COVID-19 16/4: Vì sao chuyên gia TQ khuyên dân cẩn thận khi nhận hàng chuyển phát nhanh?

H.A - Ngày 16/04/2022 12:10 PM (GMT+7)

Vào thời điểm nhiều thành phố của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khả năng lây truyền virus từ đồ vật sang người đang trở thành tâm điểm chú ý của người dân. Nhiều thành phố ở Trung Quốc ghi nhận các ca nhiễm ở nhân viên bưu điện và chuyển

7 diễn biến

Covid-19 ở TQ: Vì sao chuyên gia khuyên dân cẩn thận khi nhận hàng chuyển phát nhanh?

Yu Chuanhua - giáo sư dịch tễ học và thống kê y tế tại Đại học Vũ Hán (Trung Quốc) - cho biết, nhiệt độ thấp, độ ẩm hay một môi trường nhất định có thể tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 tồn tại lâu hơn. Virus của biến thể Omicron có thể tồn tại trên các bề mặt của vật thể nhẵn như thủy tinh, thép không gỉ hay nhựa trong vài ngày hoặc vài tuần sau khi phát hiện lây nhiễm. 

Nhiều chuyên gia khác cũng ủng hộ tuyên bố của giáo sư Yu. "Biến thể Omicron có thể tồn tại bên ngoài cơ thể người trong khoảng 72 tiếng", một chuyên gia dịch tễ học giấu tên chia sẻ với Thời báo Hoàn cầu hôm 14/4. 

Nhiều thành phố ở Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm Covid-19 là nhân viên bưu điện và nhân viên chuyển phát nhanh. Ảnh: VCG

Nhiều thành phố ở Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm Covid-19 là nhân viên bưu điện và nhân viên chuyển phát nhanh. Ảnh: VCG

Hôm 13/4, 7 nhân viên chuyển phát nhanh tại một đơn vị hậu cần ở thành phố Thái Nguyên, thủ phủ của tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc, dương tính với Covid-19 . Thành phố Sóc Châu, tỉnh Sơn Tây, cũng ghi nhận một trường hợp dương tính là nhân viên chuyển phát nhanh. Cùng ngày, tất cả dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh trên địa bàn tỉnh Sơn Tây phải tạm dừng hoạt động. 

Đêm 13/4, Cục Quản lý bưu điện Sơn Tây yêu cầu các dịch vụ chuyển phát nhanh không liên quan đến chuỗi lây lan hoạt động trở lại. 

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc ghi nhận các trường hợp nhiễm Covid-19 là nhân viên chuyển phát nhanh. Vào tháng 3, hàng chục ca mắc Covid-19 là công nhân vận chuyển và nhân viên chuyển phát nhanh ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc. Nguồn lây của ổ dịch này được cho là từ các bưu kiện gửi về từ nước ngoài. 

Cũng trong tháng 3, các thành phố như Thượng Hải, Kim Hoa, Vũ Hán, Thạch Gia Trang... đều ghi nhận các ca nhiễm là nhân viên bưu điện và nhân viên chuyển phát nhanh. 

Kể từ khi có dịch bệnh, Trung Quốc đã áp dụng quy định rất nghiêm ngặt đối với các chuyến hàng chuyển phát nhanh, đặc biệt là các chuyến hàng xuyên biên giới. 

Để giảm thiểu lây nhiễm, Trung Quốc cho khử trùng các gói lô hàng gửi về từ nước ngoài, kéo dài thời gian giữ hàng trước khi chuyển phát, yêu cầu các nhân viên chuyển phát phải tiêm phòng, thường xuyên xét nghiệm và người nhận cũng phải xét nghiệm Covid-19 sau khi nhận hàng. 

Dù đã có các biện pháp nghiêm ngặt như vậy, nhưng Trung Quốc vẫn có các trường hợp lây nhiễm là nhân viên chuyển phát nhanh. Các nhà miễn dịch học cho rằng, các ổ dịch với nhân viên chuyển phát nhanh gần đây cho thấy khả năng virus tồn tại trên các bề mặt lâu hơn trước đây. 

Các chuyên gia khuyên người dân rằng, cách tốt nhất để tránh lây nhiễm từ nhân viên chuyển phát là hạn chế sử dụng chuyển phát nhanh trong thời điểm bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là giảm tiếp xúc trực tiếp với nhân viên chuyển phát từ các khu vực có nguy cơ cao. 

Với những món hàng đã nhận, các chuyên gia y tế khuyên rằng, người nhận nên để hàng ở một khu vực trong khoảng thời gian nhất định trước khi khử trùng và mở hàng.

