COVID-19 15/6: Hai bà cháu bị tai nạn giao thông, phát hiện dương tính SARS-CoV-2

KHAI TÂM - Ngày 15/06/2021 12:10 PM (GMT+7)

Sau khi phát hiện 2 bà cháu này dương tính với SARS-CoV-2, quận Bình Tân, TP HCM đã truy vết 5 F1 đưa đi cách ly tập trung, phong tỏa khu vực với 85 người.

Hai bà cháu bị tai nạn giao thông, phát hiện dương tính SARS-CoV-2

Ngày 15-6, đại diện UBND quận Bình Tân (TP HCM) cho biết ngày 13-6, hai bà cháu ở phường Tân Tạo (quận Bình Tân) bị tại nạn giao thông. Sau đó, cơ quan chức năng đã phát hiện hai người này dương tính với SARS-CoV-2. Quận Bình Tân đã truy vết 5 F1 đưa đi cách ly tập trung, phong tỏa khu vực với 85 người.

Theo UBND quận Bình Tân, từ ngày 28-5 đến nay, trên địa bàn quận có 80 ca dương tính với SARS-CoV-2. Bình Tân hiện có 2 khu cách ly với 200 giường; cách ly tập trung 520 trường họp Fl; cách ly y tế tại nhà: 3287 trường hợp F2; cách ly tại khu dân cư: 34 khu vực với 16.588 người.

Từ ngày 29-5 đến nay, Bình Tân đã xét nghiệm 41.991.991 trường hợp. Từ ngày 29-4 đến nay, các cơ quan, đơn vị đã kiểm tra 1.995 lượt, nhắc nhở 1.733, xử lý 262 trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch Covid-19. 5 công ty trên địa bàn có F0 làm việc, quận đã khoanh vùng xử lý kịp thời.

Các bệnh viện (BV) trên địa bàn như: BV Bình Tân, BV Triều An, BV Gia An, BV Quốc Ánh, BV Quốc tế City đều có F0 đến khám. Tuy nhiên, các BV đã thực hiện tốt việc phân luồng từ đâu nên vẫn hoạt động bình thường sau khi khoanh vùng khu vực có người bệnh đến, thực hiện phun khử khuẩn.

Theo UBND quận Bình Tân, đến ngày 11-6, Ủy ban MTTQ quận đã tiếp nhận tổng số tiền ủng hộ kinh phí mua vắc-xin phòng chống Covid -19 là 473,4 triệu đồng. Ủy ban MTTQ quận Bình Tân và các đoàn thể đã phối hợp vận động chăm lo cho người dân trong khu vực phong tỏa và các lực lượng trực chốt tại khu vực cách ly. Quận cũng đã đưa vào sử dụng cây ATM gạo tại phường Tân Tạo để hỗ trợ người dân khó khăn.

(Theo Người Lao Động)

Hà Nội phong toả chung cư do có ca mắc COVID-19

Trưa 15/6, Bộ Y tế công bố 1 ca mắc COVID-19 ở Hà Nội, bệnh nhân là nam, 29 tuổi, địa chỉ tại quận Long Biên, TP.Hà Nội.

COVID-19 15/6: Hai bà cháu bị tai nạn giao thông, phát hiện dương tính SARS-CoV-2 - 1

Lực lượng chức năng lập rào chắn tại chung cư Sunrise Building 3A.

Cùng ngày, lãnh đạo UBND phường Phúc Đồng (quận Long Biên) cho biết, chính quyền địa phương tạm phong tỏa toà N03A, chung cư Sunrise Building 3A do liên quan đến ca mắc COVID-19, để truy vết các trường hợp liên quan.

Ca mắc COVID-19 này là nhân viên phòng Tài chính - Kế toán của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, sinh sống tại chung cư Sunrise Building 3A. Nhân viên này được phát hiện dương tính khi Bệnh viện Đức Giang tiến hành sàng lọc toàn bộ nhân viên do ghi nhận ca dương tính là một bảo vệ của bệnh viện ngày 13/6.

Bệnh viện Đức Giang (Long Biên, Hà Nội) cũng tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 15/6 đến ngày 20/6.

(Theo Dân Việt)

Đôi nam nữ bỏ trốn khỏi khu cách ly sau 1 ngày được đưa vào

Chiều 15/6, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, có 2 trường hợp trốn cách ly tập trung tại Trung đoàn Bộ binh 896.

