết lập vùng cách ly y tế tại phường Thổ Quan. Địa điểm, phạm vi cách ly gồm toàn bộ ngõ Trung Tả và từ số nhà 3 đến số nhà 45 ngõ Hồ Văn Chương.
Vùng cách ly y tế có tổng số 410 hộ gia đình với 1.330 nhân khẩu. Thời gian áp dụng 14 ngày, kể từ 19 giờ ngày 14/9 đến 19 giờ ngày 28/9/2021.
Theo ông Lê Tuấn Định, Chủ tịch UBND quận Đống Đa những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, quận Đống Đa tiến hành xét nghiệm thần tốc cho toàn bộ người dân trên địa bàn; qua sàng lọc đã phát hiện một số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Trong đó, phường Thổ Quan có 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, là người già, không ra khỏi nhà, không tiếp xúc với người ngoài.
Trước đó, toàn bộ khu vực ngõ Trung Tả đã được cách ly. Tuy nhiên, để khoanh vùng dập dịch triệt để, quận Đống Đa đã mở rộng vùng cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, thiết lập khu vực cách ly y tế trên địa bàn 5 phường: Văn Chương, Hàng Bột, Thổ Quan, Khâm Thiên và Văn Miếu trong vòng 14 ngày kể từ 19h tối 13/8 đến 19h tối 27/8.
(Theo Báo Giao Thông)