Nguồn: http://danviet.vn/covid-19-o-tq-vi-sao-chuyen-gia-khuyen-dan-can-than-khi-nhan-hang-chu...

Kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở Hà Nội

Ngày 15/4, liên Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Theo đó, dự kiến có hơn 1 triệu trẻ thuộc diện tiêm chủng trong độ tuổi này; trong đó có hơn 157.000 trẻ thuộc khối mẫu giáo; 743.200 trẻ em thuộc khối tiểu học và hơn 102.100 trẻ em thuộc khối THCS (năm học 2021-2022). Ngoài ra, qua thống kê, có hơn 6.600 trẻ em trong độ tuổi từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, không đi học nhưng sinh sống trên địa bàn thành phố.

Theo kế hoạch liên ngành, việc Hà Nội triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tùy thuộc vào lượng vắc xin được Bộ Y tế cung ứng. Thủ đô phấn đấu 95% trẻ đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được tiêm đủ mũi vắc xin. Phạm vi triển khai thực hiện theo nguyên tắc triển khai đồng loạt toàn thành phố theo lộ trình hạ dần lứa tuổi (từ dưới 12-5 tuổi; tương đương từ khối lớp 6 tiêm trước, tiếp đó tiêm lần lượt từ khối 5 - khối 1 và cuối cùng đến trẻ 5 tuổi).

Việc tiêm được thực hiện cuốn chiếu theo phạm vi từng trường, sau đó tiêm tại cộng đồng cho trẻ chưa đi học, đảm bảo tiêm chủng đúng đối tượng, an toàn nhất, sớm nhất và nhanh nhất.

Ngoài ra, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế tại thời điểm triển khai tiêm chủng, sẽ có điều chỉnh, ưu tiên cụ thể cho từng địa phương nhằm đảm bảo tối ưu cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ. (Ảnh: Vũ Mạnh Cường).

Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ. (Ảnh: Vũ Mạnh Cường). 

Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã mắc COVID-19, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhóm trẻ này sẽ trì hoãn việc tiêm vắc xin Covid-19 trong 3 tháng sau khi mắc bệnh. Nghĩa là sau khi khỏi bệnh 3 tháng, trẻ sẽ được tiêm vắc xin.

Về hình thức tổ chức, Hà Nội tổ chức theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động.

3 địa điểm triển khai gồm:

- Địa điểm tiêm chính tại các điểm tiêm chủng lưu động ở trường học (bao gồm trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, mẫu giáo, trung tâm bảo trợ xã hội có nuôi dưỡng trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi...)

- Tiêm tại trạm y tế hoặc cơ sở y tế có đủ điều kiện tiêm chủng: Cho trẻ em sinh sống trên địa bàn nhưng học tại các trường học thuộc tỉnh khác, những trẻ không đi học và những đối tượng tạm miễn hoãn ở trường.

- Tiêm tại bệnh viện: Cho trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mãn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu,..; nghe tim phổi bất thường; phản vệ độ 3.

Trước đó, Hà Nội được phân bổ gần 73.000 liều vắc xin để ưu tiên tiêm cho trẻ lớp 6 (11 tuổi).

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, Thủ đô sẽ triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi kể từ ngày Chủ nhật (17/4) tới đây. Loại vắc-xin sẽ tiêm là Moderna.

Nguồn: http://danviet.vn/ke-hoach-tiem-vac-xin-covid-19-cho-tre-tu-5-den-duoi-12-tuoi-o-ha-noi...

Đối tượng nào sẽ được hỗ trợ kinh phí khám và tầm soát sức khoẻ hậu Covid-19?

Lãnh đạo LĐLĐ TP.HCM cho biết, tới đây Viện Y học dân tộc thành phố sẽ tầm soát sức khỏe cho người lao động. 500 lao động nữ từng nhiễm bệnh nặng, phải nhập viện được Bệnh viện phục hồi chức năng điều trị. Người lao động bị ảnh hưởng nặng được bố trí nghỉ dưỡng, tập luyện tại Nhà nghỉ khách sạn Thanh Đa.

Liên đoàn lao động TP.HCM (LĐLĐ) cho biết, tới đây sẽ hỗ trợ kinh phí, phối hợp các cơ sở y tế khám, tầm soát sức khỏe cho hơn 10.000 công nhân, lao động từng mắc Covid-19. Ảnh: DL

Liên đoàn lao động TP.HCM (LĐLĐ) cho biết, tới đây sẽ hỗ trợ kinh phí, phối hợp các cơ sở y tế khám, tầm soát sức khỏe cho hơn 10.000 công nhân, lao động từng mắc Covid-19. Ảnh: DL

Theo đó, các cơ sở y tế phối hợp sẽ hỗ trợ một phần chi phí, số còn lại do tổ chức công đoàn chi trả với kinh phí dự kiến hơn 4 tỷ đồng. 