Cụ thể, 2 trường hợp trên là ông N.M.Q. (29 tuổi) và bà N.T.M. (28 tuổi), cả hai cùng ngụ tại ấp Xóm Mới, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, đã trở lại khu cách ly tập trung tại Trung đoàn Bộ binh 896 (TP Cà Mau, Cà Mau).

Trước đó, vào tối 14/6, cả hai Q. và M. đi ô tô từ vùng có dịch Covid-19 (phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM) về Cà Mau. Điểm chốt phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung tại Trung đoàn BB 896 tỉnh Cà Mau.

Tuy nhiên, khoảng 7h10 ngày 15/6, cả 2 trường hợp trên lái xe trốn khỏi khu cách ly tập trung.

Sau khi được gia đình động viên, trưa cùng ngày, Q. và M. quay lại Trung đoàn Bộ binh 896 tỉnh Cà Mau tiếp tục thực hiện cách ly tập trung theo quy định.

Đối với chiếc ô tô (xe thuê) được tiến hành phun xịt khử khuẩn và bàn giao lại cho chủ xe.

Hiện vụ việc đã được Sở Y tế tỉnh Cà Mau báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền.

Đội phản ứng nhanh BV Chợ Rẫy từ Bắc Giang trở về TP.HCM chống dịch

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, đội phản ứng nhanh của bệnh viện hỗ trợ chống dịch tại Bắc Giang đã hoàn thành nhiệm vụ vừa trở về TP.HCM để chống dịch, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng trên địa bàn.

Trước đó, vào ngày 26/5, 13 thành viên đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường chi viện cho “tâm dịch” Bắc Giang giúp thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) tại bệnh viện Phổi Bắc Giang điều trị những bệnh nhân mắc Covid-19 chuyển biến nặng.

Được biết, đến thời điểm này, sự chung tay của toàn thể y bác sĩ, nhân viên y tế tại Bắc Giang cùng đội ngũ chi viện đến từ mọi miền đất nước, tình hình dịch bệnh tại Bắc Giang về cơ bản đã được kiểm soát.

Trong khi đó, dịch bệnh tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp, số bệnh nhân tiếp tục gia tăng và số lượng bệnh nhân nặng ngày càng nhiều, rất cần đến những lực lượng điều trị có kinh nghiệm hỗ trợ.

Sau khi về đến bệnh viện, 13 thành viên của Đội phản ứng nhanh đã được bố trí ở lại tại Khoa điều trị theo yêu cầu. Đồng thời được xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe trước khi nhận các nhiệm vụ tại TP.HCM.

Trước đó, trong buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, bệnh viện Chợ Rẫy đã lên phương án dự phòng tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân mắc Covid-19. Cụ thể, bệnh viện có phương án lấy nguyên một dãy nhà, khoảng 270 giường điều trị, phân luồng di chuyển những trường hợp này.

Bệnh viện cũng tham gia kế hoạch ứng phó dịch Covid-19 cùng Sở Y tế TP.HCM với 40 giường hồi sức. Hiện bệnh viện Chợ Rẫy đang điều trị cho 3 bệnh nhân Covid-19 nặng.

(Theo Báo Giao Thông)

Cô gái làm nghề uốn tóc dương tính, khẩn tìm người đến quán bia, chợ, siêu thị

Ca mắc COVID-19 đầu tiên ở TP Vinh là N.T.M. (22 tuổi, làm nghề uốn tóc), có địa chỉ thường trú ở xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh); tạm trú tại ngõ 207 đường Hà Huy Tập, phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An.

Đây là F1 của BN10192 (liên quan ổ dịch ghi nhận tại điểm tắm công cộng biển Xuân Hải, Lộc Hà).

Qua truy vết, ca nhiễm có lịch trình di chuyển phức tạp, chưa khai báo đầy đủ. Ngành y tế địa phương phát đi thông báo khẩn tìm người tiếp xúc với ca mắc này các địa điểm sau:

- Quán bia Hải Quế (cạnh hồ Goong), đối diện số 54, đường Phan Đăng Lưu, TP Vinh từ 19h ngày 5/6 đến 0h30 ngày 6/6.

- Quán tạp hóa Bà Hưởng trên đường Nguyễn Năng Tĩnh (đối diện chợ Phong Toàn, Hà Huy Tập) từ 10h đến 10h30 ngày 6/6.

