Tại đây, các nhân viên y tế tiếp nhận 2 đứa trẻ ai cũng xót, tranh nhau ẵm bồng, đút sữa rồi ru ngủ.
Xót xa hai đứa trẻ 3 và 5 tháng bị bỏ rơi khi vừa chào đời mắc COVID-19
Mới đây, fanpage của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) chia sẻ câu chuyện 2 đứa trẻ bị bỏ rơi không may nhiễm COVID-19 gây xúc động mạnh. Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết: “Hai cục cưng mới 3 tháng và 5 tháng, đồng cảnh ngộ bị bỏ rơi khi vừa chào đời tại một bệnh viện lớn tại quận Bình Thạnh.
Ngày ngôi nhà “bệnh viện” đầu đời bị “dính chưởng”, các y bác sĩ chăm nuôi bọn trẻ mắc F0, số phận hai đứa cũng khó thoát. Không đủ điều kiện cách ly tại nhà và cũng vì nhà không có để chứa, hai đứa nhỏ được đưa đến cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 4”.
Hai đứa trẻ 3 tháng và 5 tháng, đồng cảnh ngộ bị bỏ rơi khi vừa chào đời tại một bệnh viện lớn tại quận Bình Thạnh.
Tại đây, các nhân viên y tế tiếp nhận 2 đứa trẻ ai cũng xót, tranh nhau ẵm bồng, đút sữa rồi ru ngủ. Có tình nguyện viên F0 đủ ngày xuất viện, nay xin ở lại thêm ít ngày phụ việc chăm hai bé. Đặc biệt các cô lại là “vú em đời đầu”, chưa từng có kinh nghiệm chăm bé. Cả đêm 10/9, hai cô luống cuống trải nghiệm cảm giác... làm mẹ. Họ thay nhau chăm, thay nhau ngủ để được ra với hai đứa trẻ, thương chúng như con em trong nhà.
“Chị Thủy làm ở bộ phận Công tác xã hội Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chạy đi lo đủ quần áo, bỉm sữa đem vào cho 2 đứa nhưng vẫn thiếu bình sữa, núm vú và thau tắm. Thế là chị Nghi chăm lo hậu cần tức tốc qua siêu thị gần đó hốt gọn về đủ. Hai chị chăm lo đời sống F0 này luôn chăm chút để mỗi gói quà được gửi đến cho các bé cơ nhỡ được trọn vẹn: từng hộp sữa, bịch tã xếp ngay ngắn, một ít gói cháo dinh dưỡng,... có thể không nhiều nhưng đủ sự ấm áp”, bác sĩ Vũ xúc động.
Anh cho biết thêm, bé trai F0 đêm về lạ sữa, ỉa chảy, các cô lột bỉm, ôm con rồi bối rối chạy tới chạy lui. Sau đó họ quyết định cho em vào bồn rửa tay tắm rửa sạch sẽ, mát quá không chịu ngủ, cả hai mớm sữa nhiệt tình. Miễn no sữa là được, bồng bế một hồi hai chị em cũng chịu yên giấc.
“Mùi yêu thương chân thành nó kỳ lạ như vậy đó! Những người xa lạ có duyên đến với nhau, chủ động dành thời gian cho nhau, ôm nhau vỗ về trao giấc ngủ. Có lúc buồn ngủ, mệt mỏi nhưng không bao giờ gắt gỏng, mãi ấm lòng hòa nhau liên khúc khóc nhè cùng lời ru khẽ.
Trẻ em là tương lai đất nước...
Một lần nữa, sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ trẻ, cũng giống như cuộc chiến với COVID-19. Khi số liệu tử vong và nhập viện giảm nhẹ... Và khi COVID-19 vẫn chưa làm khó những mầm mống tương lai đó thì chúng tôi sẽ mãi bám víu vào những ánh sáng hi vọng ấy... dù lé lói, vẫn đáng để nhìn vào mà đi tiếp”, nam bác sĩ tâm sự.
Giá vàng trong nước 13/9
Mở cửa phiên đầu tuần sáng nay, thị trường vàng trong nước gần như không thay đổi.
Giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM giữ nguyên 56,60-57,30 triệu đồng/lượng; Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội 56,60-57,75 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng 9999 thương hiệu NPQ 50,40-51,60 triệu đồng/lượng;
Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu duy trì 51,51-52,21 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra…
Trước giờ mở cửa, giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM được niêm yết 56,60-57,30 triệu đồng/lượng; Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội 56,60-57,75 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng 9999 thương hiệu NPQ 50,40-51,60 triệu đồng/lượng; Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu duy trì 51,51-52,21 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra…
Chênh lệch giữa các thương hiệu lớn và thương hiệu nhỏ trong nước vẫn quanh 6 triệu đồng. Thị trường vàng trong nước vẫn kéo dài chuỗi ngày ảm đạm trong bối cảnh dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến phức tạp.
Tuần qua, giá vàng SJC giảm 150 nghìn đồng, trong khi giá vàng Doji lại tăng 150 nghìn đồng và khoảng cách mua vào và bán ra cũng được doanh nghiệp này tăng lên 1,15 triệu đồng mỗi lượng so với tuần trước là tròn 1 triệu đồng.
Giảm mạnh nhất là giá vàng thương hiệu NPQ với 200 nghìn đồng/lượng.
(Theo Báo Giao Thông)
TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến cuối tháng 9-2021
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết như thế tại buổi họp báo chiều 13-9.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói tại buổi họp báo. Ảnh: TÁ LÂM
Theo ông Mãi, so sánh với mục tiêu Nghị quyết 86 đề ra và tiêu chí của Bộ Y tế thì TP.HCM còn một số nội dung chưa đạt tiêu chí.
Do vậy, để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững hơn và TP.HCM từng bước nới lỏng, phục hồi hoạt động kinh tế xã hội sao cho hài hòa giữa an toàn phòng chống dịch và mở lại các hoạt động kinh tế, TP.HCM quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn TP theo tinh thần Chỉ thị 16, dự kiến đến cuối tháng 9.
Theo ông Mãi, một số địa bàn có kết quả kiểm soát dịch tốt như huyện Cần Giờ, Củ Chi, quận 7... thì có thể áp dụng Chỉ thị 16- hoặc Chỉ thị 15+ để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững và TP có thêm sự chuẩn bị cần thiết cho giai đoạn phục hồi, mở cửa sau dịch bệnh.
Từ nay đến cuối tháng 9, TP.HCM sẽ tập trung các hoạt động củng cố kết quả, trong đó tập trung cho việc tiêm vaccine. Đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 2 để những trường hợp tới hạn sẽ được tiêm. Các mũi tiêm quy định 8-12 tuần mới tiêm thì TP sẽ xem xét đẩy nhanh tiêm sớm hơn nhằm sớm phủ vaccine. Mục tiêu là nhanh chóng mở lại các hoạt động bình thường.
Nhiệm vụ thứ hai là tập trung củng cố năng lực của y tế cơ sở. Cụ thể là các trạm y tế cố định, lưu động sẽ được củng cố hoạt động. Đồng thời, TP quan tâm đầu tư, phát triển y tế dự phòng và y tế công cộng. Mở rộng năng lực điều trị để nâng khả năng tiếp nhận và điều trị khi tiến hành mở cửa.
“Tỉ lệ phủ vaccine và năng lực điều trị của hệ thống y tế là rất quan trọng để TP đủ sức giải quyết các vấn đề” - ông Mãi nói.
Nhiệm vụ thứ ba là trong tuần này, TP sẽ hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau tháng 9 để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, người dân với mục tiêu là đảm bảo phòng chống dịch, đồng thời, mở cửa an toàn trong điều kiện còn có dịch.
Ông Mãi cho biết thời gian qua TP đã thí điểm hoạt động của siêu thị, shipper, thương mại điện tử, ăn uống mang về... Vì thế, thời gian tới sẽ mở thêm các dịch vụ an toàn để phục vụ nhu cầu của bà con nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Cụ thể như sản xuất an toàn dịch vụ y tế, giao hàng, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, dịch vụ công ích, các dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân theo nguyên tắc an toàn để đáp ứng hoạt động của người dân, doanh nghiệp.
(Theo Pháp luật TP.HCM)