Ở đợt bùng phát dịch lần thứ 4, có 110.000 lao động, công nhân của thành phố bị ảnh hưởng, trong đó sức khỏe nhiều người giảm sút do mắc Covid-19.

Ngoài chăm sóc sức khỏe cho người lao động, ở Tháng công nhân năm nay, các cấp công đoàn thành phố dự kiến chăm lo cho 200.000 người với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. 

Các hoạt động như bán hàng trợ giá, tặng sổ tiết kiệm cho công nhân bị tai nạn lao động, hỗ trợ quà, tiền mặt cho lao động khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, mất việc làm...

Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, các cấp công đoàn TP.HCM có nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động. Riêng dịp Tết vừa qua, đơn vị này chi hơn 700 tỷ đồng giúp đỡ công nhân khó khăn. Năm ngoái, đợt dịch thứ 4 bùng phát, LĐLĐ đã chi hơn 400 tỷ đồng giúp hơn 420.000 lao động bị dịch tác động.

Nguồn: https://danviet.vn/chuan-bi-kham-hau-covid-19-cho-hon-10000-nguoi-lao-dong-202204151632...

Lừa bán vé máy bay cho người dân về quê tránh dịch COVID-19 chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng

Ngày 16/4, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Nghệ An) và Công an thị xã Thái Hòa bắt giữ đối tượng Hồ Sơn Tùng (SN 1992, trú xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Đối tượng Tùng.

Đối tượng Tùng.

Khoảng tháng 3/2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp trên thế giới, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu trở về Việt Nam để tránh dịch. Tuy nhiên, do số lượng các chuyến bay và hành khách trên mỗi chuyến bị hạn nên công dân muốn trở về Việt Nam phải đăng ký và có sự bảo hộ của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước.

Lợi dụng điều đó, Tùng đã nảy sinh ý định thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài có nhu cầu về nước dưới hình thức mua, bán vé máy bay.

Để thực hiện hành vi của mình, Tùng sử dụng các tài khoản Facebook ảo do mình lập nên với danh nghĩa là người đã được về Việt Nam trong đại dịch và có ý muốn giúp đỡ, chia sẻ, hướng dẫn những người còn mắc kẹt ở nước ngoài những thủ tục, giấy tờ cần thiết để có thể về nước.

Thông qua các hội, nhóm Việt kiều trên Facebook, đối tượng đăng thông tin để tìm kiếm những công dân có nhu cầu về Việt Nam. Khi người có nhu cầu liên hệ, Tùng hướng dẫn họ gửi yêu cầu đến địa chỉ email giả danh là của Đại sứ quán Việt Nam mà Tùng đã lập sẵn.

Để tạo niềm tin cho nạn nhân, Tùng yêu cầu phải gửi kèm theo các hình ảnh, giấy tờ như hộ chiếu, giấy xác nhận đã tiêm vaccine, giấy xét nghiệm... Sau khoảng 1-2 ngày, Tùng sử dụng email giả mạo này trả lời cho công dân với nội dung đề nghị của họ đã được chấp thuận; đồng thời gửi kèm thông tin số điện thoại đăng ký tài khoản Zalo (do Tùng lập) để bị hại trực tiếp liên lạc và được tư vấn về lịch bay cũng như lịch trình di chuyển. Thông qua tài khoản Zalo này, Tùng hướng dẫn nạn nhân chuyển tiền để mua vé máy bay.

Sau khi bị hại tin tưởng, Tùng đề nghị bị hại chuyển tiền vào các số tài khoản của các công ty, cá nhân chuyên mua, bán các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính xách tay… Sau đó, đối tượng sẽ đặt mua các thiết bị điện tử tương ứng với số tiền mà các bị hại đã chuyển. Khi nhận được hàng là các thiết bị điện tử, Tùng tiếp tục lên các Fanpage rao bán để thu về tiền mặt.

Theo lời khai ban đầu, từ tháng 3/2021 đến thời điểm bị bắt giữ (13/4/2022), đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt của hơn 20 bị hại trên cả nước. Bước đầu, cơ quan Công an đã xác định, làm việc được với 2 bị hại với tổng số tiền bị Tùng chiếm đoạt là 147.000.000 đồng.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/lua-ban-ve-may-bay-cho-nguoi-dan-ve-que-tranh-dich-covid-19-c...

F1 không phải cách ly, tự theo dõi sức khỏe

Ngày 15/4, bộ Y tế đã ban hành văn bản về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 và biện pháp y tế đối với ca bệnh COVID-19 và người tiếp xúc gần (F1).