- Chợ Vinh, khu vực các ki-ốt bán đồ hải sản và chợ rau, ở vị trí đường Cao Thắng rẽ phải sang đường Hồng Sơn từ 16h30 đến 17h30 ngày 6/6.

- Quán bún gia truyền Bà Lộc, số 208 Nguyễn Sỹ Sách, TP Vinh từ 7h đến 8h30 ngày 7/6.

- Quán Mận Quán, số 32 Hà Huy Tập và cây rút tiền BIDV, số 30 Hà Huy Tập từ 13h đến 14h ngày 7/6.

- Siêu thị Vinmart, số 70 Hà Huy Tập và chợ Cầu - Hà Huy Tập từ 16h30 đến 17h30 ngày 10/6.

- Quán tạp hóa nằm bên đường giao nhau giữa đường Nguyễn Năng Tĩnh – Lý Tự Trọng và chợ Phong Toàn từ 17h30 đến 18h30 ngày 10/6.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Nghệ An yêu cầu tất cả người dân đã đến các địa điểm trên cần nhanh chóng khai báo y tế để được hỗ trợ và lấy mẫu xét nghiệm.

Hiện, ngành y tế Nghệ An đã phong toả 8 khối thuộc phường Hà Huy Tập theo Chỉ thị 16 để khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm hơn 6.000 người dân, phun khử hóa chất và tiến hành truy vết dịch tễ.

Liên quan tới ca nhiễm, Công an TP Vinh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại điều 240, Bộ luật Hình sự, xảy ra tháng 6/2021, tại TP Vinh.

(Theo Tiền Phong)

Bộ Y tế: Không được để tình trạng tự đổi người vào chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện

Ngày 15/6, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê vừa có công văn về việc tăng cường sàng lọc và quản lý người đến bệnh viện. 

Từ ngày 28/4 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến vô cùng nghiêm trọng, lây lan 39 tỉnh, thành phố trong nước. Nhiều bệnh viện đã có người bệnh mắc COVID-19 đến khám, chữa bệnh; có những bệnh viện đã phải phong tỏa, gây hậu quả lớn.

Trong đợt dịch này, một số bệnh viện đã thực hiện đúng các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh biểu dương Sở Y tế TP. HCM đã tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và một số bệnh viện trên địa bàn TP. HCM đã làm tốt công tác sàng lọc, phân luồng, cách lỵ, xét nghiệm... người đến bệnh viện, kịp thời phát hiện ca bệnh COVID-19, không để lây nhiễm trong bệnh viện, giữ vững bệnh viện an toàn.

COVID-19 15/6: Hai bà cháu bị tai nạn giao thông, phát hiện dương tính SARS-CoV-2 - 2

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế quản lý chặt chẽ người nhà người bệnh vào chăm sóc (nếu được cho phép).

Nhằm tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 trong bệnh viện, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo trong Công điện số 615/CĐ-BYT ngày 7/5 của Bộ Y tế, Công điện số 628/CĐ-BCĐQG ngày 10/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Tăng cường đánh giá thường xuyên và khắc phục ngay các nguy cơ theo Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn đã được Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020.

Cùng đó, yêu cầu tập trung rà soát và củng cố, siết chặt khâu sàng lọc, phân luồng, cách ly, xét nghiệm người vào bệnh viện cũng được Cục Quản lý khám chữa bệnh đưa ra. 

"Không cho phép người thăm (hoặc hạn chế tối đa); quản lý chặt chẽ người nhà người bệnh vào chăm sóc (nếu được cho phép) bằng các biện pháp như nhận diện vân tay hoặc gắn vòng đeo tay không tháo rời được..., bảo đảm không để tình trạng tự đổi người chăm sóc hiện vẫn xảy ra tại một số bệnh viện" - PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, nhấn mạnh tại Công văn.

(Theo Gia đình và Xã hội)

TP.HCM: Quận Gò Vấp gỡ phong tỏa 2 con hẻm liên quan chuỗi lây nhiễm quán bánh canh ở quận 3 và nhóm truyền giáo Phục Hưng

Ngày 15/6, hẻm 80/12 và hẻm 80/59 đường Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp được gỡ bỏ phong tỏa sau 19 ngày cách ly và các mẫu xét nghiệm của người dân ở đây đều âm tính với SARS-CoV-2.