Theo bộ Y tế, ca bệnh COVID-19 nghi ngờ là một trong số các trường hợp sau:

Là người có yếu tố dịch tễ và có biểu hiện triệu chứng (sốt và ho hoặc có ít nhất 3 trong số các triệu chứng: sốt; ho; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; đau, nhức đầu; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; giảm hoặc mất khứu giác; giảm hoặc mất vị giác; buồn nôn; nôn; tiêu chảy; khó thở).

Là người có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2.

Là trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi nặng nghi do virus có chỉ định nhập viện.

Người có yếu tố dịch tễ bao gồm người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định, người có mặt trên các phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, sự kiện nơi làm việc, lớp học... với ca bệnh xác định đang trong thời kỳ lây truyền.

Ca bệnh COVID-19 (F0) xác định là một trong số các trường hợp sau:

Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR

Là người có triệu chứng lâm sàng và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với COVID-19.

Là người có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với COVID-19.

Người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau:

Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể...) với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền của F0.

Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 1 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với F0 đang trong thời kỳ lây truyền.

Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 1 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 đang trong thời kỳ lây truyền.

Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị F0 khi đang trong thời kỳ lây truyền định mà không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định.

F0, F1 đều thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định

Theo bộ Y tế tất cả các ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ), ca bệnh xác định (F0) đều thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm, cách ly, xét nghiệm, điều trị, chăm sóc theo quy định của bộ Y tế.

Đối với F1, trong vòng 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với F0 đang trong thời kỳ lây truyền, F1 phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp sau:

Bảo đảm biện pháp phòng tránh lây nhiễm: đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch/dung dịch sát khuẩn tay nhanh, hạn chế tiếp xúc gần với người khác, đặc biệt là tránh tiếp xúc người có nguy cơ cao, người mắc bệnh nặng; không dùng chung vật dụng trong sinh hoạt, làm việc, học tập; hạn chế đến những nơi tập trung đông người.

Tự theo dõi sức khỏe (đối với trẻ em, học sinh thì cha mẹ/người giám hộ/giáo viên theo dõi sức khỏe cho trẻ em, học sinh) khi có triệu chứng của bệnh sốt và ho; hoặc có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau: sốt; ho; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; đau, nhức đầu; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; giảm hoặc mất khứu giác; giảm hoặc mất vị giác; buồn nôn; nôn; tiêu chảy; khó thở) cần báo ngay cho cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.

Khi có kết quả dương tính với COVID-19 phải báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn, chăm sóc, điều trị và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm theo quy định.

Theo bộ Y tế, hướng dẫn mới này thay thế các hướng dẫn tại Công văn 11042 ngày 29/12/2021 và công văn 762 của bộ Y tế về các nội dung liên quan đến điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19, cách ly y tế đối với ca bệnh COVID-19 và các trường hợp tiếp xúc gần.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/f1-khong-phai-cach-ly-tu-theo-doi-suc-khoe-a534347.html

Thành phố Tây An, Trung Quốc bị phong tỏa một phần do COVID-19

Ngày 15/4, chính quyền thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây cho biết họ sẽ tạm phong tỏa một phần Tây An từ ngày 16 đến 19/4 do có hàng chục ca nhiễm COVID-19 được phát hiện ở đây. Trong thời gian này, việc đi lại của 13 triệu dân thành phố sẽ bị hạn chế.

Người dân xếp hàng để làm xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm ở huyện Tân Thành, thành phố Tây An. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Người dân xếp hàng để làm xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm ở huyện Tân Thành, thành phố Tây An. Ảnh: Tân Hoa Xã. 

Kể từ tháng 3/2022, Trung Quốc đại lục đã phải vật lộn với các đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất kể từ khi virus này xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán vào cuối năm 2019.

Mặc dù số ca nhiễm ở Trung Quốc chỉ ở mức vừa phải so với nhiều nước trên thế giới, đợt bùng phát dịch hiện nay đang gây áp lực rất lớn lên chính sách "zero COVID" của nước này.

Chính sách "zero COVID" chủ trương xét nghiệm diện rộng để không cho phép tồn tại ca dương tính nào mà không bị phát hiện. Từ đây, chuỗi lây nhiễm sẽ bị chặn đứng.

Tuy nhiên, các biện pháp phòng dịch cứng rắn của nhà chức trách đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và nền kinh tế địa phương, đồng thời gây khó khăn cho cuộc sống của người dân.

Nikkei nhận định, khó có khả năng Trung Quốc sớm gia nhập các quốc gia "chung sống với COVID-19". Điều này có thể tác động sâu sắc tới nền kinh tế, xã hội của Trung Quốc cũng như những tương tác của nước này với thế giới bên ngoài.

Theo ước tính gần đây của Đại học Hong Kong, Trung Quốc thiệt hại 295 tỉ nhân dân tệ (47 tỉ USD) mỗi tháng, tương đương 3,1% GDP do các hạn chế nghiêm ngặt về di chuyển xã hội. Báo cáo nhấn mạnh rằng "chi phí kinh tế của việc đóng cửa rõ ràng là lớn hơn chúng ta thấy ở các nước khác".

"Nếu chúng ta ngừng tất cả các biện pháp ngăn chặn ngay bây giờ có nghĩa là tất cả những nỗ lực trước đó chẳng có ích lợi gì", ông Liang Wannian, một quan chức hàng đầu của Ủy ban Y tế Quốc gia nhấn mạnh vào cuối tháng 3 khi trả lời câu hỏi của báo giới về lý do Trung Quốc không chuyển hướng sang điều trị COVID-19 như bệnh đặc hữu giống cúm.

Tuy nhiên, có thể thấy Trung Quốc đang có những điều chỉnh trong chính sách ứng phó với COVID-19, như các biện pháp ngăn chặn COVID-19 có mục tiêu hơn ở những khu vục dân cư có lây nhiễm, hạ thấp chuẩn nhập viện với bệnh nhân COVID-19. Chính phủ cũng giới thiệu bộ kháng nguyên nhanh cho tự xét nghiệm nhằm sớm phát hiện các ca bệnh.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/thanh-pho-tay-an-trung-quoc-bi-phong-toa-mot-phan-do-co...

Mối lo Omicron lùi dần, Hàn Quốc dỡ bỏ hầu hết hạn chế COVID-19

hính phủ Hàn quốc cho biết từ ngày 18/4, trừ quy định về bắt buộc đeo khẩu trang, tất cả các hạn chế liên quan đến phòng dịch COVID-19 bao gồm lệnh giới hạn về thời gian hoạt động và các giới hạn về tụ tập sẽ được dỡ bỏ.

Về tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19, cơ quan y tế Hàn Quốc cho số ca nhiễm mới trong ngày tại nước này liên tục giảm trong một tuần trở lại đây và tình hình đang chuyển biến tích cực. Tỷ lệ bao phủ tiêm chủng đối với các nhóm đối tượng, tỷ lệ ca bệnh nặng và tỷ lệ tử vong cũng được kiểm soát ổn định.

Như vậy, các hạn chế đang áp dụng hiện nay như giới hạn giờ kinh doanh của các nhà hàng, quán cà phê đến 24h, tụ tập riêng tư tối đa 10 người, sự kiện ngoài trời tối đa 299 người sẽ được xóa bỏ. Việc ăn uống tại các rạp chiếu phim, phòng biểu diễn sẽ được cho phép. Quy định đeo khẩu trang sẽ vẫn được áp đặt và chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét lại để đưa ra quyết định sau 2 tuần triển khai quy định mới.

“Đeo khẩu trang vẫn là một biện pháp phòng ngừa dịch bệnh rất quan trọng để bảo vệ chính chúng ta. Không thể tránh khỏi việc duy trì quy định đeo khẩu trang nơi công cộng trong một khoảng thời gian dài sắp tới", Thủ tướng Kim Boo-kyum phát biểu tại một cuộc họp ứng phó với virus coronavirus.

Số ca nhiễm coronavirus ở nước này dường như đã vượt qua đỉnh điểm sau khi dao động trên 620.000 ca mỗi ngày vào giữa tháng 3, số ca nhiễm hàng ngày giảm xuống dưới 150.000 vào ngày 14/4. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã công bố kế hoạch mở rộng việc triển khai tiêm thuốc tăng cường Covid-19 thứ hai cho những người trên 60 tuổi.

Với quyết định mới trên, Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực khôi phục cuộc sống trở lại bình thường nhằm thực hiện chiến lược trọng tâm là ngặn chặn suy thoái kinh tế trong nước, kết thúc 757 ngày thực hiện các biện pháp giãn cách vì đại dịch COVID-19. Được biết, Hàn Quốc bắt đầu áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 22/3/2020.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/moi-lo-omicron-lui-dan-han-quoc-do-bo-hau-het-han-che-c...

Điều kiện, mức hưởng, thủ tục hưởng BHXH một lần năm 2022
Khi tính mức hưởng BHXH một lần trong trường hợp thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 1 tháng đến 6 tháng được tính là nửa năm, từ 7 tháng đến 11...

Tin tức 24h

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19