Trước đó, hẻm 80/12 bị phong tỏa do có ca nhiễm COVID-19 liên quan đến chuỗi lây nhiễm quán bánh canh ở Quận 3. Hẻm 80/59 có ca nhiễm liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng. 

COVID-19 15/6: Hai bà cháu bị tai nạn giao thông, phát hiện dương tính SARS-CoV-2 - 3

10 giờ 30 phút ngày 15/6, đại diện UBND phường 5, quận Gò Vấp thông báo gỡ phong tỏa hai con hẻm 80/12 và 80/59 Dương Quảng Hàm. Chính quyền địa phương tiếp tục khuyến cáo đến người dân hạn chế ra đường, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Bệnh viện Đức Giang dừng tiếp nhận bệnh nhân

Bệnh viện đa khoa Đức Giang tạm thời không tiếp nhận khám, điều trị bệnh nhân từ ngày 15 đến 20/6.

Hiện bệnh viện đang tiếp tục điều tra, truy vết, rà soát và lấy mẫu xét nghiệm tổng thể nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hiện có tại đây sau khi phát hiện 2 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Riêng đối với người bệnh đang chạy thận nhân tạo Bệnh viện vẫn tiếp nhận bình thường. Người bệnh mang thẻ qua cổng khai báo y tế và đảm bảo giữ khoảng cách, phòng hộ cá nhân.

Trước đó, Bệnh viện đa khoa Đức Giang phát hiện 2 ca dương tính SARS-CoV-2 gồm một trường hợp là nhân viên phòng Tài chính kế toán của bệnh viện tên là H.Q.H (nam, sinh năm 1992, địa chỉ ở N03 khu đô thị mới Sài Đồng, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội).

Trường hợp thứ 2 là ông L.V.C (sinh năm 1967, có địa chỉ tại ngõ 52 Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên). Ông C có dấu hiệu đau họng, ho, sốt nhẹ, người mệt mỏi từ ngày 3-6. Kết quả xét nghiệm vào sáng 13/6, dương tính với SARS-CoV-2.

Bộ Y tế yêu cầu thực hiện giãn cách nghiêm tại các khu vực ổ dịch

Bộ Y tế cho biết, đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4/2021 đến nay đã ghi nhận 7.668 trường hợp, 1.837 trường hợp khỏi bệnh; 26 trường hợp tử vong.

Có 23 tỉnh Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh) đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 4 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, 14 tỉnh chưa qua 14 ngày. So với tuần trước đó (02-07/6/2021), số mắc mới trong nước giảm.

Bộ Y tế yêu cầu áp dụng việc phong tỏa, giãn cách nghiêm tại các khu vực ổ dịch theo điều tra dịch tễ và xem xét mở rộng trên cơ sở đánh giá nguy cơ theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Siết chặt công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp trên cả nước ngay cả những địa phương chưa có dịch, Đối với các tỉnh có dịch phải rà soát an toàn COVID tại các nhà máy, xí nghiệp, bảo đảm không để đứt gãy sản xuất, cung ứng tại các nhà máy, xí nghiệp lớn.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch như: cập nhật thông tin antoancovid.vn, khai báo y tế điện tử, hệ thống camera giám sát…

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục bám sát và đôn đốc các đơn vị cung cấp thực hiện bàn giao vắc xin phòng COVID-19 theo tiến độ đã cam kết; thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước; hoàn thiện kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ. 

(Theo Tiền Phong)

Vợ chồng về từ Bình Dương lây nhiễm COVID-19: Công an Hà Tĩnh nói gì?

Ngày 4/6, Hà Tĩnh ghi nhận hai ca mắc COVID-19 đầu tiên gồm: vợ chồng ông N.V.M. (SN 1965), bà N.T.H. (SN 1969, thường trú tại Dĩ An, Bình Dương), trở về quê Hà Tĩnh vào ngày 30/5.

Sau khi phát hiện hai ca bệnh này, đến nay Hà Tĩnh có 63 người nhiễm COVID-19. Nhiều địa phương bị phong tỏa, thực hiện cách ly y tế để phòng dịch.

Liên quan đến sự việc làm lây lan dịch bệnh tại Hà Tĩnh, lãnh đạo Công an tỉnh cho biết, đơn vị đang vào cuộc điều tra. Hiện chưa đủ chứng cứ để xem xét hình sự đối với hai bệnh nhân trên.

COVID-19 15/6: Hai bà cháu bị tai nạn giao thông, phát hiện dương tính SARS-CoV-2 - 4

“Cặp vợ chồng này chúng tôi đang thu thập tài liệu. Hiện tại chưa đủ chứng cứ để xem xét xử lý hình sự.Và đến thời điểm này chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm chứ không phải không xử lý”, lãnh đạo công an tỉnh Hà Tĩnh nói.

Vị lãnh đạo thông tin thêm, đến thời điểm hiện tại, tài liệu chứng cứ liên quan đến việc này là chưa đủ, chưa có dấu hiệu hình sự nên công an chưa khởi tố.

“Ví dụ như vụ việc ở Công an huyện Hương Sơn có dấu hiệu hình sự thì chúng tôi đã cho khởi tố rồi”, lãnh đạo công an tỉnh cho hay.

Tiền Phong đã đưa tin, ngày 30/5, vợ chồng ông N.V.M., bà N.T.H. từ Bình Dương trở về Hà Tĩnh.

Khi về tại Hà Tĩnh, vợ chồng ông có vào nhà người thân ở huyện Thạch Hà để chơi. Sau đó về tại nhà ở thôn Đoài Thịnh, xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh). Ngày 1/6, vợ chồng ông M. đến tại Trạm Y tế xã Thạch Trung để khai báo y tế. Tại đây, ông M. ký vào bản cam kết thực hiện cách ly y tế tại nhà. Tuy nhiên, ngành chức năng sau đó xác định vợ chồng ông M. không thuộc diện cách ly y tế. Mẫu cam kết thực hiện cách ly y tế tại nhà là do đưa “nhầm”.

Thời gian khi chưa công bố phát bệnh, vợ chồng ông M. đến nhiều địa điểm khác nhau. Trong đó đến tại bãi tắm Lộc Hà, nơi này ngành y tế Hà Tĩnh xác định là ổ dịch lây cho nhiều người.

(Theo Tiền Phong)

TP HCM tha thiết xin Thủ tướng được chủ động tìm nguồn vắc-xin Covid-19

UBND TP HCM vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 cho TP.

Theo đó, UBND TP HCM xin kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn TP được chủ động đàm phán tìm nguồn vắc-xin từ các nhà sản xuất, phân phối có uy tín trên thế giới, được nhập khẩu hoặc thuê các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc-xin để nhập khẩu vắc-xin phòng COVID-19 về Việt Nam.

Việc triển khai tiêm chủng đối với nguồn vắc-xin phòng COVID-19 do doanh nghiệp tự nhập khẩu hoặc thuê nhập khẩu.

Sau khi vắc-xin được Bộ Y tế cấp phép, nhập khẩu về Việt Nam và được kiểm định đảm bảo chất lượng, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được ký hợp đồng thuê các đơn vị có chức năng tiêm chủng triển khai việc tiêm vắc-xin cho toàn thể cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, chất lượng, giá dịch vụ tiêm chủng theo hợp đồng thỏa thuận giữa doanh nghiệp và đơn vị tiêm chủng.

COVID-19 15/6: Hai bà cháu bị tai nạn giao thông, phát hiện dương tính SARS-CoV-2 - 5

Hiện nay, TP HCM mới nhận được 140.000 liều vắc-xin phòng COVID-19.

Nêu lý do cho những kiến nghị, đề xuất trên, UBND TP HCM cho biết hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca bệnh ngày càng tăng với sự xuất hiện và lây nhiễm mạnh của các biến chủng virus SARS-CoV-2 của Anh, Ấn Độ. TP HCM đã huy động nhiều nguồn lực tham gia chống dịch, từ nhân viên y tế cho đến lực lượng của chính quyền địa phương, cơ quan ban ngành và cộng đồng.

Hiện nay, TP HCM có trên 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên; số công nhân và người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, tập đoàn trong các khu công nghiệp là rất lớn với trên 1,6 triệu người.

Tuy nhiên đến nay TP HCM mới nhận được 140.000 liều vắc-xin phòng COVID-19 và triển khai tiêm phòng được 64.366 người được tiêm 1 mũi và 10.179 người tiêm đủ 2 mũi.

Để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng với trên 70% dân số TP HCM được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trong thời gian sớm nhất thì việc mua vắc-xin phòng Covid-19 là vấn đề cấp bách.

Nhất là việc chủ động tìm nguồn vắc-xin rất phù hợp với chủ trương về xã hội hóa trong việc mua, nhập khẩu và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ tại Công văn số 50/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết số 21/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19.

Cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Thông báo số 137/2021 của Văn phòng Chính phủ với tinh thần "chống dịch như chống giặc", "tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng, đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, nhanh chóng dập dịch, ổn định tình hình và khôi phục sản xuất, kinh doanh"; "quyết liệt hơn nữa trong triển khai Chiến lược vắc-xin tổng thể, toàn diện, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ tiếp cận các nguồn cung vắc-xin đa dạng thông qua các biện pháp ngoại giao, kinh tế, quần chúng và các biện pháp đặc biệt khác", "đẩy nhanh hơn nữa việc tìm nguồn, mua vắc-xin".

Cuối tờ trình, UBND TP HCM kính mong Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ TP trong việc này.

(Theo Người Lao Động)

Bình Dương: TX. Tân Uyên giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sau khi phát hiện chuỗi 14 ca dương tính SARS-CoV-2

Sáng 15/6, TX. Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) đã ban hành văn bản thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thị xã theo Chỉ thị 16. Cơ quan chức năng cũng đang tiến hành phong tỏa cách ly phường Tân Phước Khánh và một số điểm ở phường Tân Vĩnh Hiệp, đồng thời khẩn trương truy vết F1, F2, thực hiện các biện pháp khoanh vùng dập dịch.

Trước đó, ngày 12/6, tỉnh Bình Dương ghi nhận 1 nam nhân viên bán trà sữa dương tính với SARS-CoV-2 (BN10584). Đến chiều ngày 13/6, tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp vợ của nam nhân viên này cũng dương tính. Người vợ (BN10585) làm điều dưỡng ở Phòng khám Đa khoa Châu Thành, đường Phạm Ngọc Thạch, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Hai vợ chồng sinh sống tại tổ 2, khu phố Khánh Hội, phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương.  Liên quan đến 2 ca bệnh này, cơ quan y tế đã lấy mẫu xét nghiệm khoảng 470 mẫu, kết quả phát hiện thêm nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2. Cụ thể, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, 11 trường hợp F1 là người thân của BN10584 và BN10585 cư trú tại tại tổ 2, khu phố Khánh Hội, phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên và 1 trường hợp F1 ở ấp Vĩnh An, phường Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào tối 14/6.

Trong số 12 trường hợp kể trên có 2 trường hợp là công nhân Công ty Việt Nam Housewares ở đường Bình Chuẩn 62, khu phố Bình Phước B, phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An; 1 công nhân Công ty giày Kim Xương ở đường Đại Đăng 2, Khu công nghiệp Đại Đăng, phường Phú Tân, thành phố Thủ Dầu Một; 1 công nhân của Xí nghiệp xử lý chất thải Bình Dương (thuộc Biwase) và 1 trường hợp là công nhân Công ty Gốm sứ Ly Hoa Anh, Tân Vĩnh Hiệp.

Ngành y tế đang khẩn trương điều tra dịch tễ và truy vết các trường hợp F1, F2 liên quan đến các ca dương tính với SARS-CoV-2, tiến hành phun khử khuẩn và cách ly y tế tạm thời các địa điểm dịch tễ có liên quan.

Từ nay đến 20/6, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều chưa tiếp nhận khám, chữa bệnh trở lại

Như Báo Gia đình & Xã hội đã đưa tin, trưa 14/6, Bộ Y tế đã ra Quyết định kết thúc thời gian cách ly y tế tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều sau 38 ngày cơ sở này phải đóng cửa (chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu) để phòng dịch COVID-19.

Tuy nhiên để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh được triển khai trong điều kiện an toàn với chất lượng tốt nhất, Bệnh viện đang tiếp tục thực hiện công tác phun khử khuẩn, tổng vệ sinh và lên phương án, kế hoạch cụ thể, sẵn sàng hoạt động trở lại tiếp nhận người bệnh trong thời gian tới.

Lãnh đạo Bệnh viện K cho biết sau khi được gỡ phong toả đến hết tuần này (20/6), Bệnh viện K cơ sở Tân Triều chưa tiếp nhận khám, chữa bệnh trừ trường hợp cấp cứu đã liên hệ trước với bệnh viện.

Người bệnh có nhu cầu khám, điều trị đến liên hệ đặt lịch qua hotline cơ sở 9A - 9B Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp, Bệnh viện K theo số hotline 1900886684.

Trước khi bị phong toả, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện K có hơn 14.000 lượt bệnh nhân khám, điều trị nội trú và ngoại trú ở cả 3 cơ sở.

Ngày 7/5, sau khi phát hiện chùm ca bệnh ở Khoa Ngoại Gan - Mật - Tuỵ mắc COVID-19, Bộ Y tế quyết định phong toả cơ sở 3 của Bệnh viện K để phòng dịch. Cùng ngày, lãnh đạo Bệnh viện K cũng quyết định cách ly y tế 3 cơ sở của bệnh viện. Với cơ sở 1, 2, đã được mở cửa trở lại từ hôm 24/5 do không phát hiện ca mắc COVID-19 tại đây.

(Theo Gia đình và Xã hội)

Những dịch vụ nào ở Cần Thơ tạm dừng hoạt động từ 0h ngày 16/6?

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu từ 0h ngày 16/6, tạm dừng các sự kiện văn hóa, thể dục thể thao có tập trung đông người và tạm đình chỉ hoạt động các tụ điểm vui chơi, giải trí, rạp chiếu phim, phòng tập thể hình, hồ bơi, võ thuật, bi-da, yoga, zumba; các cơ sở làm đẹp như thẩm mỹ viện, xăm hình, chăm sóc da..., các dịch vụ xông hơi, cơ sở bấm huyệt, vật lý trị liệu.

Đối với các cơ sở kinh doanh quán ăn, quán cà phê, quán trà sữa khuyến khích hình thức bán hàng mang đi, hạn chế tập trung tại chỗ.

COVID-19 15/6: Hai bà cháu bị tai nạn giao thông, phát hiện dương tính SARS-CoV-2 - 6

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ yêu cầu đối với trường hợp về từ địa phương có dịch nhưng không phải vùng tâm dịch thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại chỗ.

Người đứng đầu UBND thành phố Cần Thơ giao Giám đốc Sở y tế, chuẩn bị mọi điều kiện để kích hoạt bệnh viện dã chiến 100 giường ngay khi có yêu cầu. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại các bệnh viện, cơ sở y tế công lập và ngoài công cộng, kiên quyết không để xuất hiện trường hợp lây nhiểm từ bên ngoài vào bệnh viện.

Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm về an ninh chính trị, trật tự ATGT, đặc biệt là hành vi khai bảo y tế gian dối, trốn kiểm soát...

Đối với các quận, huyện, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu thực hiện cách lý theo quy định đối với người từ các địa phương (từ vùng tâm dịch) trở về. Trường hợp về từ địa phương có dịch nhưng không phải vùng tâm dịch thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại chỗ.

“Tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế không được ra khỏi thành phố”, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị.

(Theo Báo Giao Thông)

Xử lý thế nào khi phát hiện có ca F0 tại tòa nhà văn phòng?

Cũng theo HCDC, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TPHCM đang gia tăng. Đặc biệt, trong các trường hợp nhiễm mới có những trường hợp khi phát hiện đã có tình trạng lây nhiễm giữa người làm việc chung tại các công ty, tòa nhà văn phòng.

Theo HCDC, khi gặp tình huống có ca bệnh COVID-19 xuất hiện tại công ty, tòa nhà văn phòng, điều đầu tiên là phải điều tra xác định người tiếp xúc với ca bệnh qua khai thác thông tin lịch trình làm việc của ca bệnh; lập danh sách người tiếp xúc qua truy xuất camera và các biện pháp điều tra dịch tễ khác. Đồng thời, phải phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ tòa nhà. Người lao động sẽ được trở lại làm việc khi cách ly đủ thời gian quy định và phải có xét nghiệm âm tính.

Đối với trường hợp tiếp xúc gần (F1 gần) là người cùng làm với F0 hoặc có tiếp xúc dưới 2 m với F0. Những trường hợp này sẽ phải cách ly tập trung 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm 5 lần vào ngày 1,5,10,15,20.

Trường hợp tiếp xúc xa/nguy cơ thấp (F1 xa), người làm cùng tòa nhà văn phòng cùng thời gian với F0. Những trường hợp này sẽ phải cách ly tại nhà 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm 3 lần vào các ngày 1,5,14.

Người tiếp xúc với các F1 nguy cơ cao (F2) sẽ phải cách ly tại nhà kể từ ngày tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần: ngày 1 và ngày 5.

“Để làm giảm nguy cơ lây nhiễm tại các tòa nhà, các công ty, văn phòng thực hiện các biện pháp sau: Tăng cường lưu thông không khí ngoài trời càng nhiều càng tốt bằng cách mở cửa sổ và cửa ra vào và sử dụng quạt tại phòng làm việc, phòng họp; Không tập trung quá 10 người trong 1 phòng làm việc; Luôn mang khẩu trang trong quá trình làm việc, hội họp; Tăng cường công tác vệ sinh khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc; Thực hiện khai báo y tế theo quy định, lập sẵn danh sách tất cả nhân viên, người lao động để thuận lợi trong truy vết phòng chống dịch.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng chống dịch đến tất cả nhân viên tại nơi làm việc như quản lý, nhân viên, nhân viên vệ sinh và nhân viên bảo trì. Bố trí xen kẽ các ca làm việc, thời gian bắt đầu và thời gian nghỉ để giảm số lượng nhân viên trong các khu vực chung. Đẩy mạnh họp trực tuyến, hạn chế các cuộc họp không cần thiết” – HCDC khuyến cáo.

(Theo Tiền Phong)

BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cảnh báo lừa đảo kêu gọi ủng hộ bệnh viện

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, trong những ngày gần đây, đặc biệt từ thời điểm bệnh viện có những nhân viên y tế mắc COVID-19 và bị phong tỏa, có nhiều nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay có một số trang mạng xã hội với danh nghĩa ủng hộ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, ủng hộ tuyến đầu chống dịch nhưng sử dụng tài khoản cá nhân của họ để kêu gọi quyên góp tiền, hiện vật… đã được công an phát hiện là lừa đảo. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới khuyến cáo đến các nhà hảo tâm cẩn thận trước các thủ đoạn nói trên.

Để hạn chế bị kẻ xấu lợi dụng lòng tin để trục lợi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc kêu gọi từ thiện, người dân, nhà hảo tâm cần thận trọng khi chọn nơi để đóng góp từ thiện. Nhà nước khuyến khích đóng góp từ thiện bằng cách tham gia các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan công an để kịp thời xử lý.

COVID-19 15/6: Hai bà cháu bị tai nạn giao thông, phát hiện dương tính SARS-CoV-2 - 7

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp nhận tài trợ về vật phẩm đồ dùng, chỉ thông qua đầu mối duy nhất là Phòng Công tác xã hội. Ảnh: Kim Vân

Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, nếu tiếp nhận tài trợ về vật phẩm đồ dùng, chỉ thông qua đầu mối duy nhất là Phòng Công tác xã hội - số điện thoại (028) 3924 2661 hoặc bà Nguyễn Thị Lệ Hồng – Trưởng phòng Công tác xã hội, số điện thoại 0888 074 889.

Ngoài ra, Bệnh viện chỉ được phép nhận hỗ trợ tiền, thiết bị thông qua các cơ quan được phép như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam.

Theo đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, hiện mọi việc trong bệnh viện đều ổn định, chưa phát hiện thêm ca dương mới trong các nhân viên y tế. 

Tính đến ngày 14/6, Bệnh viện xét nghiệm Real-time RT-PCR cho toàn bộ nhân viên, kết quả xác định có tất cả 55 ca dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra, kết quả tầm soát 107 F1 là thành viên gia đình của các ca này phát hiện 7 trường hợp mắc COVID-19. 

Hiện tất cả 55 nhân viên mắc COVID-19 đang được cách ly điều trị tại khoa nhiễm A-D, hoàn toàn không có triệu chứng bất thường. Bên cạnh đó, bệnh viện đang có 126 trường hợp mắc COVID-19 điều trị, trong đó có 18 ca nguy kịch.

(Theo Gia đình và Xã hội)

Nhân viên uốn sấy tóc dương tính COVID-19 đi nhiều nơi, khai báo chưa trung thực
Qua xác định ban đầu cho thấy, bệnh nhân đi rất nhiều nơi, có mối quan hệ phức tạp và khai báo chưa trung thực.
KHAI TÂM (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h